HOC HỎI ĐẺ SỐNG ĐẠO - THỨ HAI CN3TN-C
- Details
- Category: 24. Học Hỏi Để Sống Đạo
Thứ Hai CN3TN-C
HỌC HỎI- CẢM NGHIỆM SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA
Bài Ðọc I: (năm I) Dt 9, 15. 24-28
"Người chỉ tế lễ chính mình một lần để huỷ diệt tội lỗi, Người sẽ xuất hiện lần thứ hai để cứu độ những ai trông đợi Người".
Trích thơ gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, Chúa Kitô là trung gian của Tân Ước, vì nhờ sự chết của Người để cứu chuộc các tội phạm dưới thời Cựu Ước, mà những kẻ được kêu gọi, đến lãnh lấy gia nghiệp đời đời đã hứa cho họ. Ðức Giêsu không tiến vào cung thánh do tay người phàm làm ra, chỉ là hình bóng cung thánh thật, nhưng Người vào chính thiên đàng, để từ đây xuất hiện trước tôn nhan Thiên Chúa vì chúng ta. Người không còn hiến dâng chính mình nhiều lần, như vị thượng tế vào cung thánh mỗi năm một lần với máu không phải của mình. Chẳng vậy, từ tạo thiên lập địa, Người đã phải chết nhiều lần: nhưng từ nay cho đến tận thế, Người chỉ xuất hiện một lần tế lễ chính mình để huỷ diệt tội lỗi. Như đã quy định, người ta chỉ chết một lần thế nào, sau đó là phán xét, thì Ðức Kitô cũng tế hiến một lần như vậy, để xoá tội lỗi của nhiều người. Người sẽ xuất hiện lần thứ hai, không phải để chuộc tội, nhưng để cứu độ những ai trông đợi Người.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4. 5-6.
Ðáp: Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu (c. 1a).
Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. - Ðáp.
2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh, Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành, để sủng ái nhà Israel. - Ðáp.
3) Khắp nơi bờ cõi địa cầu, đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca. - Ðáp.
4) Hãy ca mừng Chúa với cây đàn cầm, với cây đàn cầm với điệu nhạc du dương, cùng với tiếng kèn râm ran, tiếng tù và rúc, hãy hoan hô trước thiên nhan Chúa là vua. - Ðáp.
Alleluia: Ga 14, 23
Alleluia, alleluia! - Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu thương người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 3, 22-30
"Satan phải diệt vong".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, những luật sĩ từ Giêrusalem xuống nói rằng: "Ông ấy bị quỷ Belgiêbút ám", và nói thêm rằng: "Chính nhờ tướng quỷ mà ông ấy trừ quỷ". Khi đã gọi họ lại, Chúa Giêsu phán bằng dụ ngôn rằng: "Satan lại trừ Satan làm sao được? Nếu một nước mà tự chia rẽ nhau, thì nước đó tồn tại làm sao được? Vậy nếu Satan dấy lên chống đối với chính mình và tự phân tán, thì nó không thể đứng vững được mà phải diệt vong. Chẳng ai có thể vào nhà một người khoẻ mạnh và cướp của y, nếu không trói được y trước đã, rồi sau mới cướp phá nhà y. Quả thật, Ta bảo các ông hay, mọi tội lỗi và mọi lời phạm thượng của con cái loài người sẽ được tha hết, nhưng kẻ nào nói phạm đến Chúa Thánh Thần, sẽ muôn đời không bao giờ được tha: nó mắc tội muôn đời". Ðó là vì họ nói "Người bị thần ô uế ám".
Ðó là lời Chúa
Đức Kitô Quyền Năng
Hôm nay, Thứ Hai, ngày thường đầu tiên trong Tuần 3 Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh, chủ đề "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" cho chung thời điểm phụng vụ này vẫn tiếp tục phản ảnh nơi bài Phúc Âm hôm nay.
Bài Phúc Âm hôm nay Thánh ký Marco thuật lại sự kiện đụng độ giữa "những luật sĩ từ Giêrusalem đến" và Chúa Giêsu, một cuộc đụng độ càng cho thấy bản chất "đầy ân sủng và chân lý" của "Người Con duy nhất đến từ Cha" này. Ở chỗ, cho dù bị xuyên tạc chụp mũ Người vẫn "hiền lành và khiêm nhượng trong lòng" (Mathêu 11:29), vẫn nhẫn nhịn giúp cho đối phương nhận ra cái sai lầm của họ và cảnh giác họ để họ khỏi bị đời đời hư mất.
