SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - THƯ BA CN5TN-A
- Details
- Category: 3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa
-
Tinh CaoFeb 10 at 3:27 PM
Thứ Ba CN5TN-A
BỮA TIỆC Lời Chúa
Bài Ðọc I: (Năm II) 1 V 8, 22-23. 27-30
"Chúa đã phán: "Danh Ta sẽ ở nơi đó, để nhậm lời van nài của dân Israel".
Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.
Trong những ngày ấy, Salomon đứng trước bàn thờ Chúa, đối diện với cộng đoàn Israel, ông giơ hai tay lên trời và nguyện rằng: "Lạy Chúa là Thiên Chúa Israel, trên trời dưới đất, không có thần nào giống như Chúa. Chúa giữ lời giao ước và lòng từ bi đối với các tôi tớ đang thành tâm đi trước mặt Chúa. Nhưng ai dám nghĩ rằng: quả thật Thiên Chúa ngự ở trần gian? Vì nếu trời và các tầng trời còn không thể chứa được Chúa, huống chi ngôi nhà con xây cất đây! Nhưng lạy Chúa là Thiên Chúa của con, xin đoái nghe lời cầu nguyện và sự van nài của tôi tớ Chúa; xin lắng nghe lời ca khen và kinh nguyện mà tôi tớ Chúa dâng lên trước mặt Chúa hôm nay, ngõ hầu đêm ngày mắt Chúa nhìn xem ngôi nhà này là nơi Chúa đã phán 'Danh Ta sẽ ở nơi đó', để nghe lời cầu nguyện mà tôi tớ Chúa kêu xin trong nơi này, để nhậm lời van nài của tôi tớ Chúa và của dân Israel sẽ cầu nguyện tại nơi đây. Từ thiên cung nơi Chúa ngự, xin Chúa nhậm lời, và khi đã nhậm lời, xin Chúa dủ lòng thương".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 83, 3. 4. 5 và 10. 11
Ðáp: Lạy Chúa thiên binh, khả ái thay cung điện của Chúa (c. 2).
Xướng: 1) Linh hồn tôi khát khao và mòn mỏi, mong vào hành lang nhà Ðức Thiên Chúa. Tâm thần và thể xác tôi hoan hỉ tìm đến cùng Thiên Chúa trường sinh. - Ðáp.
2) Ðến như chim sẻ còn kiếm được nhà, và chim nhạn tìm ra tổ ấm, để làm nơi ấp ủ con mình, cạnh bàn thờ Chúa, ôi Chúa là Thiên Chúa thiên binh, Ôi Ðại Vương và Thiên Chúa của con. - Ðáp.
3) Ôi Thiên Chúa, phúc đức ai ngụ nơi nhà Chúa: họ sẽ khen ngợi Chúa tới muôn đời. Thuẫn đỡ cho chúng con, xin hãy nhìn xem, lạy Thiên Chúa, xin hãy đoái nhìn mặt Ðức Kitô của Người. - Ðáp.
4) Thực, một ngày sống trong hành lang nhà Chúa, đáng quý hơn ngàn ngày ở nơi đâu khác. Con ưa đứng nơi ngưỡng cửa nhà Chúa con, hơn là cư ngụ trong lều bọn ác nhân. - Ðáp.
Alleluia: Ga 14, 23
Alleluia, alleluia! - Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 7, 1-13
"Các ngươi gác bỏ một bên các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục phàm nhân".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, những người biệt phái và mấy luật sĩ từ Giêrusalem tụ tập lại bên Chúa Giêsu, và họ thấy vài môn đệ Người dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch, nghĩa là không rửa trước. Vì theo đúng tập tục của tiền nhân, những người biệt phái và mọi người Do-thái không dùng bữa mà không rửa tay trước, và ở nơi công cộng về, họ không dùng bữa mà không tắm rửa trước. Họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa, như rửa chén, rửa bình, rửa các đồ đồng. Vậy những người biệt phái và luật sĩ hỏi Người: "Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?" Người đáp: "Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: "Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người". Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người: rửa bình, rửa chén và làm nhiều điều như vậy". Và Người bảo: "Các ngươi đã khéo bỏ giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục của các ngươi. Thật vậy, Môsê đã nói: "Hãy thảo kính cha mẹ", và "ai rủa cha mẹ, sẽ phải xử tử". Còn các ngươi thì lại bảo: "Nếu ai nói với cha mẹ mình rằng: Những của tôi có thể giúp cha mẹ được là Corban rồi (nghĩa là của dâng cho Chúa)", và các ngươi không để cho kẻ ấy giúp gì cho cha mẹ nữa. Như thế các ngươi huỷ bỏ lời Chúa bằng những tập tục truyền lại cho nhau. Và các ngươi còn làm nhiều điều khác giống như thế".
