SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - TĨNH CAO - CN2TN-
- Details
- Category: 3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa
-
Tinh Cao
Chúa Nhật 2 TN-C
BÁNH SỰ SỐNG LỜI CHÚA
Bài Đọc I: Is 62, 1-5
"Người chồng sẽ vui mừng vì vợ".
Bài trích sách Tiên tri Isaia.
Vì Sion, tôi sẽ không im tiếng, và vì Giêrusalem, tôi sẽ không nghỉ ngơi, cho đến khi Đấng công chính xuất hiện như ánh sáng, Đấng Cứu độ Sion đến như ngọn đuốc sáng ngời. Mọi dân tộc sẽ thấy Người là Đấng công chính của ngươi, và mọi đế vương sẽ thấy vinh hiển Người. Chính Chúa sẽ đặt cho ngươi một tên mới. Ngươi sẽ là triều thiên vinh hiển trong tay Chúa, và vương miện quyền bính trong tay Thiên Chúa ngươi, ngươi sẽ không còn gọi là kẻ bị ruồng bỏ, và đất ngươi sẽ không còn gọi là chốn hoang vu. Ngươi sẽ được gọi là "kẻ Ta ưa thích", và đất ngươi sẽ được gọi là đất có dân cư, vì ngươi đẹp lòng Thiên Chúa, và đất ngươi sẽ có dân cư.
(Như) thanh niên sẽ ở cùng trinh nữ, con cái ngươi sẽ ở trong ngươi; (như) người chồng sẽ vui mừng vì vợ, Thiên Chúa ngươi sẽ vui mừng vì ngươi.
Đó là lời Chúa.
Đáp Ca: Tv 95, 1-2a. 2b-3. 7-8a. 9-10ac
Đáp: Hãy tường thuật phép lạ Chúa giữa chư dân (c. 3).
Xướng: 1) Hãy ca mừng Thiên Chúa bài ca mới, hãy ca mừng Thiên Chúa đi, toàn thể địa cầu. Hãy ca mừng Thiên chúa, hãy chúc tụng danh Người. - Đáp.
2) Ngày ngày hãy loan truyền ơn Người cứu độ. Hãy tường thuật vinh quang Chúa giữa chư dân, và phép lạ Người ở nơi vạn quốc. - Đáp.
3) Hãy kính tặng Thiên Chúa, hỡi người chư dân bá tánh, hãy kính tặng Thiên Chúa quyền thế với vinh quang, hãy kính tặng Thiên Chúa vinh quang xứng với danh Người. - Đáp.
4) Hãy mặc lễ phục, thờ lạy Thiên Chúa. Toàn thể địa cầu, hãy run sợ trước thiên nhan, hãy công bố giữa chư dân rằng Thiên Chúa ngự trị. Người cai quản chư dân theo đường đoan chính. - Đáp.
Bài Đọc II: 1 Cr 12, 4-11
"Cùng một Thánh Thần ban phát ơn riêng cho mỗi người theo như Người quy định".
Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.
Anh em thân mến, có những hồng ân khác nhau, nhưng vẫn là một Thánh Thần; có nhiều chức vụ khác nhau, nhưng chính là một Chúa; và có những hành động khác nhau, nhưng chính là một Thiên Chúa, Người thực hiện hết mọi cái trong mọi người. Ơn Thánh Thần ban cho mỗi người mỗi khác, cốt để mưu cầu công ích. Người thì được Thánh Thần cho lời khôn ngoan, kẻ khác thì được lời thông minh, theo cùng một Thánh Thần; người khác được đức tin, trong cùng một Thánh Thần; kẻ khác nữa được ơn chữa bệnh, trong cũng một Thánh Thần đó; có người được ơn làm phép lạ, có kẻ được ơn tiên tri, người khác được ơn phân biệt các thần trí; có người được ơn nói nhiều thứ tiếng; người khác được ơn giải thích các thứ tiếng. Nhưng cùng một Thánh Thần duy nhất thực hiện tất cả những điều đó. Người ban phát ơn riêng cho mỗi người theo như Người quy định.