Thật vậy, khi thấy danh tiếng của Chúa Giêsu càng ngày càng nổi nang khắp nơi trong dân chúng, cho dù Người mới chỉ ở Galilêa thuộc miền bắc đất nước Do Thái, chứ chưa xuống tới Giuđêa thuộc miền nam là nơi toàn tòng dân Do Thái và có giáo đô Giêrusalem là trung tâm của Do Thái giáo, thành phần "những luật sĩ từ Giêrusalem đến nói rằng 'Ông ấy bị quỷ Belgiêbút ám', và nói thêm rằng: 'Chính nhờ tướng quỷ mà ông ấy trừ quỷ'".
Không biết thành phần luật sĩ từ Giêrusalem đến này từ bao lâu rồi, đã tận mắt xem thấy Chúa Giêsu trừ quỉ hay chưa, hoặc chỉ nghe nói đến thôi, rồi suy diễn một cách méo mó như vậy để chống phá đối phương mới trở nên nổi tiếng, với chủ đích hạ bệ đối thủ của mình xuống càng sớm càng tốt?!
Tuy nhiên, nếu "miệng nói ra những gì đầy trong lòng", như chính Chúa Giêsu đã nói với những người Pharisiêu trong Phúc Âm của Thánh ký Mathêu (12:34) cũng có cùng chủ trương như những người luật sĩ trong bài Phúc Âm hôm nay, thì nội dung của lời phát biểu này dường như chất chứa tính cách cạnh tranh xuất phát từ lòng ghen ghét, chứ chưa nói đến tính cách hết sức phạm thượng của nó, của những ai phát ngôn như thế.
Thế nhưng, cho dù bị phạm thượng như vậy, Chúa Giêsu chẳng những đã không nổi giận, quát mắng họ hay thậm tệ quở trách họ, như Người sẽ làm sau này, được thấy ở nguyên đoạn 23 Phúc Âm Thánh Mathêu, mà còn hết sức nhân từ "gọi họ lại" và "dùng tỉ dụ" (như cha mẹ hay thày cô dạy cho đám học trò con nít của mình) cho dễ hiểu để nhờ đó vạch ra cho họ thấy những gì sơ hở đầy mẫu thuẫn nơi cái nhận định và lập luận vừa thiển cận nông nổi vừa mâu thuẫn mù tối của họ, bằng cách Người đã lấy gậy ông đập lưng ông, như sau:
"Satan lại trừ Satan làm sao được? Nếu một nước mà tự chia rẽ nhau, thì nước đó tồn tại làm sao được? Vậy nếu Satan dấy lên chống đối với chính mình và tự phân tán, thì nó không thể đứng vững được mà phải diệt vong". Tức là Chúa Giêsu muốn nói với thành phần luật sĩ đầy thế lực từ giáo đô Giêrusalem rằng: quí vị thật là mâu thuẫn, chẳng hiểu gì cả, nếu tôi như quí vị nói "bị quỉ Belzebul ám" nhờ đó tôi mới có thể "nhờ chính tướng quỷ mà trừ quỷ" thì ma quỉ tự chúng chia rẽ nhau mà chết thôi - làm gì có cái chuyện hoang đường là ma quỉ quay ra tàn sát lẫn nhau để hủy diệt đi vương quốc tử thần của chúng chứ?
Chưa hết, Chúa Giêsu muốn lợi dụng dịp này để chẳng những sửa lỗi cho họ mà còn tỏ mình ra cho họ thấy rõ hơn một chút nữa, hy vọng họ thấy được quyền phép thần linh của mình là "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý", một quyền phép vô địch còn hơn cả quyền lực chết chóc của thần dữ, ở chỗ còn khống chế được cả ma quỉ là loài vẫn từng thống trị loài người từ sau nguyên tội: "Chẳng ai có thể vào nhà một người khoẻ mạnh và cướp của y, nếu không trói được y trước đã, rồi sau mới cướp phá nhà y".
Không biết các nhà luật sĩ khôn ngoan thông thái trong bài Phúc Âm hôm nay, nghe xong câu nói nhẹ nhàng xa xa bóng gió này của Chúa Giêsu có hiểu ý Người muốn nói hay chăng, nhưng thực tại đúng là như thế, đúng là Người có một quyền lực vô địch, một quyền lực sẽ đạt đến tột đỉnh của mình nơi cuộc Vượt Qua chiến thắng tội lỗi và sự chết của Người.
