HỌC HỎI ĐỂ SỐNG ĐẠO -THỨ TƯ CN1MC-C
- Details
- Category: 24. Học Hỏi Để Sống Đạo
Thứ Tư CN1MC-C
HỌC HỎI-CẢM NGHIỆM SỐNG VÀ CHIA SẺ Lời Chúa
Bài Ðọc I: Gn 3, 1-10
"Dân thành Ninivê đã bỏ đàng tội lỗi".
Trích sách Tiên tri Giona.
Lời Chúa phán cùng Giona rằng: "Hãy chỗi dậy và đi đến Ninivê, một thành phố lớn, và rao giảng cho nó điều Ta sẽ nói cho ngươi". Giona chỗi dậy và đi đến Ninivê theo lời Chúa dạy. Ninivê là một thành phố lớn, rộng bằng ba ngày đàng. Giona tiến vào thành phố, đi một ngày đàng, rồi rao giảng rằng: "Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá huỷ". Dân thành tin tưởng nơi Chúa; họ công bố việc ăn chay và mặc áo nhặm, từ người lớn đến trẻ nhỏ.
Vua thành Ninivê nghe điều đó, liền bỏ ngai vàng, cởi áo cẩm bào, mặc áo nhặm và ngồi trên đống tro. Trong thành Ninivê, người ta rao sắc lệnh sau đây của nhà vua và các vương hầu: "Người, vật, bò, chiên, không được nếm, không được ăn uống gì hết; người và vật phải mặc áo nhặm, phải kêu to lên cùng Chúa và phải cải thiện đời sống, phải bỏ đàng tội lỗi và những điều bất chính đã phạm. Biết đâu Chúa sẽ đổi ý thứ tha, nguôi giận và chúng ta khỏi chết?" Chúa thấy việc họ làm, vì họ bỏ đời sống xấu xa, Chúa đổi ý định phạt họ, và Người không thực hiện điều đó.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 50, 3-4. 12-13. 18-19
Ðáp: Lạy Chúa, xin đừng chê tấm lòng tan nát, khiêm cung (c. 19).
Xướng: 1) Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa, xoá tội con theo lượng cả đức từ bi. Xin rửa con tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy con sạch lâng tội ác. - Ðáp.
2) Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch, và canh tân tinh thần cương nghị trong người con. Xin đừng loại con khỏi thiên nhan Chúa, chớ thu hồi Thánh Thần Chúa ra khỏi con. - Ðáp.
3) Bởi vì Chúa chẳng ưa gì sinh lễ, nếu con dâng lễ toàn thiêu, Chúa sẽ không ưng. Của lễ con dâng, lạy Chúa, là tâm hồn tan nát, lạy Chúa, xin đừng chê tấm lòng tan nát, khiêm cung. - Ðáp.
Câu Xướng Trước Phúc Âm: Ga 8, 12b
Chúa phán: "Ta là sự sáng thế gian. Ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống".
Phúc Âm: Lc 11, 29-32
"Không ban cho dòng giống này điềm lạ nào ngoài điềm lạ của tiên tri Giona".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, thấy dân chúng từng đoàn lũ tụ tập lại, Chúa Giêsu phán rằng: "Dòng giống này là dòng giống gian ác. Chúng đòi điềm lạ, nhưng sẽ không ban cho chúng điềm lạ nào, ngoài điềm lạ của tiên tri Giona. Vì Giona đã nên điềm lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là điềm lạ cho dòng giống này như vậy. Ðến ngày phán xét, nữ hoàng phương nam sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì bà đã từ tận cùng trái đất mà đến nghe sự khôn ngoan của Salomon. Nhưng ở đây còn có người hơn Salomon. Dân thành Ninivê cũng sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì họ đã sám hối theo lời Giona giảng, nhưng ở đây còn có người hơn Giona nữa".
