Thưa quý vị, thưa các bạn, Mùa Chay là Mùa Hồng Phúc, Mùa sám hối Mùa chay đi qua được một tuần. Ngày xưa khi đến Mùa Chay, người ta có cảm giác như Mùa Cầu Hồn, bởi vì phụng vụ toàn là một màu tím. Hình ảnh “buồn bã” hiện ra trong Mùa Chay, áo lễ linh mục màu tím đã đành, nhưng phụng vụ gian cung Thánh, người ta cũng thấy toàn sắc thái màu tím. Vì Mùa Chay người ta không chưng hoa, vì là Mùa sám hối. Nhưng, thật ra ngày nay, người ta thấy khi Mùa Chay đến không có buồn như trước, chỉ có màu phụng vụ vẫn là “màu tím”, màu tím nhắc nhớ suy tư nhiều hơn. Suy tư về cái gì? Thưa, suy tư về hành trình Cứu Chuộc của Đức Giêsu- Kitô, Ngôi Vị Thiên Chúa làm Người.
Mùa sám hối ngày nay đúng nghĩa như Lời giáo huấn của Chúa Giêsu là :” Khi các ngươi ăn chay thì đừng làm như bọn giả hình… mà hãy xức dầu thơm, để đừng ai biết các ngươi ăn chay…”
Như vậy, ăn chay là ”sám hối”, biết mình là kẻ tội lỗi. Nhìn nhận mình tội lỗi , đó là “ ăn chay”. Ăn chay dẫn chúng ta trở về với khiêm nhường, tránh bớt kiêu căng, xa tránh được tội lỗi. Có nhiều thứ tội, nhưng xuất phát từ kiêu ngạo, tự kiêu. Nếu biết mình là kẻ tội lỗi, thật lòng trở về với Chúa, đó là “ăn chay”. Ăn chay tốt nhất , đó là ” chay lòng”, biết từ bỏ nết xấu, nâng cao tâm hồn, biết hãm mình, đó là ”ăn chay”.
Ăn chay là “ kiêng bớt” ăn uống vô độ, để dành của cải vật chất giúp đỡ cho tha nhân, những người thiếu cơm ăn, áo mặc. Đó là bác ái, vì Mùa Chay là Mùa Thiên Chúa thi ân giáng phúc. Là kẻ tội lỗi, chúng ta cũng biết thi ân giáng phúc cho tha nhân, để đền bớt tội cho chúng ta. Như vậy, Mùa Chay gọi là Mùa Đại Phúc là như vậy.
Tuần thứ I Mùa Chay, Hội Thánh cho chúng ta thấy “ Dung Mạo” là phàm nhân của Chúa Giêsu, chịu quỷ cám dỗ, chính là thân phận của chúng ta, mà Chúa Giêsu mặc lấy, nhưng Người đã chiến thắng cám dỗ, chiến thắng satan. Vì thế, tuần II MC, qua trang Tin Mừng theo thánh Luca ( Lc 9, 28b -36) cho chúng ta thấy, Chúa Giêsu biểu lộ quyền năng tức uy quyền Thần Tính của Người trên Núi Thánh Tabore.
Khi Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện, Người dẫn theo ba môn đệ của Người. Như vậy, núi thì khác với sa mạc nơi có quỷ. Lên núi cầu nguyện là lên nơi có Thiên Chúa, như vậy, khi Chúa Giêsu cầu nguyện, Người biểu lộ Thần Tính, đến độ, Người thông hiệp Thần Tính Thiên Chúa nơi Người, thì Dung Mạo Người hoàn toàn đổi khác , điều nầy cho thấy, Chúa Giêsu xuất phát từ trời cao. Vì , trước đó chưa có vị ngôn sứ nào có một biểu hiện thiêng liêng, siêu phàm như thế. Từ nhân chứng Cựu Ứơc là hai vị ngôn sứ lớn là Môi-sen và Ê-lia hiện ra và “đàm đạo” với Chúa Giêsu.
Như thế, điều nầy cho thấy, lịch sử Cựu Ứơc minh chứng Chúa Giêsu là một Vị Kitô cho nhân loại, vì nhân loại. qua việc hiện ra của hai vị ngôn sứ lớn thời Cựu Ứơc nói lên sứ vụ Thiên Sai của Chúa Giêsu. Vì vậy, điều nầy minh chứng Chúa Giêsu có hai bản tính, một là nhân tính , hai là Thiên Tính.
Việc Chúa Giêsu biểu lộ thần Tính của Người là việc bày tỏ vinh quang Phục Sinh sau khi Người chịu Khổ Nạn. Mầu Nhiệm Tử Nạn của Người là một “huyền cơ”, vì thế trong hành trình tiến đến Mầu Nhiệm Tử Nạn để thực thi ơn Cứu Độ nhân loại của Chúa Giêsu là một hành trình huyền nhiệm siêu nhiên, nên chi, satan luôn thách thức và khiêu khích Người.
