CHÚA KITÔ PHỤC SINH ĐEM LẠI MỘT VIỄN CẢNH MỚI

Quả thật, sự sống lại của Chúa Giêsu đánh dấu sự khởi đầu của một lối sống mới tập trung vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chết nhưng hiện nay đang sống và sống đời đời. Nhờ chiến thắng của Chúa Giêsu trên tội lỗi và sự chết, các tín hữu được ban cho một viễn cảnh mới. Thập giá và sự phục sinh của Chúa Giêsu đã thay đổi mãi mãi cách chúng ta nhìn về sự chết, về cuộc sống, về thế giới này và về nhau.

Như nhà thần học Karl Rahner đã từng giải thích, sự phục sinh của Chúa Giêsu mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của con người, vốn giống như Ngày Thứ Bảy Tuần Thánh. “Một ngày kỳ lạ, bí nhiệm, im lặng, một ngày không có phụng vụ, Thứ Bảy Tuần Thánh là biểu tượng của cuộc sống hàng ngày, là sự hòa lẫn giữa nỗi kinh hoàng khủng khiếp của Thứ Sáu Tuần Thánh và sự chờ đợi niềm vui hân hoan của Lễ Phục Sinh. Cuộc sống bình thường của con người chủ yếu cũng ở giữa hai tâm trạng này; Thứ Bảy Tuần Thánh, vốn là cuộc sống của chúng ta, phải là cuộc chuẩn bị cho Lễ Phục Sinh, niềm hy vọng vững vàng về vinh quang cuối cùng của Thiên Chúa.” [1]

Rahner gợi ý rằng để sống cuộc đời này như ngày Thứ Bảy Tuần Thánh một cách xứng đáng đó là sống trong hy vọng, làm những gì có thể làm được và trông đợi Thiên Chúa làm những gì chúng ta không thể làm được. Đó là nhận ra sự thật trong lời nói của Tertullianô (145-220 CN), “Caro cardo salutis - xác thịt là bản lề của sự cứu độ”. Thực chất của lễ Phục sinh là Thiên Chúa không chỉ ở trên kia như một đấng siêu việt hoàn toàn khác. Ngài đã đến với chúng ta, bằng xương bằng thịt của sự sống của con người và trong sự sống đó đã biến đổi con người chúng ta. “Từ đó, Đất Mẹ chỉ sinh ra những đứa con được biến đổi. Vì sự phục sinh của Chúa Giêsu là khởi đầu cho sự phục sinh của mọi xác thịt.” [2]

Một quan điểm khác về sự sống lại đã được thánh Augustinô (354-430 CN) đề xuất từ nhiều thế kỷ trước. Vị giám mục thành Hippo nói, “Hãy đưa cho tôi một người đang yêu, và người ấy sẽ hiểu được sự sống lại.” Mở rộng tư tưởng của thánh Augustinô, Gerald O'Collins [3] giải thích rằng tình yêu giữa một người nam và một người nữ hàm chứa tình yêu thiêng liêng được bày tỏ trong sự sống lại. “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” và “Từ đám mây, có tiếng phán rằng: "Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Ngài” (Mc 1:11, 9:7) có ý nói “Ngài sẽ không chết”, hay đúng hơn, “Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc linh hồn con trong cõi âm ty, cũng không để Vị Thánh của Ngài phải hư nát” (Cv 2,25-31). Thánh sử thứ tư cũng sử dụng ngôn ngữ yêu thương tương tự khi kể về cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu: “Trước lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết giờ của Ngài đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Ngài vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Ngài yêu thương họ đến cùng” (Ga 13:1) Tình yêu thương không bị giới hạn bởi thời gian hay cái chết. Cha mẹ không nói với con cái, “Bố mẹ sẽ yêu con 10, 15 hay 20 năm.” Con cái không nói, “Con sẽ quên mẹ khi mẹ chết.” Những người yêu nhau không nói: “Anh sẽ yêu em trong năm năm.” Tình yêu đích thực được cam kết và tự cam kết bằng ngôn ngữ “mãi mãi.” [4]

Trong sự phục sinh của Chúa Giêsu, những người con yêu dấu của Chúa Cha được hứa rằng tình yêu vĩnh cửu của Ngài sẽ cùng họ đi đến cuộc sống bên kia nấm mồ. Nơi Chúa phục sinh, các tín hữu tìm thấy một viễn cảnh mới về niềm hy vọng và ý nghĩa để nhìn vào ngày Thứ Bảy Tuần Thánh của cuộc sống con người. Chúa Giêsu, Đấng đã chết và nay đã sống lại, đảm bảo với chúng ta về sự biến đổi cứu độ của mọi xác thịt.

