SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - NỘI NGUYỄN - CN3TN-C

  •  
    Song Loi Chua
     
     

    SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA HÔM NAY    

    CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN NĂM C (23/01/2019)

    SỨ MẠNG LOAN BÁO TIN MỪNG

    CỦA CHÚA GIÊSU VÀ CỦA CÁC KITÔ HỮU       

    [Nkm 8,2-4a.5-6.8-10; 1 Cr 12, 12-30; Lc 1, 1-4; 4,14-21]

     

    I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

    Khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, các Kitô hữu trở thành chi thể của Thân Mình Mầu Nhiệm Chúa Kitô là Hội Thánh (mà Chúa Kitô là Đầu) nên tham dự vào 3 chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của chính Chúa Giêsu Kitô. Trong ba chức vụ cao trọng ấy thì chức vụ ngôn sứ là khó thực thi nhất. Vì làm ngôn sứ là nói Lời Thiên Chúa, nói thay Thiên Chúa, là phát ngôn viên của Thiên Chúa, là rao giảng Tin Mừng Cứu Độ, Tin Mừng Giải Phóng cho người nghèo đòi hỏi ở người Kitô hữu chẳng những một sự hiểu biết tương đối về Thiên Chúa và Hội Thánh, mà còn cần có một lòng dũng cảm, dám liều thân vì sứ mạng trong lúc thuận lợi cũng như lúc không thuận lợi, cho những người muốn nghe cũng như cho những người không muốn nghe Lời Thiên Chúa.

    Những sự việc xẩy ra trong những năm gần đây trong một số giáo phận ở Việt Nam   càng chứng minh rằng: làm phát ngôn viên của Thiên Chúa là sứ mạng không dễ dàng chút nào, vì nhiều khi phát ngôn viên phải trả giá, đổ máu, tù tội, thậm chí bi giết hại.

    Các Bài Thánh Kinh hôm nay mời gọi chúng ta hãy mở lòng, mở trí và mở tai mà lắng nghe Đức Giêsu Kitô là Vị Đại Ngôn Sứ của Thiên Chúa và xác tín hơn về sứ mạng ngôn sứ của mình là Kitô hữu.    

     

    II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

    2.1 Trong bài đọc 1 (Nkm 8, 2-4a.5-6.8-10): "Họ đọc trong sách Luật và người ta hiểu được điều đã đọc" Ngày ấy, thầy tư tế Esdras mang luật ra trước cộng đồng, gồm đàn ông, đàn bà và tất cả những ai có thể hiểu luật: hôm đó là ngày đầu tháng bảy. Từ sáng đến giữa trưa, thầy đứng ở công trường, trước cửa Nước, đọc sách trước mặt đàn ông, đàn bà và những người hiểu luật. Tất cả dân chúng đều lắng tai nghe đọc sách luật. Thầy thư ký Esdras đứng trên bệ bằng cây mà đọc sách; thầy mở sách ra trước công chúng, vì thầy đứng nơi cao hơn mọi người. Khi thầy mở sách, thì tất cả đều đứng lên. Esdras chúc tụng Chúa là Thiên Chúa Cao Cả. Toàn dân đưa tay lên đáp lại: Amen, amen. Họ cúi mình và phủ phục trước Thiên Chúa, mặt họ cúi sát đất. Một số người đọc từng đoạn trong sách luật Chúa, giải thích ý nghĩa, và người ta hiểu được điều đã đọc. Nơ-khê-mia là tổng trấn, Esdras là tư tế và là thư ký, các thầy Lêvi huấn luyện dân chúng, nói với họ rằng: "Ngày hôm nay được thánh hoá dâng cho Chúa là Thiên Chúa chúng ta; anh chị em đừng mang tang chế, đừng than khóc". Vì lúc đó toàn dân khóc lóc khi nghe đọc các lời trong luật. Họ nói với dân chúng rằng: "Hãy đi ăn thịt béo và uống rượu ngon, hãy gửi phần cho kẻ không có dọn sẵn cho mình, vì ngày này là ngày thánh, dâng cho Chúa, đừng buồn sầu; vì niềm vui của Chúa là đồn luỹ của anh chị em!"