Đó là lời Chúa.
Alleluia: Lc 19, 38
Alleluia, alleluia! - Chúc tụng Đức Vua, Đấng nhân danh Chúa mà đến, bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. - Alleluia.
Phúc Âm: Ga 2, 1-12
"Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, có tiệc cưới tại Cana xứ Galilêa. Và có mẹ của Chúa Giêsu ở đó. Chúa Giêsu và các môn đệ Người cũng được mời dự tiệc cưới. Và bỗng thiếu rượu, mẹ Chúa Giêsu nói với Người: "Họ hết rượu rồi". Chúa Giêsu nói với mẹ: "Hỡi bà, Con với bà có can chi đâu, giờ Con chưa đến". Mẹ Người nói với những người giúp việc: "Hễ Người bảo gì, thì phải làm theo". Ở đó có sáu chum đá, dùng vào việc thanh tẩy của người Do-thái, mỗi chum đựng được hai hoặc ba thùng nước. Chúa Giêsu bảo họ: "Hãy đổ nước đầy các chum". Họ đổ đầy tới miệng. Và Chúa Giêsu bảo họ: "Bây giờ hãy múc đem cho người quản tiệc!" Và họ đã đem đi. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu, ông không biết tự đâu ra, nhưng những người giúp việc đã múc nước thì biết, ông mới gọi tân lang mà nói: "Ai cũng đem rượu ngon ra trước, khi khách ngà ngà thì mới đem rượu xoàng hơn. Còn ông, ông lại giữ rượu ngon tới giờ này". Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa, và đã tỏ vinh quang Người và các môn đệ Người tin Người.
{Sau đó Người xuống Capharnaum làm một với mẹ Người, anh em (Người) và môn đệ của Người, nhưng các Ngài chỉ lưu lại ở đó ít ngày thôi.}
Đó là lời Chúa.
Suy niệm
SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA
Đức Kitô Tỏ Hiện
Hôm nay, Chúa Nhật Tuần 2 Thường Niên hậu Giáng Sinh Chu Kỳ Năm C, phụng vụ Lời Chúa vẫn thật sự phản ảnh chủ đề của Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh là "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý".
Thật vậy, ngay trong Bài Đọc 1 hôm nay, hình như là chính Tiên Tri Isaia (62:1-5), trong phần được gọi là những bài ca của lần trở về đầu tiên từ Babylon (60:1 - 62:12), đã tiên báo về "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" này ở ngay câu mở đầu như thế này:
"Vì Sion, tôi sẽ không im tiếng, và vì Giêrusalem, tôi sẽ không nghỉ ngơi, cho đến khi Đấng công chính xuất hiện như ánh sáng, Đấng Cứu độ Sion đến như ngọn đuốc sáng ngời. Mọi dân tộc sẽ thấy Người là Đấng công chính của ngươi, và mọi đế vương sẽ thấy vinh hiển Người".
Phải, "Đấng công chính xuất hiện như ánh sáng, Đấng Cứu độ Sion đến như ngọn đuốc sáng ngời... và mọi đế vương sẽ thấy vinh hiển Người" đây còn là ai khác ngoài "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý". Vì Người là "Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta, và chúng ta đã được thấy vinh hiển của Người" (Gioan 1:14), bởi Người là "ánh sáng thật chiếu soi mọi người đã đến trong thế gian" (Gioan 1:9).
