HỌC HỎI ĐỂ SỐNG ĐẠO - THƯ BẢY SAU HIỂN LINH

Thứ Bảy sau Hiển Linh 12/1

 

HỌC HỎI- CẢM NGHIỆM SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA

 

Bài Ðọc I: 1 Ga 5, 14-21

"Chúa nhậm lời chúng ta kêu cầu".

Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

Các con thân mến, này là sự chúng ta tin tưởng nơi Chúa: là hễ chúng ta xin sự gì hợp ý Người, thì Người nhậm lời chúng ta. Và chúng ta biết Người nghe nhận mọi điều chúng ta xin, vì chúng ta biết rằng chúng ta có kêu cầu Người. Ai biết anh em mình phạm thứ tội không đưa tới sự chết, thì hãy cầu xin và Người sẽ ban sự sống cho kẻ phạm thứ tội đó. Có thứ tội đưa đến sự chết, tôi không bảo ai cầu xin cho người phạm tội ấy đâu. Mọi sự gian tà đều là tội, và có thứ tội đưa đến sự chết.

Chúng ta biết rằng ai sinh ra bởi Thiên Chúa, thì không phạm tội, chính sự sinh ra bởi Thiên Chúa gìn giữ họ, và ma quỷ không làm gì được họ. Chúng ta biết rằng chúng ta bởi Thiên Chúa mà ra, và toàn thể thế gian đều phục luỵ ma quỷ. Và chúng ta biết rằng Con Thiên Chúa đã đến và đã ban cho chúng ta ơn thông hiểu, để chúng ta nhận biết Chúa chân thật, và được ở trong Con chân thật của Người. Chính Ngài là Thiên Chúa chân thật và là sự sống đời đời. Các con thân mến, hãy giữ mình xa các tà thần.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 149, 1-2. 3-4. 5 và 6a và 9b

Ðáp: Chúa yêu thương dân Người (c. 4a).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, hãy vang lên lời khen ngợi trong công hội các tín đồ. Israel hãy vui mừng vì Ðấng tạo tác bản thân, con cái Sion hãy hân hoan vì vua của họ. - Ðáp.

2) Họ hãy hoà nhạc để ngợi khen Người, hãy hát mừng Người với cây đàn cầm, với trống con: bởi vì Chúa yêu thương dân Người, và ban cho kẻ khiêm nhường chiến thắng vẻ vang. - Ðáp.

3) Các tín đồ hãy mừng rỡ trong vinh quang, hãy hoan hỉ trong những nơi khu phố. Miệng họ hãy reo lên lời hoan hô Thiên Chúa. Ðó là vinh quang cho mọi tín đồ của Chúa. - Ðáp.

 

Alleluia: Dt 1, 1-2

Alleluia, alleluia. - Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã dùng các tiên tri mà phán dạy cha ông, nhưng đến thời sau hết, tức là trong những ngày này, Người đã phán dạy chúng ta nơi người Con. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 3, 22-30

"Bạn hữu của tân lang vui mừng vì tiếng nói của tân lang".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ Người đến đất Giuđêa. Người ở lại đó với họ và làm phép rửa. Cũng có Gioan làm phép rửa tại Ainon, gần Salim, vì ở đó có nhiều nước, và người ta đến để chịu rửa. Vì chưng, khi ấy Gioan chưa bị tống ngục. Xảy ra có cuộc tranh luận giữa các môn đệ của Gioan và người Do-thái về việc thanh tẩy. Họ đến cùng Gioan và nói với ông: "Thưa Thầy, người đã ở với Thầy bên kia sông Giođan, mà Thầy đã làm chứng cho, nay cũng làm phép rửa và ai nấy đều đến cùng người!" Gioan trả lời rằng: "Người ta không tiếp nhận gì mà không phải bởi trời ban cho. Chính các ngươi đã làm chứng cho tôi là tôi đã nói: Tôi không phải là Ðấng Kitô, nhưng tôi được sai đến trước Người. Ai cưới vợ, thì là người chồng, còn bạn hữu của tân lang đứng mà nghe tân lang nói thì vui mừng vì tiếng nói của tân lang. Vậy niềm vui của tôi như thế là đầy đủ. Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại".

Ðó là lời Chúa.


