SỐNG VÀ CHIA SẺ - ĐẠI LỄ GIÁNG SINH

  •  
    Tinh CaoDec 24 at 5:58 PM
     

    Đại Lễ Giáng Sinh 25-12

     

    SỐNG VÀ CHIA SẺ Lời Chúa

     

     Lễ Nửa Ðêm

     

     Bài Ðọc I: Is 9, 2-4. 6-7 (Hr 1-3. 5-6)

    "Chúa ban Con của Người cho chúng ta".

    Trích sách Tiên tri Isaia.

    Dân tộc bước đi trong u tối, đã nhìn thấy sự sáng chứa chan. Sự sáng đã bừng lên trên những người cư ngụ miền thâm u sự chết. Chúa đã làm cho dân tộc nên vĩ đại, há chẳng làm vĩ đại niềm vui? Họ sẽ vui mừng trước nhan Chúa, như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt lúa, như những người thắng trận hân hoan vì chiến lợi phẩm, khi đem của chiếm được về phân chia. Vì cái ách nặng nề trên người nó, cái gông nằm trên vai nó, cái vương trượng quyền của kẻ áp bức. Chúa sẽ nghiền nát ra, như trong ngày chiến thắng Mađian. [Bởi lẽ mọi chiếc giày đi lộp cộp của kẻ chiến thắng, mọi chiếc áo nhuộm thắm máu đào sẽ bị đốt đi và trở nên mồi nuôi lửa.]

    Bởi lẽ một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta, và một người con đã được ban tặng chúng ta. Người đã gánh nhận vương quyền trên vai, và thiên hạ sẽ gọi tên Người là "Cố Vấn Kỳ Diệu, Thiên Chúa Huy Hoàng, Người Cha Muôn Thuở, Ông Vua Thái Bình". Người sẽ mở rộng vương quyền, và cảnh thái bình sẽ vô tận; Người sẽ ngự trên ngai vàng của Ðavít, và trong vương quốc Người, để củng cố và tăng cường, trong sự công minh chính trực, ngay tự bây giờ và cho đến muôn đời. Lòng ghen yêu của Chúa thiên binh sẽ thực thi điều đó.

    Ðó là lời Chúa.

    Ðáp Ca: Tv 95, 1-2a. 2b-3. 11-12. 13

    Ðáp: Hôm nay Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta, Người là Ðức Kitô, Chúa chúng ta (Lc 2, 11).

    Xướng: 1) Hãy ca mừng Thiên Chúa bài ca mới, hãy ca mừng Thiên Chúa đi, toàn thể địa cầu. Hãy ca mừng Thiên Chúa, hãy chúc tụng danh Người. - Ðáp.

    2) Ngày ngày hãy loan truyền ơn Người cứu độ. Hãy tường thuật vinh quang Chúa giữa chư dân, và phép lạ Người ở nơi vạn quốc. - Ðáp.

    3) Trời xanh hãy vui mừng và địa cầu hãy hân hoan. Biển khơi và muôn vật trong đó hãy reo lên. Ðồng nội và muôn loài trong đó hãy mừng vui. Các rừng cây hãy vui tươi hớn hở. - Ðáp.

    4) Trước nhan Thiên Chúa: vì Người ngự tới, vì Người ngự tới cai quản địa cầu. Người sẽ cai quản địa cầu cách công minh và chư dân cách chân thành. - Ðáp.

     Bài Ðọc II: Tt 2, 11-14

    "Ân sủng của Chúa đã đến với mọi người".

    Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Titô.

    Ân sủng của Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ chúng ta, đã xuất hiện cho mọi người, dạy chúng ta từ bỏ gian tà và những dục vọng trần tục, để sống tiết độ, công minh và đạo đức ở đời này, khi trông đợi niềm hy vọng hạnh phúc và cuộc xuất hiện sự vinh quang của Ðức Giêsu Kitô là Thiên Chúa cao cả và là Ðấng Cứu Ðộ chúng ta. Người đã hiến thân cho chúng ta để cứu chuộc chúng ta khỏi mọi điều gian ác, luyện sạch chúng ta thành một dân tộc xứng đáng của Người, một dân tộc nhiệt tâm làm việc thiện.

    Ðó là lời Chúa.

     Alleluia: Lc 2, 10-11

    Alleluia, alleluia! - Ta báo cho anh em một tin mừng: Hôm nay Ðấng Cứu Thế, là Chúa Kitô, đã giáng sinh cho chúng ta. - Alleluia.

     Phúc Âm: Lc 2, 1-14

    "Hôm nay Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta".

    Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

    Ngày ấy, có lệnh của hoàng đế Cêsarê Augustô ban ra, truyền cho khắp nơi phải làm sổ kiểm tra. Ðây là cuộc kiểm tra đầu tiên, thực hiện thời Quirinô làm thủ hiến xứ Syria. Mọi người đều lên đường trở về quê quán mình. Giuse cũng rời thị trấn Nadarét, trong xứ Galilêa, trở về quê quán của Ðavít, gọi là Bêlem, vì Giuse thuộc hoàng gia và là tôn thất dòng Ðavít, để khai kiểm tra cùng với Maria, bạn người, đang có thai.

