CHIA SẺ TIN MỪNG
Chúa Nhật thứ 2 Mùa Chay
(13-03-2022)
Thần tính nơi Đức Giêsu
và nơi mỗi người chúng ta
ĐỌC LỜI CHÚA
• St 15,5-12.17-18: (5) «Hãy ngước mắt lên trời, và thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi không. Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó!» (6) Abraham tin Đức Chúa, vì thế, Đức Chúa kể ông là người công chính.
• Pl 3,20–4,1: (20) Quê hương chúng ta ở trên trời (…) (21) Người sẽ biến thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người.
• TIN MỪNG: Lc 9,28b-36
Đức Giêsu hiển dung
(28) Khoảng tám ngày sau khi nói những lời ấy, Đức Giêsu lên núi cầu nguyện đem theo các ông Phêrô, Gioan và Giacôbê. (29) Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà. (30) Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Môsê và ông Êlia. (31) Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem. (32) Còn ông Phêrô và đồng bạn thì ngủ mê mệt, nhưng khi tỉnh hẳn, các ông nhìn thấy vinh quang của Đức Giêsu, và hai nhân vật đứng bên Người. (33) Đang lúc hai vị này từ biệt Đức Giêsu, ông Phêrô thưa với Người rằng: «Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia». Ông không biết mình đang nói gì. (34) Ông còn đang nói, thì bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ. (35) Và từ đám mây có tiếng phán rằng: «Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!» (36) Tiếng phán vừa dứt, thì chỉ còn thấy một mình Đức Giêsu. Còn các môn đệ thì nín thinh, và trong những ngày ấy, các ông không kể lại cho ai biết gì cả về những điều mình đã thấy.
Câu hỏi gợi ý:
1. Sự hiển dung của Đức Giêsu mặc khải điều gì? Dung mạo Ngài thay đổi, y phục chói lòa, sự hiện diện của Môsê và Êlia có ý nghĩa gì?
2. Đức Giêsu có thần tính, vì Ngài là Con Một Thiên Chúa. Còn chúng ta, chúng ta có thần tính và có là con cái của Thiên Chúa không? Thần tính của Ngài và của ta khác nhau chỗ nào?
3. Ý thức về thần tính của mình quan trọng thế nào trong sự phát triển tâm linh? Nếu không ý thức về nó, ta có sử dụng được nó không?
Suy tư gợi ý:
1. Thiên Chúa mặc khải thần tính của Đức Giêsu
Bài Tin Mừng nói về việc Thiên Chúa mặc khải cho các tông đồ biết Đức Giêsu có thần tính và là Đấng mà Môsê và các ngôn sứ loan báo mấy trăm năm trước. Trong đời sống thường ngày ở bên cạnh Đức Giêsu, các tông đồ chỉ thấy được nhân tính của Ngài. Vì Ngài sống không khác bất kỳ một người bình thường nào: cũng ăn, uống, cũng vất vả, mệt nhọc, cũng vui buồn, tức giận… y hệt mọi người. Nếu có gì khác thì chỉ là Ngài làm được những phép lạ phi thường. Điều này chỉ gợi ý cho các ông nghĩ rằng Ngài là một người phi thường, tương tự các ngôn sứ xưa mà thôi, vì các ngôn sứ ngày xưa cũng lắm khi làm được những phép lạ.
Nhưng hôm nay, Thiên Chúa tỏ cho các ông thấy Đức Giêsu không chỉ có nhân tính, mà còn có thần tính, nghĩa là Ngài là thần linh. Tuy nhiên, tất cả những gì các ông thấy hôm nay chỉ là những biểu tượng thần bí nói lên bản tính thần linh nơi con người Đức Giêsu mà các ông không thể thấy được bằng trí tuệ hay con mắt xác thịt của các ông.
– Trước hết các ông thấy: «Dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà» (Lc 9,29). Tin Mừng Matthêu nói: «Dung nhan Người chói lọi như mặt trời» (Mt 17,2). Và có tiếng phán từ trong đám mây «Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!» (Lc 9,35). Đó là những biểu tượng cho các ông thấy Đức Giêsu có thần tính: Ngài là Con Thiên Chúa, có bản tính Thiên Chúa.
– Các ông còn thấy «có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Môsê và ông Êlia» (Lc 9,30). Đây là hai nhân vật quan trọng nhất trong Cựu ước, đại diện cho hai thực tại quan trọng nhất của Do Thái giáo. Môsê đại diện cho luật pháp, vì ông là người lập ra luật pháp, nền tảng thành văn của Do Thái giáo. Êlia, ngôn sứ vĩ đại nhất, đại diện cho các ngôn sứ là những tiếng nói của Thiên Chúa giữa con người. Hai ông là biểu tượng tiên báo sự ra đời của Đức Giêsu.
Trong sách Đệ Nhị Luật, Môsê viết: «Từ giữa anh em, trong số các anh em của anh em, Thiên Chúa sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như tôi để giúp anh em; anh em hãy nghe vị ấy» (Đnl 18,15). Còn Êlia được ngôn sứ Malakia tiên báo là sẽ trở lại trước khi Đức Giêsu đến: «Này Ta sai ngôn sứ Êlia đến với các ngươi, trước khi Ngày của Đức Chúa đến, ngày trọng đại và kinh hoàng» (Ml 3,23). Đức Giêsu cũng xác nhận Êlia phải trở lại trước khi Ngài đến (x. Mt 17,10-12; Mc 9,12-13).
2. Thần tính của chúng ta, những người Kitô hữu
Đức Giêsu có thần tính, nghĩa là Ngài là thần linh, cũng là Thiên Chúa. Thế còn chúng ta, những con người được Thiên Chúa tạo dựng thì sao? Kinh Thánh mặc khải cho ta biết con người là «hình ảnh của Thiên Chúa» (St 1,26-27; 9,6), được tạo dựng «giống như Thiên Chúa» (St 1,26b).
Hình ảnh của một người không phải là người ấy nhưng giống hệt như người ấy, khiến ai nhìn vào hình ảnh ấy có thể phần nào thấy được chính người ấy. Hai vật hay hai người đã gọi là giống nhau, nhất là khi nói người này là hình ảnh của người kia, ắt phải giống rất nhiều điểm, hay rất giống ở những điểm cốt yếu. Người và chó đều có thân xác vật chất (cũng có đầu, mình, tứ chi, mắt mũi, v.v…), nhưng không ai nói người và chó giống nhau.
Vậy, con người «giống như Thiên Chúa» ở chỗ nào? Thánh Phêrô hé mở cho chúng ta biết: «Thiên Chúa đã ban tặng chúng ta những gì rất quý báu và trọng đại Người đã hứa, để nhờ đó, anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa» (2Pr 1,4). Như vậy, điều khiến con người giống Thiên Chúa chính là bản tính thần linh mà Thiên Chúa thông ban cho chúng ta. Bản tính thần linh chúng ta có được là do Ngài thông ban cho khi tạo dựng nên ta, khác với bản tính thần linh ở nơi Ngài là do tự bản chất vốn có của Ngài.
Nếu không có bản tính thần linh này trong chúng ta, chúng ta không bao giờ có thể nên thánh như Thiên Chúa đúng như Đức Giêsu đã mời gọi ta được: «Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện» (Mt 5,48). Cũng như con chó không có bản tính người nên không thể có những đặc tính như con người (suy nghĩ, nói năng, yêu thương, hướng thượng, tự do…).
Thiên Chúa tự bản chất là tình thương và là thánh, con người vì giống Thiên Chúa từ bản chất nên cũng có khả năng yêu thương và nên thánh. Vua Đavít đã được thần hứng để nhận ra và nói lên chân lý này: «Ta đã phán: Hết thảy các ngươi đây đều là bậc thần thánh, là con Đấng Tối Cao» (Tv 82,6; x. Ga 10,34-35). Nếu chúng ta không có bản tính thần linh, chúng ta không thể là con cái Thiên Chúa đúng nghĩa như Kinh Thánh vẫn nói: chúng ta «là con cái Thiên Chúa» (Lc 20,36; Rm 8,14.16; Gl 3,26; 4,6). Chính vì chúng ta có thần tính mà Đức Giêsu dám quả quyết: «Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: "rời khỏi đây, qua bên kia!" nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được» (Mt 17,20). Điều quan trọng để thần tính ấy hoạt động là đức tin.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, biểu tượng nói lên bản tính thần linh của các tông đồ là: «có một đám mây bao phủ các ông». Tiếng của Thiên Chúa phán ra từ đám mây, vì thế đám mây tượng trưng cho thần tính. Và trong bài đọc II, thánh Phaolô cho ta thấy nguồn gốc hay «quê hương của chúng ta là ở trên trời» (Pl 3,20; x. Dt 11,16). Đó cũng là một biểu trưng cho thần tính của chúng ta, vì từ «quê hương» phần nào có nghĩa là «nguồn gốc».
3. Ý thức bản tính thần linh của mình và sống với bản tính ấy là cốt tủy của đời sống tâm linh Kitô hữu
Cuộc hiển dung của Đức Giêsu cho thấy bản tính thần linh của Ngài. Chỉ những ai được Thiên Chúa mặc khải mới biết bản tính ẩn dấu này ở nơi Ngài. Thần tính của Đức Giêsu là thần tính thường hằng, không thay đổi. Còn thần tính của chúng ta là thần tính cần phải vun trồng mới phát triển.
Có thể minh họa điều này bằng sự phát triển của một cái cây. Thần tính được Thiên Chúa thông phần và ươm sẵn trong chúng ta tương tự như một cái hạt có thể nảy mầm và phát triển thành cây tùy theo sự vun trồng, chăm sóc của mỗi người. Nếu không có sự quan tâm, chăm sóc, vun trồng, thì cái hạt tâm linh của ta vẫn mãi mãi là một cái hạt, hoặc nếu có nẩy mầm thì sẽ thành một cái cây èo ọt, không sinh hoa kết trái. Trái lại, nếu được vun trồng và chăm sóc cẩn thận, nó sẽ phát triển thành một cây lớn với cành lá xum xuê và sinh nhiều hoa trái. Dụ ngôn hạt cải của Đức Giêsu (x. Mt 13,31-32; Mc 4,30-32; Lc 13,18-19) có thể áp dụng cho thần tính hay Nước Trời, được ươm giống trong bản thân mỗi người chúng ta.
Điều quan trọng nhất để hạt giống thần linh hay mầm thần tính ấy phát triển là phải tin vào thần tính ấy, thường xuyên ý thức về nó, và sống phù hợp với thần tính ấy. Nếu không có thần tính, chúng ta không thể có sự sống siêu nhiên hay đời sống tâm linh. Nếu không ý thức về thần tính ấy, sự sống siêu nhiên hay đời sống tâm linh của ta không phát triển được. Thật vậy, làm sao sự sống siêu nhiên hay đời sống tâm linh có thể phát triển khi ta không hề ý thức mình có nó, hay không hề cảm nghiệm được nó nơi bản thân? Càng ý thức về nó, càng sống phù hợp với ý thức đó thì tâm linh càng phát triển cùng với sức mạnh và quyền năng của nó.
Người có đời sống tâm linh phát triển – tức người ý thức mạnh mẽ và thường xuyên về thần tính của mình – sẽ luôn luôn cảm thấy bình an, hạnh phúc, đầy tự tin vào sức mạnh của Thần Khí Thiên Chúa nơi mình. Thánh Phaolô kể ra những hoa trái của đời sống tâm linh hay sự sống bằng Thần Khí ấy: «Hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ» (Gl 5,22-23).
Ý thức thường xuyên về thần tính của mình là một hình thức cầu nguyện và kết hiệp với Chúa một cách thâm sâu. Nó sẽ đem lại một sự thay đổi sâu xa trong đời sống tâm linh của ta.
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, Cha đã thông ban thần tính hay sự sống siêu nhiên của Cha cho con người ngay từ khi tạo dựng nên con người. Con người sẽ hạnh phúc biết bao khi biết và ý thức được điều ấy, nhất là khi hưởng được hoa trái của thần tính ấy trong đời sống hằng ngày của mình. Xin cho con ý thức được ân huệ cao quí ấy mà Cha đã ban cho con. Đừng để con giống như người có một kho tàng vô cùng lớn lao nhưng không hề biết đến, nên không hưởng được một ích lợi nào từ nó cả. Amen.
Nguyễn Chính Kết
Bài đào sâu
Hãy sống đúng với bản chất cao quí của mình,
là con cái Thiên Chúa
Câu hỏi gợi ý:
1. Đức Giêsu có hai bản tính, và trong bài Tin Mừng hôm nay, Ngài biểu lộ thần tính của Ngài. Chúng ta có phần nào tương tự như Ngài không?
2. Chúng ta phải hành xử thế nào cho xứng với bản chất hay phẩm giá cao quí của chúng ta là con cái Thiên Chúa, mang phần nào bản tính của Ngài?
Suy tư gợi ý:
1. Chúng ta cũng giống như Đức Giêsu: có bản chất cao quí ẩn trong thân xác yếu đuối của kiếp người trần
Cuộc biến hình của Đức Giêsu cho ta thấy bản chất sâu thẳm của Ngài, Ngài không chỉ là một con người yếu đuối, phải đau khổ, và chịu bao hạn chế của kiếp người như bao người khác, mà còn là một vị Thiên Chúa đầy vinh quang và quyền năng.
Trước khi Ngài bước vào cuộc khổ nạn và chịu chết, Ngài đã cho ba môn đệ yêu dấu nhất của Ngài thấy được bản chất sâu thẳm của Ngài, để củng cố niềm tin của các ông. Nhất là trong những ngày sắp tới, đức tin của các ông sẽ bị chao đảo dữ dội, vì lúc ấy các ông chỉ có thể thấy được con người hết sức bất lực và hạn chế của Ngài. Nhưng thật ra, sự yếu đuối bất lực ấy chỉ là tạm thời, bản chất thường hằng của Ngài là bản chất đầy vinh quang, cao cả như các môn đệ đã chứng kiến trên núi Tabo. Bản chất ấy vẫn còn trong tình trạng ẩn dấu, chưa tỏ lộ.
Chúng ta cũng một phần nào tương tự như Đức Giêsu, chúng ta cũng có hai bộ mặt, với hai cách hiện hữu hết sức khác nhau. Một đằng chúng ta là con người như bao nhiêu người khác, nhưng đằng khác, chúng ta là con cái Thiên Chúa. Là con cái Ngài, ta được Ngài ban những ơn đặc biệt để trở nên xứng đáng với địa vị đó. Căn bản và cao quí nhất là Ngài thông ban cho chúng ta chính bản tính Thiên Chúa của Ngài. Thánh Phêrô đã cho ta biết chân lý ấy: «Thiên Chúa đã ban tặng chúng ta những gì rất quí báu và trọng đại Người đã hứa, để nhờ đó anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa, sau khi thoát khỏi cảnh hư đốn do dục vọng gây ra trong trần gian» (2Pr 1,4).
2. Bản chất cao quí của chúng ta: là con cái của Thiên Chúa
Thông thường, ta ít khi ý thức được phẩm giá hết sức cao quí của mình cũng như của những Kitô hữu sống gần ta, chung quanh ta, tất cả đều là con cái Thiên Chúa. Không ý thức được điều ấy, nên ta không trân trọng đủ chính bản thân ta cũng như không trân trọng những Kitô hữu khác. Chúng ta sống giống như mình không phải là con cái của Ngài, vì nếu ta xác tín được mình là con cái của Ngài, đời sống chúng ta sẽ thay đổi rất nhiều. Chúng ta thử nghĩ, nếu ta là con một vị vua, là một hoàng tử, thì ta sẽ xử sự thế nào? Trước mặt mọi người, ta sẽ phải cư xử cho đúng với tư cách một vị hoàng tử. Đi đâu ta cũng không sợ bị ai ăn hiếp hay bắt nạt, vì đằng sau ta có cả một hậu thuẫn mạnh mẽ.
Tuy cũng có cái vỏ bề ngoài yếu đuối và đầy hạn chế như bao nhiêu người khác, nhưng bản chất của chúng ta vượt hẳn cái vỏ bề ngoài yếu đuối ấy. Chúng ta là con cái Thiên Chúa, được thông phần bản tính của Thiên Chúa, đầy vinh quang, quyền năng, tình thương. Tình trạng của chúng ta giống như bức tượng bằng vàng trong câu chuyện minh họa sau đây.
Một ngôi chùa kia có một tượng Phật bằng vàng, nhưng trong thời chiến tranh loạn lạc, người ta phải che dấu sự quí giá ấy bằng một lớp đất sét bọc bên ngoài. Thành thử mọi người tới xem chỉ thấy đó là một bức tượng bằng đất sét, chẳng quí giá hơn những tượng đất sét khác. Chiến tranh kéo dài quá lâu, nên sau chiến tranh, người ta không còn nhớ bức tượng đó bằng vàng nữa, cho đến một hôm. Một hôm, sư trụ trì vô tình để một vật cứng chạm mạnh vào bức tượng, khiến bức tượng bị bể một mảnh lớn, và để lộ ra chất vàng lấp lánh sáng chói. Thế là ông bèn đập bỏ tất cả lớp đất sét bọc bên ngoài. Và tượng Phật bây giờ đã trở thành một bức tượng bằng vàng sáng chói, đầy giá trị.