Image result for john 3, 22-30

 

Suy Nghiệm Lời Chúa

 

 

Ngày Thứ Bảy cuối Tuần Lễ Hiển Linh ngay trước Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa hôm nay, Bài Phúc Âm theo chủ đề "Lời ở cùng chúng ta" (Gioan 1;14) của chung Mùa Giáng Sinh, có liên hệ với Tiền Hô Gioan Tẩy Giả, Vị sẽ làm phép rửa cho Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm ngày mai, như Thánh ký Gioan Tông Đồ thuật lại như sau:

 

"Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ Người đến đất Giuđêa. Người ở lại đó với họ và làm phép rửa. Cũng có Gioan làm phép rửa tại Ainon, gần Salim, vì ở đó có nhiều nước, và người ta đến để chịu rửa. Vì chưng, khi ấy Gioan chưa bị tống ngục. Xảy ra có cuộc tranh luận giữa các môn đệ của Gioan và người Do-thái về việc thanh tẩy. Họ đến cùng Gioan và nói với ông: 'Thưa Thầy, người đã ở với Thầy bên kia sông Giođan, mà Thầy đã làm chứng cho, nay cũng làm phép rửa và ai nấy đều đến cùng người!' Gioan trả lời rằng: 'Người ta không tiếp nhận gì mà không phải bởi trời ban cho. Chính các ngươi đã làm chứng cho tôi là tôi đã nói: Tôi không phải là Ðấng Kitô, nhưng tôi được sai đến trước Người. Ai cưới vợ, thì là người chồng, còn bạn hữu của tân lang đứng mà nghe tân lang nói thì vui mừng vì tiếng nói của tân lang. Vậy niềm vui của tôi như thế là đầy đủ. Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại'".

 

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu không đóng vai chính như các bài phúc âm của những ngày trước, ngoài một chi tiết ở đầu bài Phúc Âm: "Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ Người đến đất Giuđêa. Người ở lại đó với họ và làm phép rửa". Tuy nhiên, qua chứng từ của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả trong cùng bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta thấy "Lời ở cùng chúng ta" như "là người chồng" mà Tiền Hô Gioan Tẩy Giả được đóng vai "bạn hữu của tân lang" đã cảm thấy hân hạnh và mãn nguyện lắm rồi: "niềm vui của tôi như thế là đầy đủ". 

 

Với chứng từ của mình, Vị Tiền Hô Gioan Tẩy Giả này đã: 1- tái xác nhận một lần nữa rằng ngài không phải là Đức Kitô Thiên Sai như Chúa Giêsu; 2- nên ngài chỉ đóng vai phụ, với tư cách là "bạn hữu của tân lang", chứ không thể át được vai chính tân lang; 3- và chính vì Người là Đấng Thiên Sai nên Người được dân chúng mộ mến tuốn đến với Người là phải: "Thưa Thầy, người đã ở với Thầy bên kia sông Giođan, mà Thầy đã làm chứng cho, nay cũng làm phép rửa và ai nấy đều đến cùng người!"; 4- ngài chẳng những không ghen tương theo tinh thần cạnh tranh mà còn phải hết sức vui mừng nữa: "đứng mà nghe tân lang nói thì vui mừng vì tiếng nói của tân lang. Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại".  

 

Ở chứng từ đặc biệt lần này, Tiền Hô Gioan Tẩy Giả đã thêm một hình ảnh rất tuyệt vời về "Lời đã hóa thành nhục thể và ở cùng chúng ta", liên quan đến mầu nhiệm nhập thể và giáng sinh của Người, đó là hình ảnh Người là một "tân lang", "là người chồng", một hình ảnh ám chỉ đến hai thực tại, thực tại thiên tính của Người nên một với nhân tính của Người, và thực tại Người là vị hôn phu của Giáo Hội nhiệm thể của Người.

 

Không phải "Lời ở cùng chúng ta" chỉ ở nơi Con Người Giêsu sống động trong xã hội Do Thái thời của Người, ở nơi việc Người giao tiếp với đủ mọi hạng người thời bấy giờ, ở nơi việc Người gắn bó với người nghèo và thành phần tội nhân vào lúc ấy v.v., mà còn ở chỗ chung nhân loại ở với Người nơi nhân tính của Người, một nhân tính đã chia sẻ với những nỗi yếu hèn của họ, một nhân tính đã gánh vác tội lỗi của họ, một nhân tính đã hy hiến mạng sống của mình làm giá chuộc họ và cho những ai tin vào Người thành nhiệm thể Giáo Hội của Người.

 

Chính vì "Lời ở cùng chúng ta" và nhờ đó chung nhân loại chúng ta và riêng nhiệm thể Giáo Hội của Người được dự phần với Người, được kiến thức thần linh như Người và với Người, tức là được sự sống đời đời là chính bản thân Người, đúng như những gì Thánh Gioan Tông Đồ đã viết trong Bài Đọc 1 hôm nay: "chúng ta biết rằng Con Thiên Chúa đã đến và đã ban cho chúng ta ơn thông hiểu, để chúng ta nhận biết Chúa chân thật, và được ở trong Con chân thật của Người. Chính Ngài là Thiên Chúa chân thật và là sự sống đời đời". 