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm
Hôm nay, Thứ Tư trong Tuần 1 Mùa Chay, đề tài cho chung Mùa Chay, bao gồm cả Tuần Thánh, là "Tôi tự ý bỏ sự sống mình đi để rồi lấy nó lại" (Gioan 10:17), được phản ảnh nơi "điềm lạ về tiên tri Giona" trong bài Phúc Âm trong ngày này.
Thật vậy, "điềm lạ về tiên tri Giona" được Chúa Giêsu nói đến khi Người "thấy dân chúng từng đoàn lũ tụ tập lại" đây ám chỉ cuộc Vượt Qua của Người, một cuộc "vượt qua từ sự chết mà vào sự sống" (Gioan 5:24), từ tử giá đến phục sinh cho phần rỗi các linh hồn. Chính Chúa Giêsu cũng đã công nhận "điềm lạ về tiên tri Giona" này ám chỉ về Người trong Bài Phúc Âm hôm nay như sau:
"Dòng giống này là dòng giống gian ác. Chúng đòi điềm lạ, nhưng sẽ không ban cho chúng điềm lạ nào, ngoài điềm lạ của tiên tri Giona. Vì Giona đã nên điềm lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là điềm lạ cho dòng giống này như vậy. Ðến ngày phán xét, nữ hoàng phương nam sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì bà đã từ tận cùng trái đất mà đến nghe sự khôn ngoan của Salomon. Nhưng ở đây còn có người hơn Salomon. Dân thành Ninivê cũng sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì họ đã sám hối theo lời Giona giảng, nhưng ở đây còn có người hơn Giona nữa".
Và Bài Đọc 1 được trích từ chính Sách Tiên Tri Giona đã thuật lại "điềm lạ về tiên tri Giona" thứ tự như thế này.
Trước hết, vị tiên tri đây được lệnh Thiên Chúa sai đến Thành Ninivê để rao giảng thống hối cho thành này: "Hãy chỗi dậy và đi đến Ninivê, một thành phố lớn, và rao giảng cho nó điều Ta sẽ nói cho ngươi". Vậy điều vị tiên tri này được Thiên Chúa bảo "sẽ nói cho người biết" đây là gì, xin đọc tiếp...
Sau nữa, vị tiên tri này đã làm theo đúng như lệnh truyền của Thiên Chúa: "Giona chỗi dậy và đi đến Ninivê theo lời Chúa dạy. Ninivê là một thành phố lớn, rộng bằng ba ngày đàng. Giona tiến vào thành phố, đi một ngày đàng, rồi rao giảng rằng: 'Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá hủy'".
Đó, điều vị tiên tri này được Thiên Chúa bảo đó là cảnh báo cho dân thành này về hình phạt họ sẽ phải chịu trong vòng 40 ngày nữa nếu họ không biết ăn năn thống hối? Vậy trước lời cảnh báo nghiêm trọng đầy nguy biến ấy họ có đáp ứng hay chăng? Xin hãy theo dõi tiếp...
Sau hết, toàn thể thành Ninive, từ vua tới dân đều mau mắn tích cực đáp ứng một cách chân thành không thể nào ngờ được lại có thể xẩy ra như thế nơi thành phần dân ngoại, ở chỗ, họ chẳng hề biết đến vị tiên tri này là ai, có đáng tin hay chăng, trong khi đó vấn đề từ bỏ con đường tội lỗi rất ư là khó khăn, đâu phải là chuyện dễ, một sớm một chiều, hay overnight là xong, nhất là hiện tượng từ bỏ tội lỗi một cách tập thể và đồng lòng với nhau như họ đã thực hiện, lại càng không thể nào xẩy ra được như chuyện lạ bốn phương, không tin cũng phải tin, một chuyện hoàn toàn thần tiên đã thật sự xẩy ra theo trình thuật của Bài Đọc 1 hôm nay:
"Vua thành Ninivê nghe điều đó, liền bỏ ngai vàng, cởi áo cẩm bào, mặc áo nhặm và ngồi trên đống tro. Trong thành Ninivê, người ta rao sắc lệnh sau đây của nhà vua và các vương hầu: 'Người, vật, bò, chiên, không được nếm, không được ăn uống gì hết; người và vật phải mặc áo nhặm, phải kêu to lên cùng Chúa và phải cải thiện đời sống, phải bỏ đàng tội lỗi và những điều bất chính đã phạm. Biết đâu Chúa sẽ đổi ý thứ tha, nguôi giận và chúng ta khỏi chết?'"