    Sự việc xảy ra trong lúc ông bà đang ở đó, là Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa, và bà đã hạ sinh con trai đầu lòng. Bà bọc con trẻ trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong hàng quán.

    Bấy giờ trong miền đó có những mục tử đang ở ngoài đồng và thức đêm để canh giữ đoàn vật mình. Bỗng có thiên thần Chúa hiện ra đứng gần bên họ, và ánh quang của Thiên Chúa bao toả chung quanh họ, khiến họ hết sức kinh sợ. Nhưng thiên thần Chúa đã bảo họ rằng: "Các ngươi đừng sợ, đây ta mang đến cho các ngươi một tin mừng đặc biệt, đó cũng là tin mừng cho cả toàn dân: Hôm nay Chúa Kitô, Ðấng Cứu Thế, đã giáng sinh cho các ngươi trong thành của Ðavít. Và đây là dấu hiệu để các ngươi nhận biết Người: Các ngươi sẽ thấy một hài nhi mới sinh, bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ".

    Và bỗng chốc, cùng với các thiên thần, có một số đông thuộc đạo binh thiên quốc đồng thanh hát khen Chúa rằng: "Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, và bình an dưới thế cho người thiện tâm".

    Ðó là lời Chúa.

     

     

    Lễ Rạng Ðông

     

    Bài Ðọc I: Is 62, 11-12

    "Này đây Ðấng Cứu Ðộ ngươi đến".

    Trích sách Tiên tri Isaia.

    Ðây Chúa làm cho nghe thấy tận cùng cõi trái đất rằng: Hãy nói với thiếu nữ Sion: Này đây Ðấng Cứu Ðộ ngươi đến. Người đem theo phần thưởng với Người và sự nghiệp trước mặt Người. Những người được Chúa cứu chuộc, người ta sẽ gọi họ là dân thánh. Còn ngươi, ngươi sẽ được gọi là thành quý chuộng, thành không bị bỏ rơi.

    Ðó là lời Chúa.

     

    Ðáp Ca: Tv 96, 1 và 6. 11-12

    Ðáp: Hôm nay sự sáng chiếu giãi trên chúng ta, và Chúa đã giáng sinh cho chúng ta.

    Xướng: 1) Chúa hiển trị, địa cầu hãy nhảy mừng, hải đảo muôn ngàn, hãy mừng vui! Trời xanh loan truyền sự công minh Chúa, và chư dân được thấy vinh hiển của Người. - Ðáp.

    2) Sáng sủa bừng lên cho người hiền đức, và niềm hoan hỉ cho kẻ lòng ngay. Người hiền đức, hãy mừng vui trong Chúa, và hãy ca tụng thánh danh Người! - Ðáp.

     

    Bài Ðọc II: Tt 3, 4-7

    "Chúa đã cứu độ chúng ta theo lượng từ bi Người".

    Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Titô.

    Khi Ðấng Cứu Thế, Chúa chúng ta, đã tỏ lòng từ tâm và nhân ái của Người, thì không phải do những việc công chính chúng ta thực hiện, nhưng do lòng từ bi của Người, mà Người đã cứu độ chúng ta, bằng phép rửa tái sinh và sự canh tân của Thánh Thần, Ðấng mà Người đã đổ xuống tràn đầy trên chúng ta qua Ðức Giêsu Kitô, Ðấng Cứu Ðộ chúng ta, để một khi được công chính hoá bởi ân sủng của Ngài, trong hy vọng, chúng ta được thừa kế sự sống đời đời, trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

    Ðó là lời Chúa.

     

    Alleluia: Lc 2, 14

    Alleluia, alleluia! - Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, và bình an dưới thế cho người thiện tâm. - Alleluia.

     

    Phúc Âm: Lc 2, 15-20

    "Các mục tử đã gặp thấy Maria, Giuse và Hài Nhi".

    Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

    Khi các thiên thần biến đi, thì các mục tử nói với nhau rằng: "Chúng ta sang Bêlem và coi xem sự việc đã xảy ra mà Chúa đã cho chúng ta được biết". Rồi họ hối hả tới nơi và gặp thấy Maria, Giuse và Hài Nhi mới sinh nằm trong máng cỏ. Khi thấy thế, họ đã hiểu ngay lời đã báo về Hài Nhi này. Và tất cả những người nghe, đều ngạc nhiên về điều các mục tử thuật lại cho họ.

    Còn Maria thì ghi nhớ tất cả những sự việc đó, và suy niệm trong lòng. Những mục tử trở về, họ tung hô ca ngợi Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và xem thấy, đúng như lời đã báo cho họ.