Bài đọc I - Công Vụ 10:34, 37-43

Khi thánh Luca viết sách Công vụ Tông đồ vào khoảng giữa những năm 80 CN, hai nhân vật chính trong đó, Phêrô và Phaolô, đã qua đời. Nhưng thánh Luca không đề cập đến cái chết của hai vị anh hùng này của hội thánh sơ khai. Thay vào đó, thánh Luca để lại cho độc giả ấn tượng rằng sứ vụ của Phêrô và Phaolô vẫn còn nguyên vẹn và các tông đồ tiếp tục nói chuyện với Hội Thánh thông qua các bài diễn từ được cho là của các ngài. Qua đó, Luca cho thấy một cái nhìn sâu sắc về “kế hoạch”, hay “ý muốn” của một Thiên Chúa đích thực ban ơn cứu độ cho tất cả mọi người.

Trong sách Công Vụ Tông Đồ, các bài diễn văn có chức năng như một phương tiện để thánh Luca công bố Tin mừng. Thực tế là bài giảng này, giống như tất cả những bài khác, chứa đựng các yếu tố chính hoặc sứ điệp cơ bản về ơn cứu độ, như cái chết của Chúa Giêsu phù hợp với kế hoạch đã định trước của Thiên Chúa, rằng Ngài đã sống lại từ cõi chết như đã được báo trước trong sách thánh, và các nhân chứng đã nhìn thấy Ngài trong trạng thái sống lại.

Các bài diễn văn hoặc bài phát biểu được cho là của thánh Phaolô đã trình bày kerygma – sứ điệp cơ bản - nhằm mục đích dành cho khán giả dân ngoại, trong khi các bài diễn văn của thánh Phêrô hướng đến thính giả hoặc độc giả Do Thái. Tuy nhiên, trong bài đọc thứ nhất hôm nay, thánh Phêrô được miêu tả trong một tư cách khác thường khi rao giảng cho dân ngoại. Với tư cách là người đứng đầu được Hội thánh công nhận, thánh Phêrô tán thành sứ mệnh loan báo Tin mừng cho dân ngoại và tất cả các hậu quả của nó, ví dụ những người Do Thái và những người Dân Ngoại, được hiệp nhất bởi đức tin nơi Chúa Kitô, sẽ không còn bị ngăn cách bởi những khác biệt về sắc tộc hoặc các quy tắc thanh sạch/ô uế. Hơn nữa, bài giảng của thánh Phêrô đại diện cho việc hoàn thành mệnh lệnh mà Chúa Giêsu đã ban hành ở cuối Tin mừng Luca, nghĩa là tin mừng về sự tha thứ và cứu rỗi phải được rao giảng nhân danh Ngài “cho muôn dân” (Luca 24:47). Có thể nói rằng sau khi Chúa Giêsu phục sinh, Phêrô và các Kitô hữu gốc Do Thái khác bắt đầu nhận ra thách thức của việc chấp nhận một quan điểm phổ quát hơn về sự cứu rỗi, rằng “ai tin vào Ngài thì sẽ nhờ danh Ngài mà được ơn tha tội” (Cv 10: 43). Thử thách này được đưa ra trong bối cảnh trở lại đạo của viên sĩ quan dân ngoại Cornelius và của cả gia đình ông. Được Luca đưa tin rộng rãi (Cv 10:1-11:18), sự kiện Cornelius là quyết định mang tính bước ngoặt đối với cộng đoàn sơ khai và là hình mẫu cho việc truyền giáo đang phát triển này.