Chính nhờ "Đấng công chính" này, nhờ "Đấng cứu độ Sion" này mà "Sion" (thành của Vua Đavít, ám chỉ riêng triều đại của vị vua là cha ông của Đấng Thiên Sai) và "Giêsusalem" (Thành Thánh của chung dân Do Thái, nơi có Đền Thánh như ngai tòa Thiên Chúa ngự ở giữa dân của Ngài), như viễn tượng được Tiên Tri Isaia báo trước rất phấn khởi và đầy huy hoàng như sau:
"Chính Chúa sẽ đặt cho ngươi một tên mới. Ngươi sẽ là triều thiên vinh hiển trong tay Chúa, và vương miện quyền bính trong tay Thiên Chúa ngươi, ngươi sẽ không còn gọi là kẻ bị ruồng bỏ, và đất ngươi sẽ không còn gọi là chốn hoang vu. Ngươi sẽ được gọi là 'kẻ Ta ưa thích', và đất ngươi sẽ được gọi là đất có dân cư, vì ngươi đẹp lòng Thiên Chúa, và đất ngươi sẽ có dân cư".
Phải chăng thành phần "dân cư" trong viễn tượng của Tiên Tri Isaia về tương lai huy hoàng ngời sáng của một triều đại Đavít ("Sion") trường tồn (xem Luca 1:33) cũng như của thành phần dân Chúa ("Giêrusalem") không phải chỉ có Do Thái mà còn bao gồm cả các dân ngoại nữa, vì Đấng Thiên Sai của riêng dân Do Thái cũng chính là Đấng Cứu Thế của chung nhân loại?"(Như) thanh niên sẽ ở cùng trinh nữ, con cái ngươi sẽ ở trong ngươi; (như) người chồng sẽ vui mừng vì vợ, Thiên Chúa ngươi sẽ vui mừng vì ngươi" trong viễn tượng của Tiên Tri Isaia ở phần kết của Bài Đọc 1 hôm nay nghĩa là gì, nếu không phải chính vì "con cái ngươi sẽ ở trong ngươi" ám chỉ dân ngoại cũng được thông hưởng gia nghiệp với dân Do Thái như thế mà dự án cứu độ của Thiên Chúa mới thật sự nên trọn, và vì thế Ngài mới hoàn toàn mãn nguyện nơi dân của Ngài và về dân của Ngài, được Ngài tuyển chọn để Ngài tỏ mình ra cho họ và qua họ cho dân ngoại.
Đó là lý do Bài Đáp Ca hôm nay thật sự đã chất chứa và vang lên tâm tình tràn đầy tính cách phổ quát và công giáo của Ơn Cứu Độ mà Thiên Chúa muốn ban cho cả dân Do Thái lẫn dân ngoại nơi "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" và nhờ "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý", một Vị Thiên Chúa cần phải được "toàn thể địa cầu" ngợi khen chúc tụng như sau:1) Hãy ca mừng Thiên Chúa bài ca mới, hãy ca mừng Thiên Chúa đi, toàn thể địa cầu. Hãy ca mừng Thiên chúa, hãy chúc tụng danh Người.2) Ngày ngày hãy loan truyền ơn Người cứu độ. Hãy tường thuật vinh quang Chúa giữa chư dân, và phép lạ Người ở nơi vạn quốc.3) Hãy kính tặng Thiên Chúa, hỡi người chư dân bá tánh, hãy kính tặng Thiên Chúa quyền thế với vinh quang, hãy kính tặng Thiên Chúa vinh quang xứng với danh Người.4) Hãy mặc lễ phục, thờ lạy Thiên Chúa. Toàn thể địa cầu, hãy run sợ trước thiên nhan, hãy công bố giữa chư dân rằng Thiên Chúa ngự trị. Người cai quản chư dân theo đường đoan chính.