Ðó là lời Chúa.
BẠN VÀ TÔI ĂN-NHAI VÀ NUỐT Lời Chúa
Đức Kitô Dạy Luật
Hôm nay, Thứ Ba Tuần V Thường Niên, Bài Phúc Âm vẫn tiếp tục chủ đề "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" cho chung Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh kéo dài tới Thứ Tư Lễ Tro mở đầu Mùa Chay hằng năm.
Nếu trong Bài Phúc Âm hôm qua, "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" tỏ mình ra, đúng hơn, thông mình ra, hay thông ban ân sủng của mình ra qua việc chữa lành bệnh nạn tật nguyền, thậm chí bằng cả gấu áo của Người cho những ai tin tưởng chạm đến gấu áo ấy, thì trong Bài Phúc Âm hôm nay, Người tỏ mình ra "là chân lý" (Gioan 14:6), Người thông ban chân lý của Người và từ Người ra cho những ai mù quáng, hay nói cách khác, Người mang chân lý đến cho những ai về tâm linh cần chữa lành cái vô thức hay mù quáng của họ, như những người bị bệnh nạn tật nguyền về phần xác cần được Người chữa lành về thể lý vậy.
Thật thế, thành phần mù quáng về tâm linh cần được "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" chữa lành cho đó là "những người biệt phái và mấy luật sĩ từ Giêrusalem", tức là thành phần giữ luật, thông luật và dạy luật thuộc loại thế giá, thế lực, thuộc loại chính qui, chính gốc, bởi họ có dính dáng tới giáo đô "Giêrusalem", như thể các vị giáo sĩ ở các nước Công giáo trên khắp thế giới ngoài Âu Châu và Tây phương, như ở Á Châu hay Phi Châu hoặc Mỹ Châu Latinh có bằng cấp ở Giáo đô Roma vậy.
Thành phần biệt phái và luật sĩ thuộc loại chính hiệu "made in Jerusalem" này đã bị khuyết tật hay bị mắc tật nguyền bẩm sinh di truyền mù quáng này ở chỗ nào, nếu không phải ở chỗ đúng như lời Chúa Giêsu nhận định và khiển trách họ trong bài Phúc Âm hôm nay:
"Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người".
Phải, cái tật nguyền mù quáng của họ là ở chỗ "giả hình", bôi bác ngoài "môi miệng" chứ không thật "lòng", sống một cuộc đời "giả dối", ở chỗ "dạy những giáo lý và những luật lệ loài người", như những gì được Thánh ký Marco liệt kê trong Bài Phúc Âm hôm nay: "không dùng bữa mà không rửa tay trước, và ở nơi công cộng về, họ không dùng bữa mà không tắm rửa trước. Họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa, như rửa chén, rửa bình, rửa các đồ đồng".
Đáng lẽ, nếu thực sự xứng danh là thành phần thông luật thì họ phải nắm bắt được tất cả sự thật của luật và về luật, liên quan đến mục đích của luật và tinh thần của luật, từ đó họ mới có thể dạy luật cho dân chúng hiểu mà theo, để cả họ lẫn dân đều giữ luật đúng với những gì Thiên Chúa là Đấng ban luật qua Moisen mong muốn.
Đằng này, chính vì họ coi trọng loài người hơn Thiên Chúa, hay nói ngược lại, coi Thiên Chúa không bằng loài người, coi giá trị nhân bản cao hơn giá trị thần linh, như chính Chúa Giêsu nhận định "các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người: rửa bình, rửa chén và làm nhiều điều như vậy", mà họ đã giảng dạy một cách sai lầm, điển hình là họ đã dạy sai lạc điều răn thảo kính cha mẹ trong 10 Điều Răn Chúa dạy, như Chúa Giêsu đã vạch ra cho họ thấy trong Bài Phúc Âm hôm nay:
"Thật vậy, Môsê đã nói: 'Hãy thảo kính cha mẹ', và 'ai rủa cha mẹ, sẽ phải xử tử'. Còn các ngươi thì lại bảo: 'Nếu ai nói với cha mẹ mình rằng: Những của tôi có thể giúp cha mẹ được là Corban rồi (nghĩa là của dâng cho Chúa)', và các ngươi không để cho kẻ ấy giúp gì cho cha mẹ nữa. Như thế các ngươi hủy bỏ lời Chúa bằng những tập tục truyền lại cho nhau. Và các ngươi còn làm nhiều điều khác giống như thế".
Sở dĩ thành phần chính hiệu Giêrusalem biệt phái và luật sĩ thông luật trong bài Phúc Âm hôm nay bị Chúa Giêsu vạch trần bộ mặt giả hình và lối sống giả dối của họ ra như vậy là vì họ đã dẫn giải sai ý nghĩa của lề luật liên quan đến ý của Đấng ban lề luật cho con người, và những dẫn giải của họ hoàn toàn theo khuynh hướng tự nhiên muốn sống hưởng thụ và dễ chịu hơn là hy sinh và chịu khó, kể cả đối với những bậc sinh thành dưỡng dục họ.
Hiện tượng và tình trạng thiên lệch đầy chủ quan và vị kỷ này của "những người biệt phái và luật sĩ từ Giêrusalem" này cũng không có gì là khó hiểu, bởi vì một khi họ coi nhẹ Thiên Chúa, coi luật của Ngài không bằng tục lệ loài người, thì cha mẹ loài người của họ cũng đâu có giá trị gì đối với họ mấy nữa.
Và như thế, ở một nghĩa nào đó, họ đã lấy họ làm cùng đích, khi họ coi luật lệ của Thiên Chúa chỉ là phương tiện để họ hưởng thụ, ở chỗ, một đàng bề ngoài họ có vẻ tuân thủ kỹ lưỡng lề luật đấy, nhưng về tinh thần họ lại tuân thủ lề luật một cách chủ quan, nghĩa là, việc họ giữ luật là đường lối tinh ranh để họ có thể nhờ đó thỏa mãn ý riêng của họ một cách chính đáng, và như thế và nhờ thế họ mới có thể làm chủ lề luật, thay thế vị trí của chính Đấng lập luật và ban luật cho họ.
Vua Solomon trong Bài Đọc 1 cho Năm Chẵn hôm nay đã cảm nhận rất chí lý trong lời vua nguyện cầu dâng lên Thiên Chúa: "Lạy Chúa là Thiên Chúa Israel, trên trời dưới đất, không có thần nào giống như Chúa. Chúa giữ lời giao ước và lòng từ bi đối với các tôi tớ đang thành tâm đi trước mặt Chúa. Nhưng ai dám nghĩ rằng: quả thật Thiên Chúa ngự ở trần gian? Vì nếu trời và các tầng trời còn không thể chứa được Chúa, huống chi ngôi nhà con xây cất đây!"
Đúng vậy, trước hết, chính vì "trên trời dưới đất, không có thần nào giống như Chúa", nên loài người nói chung, nhất là dân Chúa là thành phần được Ngài tỏ mình ra cho dọc suốt giòng lịch sử cứu độ của họ, bao gồm cả việc Ngài ban lề luật của Ngài cho họ, chẳng những không được theo một tà thần nào khác, mà còn không được tạo nên các thứ ngẫu tượng của mình thay thế Ngài, hay nói ngược lại, không được nhân tạo hóa Thiên Chúa là Đấng đã tỏ mình ra theo ý nghĩ chủ quan nông cạn của họ, điển hình là khuynh hướng dẫn giải lề luật của Ngài hoàn toàn thuần nhân bản như trong Bài Phúc Âm hôm nay.
Sau nữa, "nếu trời và các tầng trời còn không thể chứa được Chúa, huống chi ngôi nhà con xây cất đây!", theo nghĩa bóng, còn có nghĩa là loài người hữu hình và hữu hạn không thể nào thấu suốt được Thiên Chúa, nên không thể giam nhốt Ngài trong lòng trí chủ quan và vốn thiên lệch của mình, trái lại, Ngài sẽ thật sự ở với họ và ngự trong họ một khi họ thành tâm tìm kiếm và phụng thờ Ngài "trong tinh thần và chân lý" (Gioan 4:24), vì như Vua Solomon cảm nhận rất đúng trong Bài Đọc 1 hôm nay, Ngài là Vị "Chúa giữ lời giao ước và lòng từ bi đối với các tôi tớ đang thành tâm đi trước mặt Chúa".
Bài Đáp Ca hôm nay cũng theo chiều hướng chung của phụng vụ Lời Chúa hôm nay nói chung và Bài Đọc 1 nói riêng, ở chỗ, linh hồn chỉ sống hạnh phúc khi sống trong "nhà Chúa" (câu 2) hay ở "hành làng nhà Chúa" (câu 3) hoặc ở "ngưỡng cửa nhà Chúa" (câu 3) mà thôi, chứ không phải là nhà của mình là ý riêng của mình, hay ở hành lang nhà mình là khuynh hướng chủ quan của mình, hoặc ở ngưỡng cửa nhà mình là những việc làm giả hình của mình.
1) Linh hồn tôi khát khao và mòn mỏi, mong vào hành lang nhà Ðức Thiên Chúa. Tâm thần và thể xác tôi hoan hỉ tìm đến cùng Thiên Chúa trường sinh.
2) Ðến như chim sẻ còn kiếm được nhà, và chim nhạn tìm ra tổ ấm, để làm nơi ấp ủ con mình, cạnh bàn thờ Chúa, ôi Chúa là Thiên Chúa thiên binh, Ôi Ðại Vương và Thiên Chúa của con.
3) Ôi Thiên Chúa, phúc đức ai ngụ nơi nhà Chúa: họ sẽ khen ngợi Chúa tới muôn đời. Thuẫn đỡ cho chúng con, xin hãy nhìn xem, lạy Thiên Chúa, xin hãy đoái nhìn mặt Ðức Kitô của Người.
4) Thực, một ngày sống trong hành lang nhà Chúa, đáng quý hơn ngàn ngày ở nơi đâu khác. Con ưa đứng nơi ngưỡng cửa nhà Chúa con, hơn là cư ngụ trong lều bọn ác nhân.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên
Xin mời nghe thêm về Lễ Mẹ Lộ Đức ở cái link dưới đây:
LỄ MẸ LỘ ĐỨC 11-2
ĐTCGPII Tông Du Lộ Đức 14/8/2004 - Dẫn Nhập cho việc Lần Hạt Mân Côi tại Động Massabiella
Anh Chị Em thân mến!
1. Qùi ở nơi đây, trước động Massabielle, Tôi sâu xa cảm thấy rằng Tôi đã tiến đến đích điểm của cuộc Tôi hành hương. Hang động này, nơi Mẹ Maria đã hiện ra, là tâm điểm của Lộ Đức. Nó nhắc nhở chúng ta về hang Núi Horeb, nơi tiên tri Êlia gặp gỡ Chúa, Đấng đã nói với ông bằng “một giọng nhỏ nhẹ” (1Kgs 19:12).
Nơi đây Đức Trinh Nữ đã xin Bernadette đọc Kinh Mân Côi, như chính Mẹ cũng lần hạt. Bởi thế hang động này đã trở thành một học đường nguyện cầu chuyên biệt, nơi Mẹ Maria dạy cho hết mọi người biết nhìn ngắm dung nhan Chúa Kitô bằng tình yêu bừng nóng.
Như thế, Lộ Đức là nơi Kitô hữu Pháp quốc, cũng như các Kitô hữu thuộc rất nhiều quốc gia Âu Châu khác và trên thế giới, quì xuống nguyện cầu.
2. Là những người hành hương tới Lộ Đức, chúng ta cũng muốn buổi tối hôm nay, cùng với Maria Mẹ của chúng ta, tái diễn trong nguyện cầu những “mầu nhiệm” được Chúa Giêsu tỏ mình ra cho thấy rằng Người là “ánh sáng thế gian”. Chúng ta nhớ lại lời Người hứa: “Ai theo Tôi sẽ không đi trong tăm tối, song sẽ được ánh sáng sự sống” (Jn 8:12).
Chúng ta muốn học từ nơi người nữ tỳ khiêm hạ này của Chúa thái độ đơn sơ và cởi mở trước lời Chúa, cũng như thái độ quảng đại dấn thân đón nhận giáo huấn của Chúa Kitô trong đời sống của chúng ta.