    2.2 Trong bài đọc 2 (1 Cr 12, 12-30): “Anh em là thân xác Chúa Kitô, và là chi thể của Người” Anh em thân mến, như thân xác là một mà có nhiều chi thể, và tất cả chi thể tuy nhiều, nhưng chỉ là một thân xác, thì Chúa Kitô cũng vậy. Vì chưng, trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta chịu phép rửa để làm thành một thân xác, cho dầu Do-thái hay Hy-lạp, tự do hay nô lệ, và tất cả chúng ta cùng uống trong một Thánh Thần. Vì thân xác không chỉ gồm một chi thể, mà là nhiều chi thể. Nếu chân nói rằng: "Vì tôi không phải là tay, nên tôi không thuộc thân xác", có phải vì thế mà nó không thuộc về thân xác đâu? Và nếu lỗ tai nói rằng: "Vì tôi không phải là con mắt, nên tôi không thuộc về thân xác", có phải vì thế mà nó không thuộc về thân xác đâu? Nếu toàn thân xác là một, thì đâu là thính giác? Nếu toàn thân xác là tai, thì đâu là khứu giác? Vậy, Thiên Chúa đã đặt các chi thể, và mỗi chi thể ở trong thân xác như ý Người muốn. Nếu tất cả đều là một chi thể, thì còn đâu là thân xác? Thật vậy, có nhiều chi thể, nhưng có một thân xác. Con mắt không thể nói với bàn tay: "Ta không cần mi". Đầu cũng không thể nói với chân: "Ta không cần các ngươi". Nhưng hơn thế nữa, các chi thể thân xác xem như yếu hơn, lại cần thiết hơn. Và những chi thể ta coi là ít vinh dự nhất, lại là những chi thể chúng ta đặt cho nhiều vinh dự hơn; và những chi thể thiếu trang nhã lại được ta trang sức hơn, còn những chi thể trang nhã lại không cần như thế: nhưng Thiên Chúa đã sắp đặt thân xác, cho cái thiếu vinh dự được vinh dự hơn, để không có sự bất đồng trong thân xác, mà là để các chi thể đồng lo công ích cho nhau. Nếu một chi thể phải đau, tất cả các chi thể khác đều phải đau lây; hoặc một chi thể được vinh dự, thì tất cả các chi thể cùng chia vui.

    Phần anh em, anh em là thân xác Chúa Kitô và là chi thể của Người, mỗi người có phận sự mình. Có những người Thiên Chúa đã thiết lập trong Hội thánh, trước hết là các tông đồ, rồi đến các tiên tri, thứ ba là các tiến sĩ. Kế đến là quyền làm phép lạ, các ơn chữa bệnh, các việc từ thiện, quản trị, nói nhiều thứ tiếng. Vậy tất cả mọi người là tông đồ ư? Tất cả là tiên tri ư? Tất cả là tiến sĩ ư? Tất cả được ơn làm phép lạ ư? Tất cả được ơn chữa bệnh ư? Tất cả nói nhiều thứ tiếng ư? Tất cả được ơn diễn giải ư?

    Hoặc đọc bài vắn này: 1 Cr 12, 12-14. 27: Anh em thân mến, như thân xác là một mà có nhiều chi thể, và tất cả chi thể tuy nhiều, nhưng chỉ là một thân xác, thì Chúa Kitô cũng vậy. Vì chưng, trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta chịu phép rửa để làm thành một thân xác, cho dầu Do-thái hay Hy-lạp, tự do hay nô lệ, và tất cả chúng ta cùng uống trong một Thánh Thần. Vì thân xác không chỉ gồm một chi thể, mà là nhiều chi thể. Phần anh em, anh em là thân xác Chúa Kitô và là chi thể Người, mỗi người có phận sự mình.

    2.3 Trong bài Tin Mừng (Lc 1, 1-4; 4,14-21): “Hôm nay đã ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này” Vì có nhiều người khởi công chép lại những biến cố đã xảy ra giữa chúng ta, theo như các kẻ từ đầu đã chứng kiến và phục vụ lời Chúa, đã truyền lại cho chúng ta, phần tôi, thưa ngài Thêophilê, sau khi tìm hỏi cẩn thận mọi sự từ đầu, tôi quyết định viết cho ngài bài tường thuật sau đây, để ngài hiểu chân lý các giáo huấn ngài đã lãnh nhận.