Hàm ý phổ quát về sự phục sinh của Chúa Giêsu, rằng tất cả xác thịt đã được Thiên Chúa yêu thương và biến đổi đòi hỏi những người cử hành thực tại này trong lễ Phục sinh phải nhìn nhận ngay cả những người xa cách và khác biệt nhất giữa chúng ta trong một viễn cảnh mới, tức là viễn cảnh tình yêu.

Bài đọc II - Côlôsê 3:1-4

Do những tiến bộ của y khoa, đặc biệt là vào nửa sau của thế kỷ 20, một hiện tượng được gọi là “trải nghiệm cận tử” đã trở nên gần như phổ biến. Nạn nhân của các cơn đau tim hoặc chấn thương thể chất nghiêm trọng khác, lẽ ra đã chết, giờ đây có thể được hồi sức và tiếp tục cuộc sống bình thường. Nhiều người sống sót sau cuộc chạm trán với cái chết như vậy đã nói rằng cuộc sống của họ đã bị thay đổi hoàn toàn bởi trải nghiệm đó. Các giá trị và ưu tiên đã được điều chỉnh. Con người và các mối tương quan trở nên quan trọng hơn mọi thứ. Những điều tầm thường trước đây vốn đã nhận được rất nhiều nỗ lực và sự chú ý đã trở nên vô nghĩa để cho những khía cạnh thực sự thiết yếu của sự hiện hữu của con người có thể được quan tâm nhiều hơn. Theo một nghĩa nào đó, thánh Phaolô muốn độc giả của ngài cũng có cách nhìn tương tự về đời sống của họ trong Chúa Kitô.

Nhờ phép rửa tội, người tín hữu đã chết với Chúa Kitô và cùng với Ngài sống lại trong một cuộc sống mới đầy ân sủng và vinh quang. Kinh nghiệm về sự chết và sống lại đó sẽ thay đổi hoàn toàn các giá trị, các ưu tiên và phong cách sống tiếp theo của tín hữu, sao cho cõi lòng của họ “tìm kiếm những gì thuộc thượng giới”, và “hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3:1,2). Thật không may, những người Côlôsê nhận được bức thư này đã bị lôi kéo theo những hướng khác.

Êpápra đã thành lập hội thánh tại Côlôsê và có lẽ cũng đã đem Tin mừng đến các thành phố khác trong thung lũng Lycus (Laođixê, Hiêrabôli). Thánh Phaolô cũng có mối liên hệ với thành phố này, thông qua các mối liên hệ của ngài với Philemon, Onesimus, Apphia và Archippus. Mặc dù thư Côlôxê vẫn là một phần trong kho văn bản Phaolô đang gây tranh cãi, nhưng bức thư được gửi nhân danh thánh Phaolô đến Côlôxê phù hợp với những mối quan tâm thần học của vị Tông đồ.

Những người giảng thuyết giả mạo (Cl 2:4,8) đã quấy phá thành phố, tấn công cả quyền tối cao của Chúa Kitô và nhân tính thật của Ngài và thay vào đó đưa ra một thứ hỗn hợp của chiêm tinh học ngoại giáo, thuyết ngộ đạo nguyên thủy và một hình thức dị thường của thuyết thần bí Do Thái. Để các tín hữu không bị ảnh hưởng bởi những sai lầm này, tác giả Côlôxê nhắc nhở độc giả của mình rằng sự cam kết của họ với Chúa Kitô khi chịu phép thánh tẩy đòi hỏi họ phải đổi mới hàng ngày trong sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu.

Bài Tin mừng - Gioan 20:1-9

Là một trong những giáo lý chính của đức tin Kitô giáo, sự phục sinh của Chúa Giêsu cũng là một trong những mầu nhiệm lớn nhất của Kitô giáo. May mắn thay, thánh sử Gioan đã hướng dẫn các độc giả của mình hiểu rõ hơn về Chúa Giêsu phục sinh nhờ Tin mừng. Dù một số người cho rằng người môn đệ Chúa yêu có tên gọi Gioan này không phải là một nhân vật lịch sử cụ thể thì Gioan vẫn là biểu tượng của người môn đệ chân chính luôn ở gần Chúa Giêsu và là người đầu tiên tin vào sự phục sinh của Ngài: “Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin” (Gn 20: 8).