Đúng thế, ơn gọi và sứ vụ của dân Do Thái, một dân tộc được Thiên Chúa tuyển chọn, có tính cách đại đồng và bao gồm chung nhân loại. Đó là đường lối của Thiên Chúa, Đấng Quan Phòng Thần Linh và là Chủ Tể Lịch Sử loài người, một đường lối được vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô cảm nhận thấy và đã khẳng định rất chính xác với Giáo Đoàn Côrintô trong Bài Đọc 2 hôm nay là: 1- "Thiên Chúa... thực hiện hết mọi sự trong mọi người", 2- "Ơn Thánh Thần ban cho mỗi người mỗi khác, cốt để mưu cầu công ích"; 3- "Người ban phát ơn riêng cho mỗi người theo như Người quy định".Chủ đề của Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh là "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" lại càng được tỏ hiện rõ nét hơn nữa trong bài Phúc Âm hôm nay, một bài Phúc Âm được Thánh ký Gioan nêu lên một ghi chú rất chính xác với chủ đề này khi ngài kết luận rằng: "Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa, và đã tỏ vinh quang Người và các môn đệ Người tin Người".Chính câu ghi chú kết luận đoạn Phúc Âm về biến cố tiệc cưới Cana ấy mới cho chúng ta thấy được tất cả ý nghĩa và lý do sâu xa tại sao lại có biến cố tiệc cưới Cana, một biến cố có vẻ phàm tục và quá ư là nhỏ mọn chẳng đáng kể gì, như việc thiếu rượu là nhu cầu vật chất của một đôi tân hôn xa lạ nào đó, mà lại được Thánh ký Gioan trịnh trọng thuật lại trong Phúc Âm của mình là Phúc Âm liên quan đến thiên tính siêu việt của Chúa Kitô cũng như đến mầu nhiệm về Giáo Hội, và còn thuật vào ngay đầu đoạn thứ hai là đoạn mở đầu cho sứ vụ Thiên Sai của Chúa Kitô liên quan đến phần rỗi đời đời của chung nhân loại.Biến cố tiệc cưới Cana được Thánh ký Gioan thuật lại có những chi tiết đặc biệt rất thích đáng và tương hợp với bản chất "đầy ân sủng và chân lý" của "Người Con duy nhất đến từ Cha", đó là chi tiết: "Họ hết rượu rồi" và chi tiết "hãy đổ nước đầy các chum". Biến cố tiệc cưới Cana trong bài Phúc Âm hôm nay có thể coi như là một dụ ngôn về Nước Thiên Chúa đầu tiên Chúa Giêsu muốn dạy cho thành phần những người môn đệ tiên khởi của Người, cũng là thành phần môn đệ ưu tú của Người.Nếu Nước Thiên Chúa đây là tất cả những gì "đầy ân sủng và chân lý" nơi "Người Con duy nhất đến từ Cha" thì "rượu" đây ám chỉ tinh thần của con người, một tinh thần bởi nguyên tội đã không còn ở trong tình trạng công chính nguyên thủy, và "nước" đây ám chỉ tấm lòng khao khát thần linh và sự sống đời đời, mà càng khốn khổ ("hết rượu") bởi nguyên tội, con người lại càng mong chờ Ơn Cứu Chuộc, mong chờ "Nước Thiên Chúa đến" (Marco 1:15), nhưng chỉ đến với những ai "đầy" lòng khao khát và trông đợi, ở chỗ "hoán cải và tin vào Phúc Âm" (Marco 1:15).Bài Phúc Âm hôm nay cho thấy những điểm chính yếu sau đây:1- Thiên Chúa luôn muốn tỏ mình ra cho con người để họ có thể nhận biết Ngài và tin tưởng vào Ngài, nhờ đó mà được hiệp thông thần linh với Ngài, sống sự sống thần linh của Ngài, với Ngài và như Ngài;2- Ngài đã lợi dụng tất cả mọi hoàn cảnh của con người để tỏ mình ra, mà hoàn cảnh của họ càng đau thương khốn khổ lại càng thuận lợi cho việc tỏ mình ra của Ngài và càng sáng tỏ việc Ngài tỏ mình ra cho họ;3- Về phần mình, con người cần phải làm sao để có