Phải, cái lạ là ở chỗ đó, ở chỗ vị tiên tri "Giona" hoàn toàn là một con người xa lạ đối với dân thành Ninive ấy, nhưng lại "đã nên điềm lạ cho dân thành Ninivê", như chính Chúa Giêsu khẳng định trong Bài Phúc Âm hôm nay. Ở chỗ, qua lời cảnh báo của vị tiên tri này, "dân thành tin tưởng nơi Chúa; họ công bố việc ăn chay và mặc áo nhặm, từ người lớn đến trẻ nhỏ", nhờ thế mà "Chúa thấy việc họ làm, vì họ bỏ đời sống xấu xa, Chúa đổi ý định phạt họ, và Người không thực hiện điều đó".
"Điềm lạ về tiên tri Giona" là ở chỗ đấy, chứ không phải ở chỗ vị tiên tri đây ban đầu bất tuân lệnh Chúa, tìm hết cách trốn tránh sứ vụ rao giảng cho dân mà ông được Thiên Chúa sai đến, nhưng ông vẫn không thể nào thoát được lưới trời lồng lộng, vẫn bị Thiên Chúa vô cùng khôn ngoan quan phòng hết mọi sự theo ý định bất biến của Ngài chặn bắt bằng một cơn bão tố, để rồi sau đó ông bị đám thủy thủy trên tầu với ông bất đắc dĩ vứt xuống biển, nơi ông bị cá mập nuốt vào bụng 3 ngày 3 đêm mới nhả ông ra trên bờ biển (xem Giona đoạn 1 và 2).
Sở dĩ trong Bài Phúc Âm hôm nay Chúa Giêsu nhắc đến Tiên Tri Giona là vì dân Do Thái nói chung và thành phần "dân chúng từng đoàn lũ tụ tập lại" chung quanh Người bấy giờ nói riêng, cứ đòi phải thấy một điềm lạ nào đó từ Người mới tin vào Người, nhưng Người đã vừa trách móc họ thiếu lòng tin lại đồng thời cũng hứa chiều lòng họ như sau: "Dòng giống này là dòng giống gian ác. Chúng đòi điềm lạ, nhưng sẽ không ban cho chúng điềm lạ nào, ngoài điềm lạ của tiên tri Giona".
Điều Chúa Giêsu hứa với chung dân Do Thái qua thành phần đám đông đang ở với Người bấy giờ đó là lời hứa liên quan đến chính bản thân Người, ở chỗ, như Người đã cho họ biết rõ thêm như sau: "Vì Giona đã nên điềm lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là điềm lạ cho dòng giống này như vậy".
Có nghĩa là cho dù dân thành Ninive vẫn tỏ ra ăn năn thống hối sau khi nghe lời cảnh báo của một nhân vật lạ hoắc là tiên tri Giona, không cần phải cứ thấy điềm lạ mới chịu tin như dân Do Thái, một dân tộc có một bản chất cố hữu bất khả thiếu và bất khả thay đổi của họ đó là thích điềm lạ và cái gì cũng căn cứ vào điềm lạ, hoàn toàn ngược với dân Hy Lạp thiên về lý trí và triết học, vì điềm lạ đối với dân Do Thái như là dấu chỉ thần linh, dấu chỉ thần hiển của Thiên Chúa, dấu chỉ chắc chắn nhất và bảo đảm nhất cho niềm tin tưởng siêu nhiên của họ.
Tuy nhiên, Vị Thiên Chúa hóa thân làm người còn tiếp tục hội nhập văn hóa với loài người, với từng dân tộc, để tỏ mình ra cho họ, nhờ đó giúp cho họ có thể dễ dàng tin tưởng vào Người mà được cứu độ. Bằng không, họ sẽ bị trừng phạt xứng với tội lỗi của họ bởi họ không tin tưởng vào một Đấng còn cao trọng hơn cả Giona nữa, như Người cảnh báo họ trong Bài Phúc Âm hôm nay: "Dân thành Ninivê cũng sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì họ đã sám hối theo lời Giona giảng, nhưng ở đây còn có người hơn Giona nữa".
Đúng thế, "Giona đã nên điềm lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là điềm lạ cho dòng giống này như vậy". Ở chỗ nào? Ở chỗ, cho dù họ không chịu tin vào Người cho đến khi thấy được một điềm lạ nào đó từ Người, mà Người vẫn có thể làm cho họ tin vào Người, khi chính Người trở nên điềm lạ cho họ.
Điềm lạ về Chúa Giêsu Kitô cho giòng dõi gian ác này đây phải chăng là như thế này: cho dù Người có thể xuống khỏi thập giá nhưng Người vẫn không làm, trái lại, "tuy là con, nhưng Người đã biết tuân phục nơi những gì phải chịu để khi hoàn thành Người trở nên căn nguyên cứu độ cho tất cả những ai tín phục Người" (Do Thái 5:8-9).
Bởi vì, theo Người, chỉ còn một cách duy nhất đó thôi mới chứng thực Người là Đấng Thiên Sai của dân Do Thái, Đấng được Cha là Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất của họ sai đến để giải thoát họ, không phải khỏi quyền lực chính trị mà khỏi quyền lực tội lỗi và sự chết. Đó là lý do Người đã khẳng định về bản thân Người là điềm lạ cho dân của Người như sau: "Khi nào quí vị treo Con Người lên, quí vị sẽ nhận ra Tôi là ai và biết rằng Tôi không tự ý làm gì hết" (Gioan 8:28).
Nếu lời giảng tiên khởi của Chúa Giêsu khi Người mới bắt đầu xuất thân tỏ mình ra là "Triều đại Thiên Chúa đã đến. Hãy hoán cải và tin vào phúc âm" (Marco 1:15), thì việc Chúa Giêsu tỏ mình ra cho dân Do Thái như là "Triều đại Thiên Chúa đã đến", đến như một điềm lạ trên thập tự giá, nhờ đó họ "hoán cải và tin vào Người", hay tin vào Người mà hoán cải cũng thế.
Bởi vậy, tác dụng đầu tiên của việc tỏ mình ra của Chúa Kitô cho dân Do Thái như một điềm lạ đó là làm cho họ thống hối ăn năn như dân Thánh Ninive về tội lỗi của họ bằng tất cả tâm hồn của họ. Và việc tỏ mình ra của Chúa Kitô như một điềm lạ trên thập tự giá là tác động Người "tự bỏ sự sống mình đi" nhưng Người đã "lấy nó lại" ở chỗ đã làm cho sự sống đó phát sinh nơi những ai "tín phục" Người, như tâm tình của Bài Đáp Ca sau đây bày tỏ:
1) Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa, xoá tội con theo lượng cả đức từ bi. Xin rửa con tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy con sạch lâng tội ác.
2) Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch, và canh tân tinh thần cương nghị trong người con. Xin đừng loại con khỏi thiên nhan Chúa, chớ thu hồi Thánh Thần Chúa ra khỏi con.
3) Bởi vì Chúa chẳng ưa gì sinh lễ, nếu con dâng lễ toàn thiêu, Chúa sẽ không ưng. Của lễ con dâng, lạy Chúa, là tâm hồn tan nát, lạy Chúa, xin đừng chê tấm lòng tan nát, khiêm cung.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên