5 Phút cho Lời Chúa ngày 01/06 – 08/06/24

THỨ BẢY 01/06/24 – TUẦN 8 TN                                    Mc 11,27-33

Thánh Giút-ti-nô

SỐNG THEO SỰ THẬT

Đức Giê-su nói: “Phép rửa của Gio-an là do Trời hay do người ta? Các ông trả lời tôi đi!”… Họ trả lời: “Chúng tôi không biết.” (Mc 11,30.33)

Suy niệm: Nhìn nhận mình ‘không biết’ có thể là một thái độ khôn ngoan, biết rõ giới hạn của mình và khao khát được hiểu biết nhiều hơn. Nhưng khi các thượng tế và kinh sư trả lời Chúa Giê-su rằng “chúng tôi không biết” họ bộc lộ một toan tính nhằm né tránh những đòi buộc của lương tâm mà câu trả lời đó đặt ra, vì nếu họ trả lời phép Rửa của Gio-an là bởi trời thì lời chất vấn tiếp theo sẽ là “tại sao lại không tin ông ấy”. Họ không tin vào Đức Giê-su vì họ không chấp nhận một Đấng Ki-tô chịu đóng đinh, cũng không muốn đáp lại đòi hỏi của Chúa là vác thập giá của mình đi theo làm môn đệ của Ngài (x. Mc 8,34).

Mời Bạn: Chân lý luôn kéo theo đòi buộc phải sống theo chân lý. Lắm khi người ta chối bỏ chân lý chỉ vì không muốn sống theo những đòi buộc của nó. Chúa Giê-su nói về điều đó khi đối thoại với ông Ni-cô-đê-mô: “Ai làm điều ác thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng… Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa” (Ga 3,20-21). Để “đến cùng ánh sáng, sống theo sự thật” bạn nói không với sự gian dối, tham lam, chạy theo đam mê dục vọng. Đối lại, bạn chọn sống trung thực, khiêm tốn, và quên mình phục vụ. Trong bậc sống gia đình bạn sống tình yêu trong sáng, chung thuỷ; trong bậc sống thánh hiến, bạn trung thành với lời cam kết và luôn tận hiến hết mình cho sứ mạng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa là ánh sáng chân lý, xin giúp con “sống theo sự thật và trong tình bác ái” để xây dựng Hội Thánh là thân thể Chúa Ki-tô. Amen.

 

CHÚA NHẬT 02/06/24 – TUẦN 9 TN – B               Mc 14,12-16.22-26

Mình và Máu Thánh Chúa Ki-tô

GIÊ-SU, ĐIỂM HẸN

Cũng đang bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy!” (Mc 14,22)

Suy niệm: Các trình thuật Tin Mừng từ phép lạ bánh hóa nhiều, bữa Tiệc ly, đến bữa tối với các môn đệ Em-mau, đều cho thấy Đức Giê-su làm bốn động tác quen thuộc: “cầm lấy bánhdâng lời chúc tụngbẻ ra và trao ban.” Bốn động tác ấy trở thành biểu trưng cho việc cử hành Thánh Thể. Đức Giê-su, tấm bánh được bẻ ra và trao ban cho mọi người, là nền tảng cho sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và nhân loại. Trong mầu nhiệm Nhập thể, Con Thiên Chúa đến “cư ngụ giữa chúng ta;” còn trong Bí tích Thánh Thể, Ngài ở lại với con người “mọi ngày cho đến tận thế.” Với ta, “cầm lấy bánh” là cầm lấy cuộc đời, cầm lấy những gì thuộc về mình để rồi biết “dâng lời chúc tụng” về món quà Thiên Chúa tặng ban. “Bẻ ra và trao ban” của cải, thời gian, tài năng… cho những người lân cận.

Mời thân mến, Bí tích Thánh Thể là Mình và Máu Chúa Ki-tô, là lương thực thần linh, nơi bạn sống mối tương quan thân tình với Thiên Chúa. Cây cầu hiệp thông đã được nối kết, bạn có thể tìm đến gặp gỡ, kết hiệp nên một với vị Thiên Chúa sống động, gần gũi và luôn ở giữa dân Người. Dù bạn là ai, như thế nào, hãy nhớ rằng: Chúa Giê-su trong Bí tích Thánh Thể là Điểm Hẹn cho bạn tìm đến và tìm về.

Sống Lời Chúa: Tôi năng nhớ Chúa trong suốt ngày sống với lời nguyện tắt, hoặc đọc kinh Rước lễ thiêng liêng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con cám ơn Chúa đã thương cho con có được mối tương quan tình bạn thân tình với Chúa. Xin cho con luôn biết tìm đến và tìm về điểm hẹn Tình yêu Thánh Thể, nơi Chúa hằng chờ đợi con. Amen.