    Bấy giờ Chúa Giêsu trở về Galilêa trong quyền lực Thánh Thần, và danh tiếng Người lan tràn khắp cả miền chung quanh. Người giảng dạy trong các hội đường và được mọi người ca tụng. Người đến Nadarét, nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, thì ngày nghỉ lễ, Người vào hội đường. Người đứng dậy để đọc sách. Người ta trao cho Người sách tiên tri Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng:

    "Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng".

    Người gấp sách lại, trao cho thừa tác viên, và ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: "Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe". .

     

    III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

    3.1 Chân dung Thiên Chúa (Thiên Chúa là Đấng nào?)    

    3.1.1 Bài đọc 1 (Nkm 8, 2-4a) là một đoạn văn của Sách Nơkhêmia cho thấy vai trò quan trọng của việc giải thích Luật Chúa. Việc này được giao cho một số người được chọn lựa cách đặc biệt. Cụ thể là tổng đốc Nơkhêmia, tư tế kiêm kinh sư Étra và các thày Lêvi. Dĩ nhiên những người này phải nói lời Thiên Chúa chứ không được nói lời của riêng mình. Muốn nói lời của Thiên Chúa thì họ phải siêng năng học hỏi Luật Chúa và phải sống mật thiết với Thiên Chúa.

    à Trong đoạn Nkm 8,2-4a trên, chúng ta khám phá ra Thiên Chúa là Đấng rất quan tâm đến dân riêng Israel nên đã giao cho một số người việc đọc và giải thích Luật Chúa cho dân hiểu và tuân giữ luật ấy. Những người này còn phải biết an ủi, vỗ về dân trong lúc dân buồn khổ, tuyệt vọng nữa.     

    3.1.2 Bài đọc 2 (1 Cr 12, 12-30) là đoạn văn “bất hủ” của Thánh Phaolô Tông đồ, nói về mối hiệp thông cơ bản và sâu xa giữa mọi phần tử trong Hội Thánh Chúa Kitô. Thánh Phaolô dùng hình ảnh “Thân Thể con người và các chi thể của thân thể ấy” để trình bày mối liên kết chặt chẽ và bổ sung kỳ diệu của các chi thể khác nhau.  

    à Nhờ đoạn thư 1 Cr 12,12-30 trên, chúng ta nhận ra Thiên Chúa là Đấng vừa sáng tạo vừa quan phòng cách tuyệt vời. Người muốn qui tụ nhân loại thành một gia đình mà Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa là Anh Cả và mọi người là anh em chị em của nhau. Người muốn mọi người liên hết với nhau thành một thân thể mà Chúa Giêsu Kitô Con Thiên Chúa là Đầu và mọi người là chi thể của nhau. Sự hiệp nhất thâm sâu, tình liên đới chặt chẽ và sự bổ sung hài hòa là ba nét phải được làm nổi bật trong đời sống mọi cộng đoàn Kitô hữu: gia đình, hội đoàn, giáo xứ, giáo phận, dòng tu!   

    3.1.3 Bài Tin Mừng (Lc 1, 1-4; 4,14-21) là hai đoạn của Phúc âm Luca được Phụng Vụ ghép chung lại với nhau. Phần sau quan trọng hơn phần trước vì phần này xác định rõ vai trò và sứ mạng ngôn sứ của Chúa Giêsu Nagiarét.

    à Nhờ đoạn Phúc Âm Lc 4,14-21 Chúa Giêsu đã mạc khải chân dung và sứ mạng ngôn sứ hay phát ngôn viên Lời Thiên Chúa của Người. Sứ mạng bao hàm 4 nội dung/công việc là

    (a) loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn,

    (b) công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt,

    (c) trả lại tự do cho người bị áp bức và

    (d) công bố một năm hồng ân của Chúa.

    Chúng ta có thể nói thêm rằng: Chúa Giêsu không chỉ loan báo hay công bố mà Người còn tích cực hành động cho Tin Mừng Ơn cứu độ được nhiều người đón nhận.

    3.2 Sứ điệp Lời Chúa (Thiên Chúa muốn chúng ta làm gì?)    

    Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay có hai phần liên kết chặt chẽ với nhau:

    Phần thứ nhất: Chúa Giêsu là ngôn sứ trên hết mọi ngôn sứ vì Người là LỜI và là “phát ngôn viên” của Thiên Chúa. Người đến trần gian để nói

    “Lời tin vui” cho mọi người, cách riêng cho kẻ nghèo hèn. Người nói

    “Lời giải thoát” cho kẻ bị giam cầm (thể lý và tâm linh). Nói

    “Lời sự sáng” cho kẻ mù lòa (thể lý và tâm linh). Nói

    “Lời tự do” cho kẻ bị áp bức (thể xác và tinh thần). Nói

    “Lời hồng ân và chúc phúc” cho hết mọi người và cho mọi ngày trong năm.

     

    Phần thứ hai: Thiên Chúa Ba Ngôi, Cha, Con và Thánh Thần đã giao sứ mạng ngôn sứ cho một số người. Tất cả các Kitô hữu chúng ta đều được kể là các phát ngôn viên của Thiên Chúa, vì được tham dự vào ba chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa Giêsu Kitô khi chịu phép Rửa. Chúng ta có trách nhiệm đọc và giải thích Luật Chúa; có trách nhiệm nói “Lời tin vui, Lời giải thoát, Lời sáng soi, Lời tự do, Lời hồng ân và Lời chúc phúc” cho mọi người, nhất là cho những người sầu khổ, bị giam cầm, mù lòa, bị áp bức và sống thiếu thốn mọi sự. Chúng ta còn có trách nhiệm làm cho Tin Mừng Ơn cứu độ được nhiều người đón nhận.

     

    IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI

    4.1 Sống với Thiên Chúa Cha là Thiên Chúa vĩ đại và gần gũi yêu thương dân riêng Người khi giao việc giải thích Luật Chúa cho một số người được tuyển chọn cho công việc hệ trọng ấy; Sống với Chúa Giêsu Kitô là Lời và là Ngôn Sứ của Thiên Chúa, Đấng đã đến trần gian để nói Lời Yêu Thương, Lời Cứu Độ; Sống với Chúa Thánh Thần là Sức Mạnh của các Sấm Ngôn, là Thần Khí của các Ngôn Sứ mọi thời đại!

     

    4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa 

    Để thực thi sứ điệp Lời Chúa hôm nay, tôi quyết tâm thực hiện hai việc này:

    * Việc thứ nhất: Chạy đến với Chúa Giêsu, sống riêng với Người trong chốn riêng tư, trong tình thân mật…. để nghe và sống Lời của Người, để học với Người về tinh thần và cách thi hành chức vụ ngôn sứ của người Ki-tô hữu.

    * Việc thứ hai: Dù gặp thuận lợi hay gặp chống đối, tôi quyết kiên trì và dũng cảm thực thi sứ mạng “phát ngôn viên” của Thiên Chúa mà nói “Lời chân thật, Lời tin vui, Lời giải thoát, Lời sáng soi, Lời tự do, Lời hồng ân và Lời chúc phúc” trong mọi môi trường riêng của tôi là gia đình, khu xóm, hội đoàn, giáo xứ, công ty xí nghiệp, cộng đồng xã hội.

     

    V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH

    5.1 «Ông Étra và các thầy Lê-vi đọc rõ ràng và giải thích sách Luật của Thiên Chúa, nhờ thế mà toàn dân hiểu được những gì các ông đọc» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các dân, các nước trong thế giới hôm nay biết lắng nghe các ngôn sứ của thời xưa cũng như thời nay.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!  Đáp:  Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    5.2 «Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, cho các Hồng Y, Giám Mục và Linh Mục, để các ngài chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng cho nhân loại, cách riêng cho những người nghèo trong xã hội.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!  Đáp:  Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    5.3 «Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Hội Thánh tại Việt Nam, cách riêng cho giáo dân của giáo xứ chúng ta, để mọi thành phần Dân Chúa tích cực thực thi sứ mạng ngôn sứ và cứu giúp đồng bào của mình.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!  Đáp:  Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    5.4 «Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho những người đang khao khát gặp Chúa, để họ được ơn cảm nghiệm chân lý mạc khải trong Thánh Kinh, mà thờ phượng tôn vinh Thiên Chúa là Thiên Chúa Duy Nhất của nhân loại.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!  Đáp:  Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    Sài-gòn ngày 19 tháng 01 năm 2022

    Giêrônimô Nguyễn Văn Nội. 

     

     

     

    --