SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM CAO SIÊU - THỨ TƯ

  •  
    Chi Tran - LEYEN CHUYỂN
     
     
     
     
       

    THỨ TƯ - TUẦN II THƯỜNG NIÊN - MC 3, 1-6

     

     
     
    BÀI ĐỌC I: Dt 7, 1-3. 15-17
     
    “Ngươi là tư tế theo phẩm hàm Menkixêđê tới muôn đời”.
     
    Bài trích thư gửi tín hữu Do-thái.
     
    Anh em thân mến, Menkixêđê này là vua Salem, tư tế của Thiên Chúa Tối Cao, ông đã đi đón Abraham đang trên đường về sau khi đánh bại các vua, ông chúc lành cho Abraham. Và Abraham dâng cho ông một phần mười các chiến lợi phẩm. Giải nghĩa tên ông, trước tiên thấy tên ông mang tên vua công chính, rồi ông lại còn là vua Salem, nghĩa là vua hoà bình. Ông không cha không mẹ, không gia phả, không ngày sinh, không ngày tử, nhưng ông được so sánh với Con Thiên Chúa, nên ông làm tư tế muôn đời.
     
    Việc còn hiển nhiên hơn nữa, nếu một tư tế khác được thiết lập theo phẩm hàm Menkixêđê, không phải chiếu theo luật xác thịt quy định, nhưng chiếu theo quyền năng của sự sống bất diệt. Vì đã chứng thực về ngài rằng: “Ngươi là tư tế theo phẩm hàm Menkixêđê tới muôn đời”.
     
    Ðó là lời Chúa.
     
    PHÚC ÂM: Mc 3, 1-6
     
    “Trong ngày Sabbat được cứu sống hay là giết chết?”
     
    Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
     
    Khi ấy, Chúa Giêsu lại vào hội đường và ở đó có một người khô bại một tay. Người ta để ý quan sát xem Chúa có chữa bệnh trong ngày Sabbat không, để tố cáo Người. Chúa bảo người có tay khô bại rằng: “Ngươi hãy đứng ra giữa đây”. Rồi Người bảo họ: “Trong ngày Sabbat được làm sự lành hay sự dữ? Ðược cứu sống hay là giết chết?” Nhưng họ thinh lặng. Bấy giờ Người thịnh nộ đưa mắt nhìn họ và buồn phiền vì lòng họ chai đá, Người bảo bệnh nhân rằng: “Hãy giơ tay ra”. Người đó giơ tay ra và tay anh ta được lành. Lập tức, những người biệt phái đi ra bàn tính với những kẻ thuộc phái Hêrôđê chống đối Người và tìm cách hại Người.
     
    Ðó là lời Chúa.
     
    Suy niệm:
     
     
    Bài Tin Mừng hôm nay là cao điểm của năm cuộc tranh luận
     
    giữa Đức Giêsu với các kinh sư hay người Pharisêu (Mc 2, 1-3, 6).
     
    Đó là các cuộc tranh luận về quyền tha tội của Đức Giêsu,
     
    về chuyện Ngài ăn uống với người thu thuế, chuyện môn đệ không ăn chay,
     
    chuyện môn đệ bứt lúa ngày sabát, và cuối cùng là chuyện Ngài chữa bệnh.
     
     
    Trong hội đường, vào một ngày sabát, một người có bàn tay bị teo đi dự lễ.
     
    Các người Pharisêu rình xem Đức Giêsu có chữa cho anh ấy không.
     
    để có cớ tố cáo Ngài.
     
    Đức Giêsu chủ động đưa âm mưu của họ ra ánh sáng.
     
    Ngài muốn công khai hóa và chính thức hóa việc làm của mình,
     
    bởi vậy Ngài mới nói với người bị tật rằng: “Anh hãy trỗi dậy ra giữa đây!”
     
    Như thế mọi người trong hội đường đều thấy được anh.
     
    Rồi Ngài đặt câu hỏi với các người đang rình rập Ngài
     
    về điều được phép làm trong ngày sabát:
     
    được làm điều tốt hay điều xấu, cứu sống hay giết chết?
     
    Câu trả lời tưởng như quá rõ ràng,
     
    nhưng ta nên nhớ rằng chữa bệnh ngày sabát bị coi như lao động.
     
    Chỉ được chữa bệnh ngày sabát khi đó là một bệnh nguy tử.
     
     
    Anh bại tay không phải là người lâm cơn bệnh nguy tử.
     
    Nếu hoãn lại đến ngày mai mới chữa anh, thì có vẻ cũng chẳng sao.
     
    Nhưng Đức Giêsu đã không chấp nhận sự trì hoãn này.
     
    Đối với Ngài, làm điều tốt là chữa ngay cho anh.
     
    Ngài không đợi anh ấy gần chết mới cứu sống.
     
    Cứu sống là cho con người được sống hạnh phúc dồi dào hơn.
     
    Một bàn tay héo khô, teo tóp, bại liệt,
     
    một bàn tay đàn ông chẳng còn làm việc được, chẳng còn tự phục vụ được,
     
    một bàn tay đã chịu tật nguyền như thế từ bao giờ,
     
    theo Đức Giêsu, bàn tay ấy phải được chữa lành ngay khi có thể.
     
    “Hãy giơ tay ra!”
     
    Người ấy đã giơ tay ra và tay anh trở lại bình thường.
     
    Giơ tay ra là điều trước kia anh mong muốn mà không làm được.
     
    Bây giờ anh có thể giơ tay để nắm lấy một bàn tay khác,
     
    và cảm được sự ấm áp chân thành của tình bạn.
     
    Có bao nhiêu bàn tay, dù không bại liệt, nhưng chẳng bao giờ bình thường
     
    vì chẳng bao giờ dám đưa ra để trao và để nhận, để nắm và để buông.
     
     
    Trước sự thinh lặng chai đá của các kẻ chống đối,
     
    Đức Giêsu vừa giận vừa buồn (c.5).
     
    Ngài chấp nhận trả giá cho quyết định của mình.
     
    Ngài đã chữa bệnh chỉ bằng một lời nói, chứ không bằng đụng chạm.
     
    Thế nên theo Luật Môsê, Ngài vẫn không bị coi là đã vi phạm ngày sabát.
     
    Cầu nguyện:
     
    Lạy Chúa,
     
    lúc đầu chúng con chỉ muốn cầm tay nhau
     
    để làm thành một vòng tròn khép kín.
     
    Sau đó chúng con hiểu rằng
     
    cần phải buông tay nhau
     
    để nhận những người bạn mới,
     
    để vòng tròn được mở rộng đến vô cùng
     
    và trái tim được lớn lên mãi.
     
     
    Lạy Chúa, chúng con biết rằng
     
    cần phải nối vòng tay lớn
     
    xuyên qua các đại dương và lục địa.
     
    vòng tay người nối với người,
     
    vòng tay con người nối với Tạo Hóa.
     
     
    Chúng con thích Chúa
     
    đứng chung một vòng tròn
     
    với tất cả loài người chúng con,
     
    nắm lấy tay chúng con
     
    và đưa chúng con lên cao.
     
     
    Ước gì việc Chúa giang tay trên thập giá
     
    giúp chúng con biết cầm lấy tay nhau
     
    và nhận nhau là anh em.
     
    Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.