    Ðó là lời Chúa.

     

     

    Lễ Ban Ngày

     

    Bài Ðọc I: Is 52, 7-10

    "Khắp cùng bờ cõi trái đất sẽ nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta".

    Trích sách Tiên tri Isaia.

    Ðẹp thay chân người rao tin trên núi, người rao tin thái bình, người rao tin mừng, người rao tin cứu độ, nói với Sion rằng: Thiên Chúa ngươi sẽ thống trị!

    Tiếng của người canh gác của ngươi đã cất lên. Họ sẽ cùng nhau ca ngợi rằng: Chính mắt họ sẽ nhìn xem, khi Chúa đem Sion trở về. Hỡi Giêrusalem hoang tàn, hãy vui mừng, hãy cùng nhau ca ngợi! Vì Chúa đã an ủi dân Người, đã cứu chuộc Giêru-salem. Chúa đã chuẩn bị ra tay thánh thiện Người trước mặt chư dân; và khắp cùng bờ cõi trái đất sẽ nhìn xem ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.

    Ðó là lời Chúa.

     

    Ðáp Ca: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4. 5-6

    Ðáp: Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta (c. 3c).

    Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. - Ðáp.

    2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người; trước mặt chư dân, Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel. - Ðáp.

    3) Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca! - Ðáp.

    4) Hãy ca mừng Chúa với cây đàn cầm, với cây đàn cầm với điệu nhạc du dương, cùng với tiếng kèn râm ran, tiếng tù và rúc, hãy hoan hô trước thiên nhan Chúa là Vua. - Ðáp.

     

    Bài Ðọc II: Dt 1, 1-6

    "Chúa đã phán dạy chúng ta qua người Con".

    Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

    Thuở xưa, nhiều lần và dưới nhiều hình thức, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các tiên tri. Trong những ngày sau hết đây, Ngài đã phán dạy chúng ta qua Người Con mà Ngài đã đặt làm vị thừa kế vạn vật, và cũng do bởi Người Con mà Ngài đã tác thành vũ trụ. Nguyên vốn là phản ảnh sự vinh quang và là hình tượng bản thể Ngài, Người Con đó nâng giữ vạn vật bằng lời quyền năng của mình, quét sạch tội lỗi chúng ta, và ngự bên hữu Ðấng Oai Nghiêm trên cõi trời cao thẳm. Tên Người cao trọng hơn các thiên thần bao nhiêu, thì Người cũng vượt trên các thiên thần bấy nhiêu.

    Phải, vì có bao giờ Thiên Chúa đã phán bảo với một vị nào trong các thiên thần rằng: "Con là thái tử của Cha, hôm nay Cha đã hạ sinh Con"? Rồi Chúa lại phán: "Ta sẽ là Cha Người, và Người sẽ là Con Ta". Và khi ban Con Một mình cho thế gian, Chúa lại phán rằng: "Tất cả các thiên thần Chúa hãy thờ lạy Người!"

    Ðó là lời Chúa.

     

    Alleluia:

    Alleluia, alleluia! - Ngày thánh đã dọi ánh sáng trên chúng ta. Hỡi các dân, hãy tới thờ lạy Chúa, vì hôm nay ánh sáng chan hoà đã toả xuống trên địa cầu. - Alleluia.

     

    Phúc Âm: Ga 1, 1-18 {hoặc 1-5. 9-14}

    "Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng ta".

    Bắt đầu Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

    Từ nguyên thuỷ đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời vẫn ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa. Người vẫn ở với Thiên Chúa ngay từ nguyên thủy.

    Mọi vật đều do Người làm nên, và không có Người, thì chẳng vật chi đã được tác thành trong mọi cái đã được tác thành. Ở nơi Người vẫn có sự sống, và sự sống là sự sáng của nhân loại; sự sáng chiếu soi trong u tối, và u tối đã không tiếp nhận sự sáng.

    Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đã đến nhằm việc chứng minh, để ông chứng minh về sự sáng, hầu cho mọi người nhờ ông mà tin. Chính ông không phải là sự sáng, nhưng đến để chứng minh về sự sáng.

    Vẫn có sự sáng thực, sự sáng soi tỏ cho hết mọi người sinh vào thế gian này. Người vẫn ở trong thế gian, và thế gian đã do Người tác tạo, và thế gian đã không nhận biết Người. Người đã đến nhà các gia nhân Người, và các gia nhân Người đã không tiếp nhận Người. Nhưng phàm bao nhiêu kẻ đã tiếp nhận Người, thì Người cho họ được quyền trở nên con Thiên Chúa, tức là cho những ai tin vào danh Người. Những người này không do khí huyết, không do ý muốn xác thịt, cũng không do ý muốn của đàn ông, nhưng do Thiên Chúa mà sinh ra.

    Và Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng tôi, và chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang Người nhận được bởi Chúa Cha, như của người Con Một đầy ân sủng và chân lý.