Là một người hướng dẫn có khả năng, người môn đệ Chúa yêu là người gần Chúa Giêsu nhất trong Bữa Tiệc Ly: “Trong số các môn đệ, có một người được Chúa Giêsu thương mến. Ông đang dùng bữa, đầu tựa vào lòng Chúa Giêsu” (Ga 13:23-26); ông ở lại bên thập  giá của Chúa Giêsu với Mẹ Maria và được Chúa Giêsu giao phó cho Mẹ chăm sóc: “Đứng gần thập giá Chúa Giêsu, có thân mẫu Ngài, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Clôpát, cùng với bà Maria Mácđala. 2Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Chúa Giêsu nói với thân mẫu rằng: "Thưa Bà, đây là con của Bà." Rồi Ngài nói với môn đệ: "Đây là mẹ của anh." Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19:25-27). Ông đã ở với Simon Phêrô khi Maria Mađalêna báo tin về ngôi mộ trống: “Bà liền chạy về gặp ông Simôn Phêrô và người môn đệ Chúa Giêsu thương mến” (Ga 20:2). Lần đầu tiên đến mộ Chúa Giêsu, ông đã nhìn thấy và hiểu những điều mà Maria không hiều. Trong khi bà nghĩ rằng thi thể của Chúa Giêsu đã bị lấy đi, thì người môn đệ được yêu mến đã nhận ra rằng, qua sự sắp xếp có trật tự của những tấm vải liệm, thi thể của Chúa Giêsu không bị đánh cắp mà thực sự là Ngài đã sống lại: “Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20: 8) Dường như đức tin của ông không phải là kết quả của nỗ lực và sự hiểu biết của con người mà là hiệu quả của tình yêu của Chúa Kitô trong người môn đệ. [5]

Sau đó, khi đang câu cá với Phêrô, người môn đệ được yêu mến sẽ nhận ra Chúa phục sinh của mình đang đứng trên bờ biển và chỉ Ngài cho Phêrô: “Người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến nói với ông Phêrô: "Chúa đó!” (Ga 21:7). Khi kết thúc sách Tin mừng của mình, thánh sử Gioan đã xác định môn đệ mà Chúa Giêsu yêu mến là nguồn có thẩm quyền cho công việc của ông: “Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực” (Ga 21:24).

Giống như các thiên sứ giải nghĩa trong các câu chuyện phục sinh nhất lãm (Mt 22:5, Mc 16:5, Lc 24:4), người môn đệ Chúa yêu giúp độc giả của Tin mừng hiểu được mầu nhiệm phục sinh của Chúa Giêsu và đến với đức tin. Bài học dành cho độc giả là tình yêu dành cho Chúa Giêsu giúp người ta có cái nhìn sâu sắc để phát hiện ra sự hiện diện của Ngài. Người Môn Đệ Được Yêu Dấu, ở đây cũng như ở những nơi khác, môn đệ lý tưởng của Chúa Giêsu, nêu gương cho tất cả những người khác noi theo. [6] Là gương mẫu và là người hướng dẫn cho chúng ta về mầu nhiệm Phục sinh, người môn đệ được yêu mến này mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng và vui mừng với ông trong mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta khi nhập thể, chịu đóng đinh, chết và phục sinh.

[1] The Great Church Year, Crossroad Pub. Co., New York: 1994.

[2] Karl Rahner, The Content of Faith, Crossroad Pub. Co., New York: 1992.

[3] Họ Đang Nói Gì Về Sự Phục Sinh?, Paulist Press, New York: 1978.

[4] Gerald O'Collins, op. cit.

[5] Wilfrid Harrigton, The Saving Word, Michael Glazier Co., Wilmington: 1980.

[6] Raymond E. Brown, op. cit., Vol. II, #29A.

 

Phêrô Phạm Văn Trung lược dịch,

từ Patricia Datchuck Sánchez, http://www.nationalcatholicreporter.org