SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA-KHỦNG HOẢNG ĐỨC TIN TRONG GIÁO HỘI

Khủng hoảng Đức Tin trong Giáo Hội và … Tin Mừng của Đức Ki Tô

          Đức Ki Tô tiên báo Giáo Hội sẽ mất  đức tin trong Ngày Chúa đến “ Dầu vậy khi Con Người đến há tìm được đức tin trên mặt đất này chăng ?” ( Lc 18, 8 ).  Lời tiên báo của Chúa nay  đã ứng nghiệm. Giáo Hội đang rơi vào tình trạng khủng hoảng đức tin trầm trọng và dù với biết bao nỗ lực nhưng vẫn không  sao thoát khỏi.

           Đức hồng y Gerhard Muller nguyên tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin từ năm 2012 đến 2017 mới đây đã căn cứ vào Sách Giáo Lý Công Giáo để đưa ra một Bản Tuyên Ngôn Đức Tin trong đó có những xác tín về Thiên Chúa Ba Ngôi về Giáo Hội về Luật Luân Lý về Cuộc Sống Vĩnh Cửu.

           Riêng về việc Tuyên Xưng Chúa Ba Ngôi ngài nói: “ Tuyệt đỉnh đức tin của tất cả  Ki Tô Hữu được tìm thấy trong lời tuyên xưng Chúa Ba Ngôi. Chúng ta đã trở thành môn đệ Chúa Giê Su, con cái và bạn bè của Thiên Chúa qua Phép Rửa Tội nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Sự phân biệt của Ba Ngôi trong sự hiệp nhất của Thiên Chúa ( Sách GL 254 ) đánh dấu một sự khác biệt cơ bản trong niềm tin vào Thiên Chúa và hình ảnh con người  so với các tôn giáo khác. Các tôn giáo không đồng ý với nhau chính là về niềm tin này vào Chúa Giê Su Ki Tô. Ngài là Thiên Chúa thật và là người thật được thụ thai bởi CTT và được sinh ra bởi Đức Nữ Đồng Trinh Maria. Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể: Con Thiên Chúa  là  Đấng Cứu Độ duy nhất của thế gian ( Sgl  676 ) ( Nguồn Vietcatholic News – 12/2/2019 – Tuyên Ngôn Đức Tin – ĐHY Gerhard Muller ).

           Chẳng những các tôn giáo mà ngay đến cả thần học cũng chưa bao giờ đồng ý với nhau về quan điểm Chúa Giê Su vừa là Thiên Chúa thật vừa là …người thật. Mặt khác cũng chính vì sự bất đồng đó mà đã gây nên các  cuộc khủng hoảng đức tin liên tiếp trong Giáo Hội  suốt hai mươi thế kỷ nay.

           Có thể nói nguyên nhân đưa đến khủng hoảng tất cả là do các trường phái thần học đã không thể nhất trí được với nhau về mối liên hệ giữa Chúa Giê Su và…Đấng Tạo Hóa:

           Phái Dưỡng Tử  Thuyết ( Adoptianisme ) cho rằng Thiên Chúa  Duy Nhất không có con. Nhưng đã chọn một con người và đã biến đổi con người ấy trở nên thần linh trong Phép Rửa ở sông Gioc Đan.

            Phái Ảo Thân Thuyết ( Docetisme )không chấp nhận nhân tính đích thực của Chúa Giê Su. Họ cho rằng thân xác của Ngài là loại thân xác thiêng liêng chỉ có vẻ bên ngoài là thân xác giống như thiên thần và vì vậy Ngài không thể bị đau đớn.

            Phái Nhất Chủ Thuyết ( Monarchianisme ) không tin Ba Ngôi Thiên Chúa và triệt để bênh vực  độc thần giáo, không chấp nhận một ngôi vị Thiên Chúa riêng biệt nơi Đức Giê Su.