    Gioan làm chứng về Người khi tuyên xưng rằng: "Ðây là Ðấng tôi tiên báo. Người đến sau tôi, nhưng xuất hiện trước tôi, vì Người có trước tôi".

    Chính do sự sung mãn Người mà chúng ta hết thảy tiếp nhận ơn này tới ơn khác. Bởi vì Chúa ban Lề luật qua Môsê, nhưng ơn thánh và chân lý thì ban qua Ðức Giêsu Kitô. Không ai nhìn thấy Thiên Chúa, nhưng chính Con Một Chúa, Ðấng ngự trong Chúa Cha, sẽ mạc khải cho chúng ta.

    Ðó là lời Chúa.

     

    Hoặc đọc bài vắn này: Ga 1, 1-5. 9-14

    "Ngôi Lời đã làm Người và ở cùng chúng ta"

    Bắt đầu Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

    Từ nguyên thuỷ đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời vẫn ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa. Người vẫn ở với Thiên Chúa ngay từ nguyên thủy.

    Mọi vật đều do Người làm nên, và không có Người, thì chẳng vật chi đã được tác thành trong mọi cái đã được tác thành. Ở nơi Người vẫn có sự sống, và sự sống là sự sáng của nhân loại; sự sáng chiếu soi trong u tối, và u tối đã không tiếp nhận sự sáng.

    Vẫn có sự sáng thực, sự sáng soi tỏ cho hết mọi người sinh vào thế gian này. Người vẫn ở trong thế gian, và thế gian đã do Người tác tạo, và thế gian đã không nhận biết Người. Người đã đến nhà các gia nhân Người, và các gia nhân Người đã không tiếp nhận Người. Nhưng phàm bao nhiêu kẻ đã tiếp nhận Người, thì Người cho họ được quyền trở nên con Thiên Chúa, tức là cho những ai tin vào danh Người. Những người này không do khí huyết, không do ý muốn xác thịt, cũng không do ý muốn của đàn ông, nhưng do Thiên Chúa mà sinh ra.

    Và Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng tôi, và chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang Người nhận được bởi Chúa Cha, như của người Con Một đầy ân sủng và chân lý.

    Ðó là lời Chúa.


     

     CẢM NGHIỆM SỐNG VÀ CHIA SẺ

     

     

    Emmanuel Giáng Sinh

     

     

    Nếu Đại Lễ Phục Sinh được bắt đầu vào Lễ Vọng Phục Sinh cũng là Lễ Đêm Phục Sinh, thì Đại Lễ Giáng Sinh cũng chính thức được bắt đầu với Lễ Đêm Giáng Sinh, thời điểm vừa kết thúc Tuần Bát Nhật trước Đại Lễ Giáng Sinh đồng thời cũng bắt đầu Tuần Bát Nhật Giáng Sinh, từ chính Đại Lễ Đêm Giáng Sinh kéo dài tới hết Lễ Mẹ Thiên Chúa 1/1, thời điểm mở đầu cho một năm mới. 

     

    Nếu Đại Lễ Phục Sinh, ngoài Lễ Vọng Phục Sinh hay Lễ Đêm Phục Sinh còn có Lễ Sáng và Lễ Chiều, mỗi lễ đều có một bài Phúc Âm thích hợp cho từng thời điểm trong ngày của lễ, thì Đại Lễ Giáng Sinh, ngoài Lễ Đêm Giáng Sinh, cũng có Lễ Rạng Đông và Lễ Ban Ngày nữa.

     

    Nếu Tuần Bát Nhật Phục Sinh từ chính Đại Lễ Phục Sinh, hay từ Lễ Vọng cũng là Lễ Đêm Phục Sinh, có chung một chủ đề "Thày là sự sống lại" (Gioan 11:25), thì Tuần Bát Nhật Giáng Sinh từ chính Đại Lễ Giáng Sinh, hay từ Lễ Đêm Giáng Sinh, cũng có chung một chủ đề "Lời... ở cùng chúng ta" (Gioan 1:14).

     

    Nếu cả Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh có chủ đề "Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta" (Gioan 1:14), và chung Mùa Vọng đã theo chủ đề "Lời đã hóa thành nhục thể" thì chung Mùa Giáng Sinh (thậm chí kéo dài hết Mùa Thường Niên Hậu Giáng Sinh, từ 5 đến 9 tuần), bắt đầu từ Tuần Bát Nhật Giáng Sinh, phụng vụ lời Chúa sẽ theo chủ đề "Lời ... ở cùng chúng ta". 

     

    Thật vậy, phụng vụ Lời Chúa, bao gồm cả các Bài Đọc 1 và 2, nhất là các Bài Phúc Âm, của các Lễ Nửa Đêm, Lễ Rạng Đông và Lễ Ban Ngày, đều nói lên chủ đề "Lời ... ở giữa chúng ta", Đấng đã được chung phụng vụ Lời Chúa và riêng các Bài Phúc Âm trong Tuần Bát Nhật trước Giáng Sinh đã nói đến.

