SỐNG VÀ CHIA SẺ LS - CN19TN-C

CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 19 Thường Niên (11-8-2019)

Hãy chuẩn bị hành trang cho cuộc sống mai sau

ĐỌC LỜI CHÚA

  • Kn 18,6-9: (9) Con lành cháu thánh của những người lương thiện (…) đồng tâm nhất trí về luật sau đây của Thiên Chúa, là trong dân thánh, có phúc cùng hưởng, có hoạ cùng chia.
  • Dt 11,1-2.8-19: (13) Tất cả các tổ phụ (…) đều xưng mình là ngoại kiều, là lữ khách trên mặt đất. (14) Như vậy cho thấy là họ đang đi tìm một quê hương. (15) Và nếu quả thật họ còn nhớ tới quê hương mình đã bỏ ra đi, thì họ vẫn có cơ hội trở về. (16) Thực ra các ngài mong ước một quê hương tốt đẹp hơn, đó là quê hương trên trời.

TIN MỪNG: Lc 12,32-48

Hãy chuẩn bị kho tàng trên trời


(32) «Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em. (33) Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá. (34) Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó».

Phải sẵn sàng chờ chủ trở về
(35) «Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. (36) Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. (37) Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ. (38) Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ. (39) Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. (40) Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến».

(41) Bấy giờ ông Phêrô hỏi: «Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?» (42) Chúa đáp: «Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc? (43) Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta. (44) Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình. (45) Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: «Chủ ta còn lâu mới về», và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa, (46) chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín.

(47) «Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. (48) Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn».

Câu hỏi gợi ý:

  1. Tại sao có nhiều người mải mê tìm kiếm của cải chóng qua ở đời này, mà không màng đến những của cải quí giá và lâu bền hơn cho đời sau? Có phải là trong thực tế họ không tin có cuộc sống vĩnh cửu đời sau?

    2. Muốn chuẩn bị của cải cho cuộc sống đời sau thì bây giờ phải làm gì? Của cải dùng cho đời sau là gì?

    3.  Nếu ta không chuẩn bị những gì cần thiết cho cuộc sống đời sau, thì đến bao giờ ta mới chuẩn bị? Bạn nghĩ gì về câu «now or never» (= nếu không bây giờ thì sẽ chẳng bao giờ).

Suy tư gợi ý:


  1. Đừng mải mê thu gom những của cải trần gian

    Một bé gái 5 tuổi quí con búp-bê của em vô cùng, đến nỗi khi ngủ, em đòi phải cho búp-bê ngủ với mình. Có lần bị mất búp-bê, em buồn bã khóc lóc cả ngày khiến cha mẹ em phải mua ngay con khác thay thế. Nhưng em vẫn thương tiếc con búp-bê cũ. Nhiều người thử phản ứng của em, đề nghị em đổi búp-bê lấy đồng hồ, tivi, xe gắn máy, xe hơi – toàn là những thứ giá trị gấp 100, gấp 1000, thậm chí gấp 100.000 lần búp-bê – nhưng em nhất quyết không đổi. Đối với em, búp-bê là tài sản quý giá nhất, không gì đổi được. Nhưng đến năm 10 tuổi, em coi búp-bê không ra gì nữa, em bắt đầu thích những đồ chơi điện tử… Đến năm 20 tuổi, em đã trưởng thành, tất cả những thứ mà từ trước đến giờ em cho là vô giá, đều trở nên vô giá trị. Bây giờ em mới bắt đầu thích tiền, vàng bạc, là những thứ trước kia em không thèm, vì hiện nay em đã biết tiêu tiền: em nhận ra nhờ tiền, vàng bạc, em có thể mua tất cả mọi thứ em thích.

