BÁNH SỰ SỐNG THỨ NĂM 04-7-2019

Thứ Năm

Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm I) St 22, 1-19

"Lễ hiến tế của Abraham Tổ phụ chúng ta".

Trích sách Sáng Thế.

Trong những ngày ấy, Chúa thử Abraham và nói với ông rằng: "Abraham, Abraham!" Ông đáp lại: "Dạ, con đây". Chúa nói: "Ngươi hãy đem Isaac, đứa con yêu dấu của ngươi, và đi đến đất Moria, ở đó ngươi sẽ dâng nó làm của lễ toàn thiêu trên núi Ta sẽ chỉ cho ngươi". Vì vậy ban đêm Abraham chỗi dậy, thắng lừa, dẫn theo hai đầy tớ và Isaac, con của ông; khi đã chặt củi dành để đốt của lễ toàn thiêu, ông đi đến nơi Chúa đã truyền dạy. Ðến ngày thứ ba, ngước mắt lên, ông thấy nơi còn xa xa; ông bảo các đầy tớ rằng: "Các ngươi và con lừa hãy đợi tại đây. Ta và con trẻ đi đến nơi kia, sau khi cử hành việc thờ phượng xong, chúng tôi sẽ trở lại đây với các ngươi". Ông lấy củi dành để đốt của lễ toàn thiêu mà đặt trên vai Isaac, con ông, còn ông thì cầm lửa và gươm. Khi cha con cùng đi trên đường, Isaac hỏi cha mình rằng: "Thưa cha". Ông Abraham trả lời: "Hỡi con, con muốn gì?" Isaac nói: "Củi và lửa có đây rồi, còn của lễ toàn thiêu ở đâu?" Ông Abraham đáp: "Hỡi con, Thiên Chúa sẽ dự liệu của lễ toàn thiêu". Vậy hai cha con tiếp tục cùng đi.

Khi hai người đến nơi Chúa đã chỉ, Abraham làm một bàn thờ và chất củi lên, rồi trói Isaac lại, đặt lên đống củi trên bàn thờ. Abraham giơ tay lấy dao để sát tế con mình. Bấy giờ thiên thần Chúa từ trời gọi ông rằng: "Abraham! Abraham!" Ông thưa lại: "Dạ, con đây". Người nói: "Ðừng giết con trẻ và đừng động đến nó, vì giờ đây, Ta biết ngươi kính sợ Chúa, đến nỗi không từ chối dâng đứa con duy nhất cho Ta". Abraham ngước mắt lên, thấy sau lưng mình có con cừu đực đang mắc sừng trong bụi cây, Abraham liền bắt nó và tế lễ thay cho con mình. Ông gọi tên nơi này là "Chúa trông thấy". Bởi vậy, mãi cho đến ngày nay, người ta quen nói rằng "Trên núi Chúa sẽ trông thấy".

Thiên thần Chúa gọi Abraham lần thứ hai và nói rằng: "Chúa phán: Ta thề rằng: vì ngươi đã làm điều đó, ngươi không từ chối dâng đứa con duy nhất của ngươi cho Ta, nên Ta chúc phúc cho ngươi, Ta cho ngươi sinh sản con cái đông đúc như sao trên trời, như cát bãi biển; miêu duệ ngươi sẽ chiếm cửa thành quân địch, và mọi dân tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc nơi miêu duệ ngươi, vì ngươi đã vâng lời Ta".

Ông Abraham trở về cùng các đầy tớ, và họ cùng nhau đi về Bersabê, và lập cư tại đó.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 114, 1-2. 3-4. 5-6. 8-9

Ðáp: Tôi sẽ tiến đi trước Thiên nhan Chúa, trong miền đất của nhân sinh (c. 9).

Xướng: 1) Tôi mến yêu Chúa, vì Chúa đã nghe, đã nghe tiếng tôi cầu khẩn; vì Chúa đã lắng tai nghe lời tôi trong ngày tôi kêu cầu Chúa. - Ðáp.

2) Thừng chão tử thần đã quấn lấy tôi, và màng lưới âm phủ đã chụp trên người tôi; tôi đã rơi vào cảnh lo âu khốn khó. Và tôi đã kêu cầu danh Chúa: "Ôi lạy Chúa, xin cứu vớt mạng sống con". - Ðáp.

3) Chúa nhân từ và công minh, và Thiên Chúa của chúng tôi rất từ bi. Chúa gìn giữ những người chất phác, tôi đau khổ và Người đã cứu thoát tôi. - Ðáp.

3) Bởi Người đã cứu tôi khỏi tử thần, cho mắt tôi khỏi rơi lệ và chân tôi không quỵ ngã. Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh. - Ðáp.

 

Alleluia: Ga 8, 12

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống". - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 9, 1-8

"Họ tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho loài người quyền năng như thế".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu xuống thuyền, vượt biển mà về thành của Người. Bấy giờ người ta đem đến cho Người một kẻ bất toại nằm trên giường. Thấy họ có lòng tin, Chúa Giêsu nói với người bất toại rằng: "Hỡi con, con hãy vững tin, tội con được tha rồi". Bấy giờ mấy luật sĩ nghĩ thầm rằng: "Ông này nói phạm thượng". Chúa Giêsu biết ý nghĩ của họ liền nói: "Tại sao các ngươi suy tưởng những sự xấu trong lòng? Bảo rằng "Tội con được tha rồi", hay nói "Hãy chỗi dậy mà đi", đàng nào dễ hơn? Nhưng (nói thế là) để các ngươi biết rằng trên đời này Con Người có quyền tha tội". Bấy giờ Người nói với người bất toại: "Con hãy chỗi dậy, vác giường mà về nhà con". Người ấy chỗi dậy và đi về nhà. Thấy vậy dân chúng sợ hãi và tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho loài người quyền năng như thế.

Ðó là lời Chúa.

 


Suy Niệm

 Chữa lành phần xác là một dấu chỉ tha tội phần hồn
 
Chủ đề "sự sống" của Mùa Phục Sinh tiếp tục với bài Phúc Âm cho Thứ Năm Tuần XIII Thường Niên hậu Phục Sinh hôm nay, trong đó, Thánh ký Mathêu (9:1-8) đã thuật lại việc Chúa Giêsu chữa một người bại liệt để tỏ quyền năng tha tội của Người, một sự kiện tha tội liên quan đến sự sống thần linh
 
"Đức Giê-su xuống thuyền, băng qua hồ, trở về thành của mình. Người ta liền khiêng đến cho Người một kẻ bại liệt nằm trên giường. Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt: 'Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi!'" 
 
Thật vậy, chính vì nguyên tội mà con người đã bị chết về phần hồn (xem Khởi Nguyên 2:17) kèm theo cả cái chết về phần xác là hậu quả tất yếu của tội lỗi nữa (xem Khởi Nguyên 3:19). Tất cả những khổ đau con người phải chịu trên trần gian này đều là biểu hiệu của sự chết cả về tâm linh lẫn thể xác. Chứng bại liệt nơi thân xác của con người, như nạn nhân trong bài Phúc Âm hôm nay, chẳng những là hậu quả của nguyên tội mà còn là biểu hiệu cho tình trạng bất lực của con người mang bản tính nhiễm lây nguyên tội nữa. 

Đó là lý do, một khi con người được tha tội là con người được giải phóng về phần hồn, và vì bệnh nạn tật nguyền về phần xác gây ra bởi tội lỗi mà họ cũng có thể thoát được những chứng bệnh họ đang mắc phải, như trường hợp của người bất toại ở bài Phúc Âm hôm nay. Cho dù được khỏi tội mà không khỏi bệnh con người có tâm hồn trong sạch theo lòng tin tưởng vẫn có thể sống với bệnh tật một cách an bình, thậm chí còn lợi dụng được cả bệnh tật để làm vinh danh Chúa nữa (xem Gioan 9:3). 
 
Có ích gì cho con người nếu thân xác được lành mạnh mà lại lạm dụng nó để sống đời tội lỗi chứ. Nếu thà mất đi một phần thân thể mà được vào Nước Trời còn hơn lành cả thân xác mà bị quẳng vào hỏa ngục (xem Mathêu 5:29), thì đúng như Chúa Giêsu nói với thành phần "kinh sư nghĩ bụng rằng: 'Ông này nói phạm thượng'", "trong hai điều: một là bảo: 'Con đã được tha tội rồi', hai là bảo: 'Đứng dậy mà đi', điều nào dễ hơn?"

Đối với Thiên Chúa thì "con đã được tha tội rồi" thì "dễ hơn", còn đối với loài người thiển cận và dính bén với trần thế thì "đứng dậy mà đi" thì "dễ hơn", "dễ hơn" ở chỗ họ (nếu là nạn nhân) được "dễ" chịu hơn, vì được khỏi bệnh, và ở chỗ họ (thành phần khán giả hay chứng dự) "dễ" nhận hơn vì thấy được tỏ tường quyền năng thần linh. 
 
Bởi thế, Chúa Giêsu đã phải chiều theo khuynh hướng của loài người, hay nói đúng hơn, đã lợi dụng yếu điểm tò mò của loài người để tỏ mình ra cho họ, nhờ đó họ có thể thấy được vị thế thần linh siêu việt của Người, một vị thế vượt trên tất cả mọi vị tiên tri trong lịch sử của họ, hơn cả Moisen là vị cứu tinh dân tộc của họ cũng đã thực hiện không ít dấu lạ, một vị thế thần linh ở nơi quyền tha tội của Người, một con người như họ và ở giữa họ
 
"Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội - bấy giờ Đức Giê-su bảo người bại liệt: 'Đứng dậy, vác giường đi về nhà!' Người bại liệt đứng dậy, đi về nhà. Thấy vậy, dân chúng sợ hãi và tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho loài người được quyền năng như thế".

Tuy nhiên, cho dù Thiên Chúa có quyền tha tội cho con người qua Con của Ngài một cách "dễ" dàng như thế, Ngài vẫn không "dễ" dãi với Con của Ngài, trái lại, Thiên Chúa "đã không dung tha cho Con của Ngài, một phó nộp Người vì tất cả chúng ta" (Roma 8:32), nghĩa là Ngài muốn, hay đúng hơn, Ngài "bắt" Người Con duy nhất vô cùng dấu yêu của Ngài phải khổ nạn và tử giá vô cùng hèn hạ và ô nhục như một đệ nhất đại tội nhân trên trần gian này, như một hy tế đền bù tội lỗi của nhân loại và cho nhân loại, một tội phạm đến Ngài là Đấng vô cùng thì cũng phải có một Đấng vô cùng là Con Ngài đền thay mới cân xứng.
 
Cuộc khổ nạn và tử giá của Người Con duy nhất chí ái này của Thiên Chúa cho phần rỗi của chung loài người, như trong bài đọc 1 hôm nay trích Sách Khởi Nguyên (22:1-19) cho thấy, đã được tiên báo ở biến cố tổ phụ Abraham (hình bóng của Thiên Chúa Cha) sẵn sàng sát tế Isaac là người con duy nhất (hình bóng Chúa Giêsu Kitô: "Chiên làm lễ toàn thiêu, chính Thiên Chúa sẽ liệu") được sinh ra theo lời hứa cho một dân tộc "đông như sao trời cát biển" (ám chỉ thành phần dân thánh Chúa, thành phần tin vào Ngài, thành phần được cứu độ).
 
Thế nhưng, chính lúc "Abraham đưa tay ra cầm lấy dao để sát tế con mình" thì "sứ thần Thiên Chúa từ trời gọi ông: 'Abraham! Abraham!... Đừng giơ tay hại đứa trẻ, đừng làm gì nó! Bây giờ Ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa: đối với Ta, con của ngươi, con một của ngươi, ngươi cũng chẳng tiếc!... Bởi vì ngươi đã làm điều đó, đã không tiếc con của ngươi, con một của ngươi, nên Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi, sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển. Dòng dõi ngươi sẽ chiếm được thành trì của địch. Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ cầu chúc cho nhau được phúc như dòng dõi ngươi, chính bởi vì ngươi đã vâng lời Ta'".
 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên 

 

TN.XIIIL-5.mp3