            Phái Ario ( Năm 320 ) cho rằng chỉ một mình Chúa Cha là không được sinh ra. Còn Chúa Con là Đấng được tạo thành bởi hư vô.

            Phái Appolinaire cho rằng Ngôi Lời đảm nhận một bản tính nhân loại không có linh hồn. Đức Ki Tô là Ngôi Lời Thần Linh nhập thể nghĩa là ở trong thân xác con người” ( Logos Ensarkos – Verbe Incarne’ ).

            Sự bất đồng giữa các trường phái thần học tất nhiên đưa đến khủng khoảng đức tin trong toàn Giáo Hội. Vì chưng  một khi thần học vốn vẫn mệnh danh là khoa học hiểu biết Thiên Chúa mà lại  có sự bất đồng sâu xa như vậy thì làm sao chúng ta có thể tin nơi sự hiện hữu của Ngài ?

            Để có thể tin sự hiện hữu của Thiên Chúa đúng như Ngài Là ( Ego sum qui sum ) chúng ta nhất thiết cần trở về với Tin Mừng…của Đức Ki Tô. Lý do cần  nhấn mạnh Tin Mừng…của Đức Ki Tô bởi trong thực tế  từ bao lâu nay Giáo Hội  vẫn rao giảng một thứ Tin Mừng … khác chứ không phải Tin Mừng … của Đức Ki Tô !!!

            Ngay từ thuở sơ khai Giáo Hội, Thánh Phao Lô  đã lên tiếng cảnh cáo về thứ Tin Mừng … khác này: “ Tôi lấy làm lạ cho anh  em sao lại vội lìa khỏi Đấng đã kêu gọi anh  em bởi ân sủng của Đức Ki Tô  để mà theo Tin Mừng  khác. Nhưng không có Tin Mừng nào khác đâu. Chẳng qua là có mấy kẻ quấy rối  anh em  muốn sửa  đổi Tin Mừng của Đức Ki Tô đó thôi. Nhưng dẫu chúng tôi hoặc thiên sứ trên trời giảng cho anh  em một Tin Mừng nào khác với Tin Mừng mà chúng tôi đã rao giảng cho anh  em thì người ấy đáng bị nguyền rủa” ( Gal 1, 6 -8 ).

            Đức Ki Tô chỉ rao giảng có một Tin Mừng và đó là Tin Mừng về Nước Trời nội tại “ Người Pharisieu hỏi Chúa Giê Su về Nước ĐCT chừng nào đến thì Ngài đáp: Nước ĐCT không đến cách mắt thấy được. Người ta cũng sẽ không nói được: Đây này hay đó kia vì này Nước ĐCT ở trong các ngươi” ( Lc 17, 20 -21 ).

            Không thể nói “ Đây này hay đó kia”  bởi vì Nước Trời mà Đức Ki Tô rao giảng là một Thực Tại mầu nhiệm vượt thoát khỏi  mọi thứ ngôn ngữ diễn tả cũng như suy tư lý luận. Thục Tại ấy …tương đồng với  ĐẠO  của minh triết Đông phương “ Đạo khả Đạo phi thường Đạo. Danh khả Danh phi thường Danh” ( Đạo mà có thể gọi ( tên ) thì đó không phải Đạo thường. Danh mà có thể  nói ra được thì đó không phải Danh thường – Lão Tử ĐĐK chương một ).

            Chữ “ Thường” đây nghĩa là thường hằng bất biến. Cái ĐẠO thường hằng bất biến ấy  tùy nơi tùy lúc  Đức Ki Tô gọi là Nước Trời là Đấng Cha là Sự Sống Đời Đời. Lắng nghe và trở về với Thực Tại ấy  chúng ta sẽ có được Sự Sống Đời Đời “ Còn sự sống đời đời là nhận biết Cha  tức Chân Thần Duy Nhất cùng Giê Su KI Tô mà Cha đã sai đến” ( Ga 17, 3 ).