Nhất là, khi suy niệm về việc Mẹ Chúa thông phần vào sứ mệnh cứu chuộc của Con Mẹ, Tôi xin anh chị em hãy nguyện cầu cho các ơn gọi linh mục và sống đồng trinh vì Nước Trời, để tất cả những ai được kêu gọi biết đáp ứng một cách quảng đại và kiên trì.
3. Trong lúc hướng lòng về Mẹ Maria Rất Thánh, chúng ta hãy cùng với Thánh Bernadette nguyện cầu rằng: “Lạy Mẹ nhân lành, xin thương đến con; con xin hoàn toàn hiến dâng bản thân mình cho Mẹ, để Mẹ dâng con cho Con yêu dấu của Mẹ, Đấng con muốn yêu mến bằng cả tấm lòng của con. Lạy Mẹ nhân lành, xin ban cho con trái tim hoàn toàn bừng cháy tình yêu mến Chúa Giêsu”.
(Đức Thánh Cha bị mất thăng bằng khi quì cầu nguyện ở hang động Đức Mẹ hiện ra, khiến các vị hộ tống vội đỡ lấy Ngài cho khỏi ngã trước khi đặt Ngài vào xe lăn. Sau mấy phút cầu nguyện, Ngài đã chỉ định một vị hồng y đọc bài diễn từ của Ngài).
ĐTCGPII Tông Du Lộ Đức 14/8/2004 - Dẫn Nhập cho Cuộc Rước Đuốc ở Accuiel Notre-Dame
Anh Chị Em thân mến!
1. Khi Trinh Nữ Maria hiện ra với Bernadette ở hang động Massabielle, Mẹ đã mở màn cho một cuộc đối thoại giữa Trời và đất là một cuộc đối thoại đã kéo dài qua thời gian và tiếp tục cho tới ngày hôm nay. Khi nói với cô gái trẻ tuổi này, Mẹ Maria đã xin dân chúng hãy đoàn lũ kéo tới đây, như thể nói lên rằng cuộc đối thoại này không thể chỉ được giới hạn ở ngôn từ mà còn phải trở thành một cuộc hành trình bên Mẹ dọc suốt con đường lữ hành đức tin, đức cậy và đức mến nữa.
Ở Lộ Đức đây, hơn một thế kỷ qua, dân Kitô giáo đã trung thành đáp ứng những lời hiệu triệu từ mẫu ấy, hằng ngày bước đi theo Chúa Kitô nơi Bí Tích Thánh cũng như mỗi đêm rước kiệu bằng những bài hát và những lời nguyện cầu để tôn kính Người Mẹ của Chúa.
Năm nay, vị Giáo Hoàng này cũng tham gia với anh chị em nơi hành động tôn sùng và mến yêu đối với Đức Nữ Trinh Rất Thánh này, người nữ hiển vinh của Sách Khải Huyền, được đội triều thiên 12 ngôi sao (x Rev 12:1). Cầm trong tay cây đuốc sáng, chúng ta nhớ lại và tuyên xưng niềm tin của chúng ta vào Chúa Kitô Phục Sinh. Nơi Người toàn thể đời sống của chúng ta được chiếu soi và hy vọng.
2. Anh chị em thân mến, Tôi xin gửi gấm cho anh chị em ý chỉ đặc biệt của việc chúng ta nguyện cầu tối hôm nay: đó là hãy cùng Tôi nài xin Trinh Nữ Maria xin cho thế giới của chúng ta đây tặng ân hòa bình hằng được mong mỏi.
Chớ gì thứ tha và tình yêu huynh đệ cắm rễ vào lòng người. Chớ gì hết mọi thứ vũ khí đều được buông xuống, và tất cả mọi thứ hận thù ghen ghét và bạo lực đều được loại trừ.
Chớ gì hết mọi người đều thấy nơi tha nhân của mình không phải là kẻ thù cần phải đánh đấm, mà là người anh em cần phải được chấp nhận và yêu thương, nhờ đó chúng ta mới có thể hợp nhau xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.
3. Cùng nhau chúng ta hãy kêu cầu Vị Nữ Vương Hòa Bình này và hãy lập lại việc chúng ta dấn thân phục vụ cho mối hòa giải, đối thoại và đoàn kết. Có thế chúng ta mới chiếm được thứ hạnh phúc được Chúa hứa cho thành phần kiến tạo hòa bình (Mt 5:9).
Tôi theo anh chị em bằng lời nguyện cầu và phép lành của Tôi.Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu được Zenit phổ biến ngày 20/7/2004