SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA - CN7TN-C

SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA
Chúa nhật 7 TN-C
Dành cho Cá nhân, Gia đình, Nhóm, Hội Đoàn...
Ý chính: HÌNH ẢNH, TÂM TƯ GIỐNG CHÚA

A- Cảm nghiệm Sống và lắng nghe Chúa Thánh Thần nhắc bảo:
Bài đọc 1: 1 Sa-mu-en (26:2.7-9.12-13.22-23). Ông Đavít nói với ông A-vi-sai: “Đừng giết vua! Có ai ra tay hại đấng Đức Chúa đã sức dầu tấn phong mà vô sự đâu?” (câu 9)
1/ Đavít đã có phản ứng hành động nào khi vua ra lệnh hại mình?
2/ Hậu quả của việc trả thù tai hại gì cho đời sống người Tín hữu ?
Bài đọc 2: 1 Côrintô (15:45-49). “Người thứ nhất bởi đất mà ra thì thuộc về đất, còn người thứ hai thì từ trời mà đến.” (câu 47)
1/ Adam là một sinh vật bởi đất mà ra, còn tôi thuộc về ai, giống ai?
2/ Bạn là người mang hình ảnh bởi đất, và sẽ mang hình ảnh bởi ai?
Tin Mừng: Luca (6:27-38). “Hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em, và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em.” (câu 28)
1/ Trên thập tự giá, Đức Kitô đã nói gì làm gương mẫu nào cho tôi?
2/ Bạn cho biết vài hành động đối xử với những người thù ghét bạn?
3/ Trong gia đình,...tôi đã áp dụng câu Phúc âm này được bao nhiêu?

B- Tầm quan trọng của Đức Ái. (Giáo Huấn số 12)
1- Những việc làm cu thể: Mọi hoạt động tông đồ phải bắt nguồn và lấy sức mạnh từ Đức Ái. Đức Kitô đã muốn những công việc đó là dấu chỉ của sứ mệnh cứu độ : “Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng.” (Mt 11,5-6)
2- Hình ảnh người môn đệ: Khi nhận lấy bản tính nhân loại, Đức Giêsu đã nối kết toàn thể nhân loại với người thành một gia đình, bằng một tình liên đới siêu nhiên. Người đã dùng đức ái làm dấu hiệu riêng của các môn đệ, khi Người nói: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng thương nhau. (Ga 13, 35)
3- Quan tâm của Giáo hội: Giáo hội đã tự đảm nhận những công cuộc bác ái như là nhiệm vụ chính của mình và hân hoan trước những sáng kiến của người khác. Giáo hội cũng đặc biệt đề cao lòng thương xót đối với người nghèo đói, bệnh tật, để tương trợ và xoa dịu mọi nỗi thống khổ của nhân loại. (Tông đồ Giáo dân số 8)

C- Hãy yêu kẻ thù: Kẻ thù là ai? Bình thường bạn nghĩ tới kẻ thù là những người ở ngoài bạn, bạn nhắm vào đối phương và các thù địch ở bên ngoài để tìm cách bảo vệ. Nhưng theo tinh thần Á Đông sự thù hận bên ngoài có thể trở thành tình bằng hữu thân thiện sau đó. Họ cũng giống như mình, mong được hạnh phúc, không muốn đau khổ, họ cần tới lòng từ bi bác ái của ta. Thầy nói với anh em: “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em.” (Lc 6, 27)
1- Kẻ thù có hại chính là cái Thân và Tâm trí của bạn: “Những kẻ thuộc về đất thì giống như kẻ bởi đất mà sinh ra.” (1Cor 15,48). Chính nó mang cho bạn những biết bao nhiêu đau đớn ! Bạn có thể coi: Tâm trí cũng là những kẻ thù thật sự, vì nó hiện hữu vĩnh viễn trong bạn, khi thất vọng, buồn phiền, chán nản bạn thấy khổ sở..
2- Tham, Sân, Si được coi là những kẻ thù nội tại: vì nó nằm ngay trong bạn. Dù chúng không có khí giới, chúng vẫn chế ngự và sai khiến bạn được. Chúng tạo nên những hậu quả tai hại vô cùng ! Bạn làm sao chạy trốn được kẻ thù này? Nó là những kẻ thù thứ thiệt !

D- Câu Kinh Thánh thúc đẩy bạn và tôi chọn Sống tuần này:
HÃY YÊU KẺ THÙ VÀ LÀM ƠN CHO KẺ GHÉT ANH EM
Love your enemies, do good to those who hate you. (Lc 6,27)

E- Bạn và tôi cùng cầu nguyện với Lời Chúa: (Pray in Action)
Lạy Cha, Đức Kitô đã dạy: Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em. NHỜ THÁNH THẦN DẪN DẮT con biết nhận ra họ cũng là con của Cha, họ cũng muốn sống hạnh phúc, không muốn đau khổ, đang cần đến lòng từ bi bác ái của con, để con mang Chúa đến cho họ.

*Lời hay ý đẹp: CHỈ SỐNG CHO LỢI LỘC TẠM BỢ DẪN TỚI MẤT MÁT MUÔN THUỞ. / Living only for temporary gain leads to eternal loss.

CHÚA PHẢI ĐƯỢC LỚN LÊN, CÒN TÔI NHỎ ĐI (Ga 3,30)
Phó tế: GB Nguyễn Văn Định * This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

--------------------------------