Mỗi người Kitô hữu chúng ta đều có một cái gì giống như bức tượng đó. Bên ngoài dù chúng ta không khác gì ai, không hơn gì ai, nhưng thực ra, chúng ta là con cái Thiên Chúa, là hình ảnh của chính Thiên Chúa, mang bản tính Thiên Chúa nơi bản thân. Dù ta có yếu hèn, tội lỗi, hay xấu xa đến thế nào đi nữa, thì bản tính Thiên Chúa trong chúng ta vẫn là bản tính của Thiên Chúa, đầy quyền năng, mạnh mẽ, trong sạch, thánh thiện. Vào thế kỷ thứ nhất của Kitô giáo, một giám mục thuộc phái Ngộ Đạo (gnosticisme) giảng rằng: «Chúng ta, những người Kitô hữu, cũng giống như một thỏi vàng nguyên chất, dù có bị ném xuống bùn nhơ, cũng vẫn là một thỏi vàng nguyên chất với đầy đủ giá trị của nó. Chỉ cần rửa sạch lớp bùn bám bên ngoài, thì thỏi vàng lại sáng lên ánh sáng đặc trưng của nó». Hay tương tự như một hoàng tử trong thời gian bị lưu lạc xa vua cha, dù có làm nghề gì thấp hèn đến đâu để sinh sống, thì cũng vẫn là hoàng tử. Chỉ cần hoàng tử ấy trở về với vua cha, thì hoàng tử sẽ lại trở thành hoàng tử chính hiệu, với quyền kế vị vua cha.
3. Chúng ta thường quên không ý thức được bản chất cao quý ấy
Rất nhiều khi, người Kitô hữu chúng ta đã quên mất bản chất hết sức cao quí của mình là con cái Thiên Chúa, là hình ảnh Thiên Chúa (nghĩa là giống như Thiên Chúa), quên mất rằng mình mang trong mình phần nào bản tính của Thiên Chúa, và vì thế chúng ta có quyền thừa hưởng gia nghiệp của Ngài với tư cách là con cái Ngài.
Chính vì quên mất cái bản chất cao quí ấy, nên nhiều khi chúng ta đã sống không xứng đáng với bản chất ấy, nghĩa là cũng chỉ sống giống như bao người khác, thậm chí sống như con cái của ma quỉ, của thế gian, không phù hợp với phẩm giá của mình.
Là con cái Thiên Chúa, nhưng nhiều khi chúng ta tin tưởng, cầu xin, khiếp sợ hoặc trông cậy vào những thế lực khác, vào sự can thiệp của những quyền lực không phải của Thiên Chúa, thậm chí đối nghịch với Thiên Chúa. Chúng ta đã hành xử như thể Thiên Chúa là một hữu thể xa lạ đối với mình, không phải là người Cha rất yêu thương mình, mà hành xử như một người có bản chất thấp hèn. Hành xử như thế, vô tình, chúng ta đã hạ thấp hoặc xúc phạm đến hình ảnh và bản tính Thiên Chúa trong chúng ta.
4. Hãy thường xuyên biểu lộ bản tính cao cả của chúng ta trong tư tưởng, qua lời nói và hành động
Bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy thần tính hay bản chất vinh quang cao cả của Đức Giêsu, vốn ẩn dấu trong thân xác đầy hạn chế của Ngài, nay hiện ra một cách tỏ tường trước mặt các tông đồ. Điều đó cũng nhắc cho chúng ta ý thức về bản tính hay hình ảnh của Thiên Chúa nơi thân xác yếu đuối của chúng ta. Chúng ta cần thường xuyên biểu lộ bản tính hay hình ảnh của Thiên Chúa nơi chúng ta qua tư tưởng, lời nói, hành động của mình. Làm sao để mỗi tư tưởng, mỗi lời nói, cũng như mỗi hành động của chúng ta đều nói lên được bản chất cao quí của chúng ta là con cái Thiên Chúa, là hình ảnh trung thực của Thiên Chúa. Giống như người ta có thể nhìn vào cách ăn nói, xử sự của một người mà đoán được bản chất của người ấy. Hay như khoa học thời nay có thể căn cứ vào một sợi tóc, một tế bào của một người mà biết được tính chất hay tình trạng thể lý của người ấy. Cuộc sống của một người con cái Chúa cũng phải toát lên được bản chất ấy của mình.
Bài đọc 2 cũng nhắc lại cho ta biết quê hương đích thật của chúng ta là ở trên trời (x. Pl 3,20). Và trong tương lai thân xác yếu hèn của chúng ta cũng sẽ trở nên vinh hiển, mạnh mẽ như thân xác của Ngài. Tất cả những đau khổ, hạn chế của ta chỉ là tạm thời, sẽ qua đi, nhưng bản chất cao quí của ta thì mãi mãi tồn tại và không thay đổi.
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa, xin giúp con ý thức được bản chất cao quí của con là con cái Chúa, là hình ảnh của Chúa, và được Chúa thông phần bản tính của Chúa cho con. Xin cho con biết luôn ý thức bản chất cao quí của mình, và sống xứng đáng với bản chất ấy. Amen.
Nguyễn Chính Kết