được một tấm lòng luôn khao khát thần linh, luôn tràn đầy hy vọng, luôn trông đợi Ơn Cứu Độ, và chân thành tin tưởng vào Đấng duy nhất có thể cứu độ họ.Tuy nhiên, không thể nào không nói đến vai trò bất khả thiếu của đệ nhất tạo vật về ân sủng là "Mẹ của Chúa Giêsu", một nữ nhân vật mà chắc không ai trong bữa tiệc cưới ở Cana này, thậm chí kể cả những chàng môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu cũng có mặt ở đó bấy giờ, (có thể là 6 vị bấy giờ như Anrê và Simon, Philiphê và Nathanael/Batholomêo, Giacobê và Gioan - xem Gioan 1:35-51; Mathêu 4:18-22), có thể biết được quyền thế siêu việt của bà mẹ trung niên này.Thánh ký Gioan, ngay câu đầu bài Phúc Âm hôm nay, đã cho biết rằng "ở đó" có cả "Mẹ của Chúa Giêsu" nữa. Có cái hay và trùng hợp ở Phúc Âm Thánh ký Gioan là, Mẹ Maria chỉ xuất hiện duy có 2 lần trong cuốn Phúc Âm thứ 4 này. Thế nhưng, lại là hai lần đều "ở đó" với Chúa Giêsu: lần đầu "ở đó" là ở tiệc cưới Cana và lần cuối "ở đó" là ở dưới chân cây thập tự giá của Người. Hình ảnh liên kết giữa hai mẹ con thần linh này trong Phúc Âm của Thánh ký Gioan như ám chỉ là hai mẹ con ấy bất khả phân ly, không thể nào thiếu nhau trong công cuộc cứu độ trần gian - ở đâu có Con thì ở đó có Mẹ, hay ngược lại ở đâu có Mẹ thì ở đó có Con.Nếu ở đâu có Con thì ở đó có Mẹ, như ở Sọ Trường trên Đồi Canvê: "Đứng kề thập giá của Chúa Giêsu có mẹ của Người..." (trong câu Phúc Âm Gioan 19:25 này Chúa Giêsu được kể đến trước), thì ở đâu có Mẹ thì ở đó có Con, như ở trong bữa tiệc cưới Cana lần này: "Khi ấy, có tiệc cưới tại Cana xứ Galilêa. Và có mẹ của Chúa Giêsu ở đó. Chúa Giêsu và các môn đệ Người cũng được mời dự tiệc cưới" (trong câu Phúc Âm này Mẹ Maria được kể đến trước).Quả thật, căn cứ vào trình thuật của Thánh ký Gioan về biến cố tiệc cưới Cana này thì phải công nhận là Mẹ Maria thật sự đóng vai chính, vai chủ động, với sứ mệnh làm môi giới cho loài người với Con Mẹ, và vai trò làm tiền hô để dọn đường cho việc tỏ mình ra của Con Mẹ: Mẹ đã làm môi giới cho loài người, ở chỗ, Mẹ đã thấy được tình trạng "hết rượu" của bữa tiệc cưới, rồi Mẹ đi trình bày với Con Mẹ (chứ không cầu xin hay đòi hỏi), và Mẹ đã làm tiền hô cho Con Mẹ, ở chỗ, Mẹ đã tự động bảo thành phần phục tiệc là "Người bảo gì các anh hãy làm theo như thế". Đó, Mẹ ở đâu thì Chúa ở đó, Mẹ đến với đám phục tiệc thì Chúa cũng đến với thành phần này, chứ không đi đâu khác chỗ của Mẹ, chứ không đến với quản tiệc hay chú rể.Nếu sau biến cố Chịu Phép Rửa ở Chúa Nhật thứ nhất mở màn cho Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh, các bài Phúc Âm cho Chúa Nhật thứ hai tuần này Giáo Hội cố ý chọn các bài Phúc Âm theo Thánh ký Gioan, các bài Phúc Âm liên tục nhau và mật thiết liên hệ với nhau cả về diễn tiến của các biến cố cũng như về ý nghĩa từ từ tỏ mình ra của Chúa Giêsu, thứ tự theo chu kỳ A, B và C:Chu kỳ A: bài Phúc Âm (Gioan 1:29-34) liên quan đến sự kiện Tiền Hô Gioan