     

    Trước hết, ở các bài Phúc Âm cho các Lễ của Đại Lễ Giáng Sinh này, chủ đề "Lời... ở cùng chúng ta" được trình thuật lại thứ tự như sau. 

     

    Trong bài Phúc Âm Lễ Nửa Đêm: "Sự việc xảy ra trong lúc ông bà đang ở đó, là Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa, và bà đã hạ sinh con trai đầu lòng. Bà bọc con trẻ trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong hàng quán".

     

    Trong bài Phúc Âm Lễ Rạng Đông"Khi các thiên thần biến đi, thì các mục tử nói với nhau rằng: 'Chúng ta sang Bêlem và coi xem sự việc đã xảy ra mà Chúa đã cho chúng ta được biết'. Rồi họ hối hả tới nơi và gặp thấy Maria, Giuse và Hài Nhi mới sinh nằm trong máng cỏ".

     

    Trong bài Phúc Âm Lễ Ban Ngày"Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng tôi, và chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang Người nhận được bởi Chúa Cha, như của người Con Một đầy ân sủng và chân lý".

     

    Sau nữa, ở các Bài Đọc 1 cho các Lễ của Đại Lễ Giáng Sinh này, chủ đề "Lời... ở cùng chúng ta" được trình thuật lại thứ tự như sau. 

     

    Trong Bài Đọc 1 Lễ Nửa Đêm: "Một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta, và một người con đã được ban tặng chúng ta. Người đã gánh nhận vương quyền trên vai, và thiên hạ sẽ gọi tên Người là 'Cố Vấn Kỳ Diệu, Thiên Chúa Huy Hoàng, Người Cha Muôn Thuở, Ông Vua Thái Bình'. Người sẽ mở rộng vương quyền, và cảnh thái bình sẽ vô tận; Người sẽ ngự trên ngai vàng của Ðavít, và trong vương quốc Người, để củng cố và tăng cường, trong sự công minh chính trực, ngay tự bây giờ và cho đến muôn đời. Lòng ghen yêu của Chúa thiên binh sẽ thực thi điều đó".

     

    Trong Bài Đọc 1 Lễ Rạng Đông"Này đây Ðấng Cứu Ðộ ngươi đến. Người đem theo phần thưởng với Người và sự nghiệp trước mặt Người. Những người được Chúa cứu chuộc, người ta sẽ gọi họ là dân thánh. Còn ngươi, ngươi sẽ được gọi là thành quý chuộng, thành không bị bỏ rơi".

     

    Trong Bài Đọc 1 Lễ Ban Ngày: "Chính mắt họ sẽ nhìn xem, khi Chúa đem Sion trở về. Hỡi Giêrusalem hoang tàn, hãy vui mừng, hãy cùng nhau ca ngợi! Vì Chúa đã an ủi dân Người, đã cứu chuộc Giêru-salem. Chúa đã chuẩn bị ra tay thánh thiện Người trước mặt chư dân; và khắp cùng bờ cõi trái đất sẽ nhìn xem ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta".

     

    Sau hết, ở các Bài Đọc 2 cho các Lễ của Đại Lễ Giáng Sinh này, chủ đề "Lời... ở cùng chúng ta" được trình thuật lại thứ tự như sau. 

     

    Trong Bài Đọc 2 Lễ Nửa Đêm: "Ân sủng của Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ chúng ta, đã xuất hiện cho mọi người..."

     

    Trong Bài Đọc 2 Lễ Rạng Đông"Ðấng Cứu Thế, Chúa chúng ta, đã tỏ lòng từ tâm và nhân ái của Người..."

     

    Trong Bài Đọc 2 Lễ Ban Ngày"Thuở xưa, nhiều lần và dưới nhiều hình thức, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các tiên tri. Trong những ngày sau hết đây, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Người Con mà Ngài đã đặt làm vị thừa kế vạn vật, và cũng do bởi Người Con mà Ngài đã tác thành vũ trụ".

     

    So với Bài Phúc Âm của từng thời điểm Lễ Giáng Sinh (Nửa Đêm, Rạng Đông và Ban Ngày) thì Bài Đọc 1 và Bài Đọc 2 không rõ nét cho lắm về chủ đề "Lời... ở cùng chúng ta". Vì hai Bài Đọc 1 và Bài Đọc 2 được Giáo Hội chọn đọc hợp với Bài Phúc Âm của từng Lễ, cũng như Bài Đáp Ca ngay sau Bài Đọc 1 thường được Giáo Hội chọn đọc hợp với nội dung của Bài Đọc 1 hơn Bài Đọc 2 và hơn cả Bài Phúc Âm.

     

    Tuy nhiên, phụng vụ Lời Chúa được Giáo Hội chọn đọc cho từng thời điểm của Lễ Giáng Sinh lại rất ăn khớp với nhau, và phụng vụ Lời Chúa của cả 3 thời điểm của Lễ Giáng Sinh cũng hết sức mật thiết liên hệ với nhau.

     

    Trước hết là phụng vụ Lời Chúa Thánh Lễ Giáng Sinh Nửa Đêm: "Một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta, và một người con đã được ban tặng chúng ta" (Bài Đọc 1), đó là "Ân sủng của Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ chúng ta, đã xuất hiện cho mọi người..." (BàĐọc 2), dưới hình thù của "con trẻ trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ" (Bài Phúc Âm).

     

    Sau nữa là phụng vụ Lời Chúa Thánh Lễ Giáng Sinh Rạng Đông: "Ðấng Cứu Ðộ ngươi đến" (Bài Đọc 1), vì Người là "Chúa chúng ta, đã tỏ lòng từ tâm và nhân ái của Người" (Bài Đọc 2), và Người đến để "tỏ lòng từ tâm và nhân ái của Người" ra cho chúng ta thấy như một "Hài Nhi mới sinh nằm trong máng cỏ" (Bài Phúc Âm).

     

    Sau hết là phụng vụ Lời Chúa Thánh Lễ Giáng Sinh Ban Ngày: "Chúa đã chuẩn bị ra tay thánh thiện Ngài trước mặt chư dân; và khắp cùng bờ cõi trái đất sẽ nhìn xem ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta(Bài Đọc 1), chứ không phải chỉ riêng dân Do Thái, bằng cách, "trong những ngày sau hết đây, Ngài đã phán dạy chúng ta qua Người Con mà Ngài đã đặt làm vị thừa kế vạn vật, và cũng do bởi Người Con mà Ngài đã tác thành vũ trụ" (Bài Đọc 2), Người Con này chính là "Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể" (Bài Phúc Âm)Đấng mà "mọi vật đều do Người làm nên, và không có Người, thì chẳng vật chi đã được tác thành trong mọi cái đã được tác thành. Ở nơi Người vẫn có sự sống, và sự sống là sự sáng của nhân loại; sự sáng chiếu soi trong u tối, và u tối đã không lấn át được sự sáng" (Bài Phúc Âm).

     

    Cuối cùng, căn cứ vào phụng vụ Lời Chúa của từng lễ, phụng vụ Lời Chúa ở cả 3 thời điểm Nửa Đêm, Rạng Đông và Ban Ngày của Lễ Giáng Sinh cũng có một liên hệ chặt chẽ với nhau như thế này: "Ơn cứu độ xuất phát từ những người Do Thái" (Gioan 4:22), theo ý nghĩa phụng vụ Lời Chúa Lễ Nửa Đêm và Lễ Rạng Đông, nhưng lại là một ơn cứu độ phổ quát cho chung nhân loại và toàn thể vũ trụ, như ý nghĩa của phụng vụ Lời Chúa Lễ Ban Ngày. Đó là lý do diễn tiến của 3 Bài Phúc Âm từ dân Do Thái tới dân ngoại như sau:

     

     

    Ở bài Phúc Âm Lễ Đêm biến cố "Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta" (Gioan 1:14) xẩy ra ở Do Thái: bao gồm thời gian (thời Hoàng Đế Rôma Cêsa Augustô đang cai trị cả dân Do Thái), đến không gian (tại quê quán của Vua Đavít là Bêlem Xứ Giuđêa) cũng như đến nhân gian (là các mục đồng canh đêm được Thiên Thần báo tin).

     

     

    Ở bài Phúc Âm Lễ Rạng Đông, biến cố Giáng Sinh bắt đầu tỏ rạng hơn nữa, nhờ thành phần chứng nhân Do Thái mục đồng: "Và tất cả những người nghe, đều ngạc nhiên về điều các mục tử thuật lại cho họ... Những mục tử trở về, họ tung hô ca ngợi Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và xem thấy, đúng như lời đã báo cho họ" cho dân chúng quanh vùng.

     

     

    Ở bài Phúc Âm Lễ Ban Ngày, biến cố Giáng Sinh trở thành phổ quát rạng ngời sáng tỏ như ban ngày: "Ở nơi Người vẫn có sự sống, và sự sống là sự sáng của nhân loại; sự sáng chiếu soi trong u tối, và u tối đã không át được sự sáng... Ánh sáng thật sáng soi mọi người đã đến trong thế gian".

     

    Chiều hướng Ơn Cứu Độ xuất phát từ dân Do Thái đến toàn thế giới và vũ trụ theo phụng vụ Lời Chúa của 3 thời điểm cử hành Lễ Giáng Sinh đều được phản ảnh hết sức rõ ràng nơi chung 3 Bài Đáp Ca và riêng 3 câu đáp: 

     

    "Hôm nay Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta, Người là Ðức Kitô, Chúa chúng ta (Lc 2, 11)" (Lễ Nửa Đêm), "Hôm nay sự sáng chiếu giãi trên chúng ta, và Chúa đã giáng sinh cho chúng ta" (Lễ Rạng Đông), "Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta" (Lễ Ban Ngày).

     

    Hai câu Đáp Ca tiêu biểu nhất cho chiều hướng Ơn Cứu Độ phổ quát đã xuất phát từ dân Do Thái theo phụng vụ Lời Chúa cho 3 thời điểm khác nhau của cùng một Đại Lễ Giáng Sinh đã thực sự được tóm gọn trong câu thứ 2 và thứ 3 của Bài Đáp Ca Lễ Ban Ngày như sau:

     

    "Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người; trước mặt chư dân, Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel" (câu 2)

     

    "Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca!" (câu 3).

     

    Là Kitô hữu, chúng ta đã thực sự lãnh nhận Ơn Cứu Độ bởi Mẹ Giáo Hội nơi Phép Rửa thanh tẩy tái sinh, chúng ta đã sống Ơn Cứu Độ này như thế nào? 

     

    Kitô hữu chúng ta có cảm thấy niềm vui vì mình đã được cứu độ hay chăng, có cảm thấy niềm vui vì mình đã được Thiên Chúa đoái thương cứu độ nơi Con của Ngài hay chăng??

     

    Nếu chưa thì tại sao: bởi chưa thấy được tất cả ý nghĩa thiết yếu và giá trị vô cùng cao quí của Ơn Cứu Độ, hay bởi chưa cảm nghiệm được tất cả hay phần nào tình yêu vô cùng nhân hậu của Thiên Chúa đối với chung nhân loại cũng như đối với từng người chúng ta???

     

    Nếu rồi thì Kitô hữu chúng ta, nhờ được gặp gỡ Chúa Kitô nơi Phép Rửa, nơi Bí Tích Hòa Giải, nơi Bí Tích Thánh Thể, nơi cảm nghiệm thần linh trong cuộc đời của mình, bằng một đời sống nội tâm như Mẹ Maria trong Bài Phúc Âm Lễ Rạng Đông: "ghi nhớ tất cả những sự việc đó, và suy niệm trong lòng", mà nhờ cuộc gặp gỡ thần linh này bản thân của chúng ta được biến đổi, đến độ chúng ta không thể nào không loan báo Tin Mừng Giáng Sinh như các mục đồng trong Bài Phúc Âm cũng của Lễ Rạng Đông: "tung hô ca ngợi Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và xem thấy" hay chăng? 

     

    Thế nhưng làm sao để có được cảm nghiệm thần linh "Emmanuel - Thiên Chúa ở giữa chúng ta" (Mathêu 1:23; xem Gioan 1:14)? 

     

    Nếu Thiên Chúa là Đấng đã biết rằng loài người tạo vật vô cùng thấp hèn chúng ta không thể nào tự mình lên trời để biết được Ngài là ai và như thế nào, nhờ đó chúng ta có thể được hiệp thông thần linh với Ngài đúng như ý định tạo dựng của Ngài đối với chúng ta, nên Ngài đã phải hạ giáng xuống với chúng ta nơi Lời Nhập Thể của Ngài, Đấng "tỏ Cha ra" (Gioan 1;18), thì loài người chúng ta không cần phải vươn mình lên trời để tìm Ngài nữa, mà là cần phải hạ mình xuống, "hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ" (Mathêu 18:3), mới có thể gặp được Ngài nơi Con Người Giêsu Kitô.

     

    Thật vậy, Thiên Chúa nơi Lời Nhập Thể đã hạ giáng làm người nghèo khổ, chúng ta không thể gặp Ngài nơi giầu sang phú quí! Thiên Chúa nơi Lời Nhập Thể đã hạ giáng làm người tuân phục, chúng ta không thể nào gặp Ngài nơi kiêu căng tự ái!! Thiên Chúa nơi Lời Nhập Thể đã hạ giáng làm người phục vụ, chúng ta không thể nào gặp Ngài nơi hưởng thụ vị kỷ!!! 

     

    Tại sao Thiên Chúa lại yêu thương loài người vô cùng thấp hèn và tội lỗi chúng ta, từ hư vô mà có, chẳng là gì trước nhan Thiên Chúa vô cùng cao cả và thiện hảo như thế và đến thế, nếu không phải chỉ vì Ngài yêu thương chúng ta một cách nhưng không và vô cùng nhân hậu hay sao? 

     

    Đức Thánh Cha Phanxicô đã có được một cảm nghiệm rất chính xác rằng: "Giáng Sinh thật sự là lễ của tình thương vô cùng của Thiên Chúa" (Huấn Từ Chúc Mừng Giáng Sinh Giáo Triều Rôma, Thứ Hai 21/12/2015, và ngài đã chứng minh cảm nghiệm này của mình bằng trích dẫn lời của một vị Giáo Phụ dưới đây:)

     

    "Còn tình thương nào cao cả lớn lao được tỏ ra cho những con người bất hạnh chúng ta hơn tình thương khiến Đấng Tạo Dựng nên các tầng trời ngự xuống giữa chúng ta, và khiến Đấng Tạo Dựng nên trái đất này mặc lấy thân xác chết chóc của chúng ta chứ? Cũng chính tình thương ấy đã khiến cho Vị Chúa này của thế giới mặc lấy bản tính của một người tôi tớ, để tự mình là bánh, Người muốn chịu đói; tự mình thỏa thuê, Người muốn chịu khát; tự mình quyền năng, Người cảm thấy yếu hèn; tự mình là ơn cứu độ, Người muốn cảm thấy được thương tích của chúng ta, và tự mình là sự sống, Người muốn chết đi. Người làm tất cả những điều ấy để làm dịu đi cái đói của chúng ta, làm nhẹ bớt niềm trông mong của chúng ta, để kiên cường nỗi yếu hèn của chúng ta, để tẩy xóa tội lỗi của chúng ta và để thắp lên đức bác ái của chúng ta" (Thánh Âu Quốc Tinh: Sermo CCVII, 1 [PL 38, 1042]) 

     

     

     

    Một trong những cảm nghiệm sâu xa thấm thía nhất về mầu nhiệm nhập thể và giáng sinh có thể nói là chính yếu và tiêu biểu nhất của Công Đồng Chung Vaticanô II, đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, một triết gia về nhân bản, trích dẫn phải nói là nhiều nhất đó là câu sau đây trong Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội "Vui Mừng và Hy Vọng - Gaudium et Spes", đoạn 22:  

     

     

    "Thực vậy, mầu nhiệm về con người chỉ thực sự được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể. Bởi vì Adam con người đầu tiên đã là hình bóng của Adam sẽ đến, là Chúa Kitô. Chúa Kitô, Adam mới, trong khi mạc khải về Chúa Cha và tình yêu của Ngài, đã cho con người biết rõ về chính con người và tỏ cho họ biết thiên chức rất cao cả của họ... Là 'hình ảnh của Thiên Chúa vô hình' (Col 1,15), chính Người là con người hoàn hảo đã trả lại cho con cháu của Adam hình ảnh Thiên Chúa đã bị tội nguyên tổ làm sai lệch. Bởi vì nơi Người bản tính nhân loại đã được mặc lấy chứ không bị tiêu diệt, do đó chính nơi chúng ta nữa bản tính ấy cũng được nâng lên tới một phẩm giá siêu việt. Bởi vì, chính Con Thiên Chúa khi nhập thể, một cách nào đó đã kết hợp với tất cả mọi người. Người đã làm việc với bàn tay con người, đã suy nghĩ bằng trí óc con người, đã hành động với ý chí con người, đã yêu mến bằng quả tim con người. Sinh bởi trinh nữ Maria, Người đã thực sự trở nên một người giữa chúng ta, giống chúng ta mọi sự, ngoại trừ tội lỗi".


    Lời Cầu và Lời Nguyện Phụng Vụ Giờ Kinh Sách Lễ Giáng Sinh

     

    Ðức Kitô đã rời bỏ địa vị ngang hàng cùng Thiên Chúa, để mặc lấy phận làm nô lệ và chịu thử thách trăm bề như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Ta hãy tha thiết nguyện xin Người:

    Chúa giáng sinh cứu chuộc loài người,

    xin phù hộ chúng con.

    Lúc vào đời, Chúa khai mạc một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên các ngôn sứ đã loan báo thuở xưa,  - xin cho Giáo Hội Chúa luôn tươi trẻ, hầu thích nghi với mọi thời đại.

    Chúa đã mang thân xác yếu hèn của nhân loại,  - xin làm cho người mù được thấy, kẻ đau yếu mau lành, tâm hồn đau khổ được an vui.

    Chúa sinh ra trong cảnh nghèo hèn,  xin ủi an kẻ cơ bần đói rách.

    Chúa giáng sinh đem hoan lạc đến cho mọi người vì phúc trường sinh Chúa đã hứa,  - xin cho những ai đang hấp hối được vui mừng và hy vọng đạt tới quê Trời.

    Chúa xuống trần gian để dẫn đưa mọi người về Thiên Quốc,  - xin cho những kẻ đã qua đời được chung hưởng vinh quang với Chúa.

    Lạy Chúa, hằng năm Chúa khơi dậy trong lòng chúng con niềm hoan hỷ trông chờ ơn cứu độ. Giờ đây, chúng con đang vui vẻ đón mừng Con Một Chúa đến cứu chuộc chúng con, thì ngày sau, khi thấy Người đến xét xử, xin cho chúng con khỏi run sợ hãi hùng. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời.

     

     Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên 

    --------------------------------