 

THỨ HAI 03/04/24 – TUẦN 9 TN                                         Mc 12,1-12                

Thánh Ca-rô-lô Loan-ga và các bạn tử đạo

CHÚA NHÂN TỪ KHÔNG NHƯ TA TƯỞNG

“Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta!” (Mc 12,10-11)

Suy niệm: Dụ ngôn “tá điền sát nhân” là một bức tranh đầy những màu sắc chói chang tương phản: vườn nho được ông chủ yêu quý chăm chút như thế mà ông lại giao cho những tên tá điền bất lương; những kẻ làm thuê đó lại coi trời bằng vung, qua mặt cả ông chủ, hành xử ngang ngược độc ác; đối lại, ông chủ lại tỏ ra quá “hiền” khiến họ càng lấn lướt, giết luôn cả người con thừa tự của ông. Sự tương phản đầy bi thảm của dụ ngôn thật khó hiểu: làm sao có thể tin rằng có những tá điền như thế và nhất là có một ông chủ như thế?! Nhưng đó lại là điều Chúa Giê-su muốn nói: đó chính là “công trình kỳ diệu Chúa làm trước mắt chúng ta:” Thiên Chúa đã lật ngược thế cờ, “tảng đá bị thợ xây loại bỏ” nay trở thành “đá tảng góc tường” (Tv 118,22); công trình đó sẽ ứng nghiệm trong cái chết và sống lại của Đức Giê-su, Con Chí Ái của Thiên Chúa.

Mời Bạn: Thiên Chúa thật kỳ diệu không như chúng ta tưởng. Sự bội bạc, tàn ác của con người dù nặng nề mấy đi nữa không thể khiến Thiên Chúa thôi yêu thương, bao dung và tha thứ, trái lại càng cho thấy Ngài nhẫn nại, quảng đại và thương xót vô cùng đối với nhân loại. Bạn nhớ rằng Chúa đang dành cho bạn tình yêu thương đó. Trước tấm lòng Cha như thế, lẽ nào bạn không “cảm” mà trở về với Ngài? Bạn có cảm nghiệm bản thân nào về tình Chúa dành cho bạn như thế không?

Sống Lời Chúa: Làm một cử chỉ (quỳ gối, chắp tay…) để diễn tả sự cảm nhận tình Chúa và lòng biết ơn của bạn.

Cầu nguyện: Đọc kinh Cám Ơn.

 

THỨ BA 04/06/24 – TUẦN 9 TN                                        Mc 12,13-17  

SAO LẠI THỬ CHÚA?

Đức Giê-su biết họ giả hình, nên Người nói: “Tại sao các người lại thử tôi? Đem một đồng bạc cho tôi xem!” (Mc 12,15)

Suy niệm: Sau nhiều lần “hỏi để thử Chúa” bất thành, những người Pha-ri-sêu bắt tay với phe Hê-rô-đê âm mưu gài bẫy Chúa Giê-su để gán ghép Ngài vào tội chính trị: “Có được phép nộp thuế cho Xê-da không?” Đối với Chúa, âm mưu đó chỉ là ‘lấy vải thưa mà che mắt thánh’; Ngài biết rõ sự giả hình của họ nên đã chất vấn ngược lại họ: “Tại sao các người lại thử tôi?” Câu trả lời tài tình của Chúa không chỉ bẻ gẫy âm mưu của họ mà còn ‘nhắc khéo’ họ đừng quên họ còn có nghĩa vụ đối với Thiên Chúa: “Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.” Tất cả những gì họ có, và cả sự hiện hữu của họ cũng là do Thiên Chúa, Đấng tạo thành, ban cho họ. Chính họ phải trả về cho Chúa những gì thuộc về Ngài chứ không phải là bày mưu tính kế thử thách Đức Giê-su, Đấng Thiên Chúa sai đến.

Mời Bạn: Có thể bạn không “hỏi để thử Chúa” để gài bẫy Chúa, nhưng hẳn rất nhiều lần bạn đặt ra những vấn nạn, để đòi hỏi quyền lợi này hoặc tránh né nghĩa vụ kia đối với Chúa và tha nhân. Bạn biết rằng những gì bạn có là bởi Chúa ban cho bạn, và Chúa vẫn tiếp tục ban cho bạn những ân huệ thiêng liêng qua Lời Chúa và Thánh Thể. Bạn được mời gọi sử dụng ân huệ Chúa ban đó để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân.

Sống Lời Chúa: Thường xuyên đọc lời nguyện tắt: “Lạy Chúa, Chúa đã ban cho con tất cả; con xin dâng cho Chúa tất cả.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cả cuộc đời của con là ân ban của tình thương Chúa. Xin giúp con biết dùng ơn Chúa ban để hiến thân phục vụ tha nhân trong yêu thương và quảng đại. Amen.

 

THỨ TƯ 05/06/24 -TUẦN 9 TN                                        Mc 12,18-27

Thánh Bô-ni-phát, giám mục, tử đạo

CHÚA CỦA KẺ SỐNG

“Người phán : ‘Ta là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, và Thiên Chúa của Gia-cóp’. Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống. Các ông lầm to!” (Mc 12, 26-27)

Suy niệm: Đối với nhiều người, sống chỉ là cố gắng duy trì hơi thở trong thân xác này; nếu chỉ sống như thế thì không khác gì họ đã chết. B. Franklin nói về họ rằng: “Một số người chết ở tuổi 25 nhưng mãi đến 75 tuổi mới được chôn cất.” Ngược lại, có những người bước vào cuộc sống vĩnh cửu mà những người thuộc nhóm Xa-đốc lại chối bỏ vì họ “chủ trương không có sự sống lại”. Chúa Giê-su phản bác họ cách mạnh mẽ: “Các ông đã lầm to!” bởi vì Thiên Chúa mà họ tôn thờ là Chúa của Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp, Ngài là Đấng hằng sống và là “Chúa của kẻ sống chứ không phải của kẻ chết”, điều đó có nghĩa là các tổ phụ của họ vẫn đang sống.

Mời Bạn: Đối với người Ki-tô hữu hôm nay, sự sống đích thực không chỉ được nhận biết ở người còn thở, tim còn đập mà là sự sống thần linh của Đức Ki-tô phục sinh mà họ lãnh nhận trong bí tích Rửa tội, như lời thánh Phao-lô nói: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20). Nếu bạn đã mang trong mình sự sống đó, thì đừng đánh mất nó vì tội lỗi; trái lại hãy nuôi dưỡng sự sống ấy bằng Lời Chúa Ki-tô và chính Mình Máu Ngài để nhờ đó bạn “được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).

Sống Lời Chúa: Hôm nay, mỗi khi làm việc gì, chúng ta hãy ý thức Chúa đang thực sự sống trong ta.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Đấng ban sự sống, xin cho con luôn nhớ Chúa đang sống trong con, để con luôn sống cho Chúa mọi phút giây đời con. Amen.

 

THỨ NĂM 06/06/24 – TUẦN 9 TN                                    Mc 12,28b-34

Thánh Nô-be-tô, giám mục

CHỈ MỘT GIỚI RĂN YÊU THƯƠNG

“Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” (Mc 12,33)

Suy niệm: Để đáp lại chất vấn của các kinh sư “trong các giới răn, giới răn nào đứng đầu”, Đức Giê-su tái khẳng định điều đã được truyền dạy trong Cựu Ước, đó là yêu mến Chúa trên hết mọi sự (x. Dnl 6,5) và yêu người thân cận như chính mình (x. Lv 19,18). Có vẻ như Đức Giê-su không đặt ra điều gì mới, ngoài việc đem hai giới răn ấy đặt gần lại với nhau. Nhưng thực ra Ngài nhấn mạnh và làm mới hai điều răn này bằng việc xác định: “Không còn điều răn nào khác quan trọng hơn hai điều răn đó” (Mc 12,31). “Mến Chúa, yêu người,” không có điều răn nào khác quan trọng hơn, điều đó có nghĩa là hai điều răn đó, như hai mặt của đồng xu, không thể tách rời nhau, đến độ cả hai chỉ là một giới răn duy nhất: giới răn yêu thương.

Mời Bạn: “Kính mến Chúa trên hết mọi sự” chính là thờ phượng Ngài. Nhưng bạn không thể yêu mến Thiên Chúa mà không yêu thương tha nhân, như thánh Gio-an đã nói: “Ai không yêu thương anh em mà họ không trông thấy thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4,20). Khi bạn biết lắng nghe, cảm thông, chăm sóc tha nhân bằng tình bác ái huynh đệ, bạn đang tuân theo lời Chúa dạy và yêu mến Thiên Chúa hiện diện nơi họ.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày nhắc mình xác tín Chúa hiện diện nơi tha nhân và phục vụ họ hết lòng như phục vụ Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa dạy chúng con điều răn riêng của là yêu thương nhau như Chúa yêu thương chúng con. Xin giúp chúng con thực thi điều răn ấy để chúng con thực sự là môn đệ Chúa. Amen.