Tẩy Giả giới thiệu Người với chung dân Do Thái vào "ngày hôm sau - next day", tức là sau ngày hôm trước là ngày xẩy ra biến cố thánh nhân làm phép rửa cho Người;Chu kỳ B: bài Phúc Âm (1:35-42) liên quan đến sự kiện Tiền Hô Gioan Tẩy Giả giới thiệu Người với riêng các môn đệ của thánh nhân vào "ngày hôm sau - next day", tức là ngày thứ hai sau khi Người lãnh nhận phép rửa, và "ngày hôm đó" hai người môn đệ bấy giờ của thánh nhân đã "đến mà xem chỗ Người ở", chứ Người chưa chủ động tỏ mình ra cho họ.Chu kỳ C: bài Phúc Âm (2:1-12) được mở đầu bằng cụm từ "vào ngày thứ ba", thời điểm mà nếu không kể "ngày hôm sau" (Gioan 1:29) đầu tiên có thể xẩy ra sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, thì "ngày thứ ba" ở bài Phúc Âm Chúa Nhật II Năm C này là thời điểm sau hai lần nữa của "ngày hôm sau" (Gioan 1:35) và "ngày hôm sau" (Gioan 1:43), tức là vào thời điểm Người đã gặp gỡ 4 môn đệ đầu tiên ở "ngày hôm sau" (1:35), trong đó có 2 môn đệ của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả, và thời điểm "ngày hôm sau" (1:43) Người đã về Galilêa, nhờ đó Người mới có thể hiện diện và tỏ mình ra ở Tiệc Cưới Cana lần đầu tiên, (qua môi giới của Mẹ Người, Người Mẹ đóng vai như một tiền hô dọn đường cho Người), "để các môn đệ tin Người", một "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý".
Cụm từ "ngày hôm sau" được Thánh ký Gioan lập đi lập lại mấy lần như trên đây ở phần dưới của đoạn 1, rồi "vào ngày thứ ba" ở ngay câu mở đầu của đoạn 2, cũng có thể này được hiểu là sau biến cố Chúa Giêsu chay tịnh 40 ngày trong hoang địa (ở Xứ Giuđêa miền nam nước Do Thái), chắc cũng ở gần khu vực hoang địa của Tiền Hô Gioan, do đó Người mới trở lại với Gioan Tiền Hô như được thuật lại trong 2 bài Phúc Âm cho Chúa Nhật II Thường Niên Năm A và Năm B. Và chỉ sau đó Người mới đi bộ về Galilêa miền bắc để tuyển lựa 2 cặp anh em tông đồ đầu tiên ở bờ biển hồ Galilêa, có thể bao gồm cả Philiphê, vì Philiphê cùng quê Betsaiđa với anh em Anrê và Simon, và Nathanael lại là bạn của Philiphê, đi đâu cũng có nhau, rồi "vào ngày thứ ba" thì Người cùng với các môn đệ này đến dự tiệc cưới Cana.
Thời điểm "vào ngày thứ ba" ở đầu đoạn 2, thay vì ở cùng đoạn 1 của Phúc Âm Thánh Gioan, cũng có thể khác thời điểm "ngày hôm sau" ở phần sau của đoạn 1 như thế này: "ngày hôm sau", được Thánh ký Gioan đề cập tới mấy lần ở phần dưới của đoạn 1 này là những ngày ngay sau biến cố Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa; còn "vào ngày thứ ba" có thể là thời điểm sau biến cố Chúa Giêsu chay tịnh 40 đêm ngày trong hoang địa. Suy diễn này thích hợp với ý nghĩa của biến cố Vượt Qua, ở chỗ, nếu việc "chay tịnh" của Chúa Kitô ám chỉ hay báo trước biến cố khổ nạn và tử giá của Người, thì sau ba ngày Người đã phục sinh vinh hiển, nên ở tiệc cưới Cana Người cũng đã tỏ "vinh hiển của Người ra" cho các môn đệ của Người!Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên