HỌC HỎI ĐỂ SỐNG ĐẠO - THƯ HAI CN 2MC-C
- Details
- Category: 24. Học Hỏi Để Sống Đạo
Thứ Hai CN2MC-C
HỌC HỎI-CẢM NGHIỆM SỐNG VÀ CHIA SẺ Lời Chúa
Bài Ðọc I: Ðn 9, 4b-10
"Chúng con đã phạm tội và đã làm điều gian ác".
Trích sách Tiên tri Ðaniel.
Lạy Chúa là Thiên Chúa cao cả và đáng kính sợ, Ðấng giữ lời giao ước và lòng từ bi đối với những ai kính mến Người và tuân giữ những giới răn của Người. Chúng con đã phạm tội và làm điều gian ác; chúng con đã bỏ các giới răn và lề luật Chúa. Chúng con đã không nghe lời các tiên tri tôi tớ Chúa, những người đã nhân danh Chúa nói với các vua chúa, thủ lãnh, cha ông và toàn dân trong xứ chúng con. Lạy Chúa, sự công chính thuộc về Chúa, còn phần chúng con là phải chịu hổ mặt như ngày hôm nay, chúng con là những người thuộc dòng dõi Giuđa, những dân cư ở Giêrusalem, toàn dân Israel, những kẻ gần xa, sống trong mọi nước mà Chúa đã phân tán họ tới đó, vì tội ác mà họ đã phạm nghịch cùng Chúa. Lạy Chúa, điều dành cho chúng con, các vua chúa, thủ lãnh, cha ông chúng con là phải chịu hổ mặt, vì đã phạm tội. Lòng từ bi và tha thứ thuộc về Chúa là Thiên Chúa chúng con, vì chúng con phản bội cùng Chúa. Chúng con đã không vâng theo tiếng Chúa là Thiên Chúa chúng con, để sống theo lề luật mà Chúa đã dùng các tiên tri, tôi tớ Chúa, rao giảng cho chúng con.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 78, 8. 9. 11 và 13
Ðáp: Lạy Chúa, xin đừng xử với chúng con như chúng con đáng tội (Tv 102, 10a).
Xướng: 1) Xin đừng nhớ lỗi tiền nhân để trị chúng con; xin kíp mở lòng từ bi đón nhận chúng con, vì chúng con lầm than quá đỗi! - Ðáp.
2) Ôi Thiên Chúa, Ðấng cứu độ chúng con, xin phù trợ chúng con vì vinh quang danh Chúa; xin giải thoát và tha tội chúng con vì danh Ngài. - Ðáp.
3) Xin cho tiếng tù binh rên siết vọng tới thiên nhan; xin ra tay thần lực giải thoát người mang án tử. Phần chúng con là thần dân Chúa, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi, chúng con sẽ ca tụng Chúa tới muôn đời; đời nọ sang đời kia, chúng con loan truyền lời ca khen Chúa. - Ðáp.
Câu Xướng Trước Phúc Âm: Ga 3, 16
Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi ban Con Một của Người; mọi kẻ tin Ngài, thì được sống đời đời.
Phúc Âm: Lc 6, 36-38
"Hãy tha thứ thì các con sẽ được thứ tha".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ. Ðừng xét đoán thì các con khỏi bị xét đoán; đừng kết án thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ. Hãy cho thì sẽ cho lại các con: Người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong bằng đấu nào, thì cũng được đong trả lại bằng đấu ấy!"
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm
Ngày Thứ Hai trong Tuần 2 Mùa Chay hôm nay, chủ đề "Tôi đã tự ý bỏ sự sống mình đi để lấy nó lại" (Gioan 10:17) cho toàn Mùa Chay bao gồm cả Tuần Thánh được phản ảnh trong phụng vụ lời Chúa trong ngày, ở chỗ nhờ việc Người "đã tự ý bỏ sự sống mình đi" bằng cuộc khổ nạn và tử giá của Người mà Người đã "lấy nó lại" nơi việc làm cho con người nhờ đó có thể nhận biết Lòng Thương Xót của Cha Người mà được "sự sống và là sự sống viên mãn hơn" (Gioan 10:10) của Người và với Người.
Thật vậy, trong Bài Phúc Âm hôm nay, "Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: 'Các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ. Ðừng xét đoán thì các con khỏi bị xét đoán; đừng kết án thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ. Hãy cho thì sẽ cho lại các con: Người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong bằng đấu nào, thì cũng được đong trả lại bằng đấu ấy!'"
Nội dung của Bài Phúc Âm hôm nay, cũng là những gì Chúa Giêsu muốn nói hay muốn dạy trong Bài Phúc Âm hôm nay, đó là huấn dụ các môn đệ của Người làm sao để cho thể sống "nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ", một đời sống "nhân từ như Cha" được thể hiện hay được chứng tỏ ở những hành động, về phần tiêu cực: "Ðừng xét đoán ... đừng kết án", và về phần tích cực "hãy cho" đi một cách đầy đặn, một cách "tràn đầy", đến độ "như Cha các con là Ðấng nhân từ".
Đúng thế, để biết được mình có thật sự "nhân từ" hay "thương xót" chăng, và "nhân từ" hay "thương xót" đến đâu, có trọn vẹn và hoàn toàn chăng, cần phải căn cứ vào mẫu mực tối hậu của "nhân từ", của "thương xót" là chính "Cha các con là Ðấng nhân từ / thương xót".
Trước hết, về phần tiêu cực, liên quan đến việc "Ðừng xét đoán ... đừng kết án", nếu Thiên Chúa mà "xét đoán" và "kết án" thì chẳng có một tạo vật "nhân vô thập toàn" nào thoát khỏi ánh mắt vô cùng nghiêm minh thưởng phạt của Ngài, trái lại, Ngài đã "nhân từ", đã "thương xót" thành phần loài người vô cùng thấp hèn và khốn nạn trước nhan Ngài mà đã dám cả gan xúc phạm đến Ngài là Đấng vô cùng thánh hảo và uy nghi cao cả.
Và thực sự là thế, đến độ Thiên Chúa là "Cha thương xót" chẳng những không "đoán xét" và "kết án" con người chỉ là một tạo vật mà đã cả gan phạm thượng, ở chỗ đã dám nghe theo tên dối trá quay ra bất tuân ý muốn chân thật và thiện hảo tối thượng của Ngài, ngược lại, Ngài còn vô cùng cảm thương và cứu độ họ nữa, bằng cách, đã "kết án" chính Con Một của mình là Bản thân Ngài, ở chỗ, Ngài "đã không dung tha cho Con Một của mình, một đã phó nộp Người vì tất cả chúng ta" (Roma 8:32), đến độ "vì chúng ta Thiên Chúa đã làm cho Đấng không biết đến tội lỗi thành tội lỗi để trong Người chúng ta được trở nên chính sự thánh thiện của Thiên Chúa" (1Corinto 5:21).
Sau nữa, về phần tích cực, liên quan đến việc "cho" đi một cách đầy đặn bằng "đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc" còn một cách "đầy tràn", "Cha các con là Ðấng nhân từ / thương xót" cũng đã làm gương và đã thực hiện ở chỗ, chẳng những "đã yêu thế gian đến ban Con Một của mình, để những ai tin vào Người thì không phải chết nhưng được sự sống" (Gioan 3:16), mà nhất là ở chỗ ban Thánh Linh của Ngài cho Giáo Hội là Nhiệm Thể Con của Ngài, để nhờ Giáo Hội chứng nhân của Con Ngài mà "canh tân bộ mặt trái đất" (Thánh Vịnh 104:30) như Ngài mong muốn thành một "trời mới đất mới" (Khải Huyền 21:1).
Thiên Chúa là "Cha nhân từ / thương xót" đã ban Thánh Linh của Ngài cho chung Giáo Hội cũng như cho từng chi thể của Nhiệm Thể Giáo Hội. Ở chỗ, Chúa Cha đã ban Thánh Thần của Ngài qua việc Chúa Kitô Thăng Thiên từ Cha sai Thánh Thần đến với chung Giáo Hội của Người nơi biến cố Thánh Thần Hiện Xuống trên các vị tông đồ ở Giêrusalem vào ngày Lễ Ngũ Tuần (xem Tông Vụ 2:1-4; Gioan 15:26:).
Chúa Cha, nơi Phép Rửa được Giáo Hội thừa tác cử hành và ban phát các mầu nhiệm thánh, cũng đã ban Thánh Thần của Ngài cũng là của Chúa Giêsu Kitô đang ngự bên hữu Ngài cho từng Kitô hữu là phần thể của Nhiệm Thể Giáo Hội Chúa Kitô, ở chỗ: "tình yêu của Thiên Chúa được tuôn đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần là Đấng được ban cho chúng ta" (Roma 5:5).
Và chỉ nhờ Thánh Thần được "Cha nhân từ / thương xót" ban cho chung Giáo Hội cũng như cho riêng mỗi Kitô hữu mà Nhiệm Thể Chúa Kitô mới có thể được "Thần Chân Lý ... dẫn vào tất cả sự thật" (Gioan 16:13) là Chúa Kitô, nhờ đó Giáo Hội mới có thể được sâu xa hiệp thông thần linh với Cha và Con (xem Gioan 16:14) cùng nên một như Cha và Con (xem Gioan 17:21), và nhờ đó Giáo Hội mới có thể thông ban "sự sống viên mãn" của mình cho thế giới bằng chứng từ của mình về Chúa Kitô cho tới tận cùng trái đất (xem Gioan 15:26 và Tông Vụ 1:8).
Vị Thiên Chúa là "Cha nhân từ / thương xót" quả thực đã từng tỏ hiện bản chất "nhân từ / thương xót" này của Ngài ra nơi lịch sử cứu độ của dân Do Thái, như chính họ đã cảm nhận thấy thế trong Bài Đọc 1 được trích từ Sách Tiên Tri Đaniên hôm nay: "Lạy Chúa là Thiên Chúa cao cả và đáng kính sợ, Ðấng giữ lời giao ước và lòng từ bi đối với những ai kính mến Người và tuân giữ những giới răn của Người".
Và sở dĩ dân Do Thái cảm nhận được Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất của họ "nhân từ / thương xót" là vì:
1- Trong khi họ phản bội Ngài và bất tuân lệnh Ngài:
"Chúng con đã phạm tội và làm điều gian ác; chúng con đã bỏ các giới răn và lề luật Chúa. Chúng con đã không nghe lời các tiên tri tôi tớ Chúa, những người đã nhân danh Chúa nói với các vua chúa, thủ lãnh, cha ông và toàn dân trong xứ chúng con".
2- Ngài vẫn "công chính" ở chỗ không bỏ họ, chứ không bất chính như họ ở chỗ họ bỏ Ngài, và chính vì họ bỏ Ngài mà họ đã phải gánh chịu hậu hoạn của việc họ làm:
"Lạy Chúa, sự công chính thuộc về Chúa, còn phần chúng con là phải chịu hổ mặt như ngày hôm nay, chúng con là những người thuộc dòng dõi Giuđa, những dân cư ở Giêrusalem, toàn dân Israel, những kẻ gần xa, sống trong mọi nước mà Chúa đã phân tán họ tới đó, vì tội ác mà họ đã phạm nghịch cùng Chúa. Lạy Chúa, điều dành cho chúng con, các vua chúa, thủ lãnh, cha ông chúng con là phải chịu hổ mặt, vì đã phạm tội".
3- Hơn thế nữa, trái lại, Ngài còn thương cảm và thương xót họ, bằng cách theo đuổi họ để đánh động họ và lôi kéo họ về với Ngài:
"Lòng từ bi và tha thứ thuộc về Chúa là Thiên Chúa chúng con, vì chúng con phản bội cùng Chúa. Chúng con đã không vâng theo tiếng Chúa là Thiên Chúa chúng con, để sống theo lề luật mà Chúa đã dùng các tiên tri, tôi tớ Chúa, rao giảng cho chúng con".
Nếu dân Do Thái tỏ ra nhận biết tội lỗi của mình trong Bài Đọc 1 hôm nay, thì trong Bài Đáp Ca cùng ngày này, họ đã bày tỏ tấm lòng tan nát khiêm cung của họ nhận biết Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất của họ là vị Thiên Chúa "nhân từ / thương xót", vị Thiên Chúa cứu độ của họ, cứu họ vì danh của Ngài hơn là chấp tội họ, nên Ngài đáng muôn đời chúc tụng ngợi khen:
1) Xin đừng nhớ lỗi tiền nhân để trị chúng con; xin kíp mở lòng từ bi đón nhận chúng con, vì chúng con lầm than quá đỗi!
2) Ôi Thiên Chúa, Ðấng cứu độ chúng con, xin phù trợ chúng con vì vinh quang danh Chúa; xin giải thoát và tha tội chúng con vì danh Ngài.
3) Xin cho tiếng tù binh rên siết vọng tới thiên nhan; xin ra tay thần lực giải thoát người mang án tử. Phần chúng con là thần dân Chúa, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi, chúng con sẽ ca tụng Chúa tới muôn đời; đời nọ sang đời kia, chúng con loan truyền lời ca khen Chúa.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên
---------------------------