SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - NỘI NGUYỄN - CN6PS-C
- Details
- Category: 3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa
-
SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA HÔM NAY
CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH NĂM C (22/5/2022)
TẦM QUAN TRỌNG CUA MÓI TƯƠNG QUAN TÌNH YÊU
CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ VỚI THẦY CHÍ THÁNH
[Cv 15, 1-2.22-29; Kh 21,10-14.22-23; Ga 14,23-29]
I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
Trong thế giới nói chung và trong xã hội Việt Nam nói riêng, các mối tương quan giữa người với người hiện đang bị điều khiển và chi phối bởi các động cơ quyền lực, tiền bạc, lợi ích cá nhân hay lợi ích nhóm, khiến nhiều người trở thành nạn nhân của những người khác. Tương quan xã hội càng xấu, con người càng mất tính người. Muốn cải tổ xã hội trước hết phải cải thiện mối tương quan giữa người với người.
Riêng với người công giáo thì điều cốt yếu nhất là xây dựng tương quan tình yêu của mỗi người và của mỗi cộng đoàn tín hữu với Thiên Chúa và với đồng loại. Về phía Thiên Chúa, vì yêu thương con người nói chung và các Ki-tô hữu chúng ta nói riêng, Người đã thực hiện bao nhiêu là kỳ công! Vì thế điều Thiên Chúa và Con Một Người là Đức Giê-su Ki-tô mong muốn là chúng ta nhận ra điều ấy và đáp lại tình yêu của Thiên Chúa một cách ý thức và quảng đại.
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 1 (Cv 15,1-2.22-29): "Thánh Thần và chúng tôi xét rằng không nên đặt thêm gánh nặng nào khác ngoài mấy điều cần kíp" Trong những ngày ấy, có mấy người từ Giuđêa đến dạy bảo các anh em rằng: "Nếu anh em không chịu cắt bì theo luật Môsê, thì không được cứu độ". Do đó, Phaolô và Barnaba đã tranh luận gắt gao với họ. Bấy giờ người ta quyết định là Phaolô, Barnaba và một ít người khác thuộc phe họ, lên Giêrusalem gặp các Tông đồ và niên trưởng, để xin giải quyết vấn đề này.
Bấy giờ các Tông đồ, kỳ lão, cùng toàn thể Hội thánh chấp thuận chọn ít người trong các ngài, và sai đi Antiôkia với Phaolô và Barnaba: đó là Giuđa, gọi là Barsaba, và Sila, những vị có uy thế giữa anh em. Các ngài nhờ tay hai ông chuyển bức thơ viết như sau:
"Anh em Tông đồ và kỳ lão chúng tôi kính chào các anh em thuộc dân ngoại ở Antiôkia, Syria và Cilicia. Chúng tôi nghe tin rằng có mấy người trong chúng tôi đã đến nói những lời gây hoang mang và làm cho tâm hồn anh em xao xuyến, chúng tôi không uỷ quyền cho họ, vì thế chúng tôi họp lại, đồng ý chọn một ít người và sai đến anh em làm một với Barnaba và Phaolô, những anh em yêu quý của chúng tôi, tức là những người đã liều mạng sống mình vì danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Vậy chúng tôi đã sai Giuđa và Sila đến nói miệng với anh em cũng chính những lời này: Thánh Thần và chúng tôi xét rằng không nên đặt thêm cho anh em gánh nặng nào khác ngoài mấy điều cần kíp này là anh em hãy kiêng đồ cúng thần, huyết, thịt thú chết ngạt và gian dâm; giữ mình khỏi các điều đó là anh em làm phải. Chúc anh em vạn an".
2.2 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 2 (Kh 21,10-14.22-23): "Người chỉ cho tôi thấy thành thánh do Thiên Chúa từ trời gởi xuống" Thiên Thần đem tôi lên một núi cao chót vót khi tôi ngất trí, và chỉ cho tôi thấy thành thánh Giêrusalem từ trời nơi Thiên Chúa mà xuống, chói lọi vinh quang Thiên Chúa. Ánh sáng của nó toả ra như đá quý, giống như ngọc thạch, óng ánh tựa pha lê. Thành có tường lũy cao lớn, trổ mười hai cổng, trên các cổng có mười hai thiên thần, và có khắc tên mười hai chi họ con cái Israel. Phía đông có ba cổng, phía bắc có ba cổng, Phía nam có ba cổng, và phía tây có ba cổng. Tường thành xây trên mười hai móng có khắc tên mười hai tông đồ của Con Chiên. Còn đền thờ, tôi không thấy có trong thành, vì Thiên Chúa toàn năng và Con Chiên là đền thờ của thành. Thành không cần mặt trời, mặt trăng chiếu soi: vì đã có vinh quang Thiên Chúa chiếu sáng nó, và đèn của nó chính là Con Chiên.