 

Vì "Lời ở cùng chúng ta", nhờ đó chúng ta được ở với Người, tức được sự sống đời đời, và những ai được lãnh nhận sự sống đời đời vô cùng quan trọng và cao trọng không thể nào không cất tiếng ngợi khen cảm tạ Thiên Chúa cùng với Bài Đáp Ca hôm nay: 

 

1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, hãy vang lên lời khen ngợi trong công hội các tín đồ. Israel hãy vui mừng vì Ðấng tạo tác bản thân, con cái Sion hãy hân hoan vì vua của họ. 

 

2) Họ hãy hoà nhạc để ngợi khen Người, hãy hát mừng Người với cây đàn cầm, với trống con: bởi vì Chúa yêu thương dân Người, và ban cho kẻ khiêm nhường chiến thắng vẻ vang. 

 

3) Các tín đồ hãy mừng rỡ trong vinh quang, hãy hoan hỉ trong những nơi khu phố. Miệng họ hãy reo lên lời hoan hô Thiên Chúa. Ðó là vinh quang cho mọi tín đồ của Chúa. 

 

 

Nhìn lại toàn bộ Phụng Vụ Lời Chúa của tuần lễ từ Lễ Hiển Linh đến Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, chúng ta thấy 2 ý tưởng chính yếu bất khả thiếu và bất khả phân lý như sau: "Vua dân Do Thái mới sinh" được Ba Vua đến triều bái chính là Đức Kitô của dân Do Thái và đồng thời cũng chính là Đấng Cứu Thế của nhân loại (1), một Đức Kitô Cứu Thế chỉ bắt đầu tỏ hiện đúng như những gì được vị Gioan Tẩy Giả của Người đóng vai Tiền Hô loan báo và làm chứng (2).

 

1- "Vua dân Do Thái mới sinh" được Ba Vua đến triều bái chính là Đức Kitô của dân Do Thái và đồng thời cũng chính là Đấng Cứu Thế của nhân loại: đó là lý do chúng ta thấy Bài Đáp Ca của 4 ngày đầu liên quan đến Chúa Kitô là một đức vua và chư dân của Người, thứ tự như sau:

 

- Ngày mùng 7/1: Câu Xướng thứ 1 - "Con là thái tử của Cha, hôm nay Cha đã sinh thành ra Con. Hãy xin Cha và Cha sẽ cho Con được chư dân làm phần sản nghiệp, và cùng kiệt cõi đất làm gia tài", và câu xướng thứ 2 - "Giờ đây, hỡi các vua, hãy nên hiểu biết; quân vương mặt đất nên giác ngộ. Hãy kính sợ làm tôi Chúa và hân hoan mừng Ngài; hãy khiếp run tỏ bày sự vâng phục Chúa", và Câu Đáp chung là - "Cha sẽ cho Con được chư dân làm phần sản nghiệp".

 

- Ngày 8, 9 và 10 cũng tiếp tục về vai trò làm vua liên quan đến muôn dân của Chúa Kitô, và cả 3 ngày đều giống nhau cả ở câu Xướng 1: "Lạy Chúa, xin ban quyền xét đoán khôn ngoan cho đức vua, và ban sự công chính cho hoàng tử, để người đoán xét dân Chúa cách công minh, và phân xử người nghèo khó cách chính trực", lẫn ở câu Đáp chung: "Lạy Chúa, muôn dân khắp mặt đất sẽ thờ lạy Chúa".

 

Và Bài Phúc Âm cũng theo chiều hướng như thế, cả 4 ngày đầu (mùng 7, 8, 9 và 10) đều liên quan đến chung nhân loại, một nhân loại đã có bản tính băng hoại bởi nguyên tội lại được Chúa Kitô mặc lấy để nhờ đó soi chiếu vào nơi tối tăm ở vùng đất tiêu biểu trước tiên ngay tại Đất Hứa của dân Do Thái đó là một "Galilêa của dân ngoại" (Phúc Âm ngày 7/1), qua những hành động tỏ mình ra của Người: như việc Người làm phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi dân lần thứ 1, ám chỉ như Người đã cho biết trong Phúc Âm Thánh Gioan (6:51) Người là "bánh bởi trời xuống cho thế gian được sự sống" (Phúc Âm ngày 8/1), và việc Người cứu các môn đệ bị bão tố trong đêm (Phúc Âm ngày 9/1), ám chỉ vai trò làm Vua Vũ Trụ của Người, tức làm chủ thiên nhiên tạo vật, làm chủ sự dữ là những gì đang hành hạ con người vướng mắc nguyên tội, cần được giải cứu khỏi tội lỗi và sự chết bởi Đức Kitô của dân Do Thái, một Đức Kitô được Thiên Chúa xức dầu Thánh Linh và được sai đi chữa lành và giải cứu dân của Ngài, nhất là những ai tin vào Người, như một người mang giòng máu Do Thái với Người và như Người bị "đầy phong cùi" (Phúc Âm ngày 10/1), ám chỉ con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa đã bị biến dạng và trở thành dị dạng bởi nguyên tội, cần được tẩy sạch.

 

2- Một Đức Kitô Cứu Thế chỉ bắt đầu tỏ hiện đúng như những gì được vị Gioan Tẩy Giả của Người đóng vai Tiền Hô loan báo và làm chứng.

 

Đúng thế, ngay trong câu đầu tiên của bài Phúc Âm ngày 2/1, đã thấy xuất hiện chi tiết: "Nghe tin Gioan bị nộp, Chúa Giêsu lui về Galilêa", một chi tiết cho thấy vị tiên tri tiền hô này chỉ là "đèn" soi (Gioan 5:35), chứ "không phải là ánh sáng" (Gioan 1:8), như chính Đức Kitô Cứu Thế là Đấng đến sau ngài nhưng cao trọng hơn ngài;

 

Và trong bài Phúc Âm ngày 12/1, ngày cuối cùng của tuần lễ giữa Lễ Hiển Linh và Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, chính vị Tiền Hô Gioan Tẩy Giả này đã xác nhận một lần nữa ngài không phải là Đức Kitô, Đấng được dân chúng báo cho ngài biết rằng "Người đã ở với thày bên kia Sông Dược Đăng, mà thày đã làm chứng cho, nay cũng làm phép rửa và ai nấy đều đến cùng người", vị tiền hô này, chẳng những không thấy mình bị cạnh tranh về việc làm phép rửa và Đức Kitô đã lôi kéo dân chúng đến cùng Người hơn là ngài nữa, trái lại, còn mừng cho Đức Kitô vì thấy được những gì mình loan báo về Người đã được nên trọn như dân chúng chứng thực: "Người ta không tiếp nhận gì mà không phải bởi trời ban cho. Chính các ngươi đã làm chứng cho tôi là tôi đã nói: Tôi không phải là Ðấng Kitô, nhưng tôi được sai đến trước Người. Ai cưới vợ, thì là người chồng, còn bạn hữu của tân lang đứng mà nghe tân lang nói thì vui mừng vì tiếng nói của tân lang. Vậy niềm vui của tôi như thế là đầy đủ. Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại".

 

Phải công nhận rằng Vị Tiền Hô Gioan Tẩy Giả quả thực là một điển hình nhất cho những gì Thánh ký Gioan Tông Đồ đã viết ở Thứ Thứ Nhất của ngài trong Bài Đọc 1 cho ngày 12/1: "Chúng ta biết rằng ai sinh ra bởi Thiên Chúa, thì không phạm tội, chính sự sinh ra bởi Thiên Chúa gìn giữ họ, và ma quỷ không làm gì được họ. Chúng ta biết rằng chúng ta bởi Thiên Chúa mà ra, và toàn thể thế gian đều phục luỵ ma quỷ. Và chúng ta biết rằng Con Thiên Chúa đã đến và đã ban cho chúng ta ơn thông hiểu, để chúng ta nhận biết Chúa chân thật, và được ở trong Con chân thật của Người. Chính Ngài là Thiên Chúa chân thật và là sự sống đời đời".

 

Nếu Vị Tiền Hô Gioan Tẩy Giả này không được sinh bởi Thiên Chúa, thì chắc chắn ngài đã có những ohản ứng theo tính tự nhiên của loài người vướng mắc nguyên tội là ghen tức và tìm cách hạ bệ những ai hơn mình xuống, nhưng đằng này ngài chẳng những đã "không phạm tội" mà còn tỏ ra có được một "ơn thông hiểu" về chính bản thân mình: "Tôi không phải là Ðấng Kitô, nhưng tôi được sai đến trước Người", cũng như về Đấng mình làm chứng: "Ai cưới vợ, thì là người chồng, còn bạn hữu của tân lang đứng mà nghe tân lang nói thì vui mừng vì tiếng nói của tân lang. Vậy niềm vui của tôi như thế là đầy đủ. Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại".

 

Và đó là lý do Vị Tiền Hô Gioan Tẩy Giả quả thực đã xứng đáng làm phép rửa cho Đức Kitô Cứu Thế, một phép rửa có tính cách thống hối, nhưng được Chúa Kitô lãnh nhận như dấu hiệu cho phép rửa tha tội của Chúa Kitô (xem Luca 12:50), Đấng sẽ phải chịu một phép rửa bằng máu của mình trên thập tự giá sau này, một phép rửa tái sinh nhân loại vào sự sống thần linh viên mãn. 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên

 

 Ngay.12-1.mp3