    Khi còn là em bé, em chưa hiểu và cũng chưa quan niệm được giá trị của đồng tiền, của vàng bạc, chưa có nhu cầu sử dụng tiền bạc. Đối với em, chỉ có con búp-bê là có giá trị, vì nó có khả năng thỏa mãn những nhu cầu rất ít ỏi của em: làm bạn với em, an ủi em, thỏa mãn tình cảm đơn sơ của em. Nhưng khi lớn lên, hiểu được giá trị của tiền bạc, em thấy việc em không chịu đổi búp-bê lấy những của quí giá hơn quả là một sự khờ dại. Cũng vậy, hiện nay, nhiều người suốt đời say mê tìm kiếm những của cải chóng qua, nay còn mai mất, mà không hề biết hay màng đến những thứ của cải lâu bền không bao giờ mất đi được, giá trị gấp triệu lần những của cải họ đang mải mê tìm kiếm. Tại sao? Chỉ vì họ chưa có một quan niệm, chưa hiểu gì về giá trị của thứ của cải lâu bền ấy. Nhìn bằng con mắt tâm linh, cho dẫu đã 4,5 chục tuổi, họ vẫn chỉ là những «em bé lớn tuổi», trí óc họ chẳng khác gì một em bé. Họ đâu biết rằng sau khi chết, khi bước vào đời sống vĩnh cửu, tất cả những của cải họ thu gom suốt cả đời mà họ tưởng rằng rất có giá trị, bỗng trở nên hoàn toàn vô giá trị trong cuộc sống vĩnh cửu. Lúc đó, họ mới thấy họ hoàn toàn trắng tay và nghèo hơn ai hết, vì họ đã không hề tích trữ những của cải cần thiết cho cuộc sống vĩnh cửu.


    2.  Hãy chuẩn bị của cải cho cuộc sống mai sau

    Sống ở trần gian này ta không thể không cần đến những của cải thích hợp cho cuộc sống tại đây. Nhưng cuộc sống ở trần gian này chỉ kéo dài nhiều lắm là 100 năm. Người Kitô hữu tin rằng sau cuộc sống ngắn ngủi được kết thúc bằng cái chết này, con người bước vào một cuộc sống khác lâu dài hơn rất nhiều, với cách hiện hữu hoàn toàn khác. Lúc đó, con người cần một loại của cải hoàn toàn khác với thứ của cải trần gian. Của cải trần gian dù đã gom góp được nhiều đến đâu, khi ấy, đều trở nên vô dụng. Vì thế, thật là dại dột khi ở trần gian này con người dành hết thì giờ mình có để gom góp thứ của cải vốn chỉ sử dụng được ở trần gian này, mà không biết tìm kiếm những của cải cần thiết cho cuộc sống vĩnh cửu.

    Hãy xem những người đang dự tính trong tương lai sẽ định cư lâu dài ở một nước khác: họ coi cuộc sống hiện nay ở trong nước họ đang sống chỉ là tạm bợ. Vì thế, họ không màng tìm danh vọng, địa vị hay mua sắm nhà cửa gì trong nước hiện tại, mà họ chuẩn bị cho cuộc sống tương lai ở nước ngoài. Để chuẩn bị cho tương lai lâu dài ở nước ngoài, nhiều khi họ phải từ chối những việc làm béo bở, những địa vị hái ra tiền, những căn nhà khang trang… trong hiện tại, chỉ vì chúng có thể gây cản trở cho việc ra đi của họ. Nhiều người lo kiếm tiền để gửi ngân hàng ở quốc gia nơi họ sắp đến định cư, để khi đến quốc gia ấy, họ đã có sẵn tài sản cần thiết để xây dựng cuộc sống của họ. – Đó là sự khôn ngoan thường tình mà ai cũng biết. Thế nhưng rất nhiều người lại không hề biết áp dụng sự khôn ngoan ấy để chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu của mình trên trời. Bài Tin Mừng cảnh báo chúng ta về sự dại dột ấy và khuyên chúng ta hãy khôn ngoan dùng thì giờ ở trần gian để chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu mai sau. Đó mới là cuộc sống đích thực của chúng ta.


    3.  Chuẩn bị thế nào cho cuộc sống vĩnh cửu mai sau?

    Cuộc sống vĩnh cửu mai sau là cuộc sống trong vương quốc của tình yêu. Chỉ những người có tình yêu đích thực – nghĩa là những người giống như Thiên Chúa (mà bản chất là tình yêu) – mới có thể nhập vào vương quốc ấy. Vì thế, tình yêu vừa là «» vào cửa, là «visa» để nhập cảnh, vừa là tài sản để sử dụng trong vương quốc ấy. Do đó, muốn chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu mai sau, điều quan trọng và tối cần thiết phải làm ở đời này là phải có được tình yêu đích thực. Tình yêu đích thực khác với tình yêu giả tạo, mặc dù tình yêu giả tạo cũng có vẻ là tình yêu. Tình yêu đích thực chỉ có được khi con người biết ra khỏi chính mình, biết từ bỏ mình, biết quan tâm đến vinh quang của Thiên Chúa và hy sinh cho nhu cầu của tha nhân.


    Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu đề nghị một việc làm cụ thể để có được tình yêu đích thực: «Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời». Khi «bố thí» – ở đây nên hiểu theo nghĩa rộng là quan tâm đến nhu cầu của tha nhân và hy sinh cho họ – thì ta sắm được «những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời». Có lần Đức Giêsu nói rất rõ: «Hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời» (Mt 19,21). Kho tàng ở trên trời ấy chính là tình yêu đích thực ta «sắm» được ở đời này. Nếu ta không chuẩn bị cho mình những gì cần thiết để vào Nước của Thiên Chúa, làm sao ta có thể vào đó được?


    4.  Khi nào ta mới chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu?

    Phần cuối của bài Tin Mừng nhắc nhở rằng Thiên Chúa có thể gọi ta về bên kia thế giới bất kỳ lúc nào. Có thể hàng mấy chục năm nữa, nhưng cũng có thể là năm sau, tháng sau, mà cũng rất có thể là ngày mai hay chỉ một tiếng đồng hồ nữa. Không ai biết được ngày giờ nào mình phải ra đi! Nếu chúng ta không chuẩn bị cho cuộc sống mai sau ngay từ bây giờ, thì chúng ta sẽ có khuynh hướng dời sự chuẩn bị ấy cho đến lúc chết, để cuối cùng chúng ta ra đi mà chẳng chuẩn bị gì. Điều gì phải làm ngay kẻo trễ thì người ta làm được vì người ta ấn định ngày giờ làm. Điều gì người ta nghĩ còn có nhiều thì giờ để làm, hay lúc nào làm cũng được, thì cuối cùng người ta chẳng bao giờ làm cả. Đúng như câu châm ngôn: «Now or never» (= không bây giờ thì sẽ chẳng bao giờ). Vì thế, kẻ biết chuẩn bị cho đời sau thì sẽ chuẩn bị ngay từ bây giờ. Còn kẻ không chuẩn bị bây giờ thì dù họ có sống hết cả trăm năm, cuối cùng đến lúc chết họ cũng chưa hề chuẩn bị. Và như thế thì thật là… bất hạnh!



    CẦU NGUYỆN


Lạy Cha, ra đi và nhất là đi xa, đi lâu, mà không hề chuẩn bị gì thì thật là dại dột! Xin giúp con biết chuẩn bị cho cuộc ra đi cuối cùng để bước vào cuộc sống vĩnh cửu. Một cuộc ra đi vô cùng quan trọng! Xin giúp con biết chuẩn bị ngay từ bây giờ hành trang cần thiết cho cuộc ra đi vĩnh viễn ấy. Hành trang ấy chính là tình yêu đích thực mà con phải thường xuyên thể hiện ngay bây giờ với những người đang sống chung quanh con. Xin đừng để con chuẩn bị quá muộn màng…

 

Nguyễn Chính Kết

Bấm vào đây để đọc bài đào sâu:
Cầu nguyện bằng hành động: một cách tỉnh thức chờ Chúa đến
(https://chiasethanhuu.blogspot.com/2019/07/tn19b.html)

 

Posted by Nguyen Chinh Ket at 5:50 AM

Email ThisBlogThis!Share to TwitterShare to FacebookShare to Pinterest

 ------------------------------------