 

THỨ SÁU 07/06/24 – TUẦN 9 TN                                        Ga 19,31-37

Thánh Tâm Chúa Giê-su

Ngày thế giới xin ơn thánh hoá các linh mục

YÊU ĐẾN MỨC CHO ĐI TẤT CẢ

Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì máu cùng nước chảy ra. (Ga 19,34)

Suy niệm: “Bạn mới cho đi ít thôi khi bạn chỉ cho những gì bạn có. Khi bạn cho đi chính mình, bạn mới cho đi thực sự” (Kahlil Gibran). Món quà có giá trị nhất là trao ban cả sự sống của chính mình. Chúa Giê-su đã trao ban cho chúng ta món quà quý giá đó: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Ngài không chỉ chịu đóng đinh, chịu chết để cứu chuộc chúng ta, mà trên thập giá, Ngài còn chịu đâm thâu trái tim để, dù đã chết, Ngài vẫn trao ban cho chúng ta cả những giọt máu và nước cuối cùng. Bức ảnh “Thánh Tâm” với bàn tay Chúa cầm trái tim mình bên ngoài lồng ngực hẳn là bao hàm ý nghĩa đó.

Mời Bạn: Ngày lễ kính Thánh Tâm Chúa cũng là ngày “Thế giới xin ơn thánh hóa các linh mục”. Mọi Ki-tô hữu được mời gọi hiệp ý cầu nguyện cho các linh mục, để các ngài, là hiện thân của Chúa Ki-tô Linh mục, cũng mang trong mình Trái Tim Chúa Giê-su để hiến thân phụng sự thân thể của Ngài là Giáo hội cho đến hơi thở cuối cùng. Và nhờ đó, mọi tín hữu là những chi thể của Chúa Ki-tô cũng trở thành chứng nhân tình yêu của Trái Tim Chúa biết hy sinh quên mình phục vụ tha nhân.

Sống Lời Chúa: Thường xuyên nguyện tắt: Lạy Rất Thánh Trái Tim Chúa Giê-su, xin Chúa uốn lòng chúng con nên giống Trái Tim Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Thánh Tâm Chúa Giê-su, xin cho chúng con cảm nhận thật sâu sắc tình yêu Thánh Tâm Ngài để chúng con có thể thông truyền tình yêu Chúa cho người khác. Amen.

 

THỨ BẢY 08/06/24 – TUẦN 9 TN                                          Lc 2,41-51                

Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ

MA-RI-A, MẪU GƯƠNGCẦU NGUYỆN VÀ LẮNG NGHE

Đức Ma-ri-a hằng ghi nhớ tất cả nhũng điều ấy trong lòng. (Lc 2,41-51)

Suy niệm: Câu chuyện Ma-ri-a và Giu-se lạc mất Chúa ở Giê-ru-sa-lem cho phép chúng ta cảm nhận hai nhân vật vĩ đại này rất gần gũi với chúng ta, cách riêng trong sự kiện “ông bà không hiểu lời Người vừa nói”. Hành trình đức tin của Ma-ri-a và Giu-se không phải luôn luôn hoàn toàn dễ dàng, hoàn toàn sáng sủa. Lạc mất Chúa đã là một thử thách, nhưng gặp Chúa mà lại không hiểu được Ngài, càng là một thử thách nặng nề hơn. Trong hành trình đức tin, chúng ta dù có lặn lội vất vả để tìm Chúa nhưng nếu như chúng ta chưa hiểu được ý Chúa trong biến cố này, trong sự kiện kia… thì chúng ta cũng chưa thực sự gặp Ngài. Chính những lúc đó, ta cần phải đặc biệt nhìn ngắm Đức Ma-ri-a và học lấy thái độ của người tiếp tục tìm kiếm ý Chúa bằng cách “hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” và suy niệm.

Mời Bạn: Nhìn lại cuộc sống mình với biết bao biến cố, sự kiện đã xảy ra trong quá khứ mà ngay lúc đó bạn không hiểu. Phải chăng với thời gian, bạn dần dần được soi sáng? Và bạn nhận ra mình đã từng có những cách giải thích và những thái độ không đúng đắn? Phải chăng bạn càng xác tín hơn rằng mình cần học nơi Đức Ma-ri-a tinh thần cởi mở lắng nghe và chiêm niệm sâu sắc để đời sống đức tin của mình được phong phú hơn? Mời bạn xem xét bạn cần có những điều kiện nào để có thể lắng nghe và hiểu ý Chúa hơn.

Sống Lời Chúa: Tập thói quen cuối mỗi ngày có những phút hồi tâm cầu nguyện.

Cầu nguyện: Đọc hoặc hát: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa. Thần trí tôi hớn hở vui mừng, vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.”