            Chúa Giê Su luôn nhận mình là Đấng được Cha sai đến ( Thiên Sai ). Điều ấy nói lên một cách rõ ràng  rằng Ngài không phải là Thiên Chúa Đấng Tạo Hóa  vẫn gọi là Ngôi Lời ( Logos ). Nguyên do đưa đến việc thần học dịch Tin Mừng Thánh Gioan “ Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa” ( Ga 1, 1 ) là do ảnh hưởng của triết Hy Lạp về Logos hiểu như một thứ Lý Trí phổ quát.

            Thật sự thì đây không chỉ là một cách …Dịch nhưng nó đã chuyên chở  một thứ triết học sai lầm là triết Duy Lý Hy Lạp. Chính cái thứ  triết ấy đã gây nên cuộc khủng hoảng đức tin vô cùng sâu sắc  cho Giáo Hội mà không hề hay biết.

            Đức tin là cánh cửa mở vào ĐẠO cũng chính là niềm hy vọng của Đạo Công Giáo chúng ta “ Vả đức tin là thực thể của điều mình hy vọng, bằng cớ của điều mình chưa thấy. Nhờ đó mà người xưa được chứng tốt. Bởi đức tin chúng ta hiểu rằng các thế giới được dựng nên bởi Lời của ĐCT đến nỗi vật thấy được chẳng phải từ vật hiển nhiên mà ra” ( Dt 11, 1 -3 ).

            Vật thấy được ở đây tức những “ Vật” mà con người có thể thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng chạm…bằng giác quan. Những cái gọi là “ Vật” ấy đều không…thật có chỉ là do duyên giả hợp mà có. Nếu tất cả là do duyên giả hợp mà có thì hễ còn duyên thì…còn hết duyên thì nói là…mất. Con người thực chất  cũng là một thứ…duyên giả hợp của  sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Thế nên  chắc chắn cũng có ngày phải chết tức các duyên giả hợp đã đến ngày tan rã.

            Tất cả trời đất, vũ trụ trong đó gồm cả con người  đều do giả hợp mà thành ra…có.Thế nhưng  con người vì vô minh nên đã chấp lấy làm thật để rồi ra sức bám níu thành ra phải sống triền miên  trong đau khổ. Đức Ki Tô vì đã thấu triệt được nỗi khổ vì việc chấp trước ấy thế nên Ngài  đã truyền dạy  đạo lý Bỏ Mình có nghĩa bỏ đi những cái chấp “ Ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình hàng ngày vác thập giá mình mà theo. Vì hễ ai muốn cứu mạng sống mình thì phải mất. Còn hễ ai vì cớ Ta mà mất mạng sống mình thì được cứu. Vì chưng được lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn thì nào được ích gì ?” ( Lc 9, 23 -25 ).

            Bỏ mình tức bỏ đi những …cái chấp về tài sản, danh vọng, sự nghiệp cũng như về  thân mạng là điều rất khó cần  có  Ơn Chúa  thật nhiều mới được. Ơn Chúa ấy cần thiết nhất  chính là Ơn Đức Tin. Thiếu hoặc không có đức tin  thì mọi việc làm dù trước mắt thế gian có danh giá lớn lao đến đâu đối với Chúa cũng là vô ích. Thế nhưng “ Đức tin tuy khởi đầu mọi sự nhưng  lại không hoàn thành chi hết mà phải được hoàn mãn trong Đức Mến” ( Gal 5, 6 ).

            Hoàn mãn trong Đức Mến chính là ở chỗ nó khiến cho ta có được sự nhận biết Thiên Chúa Đấng ở nơi mình “ Chẳng có ai thấy ĐCT bao giờ nhưng nếu chúng ta có lòng thương yêu lẫn nhau thì ĐCT ở trong chúng ta và Tình Thương Yêu Ngài được trọn vẹn trong chúng ta” ( 1Ga 4, 12 ).

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:
 

Related posts