BÁNH SỰ SỐNG - LECTIO DIVINA -CN30TN-C
- Details
- Category: 4. Bánh Sự Sống
LECTIO DIVINA
CHÚA NHẬT TN 30 C
“LẠY THIÊN CHÚA,
XIN THƯƠNG XÓT CON
LÀ KẺ CÓ TỘI"
Luca 18,13
Hát thánh ca khai mạc.
Chúng ta hãy cầu nguyện để bắt đầu.
Nhân Danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Amen
Lạy Chúa, Chúa đã thương nhận chúng con làm nghĩa tử,
nhưng chúng con đã không sống xứng đáng
với danh nghĩa của mình.
Chúng con khiêm tốn nhìn nhận mình có tội,
và nài van lòng từ bi Chúa.
Xin Chúa thương tha thứ và cho chúng con được bình an.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen
(Sách lễ Rôma, Lời nguyện Xin ơn tha tội.)
1. LẮNG NGHE LỜI CHÚA
Tin Mừng theo T. Luca 18,9-14.
• Một người công bố Lời Chúa. Mọi người đứng lắng nghe.
• Sau đó, mỗi người, ngồi, tự mình đọc lại Lời Chúa, to-rõ-chậm, đủ nghe, một hay hai lần, nếu cần.
2. SUY NIỆM
Sau khi đọc, dành vài phút thinh lặng, nhớ lại Lời Chúa và suy nghĩ về 1 hay 3 câu hỏi gợi ý sau :
• Lời Chúa hôm nay nói gì với TRÍ tôi về Chúa Giêsu?
Tôi hiểu biết Chúa tôi rõ hơn ở chỗ nào?
• Lời Chúa hôm nay đánh động TÂM tôi ở chỗ nào?
Lòng tôi được thúc đẩy yêu mến Chúa Giêsu hơn ở điểm nào?
• Lời Chúa hôm nay thúc đẩy THÂN tôi làm gì để đi theo Chúa?
(Nếu đã quen làm Lectio Divina, sau khi suy niệm, có thể mời vài người chia sẻ vắn tắt câu trả lời của mình. Không giải thích).
3. CHIÊM NGHIỆM
Đọc lại Lời Chúa một lần nữa, sau đó suy nghĩ: Lời Chúa tôi nghe được hôm nay nối kết với kinh nghiệm cuộc sống hàng ngày của tôi ở chỗ nào?
KHÔNG CHIA SẺ CHUNG
1. “Người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê kẻ khác... thì không được nên công chính" (câu 9.14b)
Người Pharisêu “tự hào và cho mình là công chính”, cầu nguyện với tư thế hiên ngang và lời nói khoe khoang, coi thường người khác. Người ấy có cần Thiên Chúa không? Có cần Ngài làm gì cho mình không? Người pharisêu nghỉ mình là ai mà cầu nguyện như vậy? Còn tôi, đã nhờ Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng và chịu chết để được biết Thiên Chúa và trở nên con của Cha, thì khi đến cầu nguyện với Thiên Chúa, tôi có thái độ, tâm tình nào và tôi thường nói gì với Thiên Chúa?
..............................................................................................................
..............................................................................................................
2. “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội!” (câu 13)
Thái độ và lời nói của người thu thuế cho thấy người ấy khiêm nhường và ý thức việc làm của mình đã xúc phạm đến Thiên Chúa. Người ấy chạy đến kêu cứu Chúa, vì cần Ngài thương xót và tha thứ, để mình hoán cải. Khi đọc kinh Cáo mình, trong phần nhập lễ, tôi có nhận ra các điều thiếu sót của mình mà thật lòng hoán cải không? Các điều thiếu sót đó là những việc nào?
..............................................................................................................
..............................................................................................................
3. "Người thu thuế, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính” (câu 14).
Đức Mẹ nói : "Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng, nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.” (Luca 1, 50...52). Thánh Phaolô dạy ông Timôthê : “Để trở nên công chính, cần phải học, phải tin và làm những gì được viết trong Sách Thánh" (xem 2 Timôthê 3,16), vì người ta không thể tự mình trở nên công chính, bằng mọi việc mình làm,
song phải cậy nhờ Chúa Giêsu Kitô (xem Rôma 5, 18.21). Hiện nay, tôi có phải là người công chính chưa? Tại sao? Vậy tôi cần làm gì đây ?
..............................................................................................................
..............................................................................................................
4. CẦU NGUYỆN
Tôi đọc lại Lời Chúa một lần nữa.
Rồi dâng lời ngợi khen, cảm tạ, xin tha thứ, cầu cho mình hay chuyển cầu cho người khác, tùy theo sự thúc đẩy của Lời Chúa.
* Khi chia sẻ chung, hãy để giờ cho anh chị em dâng lời nguyện.
Lời nguyện kết Thánh vịnh đáp ca 33
Tôi sẽ không ngừng chúc tụng Chúa,
câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi.
Linh hồn tôi hãnh diện vì Chúa
xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên.
Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy:
hạnh phúc thay kẻ ẩn náu bên Người!
Chúa đối đầu với quân gian ác,
xoá nhoà tên tuổi chúng trên đời,
nhưng để mắt nhìn người chính trực
và lắng tai nghe tiếng họ kêu.
Họ kêu xin, và Chúa đã nhận lời,
giải thoát khỏi mọi cơn nguy khốn.
Chúa gần gũi những tấm lòng tan vỡ,
cứu những tâm thần thất vọng ê chề.
Chúa cứu mạng các người tôi tớ,
ai ẩn thân bên Chúa không bị phạt bao giờ. Sáng danh
5. HÀNH ĐỘNG TRONG TUẦN
• Tôi chọn 1 câu Tin Mừng để học thuộc và suy ngẫm.
....................................................................................................
• Nhìn lại mình những lúc cầu nguyện, khi nào tôi giống người thu thuế, và khi nào tôi giống người Pharisêu? Tâm hồn tôi lúc nào thì khiêm nhường và bình an? Còn khi nào lòng tôi trơ trơ, trống rỗng vì tự mãn hay hài lòng về chính mình?
Quyết tâm điều gì?
..............................................................................................
.............................................................................................
CẦU NGUYỆN VỚI ĐỨC THÁNH CHA
Chính Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta tái sinh từ những giới hạn, từ cái chết của chúng ta, bởi chúng ta có quá nhiều thứ hư nát nơi linh hồn, nơi đời sống chúng ta.
Thông điệp Phục sinh chính là điều Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô: chúng ta cần phải được tái sinh.
Nhưng tại sao lại phải dành chỗ cho Chúa Thánh Thần?
Đời người Kitô hữu nếu không dành chỗ cho Chúa Thánh Thần, không để mình được Chúa Thánh Thần dẫn lối, đó là cuộc sống của một kẻ dân ngoại, nguỵ trang với cái lốt Công Giáo.
Chúa Thánh Thần là nhân vật chính trong đời sống Kitô hữu. Chúa Thánh Thần ở cùng, đồng hành, biến đổi và chiến thắng cùng với chúng ta.
Không ai có thể lên trời, nếu không có Đấng từ trời xuống. Đấng ấy là chính Chúa Giêsu. Chính Người từ trời xuống. Chính Người, trong thời khắc phục sinh nói với chúng ta rằng: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần".
Chính Thánh Thần sẽ là bạn đồng hành trong cuộc sống của người Kitô hữu.
Vì thế, không thể sống đời Kitô hữu nếu không có Chúa Thánh Thần. Người là "bạn đồng hành của chúng ta mỗi ngày", là món quà của Chúa Cha, là món quà của Chúa Giêsu.
(trích Bài giảng ngày 30.4.2019)
liên lạc : This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
website : giadinhctc.com