Tình thương của Chúa Giêsu tỏ ra với thành phần luật sĩ mù quáng trong bài Phúc Âm hôm nay không phải chỉ ở chỗ: 1- vạch ra cho họ thấy cái sai lầm của họ; và 2- tỏ cho họ thấy quyền lực thần linh trừ quỉ của Người, mà còn 3- cảnh báo về phần rỗi đời đời của họ nữa, như thể khuyên họ hãy cẩn thận và coi chừng thứ tội nguy hiểm được Người thẳng thắn cho họ biết rằng:
"'Quả thật, Ta bảo các ông hay, mọi tội lỗi và mọi lời phạm thượng của con cái loài người sẽ được tha hết, nhưng kẻ nào nói phạm đến Chúa Thánh Thần, sẽ muôn đời không bao giờ được tha: nó mắc tội muôn đời'. Ðó là vì họ nói 'Người bị thần ô uế ám'".
Căn cứ vào lời cảnh báo này của Chúa Giêsu thì ở đây Chúa Giêsu nói đến kẻ phạm tội "kẻ nào nói phạm đến Chúa Thánh Thần... nó mắc tội muôn đời'", hơn là thứ tội "phạm đến Chúa Thánh Thần", và hình phạt muôn đời giành cho kẻ phạm một thứ tội phạm thượng khủng khiếp, dám cho "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" là Đấng có thể khống chế quyền lực của thần dữ "bị thần ô uế ám", có nghĩa là dám hoàn toàn phủ nhận Thánh Linh là "quyền phép Đấng Tối Cao" (Luca 1:35) ở trong Người và làm việc đó, và vì thế cũng có nghĩa là gián tiếp không chấp nhận Người là Đấng Thiên Sai, Đấng Được Xức Dầu Thánh Linh, một điều kiện tối yếu bất khả thiếu để được cứu độ (xem Marco 16:16).
Ngày 28 tháng 1 - Thánh Tôma Aquinô, linh mục, tiến sĩ Hội thánh (1225-1274)
Thánh Tôma sinh tại thành Naples năm 1225 trong một gia đình giàu sang và đạo hạnh. Cha ngài làm lãnh chúa đảo Aquinô. Chính nhờ ảnh hưởng gia đình mà Tôma đã hấp thụ được một nền đạo đức chắc chắn để tiến lên đỉnh trọn lành, một ý chí sắt đá để theo ơn gọi và một nền học vấn uyên thâm để giải đáp các vấn nạn của thời đại.
Lúc đầu Tôma được cha gửi ở tu viện Cassino của các cha dòng Bênêđictô. Nhưng 9 năm sau, vì một biến cố chính trị, tu viện bị giải tán, Tôma được gửi về gia đình và tiếp tục học đại học Naples. Nơi đây, Tôma có dịp tiếp xúc với các tu sĩ dòng Ða Minh và cậu bắt đầu say mê lý tưởng sống nghèo khó và làm việc trí thức để truyền bá cho người khác chân lý đã suy niệm.
Năm 1244, Tôma đã quyết định xin khoác bộ áo trắng của dòng Ða Minh. Việc này đã gây chấn động mạnh mẽ cho gia đình, vì thân mẫu ngài vẫn thầm có tham vọng muốn cho con mình trở thành tu viện trưởng ở Cassino. Bà đã quyết định bắt Tôma về giam trong nhà và dùng mọi mưu kế để dụ dỗ cậu trở về thế gian, nhưng bị thất bại nên cuối cùng trong cơn mù quáng bà đã nhờ tới một cô gái trắc nết quyến rũ Tôma. Thầy đã dùng một thanh củi đang cháy đuổi cô gái phóng đãng ra khỏi phòng. Sau việc này, Chúa đã sai thiên thần xuống thắt dây trinh khiết biểu hiện huy chương chiến thắng cho Tôma.
Trước ý chí sắt đácủa con, bà mẹ đành chịu để cho Tôma trốn thoát về tu viện. Năm sau, ngài được thụ huấn với thánh Albertô, một học giả nổi danh thời ấy. Năm 27 tuổi, ngài trở thành giảng sư đại học với một kiến thức uyên bác có thể hướng dẫn được giới trí thức bấy giờ đang say mê với nền triết lý ngoại giáo Hy Lạp. Công trình tuyệt tác của thánh Tôma chính là bộ "Tông Luận Thần Học" mà ngài còn lưu lại cho hậu thế. Ngài thú nhận mình đã kín múc tất cả sự thông thái ấy nơi Chúa qua suy niệm và cầu nguyện.
Ngài qua đời năm 1274, hưởng thọ 49 tuổi.
Năm 1328, Ðức Giáo Hoàng Gioan XXII tôn phong ngài lên bậc Hiển Thánh.
Năm 1567, Ðức Piô V lại phong ngài làm Tiến Sĩ Hội Thánh với biệt hiệu "Tiến Sĩ Thiên Thần".
Ðến năm 1880, Ðức Lêô XIII đặt ngài làm quan thầy các trường Công Giáo.
Thánh Thomas Aquinas - Tiểu Sử (ĐTC Biển Đức XVI)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên