CHẢY MÃI, CHẢY ĐẾN THA NHÂN - Thứ Ba Tuần 3 MC A
- Details
- Category: 3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa
“Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy!”.
“Người đàn ông đã cùng tôi ăn tối đã giết anh trai tôi”. Đó là lời của một phụ nữ xinh đẹp tại một bữa tiệc. Ruth đã kể về John, người đã sát hại anh cô như thế nào. John thụ án 18 năm; sau đó, ổn định tại một trang trại, nơi cô gặp anh sau 20 năm vụ án. Được thôi thúc bởi Chúa Kitô, cô tìm John, nói lời tha thứ. Nhiều người sẽ không gọi đây là một câu chuyện thành công: John chưa trở lại đạo! Nhưng tại một bữa tiệc khác, giọng John vỡ ra khi nói: “Kitô hữu là những người duy nhất mà bạn có thể giết con trai họ; họ sẽ biến bạn thành một phần của gia đình họ. Tôi không biết “Ai đó” trên cao, nhưng chắc chắn, Ngài đang săn lùng tôi!”. Câu chuyện của John còn dang dở; John vẫn chưa tin. Nhưng như Chúa Kitô đã chết cho bạn, bất kể bạn từ chối hay chấp nhận Ngài, Ruth “tha nợ” cho John mà không cần điều kiện. Thậm chí, cô còn trở thành bạn của anh!
Kính thưa Anh Chị em,
Lời Chúa hôm nay cũng nói đến nợ nần! Người nợ Chúa; người nợ người! Người tha cho người, nếu muốn Chúa tha cho mình. Tha thứ, như dòng suối phải chảy, ‘chảy mãi, chảy đến tha nhân!’.
Bài đọc Đaniel cho thấy con người nợ Chúa thật nhiều! “Vì tội lỗi, chúng con đã thành dân nhỏ nhất, đã nếm mùi ô nhục trên khắp hoàn cầu”. Tin Mừng cho thấy, người cũng nặng nợ với người: một người nợ lớn, một người nợ nhỏ; cả hai không trả nổi, nài xin ‘chủ mình’ hoãn lại. Chủ chạnh thương, tha cho người thứ nhất món nợ cực lớn, nhưng người này không tha cho bạn mình món nợ cực nhỏ. Và Chúa Giêsu kết luận, “Cha Tôi trên trời cũng xử với các con đúng như thế!”. Điều đó không có nghĩa là Thiên Chúa hẹp hòi đến độ sẽ xét xử người, như ‘người cư xử với người’; Lời Chúa muốn nói, ai không mở lòng với anh em, không thể mở ra cho Thiên Chúa! Như vậy, không tha thứ là đánh mất những gì đã nhận được; suối tắc nghẽn, ao tù tanh tưởi. Vì thế, người nợ lớn đã bất ngờ được tha, nay bất ngờ bị rút lại. Ai biết tha thứ, người ấy giữ được thứ tha!
Điều Chúa Giêsu đang nói là sự cho đi và nhận lại. Điều thú vị là, chúng ta thường dễ dàng nghĩ đến việc ‘tha cho người’ hơn là xin ‘tha cho mình’. Con nợ thứ nhất xem ra chân thành, “Anh sấp mình dưới chân chủ”; thực ra, anh chỉ là một diễn viên giỏi! Bởi sau khi được xoá khoản nợ khổng lồ, anh bủn xỉn với con nợ cỏn con của anh; thay vì thương xót, “Y tóm lấy, bóp cổ mà nói, ‘Hãy trả nợ cho ta!’”. Tại sao? Bởi lẽ y không động lòng trước tình yêu vô hạn và xót thương của chủ. Tha thứ, nếu là thật, phải ảnh hưởng đến mọi sự nơi chúng ta. Nó là một điều gì đó phải ‘xin, cho; nhận và cho lại’. Như một dòng suối phải chảy, ‘chảy mãi, chảy đến tha nhân’.
Anh Chị em,
“Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy!”. Sai lỗi là việc của người, thứ tha là việc của Trời. Nếu Chúa Giêsu ra lệnh cho chúng ta phải tha bảy mươi lần bảy, thì làm sao Ngài thoát khỏi việc ‘không vô hạn’ trong sự tha thứ của Ngài? Ý nghĩa biết bao Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu của Ngài!”. Bao lâu không đi vào quỹ đạo xót thương của Thiên Chúa, bấy lâu chúng ta không thể tha thứ cho người khác. Không phải tha ‘bảy lần’ nhưng tha ‘vô hạn lần bảy’. Hãy nhìn lên thập giá, chiêm ngắm trái tim bị đâm thâu của Chúa Kitô, một trái tim khơi mỏ mạch mọi ân sủng thứ tha qua các Bí Tích! Hãy kết nối, khai thông đời mình vào dòng chảy thần linh ấy và như một dòng suối phải chảy, ‘chảy mãi, chảy đến tha nhân’, chúng ta trào tràn sức sống, lòng thương xót và sự thứ tha của Thiên Chúa cho anh chị em mình.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, Đấng rửa sạch tội con vốn ‘đỏ hơn son’ bằng Máu Châu Báu của Ngài, cho con biết ném tội của anh chị em con xa thật xa như Chúa đã ném tội lỗi con tận mãi ngàn khơi!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)