2.3 Lắng nghe Lời Chúa trong bài Tin Mừng (Ga 14,23-29): "Thánh Thần sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con" Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. Kẻ không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Lời các con nghe, không phải là của Thầy, nhưng là của Cha, Đấng đã sai Thầy. Thầy đã nói với các con những điều này khi còn ở với các con. Nhưng Đấng Phù Trợ là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Người sẽ dạy các con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con. Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng. Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi. Các con đã nghe Thầy nói với các con rằng: Thầy đi, rồi Thầy trở lại với các con. Nếu các con yêu mến Thầy, thì các con hãy vui mừng vì Thầy về với Cha, bởi lẽ Cha trọng hơn Thầy. Giờ đây Thầy nói với các con trước khi việc xảy ra, để khi việc xảy ra, thì các con tin"
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
3.1 Chân dung của Thiên Chúa
3.1.1 Bài đọc 1 (Cv 15, 1-2.22-29) là đoạn Sách Tông Đồ Công Vụ kể lại bối cảnh của Công đồng chung đầu tiên của Ki-tô giáo. Đây là một khúc quanh lịch sử có tính sống còn của Đạo. Vấn đề đặt ra lúc đó là: những người dân ngoại gia nhập Ki-tô giáo có cần phải chịu phép cắt bì như những người Do-thái không? Có hai quan điểm trong các cộng đoàn: một số người cho rằng bất cứ một người dân ngoại nào đều phải được cắt bì như những người Do-thái khi muốn gia nhập Ki-tô giáo. Tông Đồ Phao-lô và Bác-na-ba và nhiều người khác thì cho rằng không cần phải làm thế, vì lịch sử đã bước vào thời đại của Tân Ước rồi. Các ngài mạnh dạn “đấu tranh” cho quan điểm này và Công đồng Giê-ru-sa-lem đã cùng quan điểm với các ngài khi công bố “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết.”
Trong đoạn sách Cv 15, 1-2.22-29 trên chúng ta có thể nhận ra sự hiện diện và hành động hiệu quả của Thánh Thần Thiên Chúa trong cộng đoàn Ki-tô giáo non trẻ. Trong cộng đoàn ấy, như bao cộng đoàn khác trong lịch sử Giáo Hội, nổi lên hai quan điểm, hai lập trường đối nghịch nhau: một bảo thủ, một tiến bộ; một nghiêm ngặt, một cởi mở; một vị luật, một vị tình yêu. Và Thánh Thần Thiên Chúa đã ủng hộ quan điểm tiến bộ, cởi mở và vị tình yêu: những người tân tòng không phải là người Do-thái không phải chịu phép cắt bì mà chỉ chịu Phép Thánh Tẩy (Phép Rửa) là đủ rồi!
3.1.2 Bài đọc 2 (Kh 21,10-14.22-23) là thị kiến của Thánh Tông Đồ Gio-an về Thánh Thánh Giê-ru-sa-lem là biểu tượng cho sự hiện diện của Thiên Chúa giữa loài người. Thành Thánh Giê-ru-sa-lem được xây dựng trên nền tảng các Tông Đồ và mở rộng cho mười hai chi tộc Ít-ra-en tức cho hết mọi dân tộc trên trái đất này. Trung tâm của Thành Thánh không còn là Đền Thờ (do tay con người làm nên) nữa, mà là chính Thiên Chúa và Con Chiên là Chúa Giê-su Ki-tô.
Trong đoạn Sách Kh 21,10-14.22-23 trên, chúng ta thấy nổi bật tấm lòng và hành động yêu thương của Thiên Chúa đối với con người nơi Thành Thánh Giê-ru-sa-lem là nơi Thiên Chúa ngự trị và ở cùng nhân loại. Một cách nào đó Thành Thánh Giê-ru-sa-lem chính là mỗi ‘cộng đoàn’ và mỗi ‘tâm hồn’ các kẻ tin theo Chúa và giữ các lời của Chúa Giê-su.
3.1.3 Bài Tin Mừng (Ga 14,23-29) là những lời dặn dò mà Chúa Giê-su nói với các môn đệ trước giờ chia tay. Chúa Giê-su nhấn mạnh đến mối tương quan Tình Yêu mà Người muốn các môn đệ phải có, vì đó là nền tảng của tất cả, là chìa khóa mở vào thế giới của Thiên Chúa: "Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy”
Trong Bài Phúc Âm Ga 14,23-29 chúng ta thấy được động lực cũng là lý do tại sao chúng ta phải tuân giữ các lời, các giới răn của Thầy và cũng là Chúa của chúng ta: Đó là Tình Yêu.
3.2 Sứ điệp của Lời Chúa
Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay được tóm gọn trong lời nhắn nhủ của Chúa Giê-su: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.”
IV. SỐNG VỚI THIÊN CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI
4.1 Sống với Thiên Chúa là Tình Yêu và là Đấng muốn thiết lập Tương Quan Tình Yêu với con người, với từng người Ki-tô hữu.
4.2 Thực thi Sứ điệp của Lời Chúa
Để thực thi sứ điệp Lời Chúa hôm nay, tôi phải xét mình, xem
* Đối với Thiên Chúa và với Chúa Giê-su tôi đã có tương quan tình yêu hay chỉ là tương quan sợ hãi hay tương quan hững hờ?
* Cụ thể, tôi có chu toàn tất cả mọi công việc của tôi với tấm lòng yêu thương không?
V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH
5.1 «Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết» Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho các dân, các nước chưa nhận biết Chúa, để họ hiểu rằng các giới răn của Chúa không phải là một gánh nặng mà là cách thể hiện tương quan tình yêu giữa con người và Thiên Chúa!
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con!
5.2 «Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy» Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho tất các cả các Ki-tô hữu, cách riêng cho Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế, để mọi Ki-tô hữu hết lòng yêu mến Thầy Giê-su Ki-tô mà giữ Lời Người và sống mật thiết với Người!
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con!
5.3 «Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy» Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta, nhất là cho những người tham dự Thánh Lễ này, để mọi người chúng ta coi trọng mọi Lời của Chúa Giê-su cũng chính là Lời của Thiên Chúa!
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con!
5.4 «Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em» Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho những người khao khát và kiếm tìm chân lý, để họ sớm nhận được ơn soi sáng và sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần mà đón nhận giáo huấn của Chúa Ki-tô Giê-su, Cứu Chúa của chúng ta!
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con!
Sàigòn ngày 18 tháng 05 năm 2022
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.