Một sự cám dỗ của satan mà trong hành trình cứu độ, Chúa Giêsu phải gánh lấy, đó là sự chịu satan “cám dỗ” trong hoang địa. Như chúng ta biết, sự cám dỗ của satan là một sự “ xảo trá” hoàn toàn, mưu chước của satan và ba lần nó nói với Chúa Giêsu là một sự “ xảo trá” lố bịch, bởi vì, nó hoàn toàn không có gì cả, những thứ satan có đều là giả dối, còn những sự chân thật là của Thiên Chúa. Nói tắt cho dễ hiểu, satan là giả dối, còn Thiên Chúa mới là chân thật. Nói cách khác, Thiên Chúa là “ hàng thật”, còn satan là “ hàng giả”.
Trở lại Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy có ba vấn đề chính:
- Một là : Quang cảnh xảy ra Mầu Nhiệm Biến Hình của Chúa Giêsu, nói về cuộc “Xuất Hành” của Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem. ( từ câu 28 -31)
- Hai là : Các môn đệ bỡ ngỡ kinh ngạc, không hiểu gì cả trong khi chứng kiến “sự kiện “ trọng đại của Thầy mình. ( từ câu 32 -33)
- Ba là : Chúa Cha phán dạy qua đám mây :” Đây là Con Ta, Người được Ta tuyển chọn , hãy vâng nghe Lời Người” ( 34 -36)
Theo đó, chúng ta biết những hiện tượng vật chất như Núi , Mây, Lều phản ảnh những hiện tương siêu nhiên như : Tiếng phán từ trong đám mây, Dung Mạo Chúa Giêsu biến đổi, sáng láng, Y phục của Người cũng tinh khiết, trắng tinh đến độ không có thợ nhuộm nào của trần thế có thể tẩy nổi. Nói lên huyền cơ trong thời “Cựu Ứơc”, như cảnh được tiếp xúc, diện kiến Thiên Chúa, nơi thánh thiêng huyền nhiệm xảy ra, nơi cực thánh. Điều nầy rõ ràng tiên báo một sự kiện siêu nhiên huyền bí, từ xưa đến nay chưa hề có.
Điều nầy cũng nói lên ý nghĩa, nếu Chúa Giêsu không phải là Đấng Cực Thánh, ngàn trùng Chí Thánh, thì sao có thể xảy ra một hiện tượng như thế đối với Người.
Ý nghĩa thứ hai, nói lên sự tiên trưng về cuộc “xuất hành” tức cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Người. Núi Tabore thì vinh quang rực rỡ, nhưng Núi Cây Dầu thì âu sầu đau khổ, đau khổ cho thân phận con người, đau khổ vì nhân loại xúc phạm đến Thiên Chúa, đến độ một Ngôi Vị Thiên Chúa phải mang thân phận nhân sinh. Chúng ta cảm nghiệm sâu sắc, Chúa Giêsu thật đau đớn, vâng, Người thật sự đau đớn bởi cả hai Bản Tính, Thiên Tính và Nhân Tính của Người, bởi vì, cuộc Tử nạn là ”hoàn toàn “ thật, Người là Người thật và Thiên Chúa thật, khác với satan là giả tạo. Satan là thật, nhưng những gì nó làm là giả trá,và những cái mà nó có đều là xảo trá.
Vì vậy, ba lần nó cám dỗ Chúa Giêsu đều là “ xảo trá”, vì nó không có gì hết, từ lương thực của nó cũng là ” đá”, vương quyền của nó cũng là ”hư vô”, vì bộ mặt thế gian rồi sẽ qua đi. Bên trong nấm mồ thế gian là sự thối rữa, mục nát, rỗng tuếch, mối mọt và côn trùng.
Lần thứ ba, nó trích dẫn Lời Chúa, nhưng, đầy sự kiêu ngạo, điều mà nó không có, thì nó thách thức Chúa Giêsu, hầu cái chính Người có sẽ lộ ra , thì mắc bẫy nó. Nhưng, Thiên Chúa không mắc bẫy satan.
Lời Chúa hôm nay xảy ra trong bối cảnh sau khi, Chúa Giêsu tiên báo cuộc thương khó của Người lần thứ nhất, vì thế, cuộc “ Biến Hình” của Người mang một ý nghĩa “củng cố” niềm tin vào Người cho các môn đệ.
Lạy Chúa Giêsu, cuộc Biến Hình của Chúa trên Núi Thánh, bày tỏ cho chúng con một vinh quang Phục sinh của Người, sau khi một biến cố Tử Nạn đau thương hoàn tất. Xin củng cố niềm tin cho chúng con trong Mùa Chay nầy, hầu xứng đáng vững tin vào Chúa là Đấng đã chịu Tử Nạn cho chúng con và vì chúng con, hầu Lòng Thương Xót của Thiên Chúa được rạng ngời trên vũ trụ đang mang một một xám ảm đạm./. Amen
CN II MC ( C ) 2019
P.Trần Đình Phan Tiến