5 Phút cho Lời Chúa ngày 07/07 – 13/07/24

07/07/24 Chúa Nhật tuần 14 tn – b
Mc 6,1-6 

tin buồn trong tin mừng

“Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a và là anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao?” (Mc 6,3)

Suy niệm: Trong các sách Tin Mừng có khi cũng chứa đựng cả tin buồn nữa. Tin Mừng Mác-cô kể những người đồng hương với Chúa Giê-su đã ‘đóng chặt’ Ngài trong cái khung là “bác thợ mộc, con bà Ma-ri-a và là anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-mon”, những người hàng ngày ‘mặt chạm mặt’ với họ tại làng quê Na-da-rét. Họ mang nặng thành kiến ‘bụt nhà không thiêng’ nên chỉ coi Chúa là người bình thường như họ. Họ không thể nhận ra Vị Thiên Chúa nhập thể làm người đang ẩn giấu vinh quang nơi con người Giê-su mà họ được sống gần gũi suốt mấy chục năm qua. “Tin Mừng trọng đại cho toàn dân” trong ngày Chúa giáng sinh (x. Lc 2,10-11), tiếc thay lại là một tin buồn cho họ: Chúa sẽ than khóc cho họ như Ngài khóc thương cho Giê-ru-sa-lem vì họ “không nhận biết thời giờ họ được Thiên Chúa viếng thăm” (x. Lc 19,44).

Mời Bạn: Lời Chúa có phải là Tin Mừng cho bạn chưa? Kinh nghiệm về sai lầm do thành kiến của dân làng Na-da-rét dạy chúng ta đừng đánh giá một ai dựa vào thành kiến chủ quan. Hãy nhớ rằng bạn là con người có giới hạn, bạn rất có thể sai; đồng thời, cũng nhớ rằng người khác là một bí nhiệm, bạn không thể biết hết về họ. Ngược lại, bạn hãy có cái nhìn tích cực nơi tha nhân, đó là nhìn thấy nơi tha nhân có Chúa hiện diện, hay nói cách khác, làm cho Chúa được tỏ hiện nơi tha nhân.

Sống Lời Chúa: Tập có cái nhìn và phán đoán tích cực về tha nhân.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con  nhìn thấy Chúa nơi tha nhân, để nhờ đó con nhìn thấy điều tốt đẹp nơi họ.

 

08/07/24 thứ hai tuần 14 tn
Mt 9,18-26 

ki-tô hữu trên sân khách

Đức Giê-su đến nhà viên thủ lãnh; thấy phường kèn và đám đông xôn xao, Người nói: “Lui ra! Con bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” Nhưng họ chế nhạo Người. Khi đám đông bị đuổi ra rồi, thì Người di vào, cầm lấy tay con bé, nó liền chỗi dậy. (Mt 9,23-26)

Suy niệm: Thi đấu trên sân khách là một thử thách lớn cho các cầu thủ. Tiếng hò la của đám đông ở khán đài không chỉ làm phấn khích tinh thần đội nhà mà còn uy hiếp tinh thần của đối phương. Điều đó được chứng nghiệm nơi tâm trạng của các cầu thủ khi thi đấu tại Nam Phi, phải đối phó với tiếng kêu inh ỏi của rừng kèn vuvuzela. Ki-tô hữu thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng cũng có cảm giác giống như đang đá banh trên sân khách. Họ phải chịu áp lực nặng nề của người đời như sự thờ ơ, lời chế nhạo, hăm dọa v.v… Điều đó khiến không ít người thoái thác việc truyền giáo, thậm chí hổ thẹn tỏ dấu mình là Ki-tô hữu. Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II nhắc nhở: “Chúng ta đừng bao giờ hổ thẹn về Tin Mừng và đừng sợ loan báo rằng chúng ta là Ki-tô hữu.” Lời kêu gọi đó phản ánh thái độ của Đức Giê-su trước đám đông chế nhạo Ngài hôm ấy, Ngài vẫn làm phép lạ để tôn vinh Danh Chúa và cứu rỗi con người.

Mời Bạn: Có bao giờ bạn cảm nghiệm được sự bình an tâm hồn sau khi tỏ dấu mình là Ki-tô hữu chưa? Hoàn cảnh không thuận tiện có làm cho Ki-tô hữu tăng triển lòng tin, cậy, mến không?

Sống Lời Chúa: Bạn sẵn sàng tỏ dấu mình là Ki-tô hữu và sống như người Ki-tô hữu dù gặp thuận tiện hay không.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa nói: ai tuyên xưng Chúa trước mặt người đời, Chúa sẽ tuyên xưng họ trước mặt Chúa Cha. Xin Chúa cho chúng con được sống giây phút hạnh phúc ấy.

 

09/07/24 thứ ba tuần 14 tn
Th. Augustinô Dao Rong và các bạn tử đạo
Mt 9,32-38
 

giáo dục cái tâm

Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng. (Mt 9,36)

Suy niệm: “Sẽ là sỉ nhục tôi, nếu hỏi tôi định giá Viện Tim là bao nhiêu.” Vâng, chỉ một câu nói thôi, nhưng đã gói ghém cả tấm lòng, tình thương, và trách nhiệm của bác sĩ A. Carpentier, người đã sáng lập Viện Tim ở Sài Gòn. Cũng vậy, chỉ một câu Tin Mừng ngắn gọn (9,36), Mát-thêu đã diễn tả trọn vẹn tấm lòng, tâm tình, và trách nhiệm của Đức Giê-su với đám đông vô danh. Trước tình cảnh cùng khốn của dân chúng, trái tim Ngài thổn thức, xúc động mãnh liệt; lòng trắc ẩn thương cảm sâu đến tận đáy lòng. Đám đông lầm than vất vưởng vì bị hướng dẫn do những nhà lãnh đạo tôn giáo vô tâm, bị cai trị do những quan chức tham lam, tàn bạo. Đó cũng là tình cảnh của đám đông dân chúng ngày nay tại nhiều nơi.

Mời Bạn: Mọi điều đáng tiếc và đáng sợ nơi con người và xã hội thời nay đều phát xuất từ tình trạng thiếu tình yêu hay yêu không đúng đắn. Do đó, liệu pháp cần thiết là giáo dục trái tim hay cái tâm của con người (ĐTC Bê-nê-đi-tô XVI). Mời bạn chú tâm giáo dục trái tim mình nên giống Trái Tim Chúa qua tâm tình chạnh lòng thương trước nỗi khổ của người khác.

Chia sẻ: Người Ki-tô hữu có thể làm những việc cụ thể nào để giảm nhẹ đau khổ của đám đông dân chúng hiện nay?

Sống Lời Chúa: Tập chạnh lòng thương qua việc không bằng lòng khi mình sở hữu quá nhiều, đang khi người chung quanh quá thiếu thốn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cảm tạ Chúa đã chạnh lòng thương truớc nỗi khổ của chúng con. Xin cho chúng con biết giáo dục trái tim mình nên giống Trái Tim Chúa hơn. Amen.

 

10/07/24 thứ tư tuần 14 tn
Mt 10,1-7 

chữa lành bệnh linh hồn

Chúa Giê-su gọi mười hai môn đệ lại, ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. (Mt 10,1)

Suy niệm: Sự thường khi cơ thể có vấn đề, ai cũng lo lắng và mau mắn tìm đến thầy thuốc để chữa bệnh. Nếu hiểu bệnh tật là những gì làm ảnh hưởng đến sức khoẻ thể xác lẫn tinh thần, thì tội lỗi cũng là thứ ‘vi-rút’ làm tác hại đến sức khoẻ linh hồn của con người. Nói cách khác tội lỗi cũng là bệnh, bệnh hiểm nghèo nữa là khác. Thế nhưng có nhiều người mang trong mình căn bệnh ‘tội lỗi’ mà lại ít khi lo lắng và mau mắn để chữa trị. Chúa Giê-su khi chữa lành bệnh tật thường nói thêm “Tội con đã được tha;” Ngài cho thấy bệnh tật phần xác như một dấu chỉ của tội lỗi là bệnh tật phần hồn. Khi giao cho các môn đệ quyền chữa lành bệnh hoạn tật nguyền, –sau khi phục sinh, Chúa còn nói rõ Ngài trao cho các ông quyền tha tội,– Chúa Giê-su muốn giao cho các ông sứ mạng tiêu diệt tận căn của bệnh tật tâm hồn là thứ ‘vi-rút’ tội lỗi.

Mời Bạn: Bạn có nhận thức được tội lỗi len lỏi trong tâm hồn mình và mau mắn đến với Bí tích Giao Hoà như khi cơ thể bạn mang bệnh chưa, hay cũng chỉ đợi có dịp lễ trọng mới đến nhận lãnh? Hơn nữa bạn có nhận thức rằng sống và làm chứng cho những giá trị Tin Mừng là phương thuốc tăng lực ngăn ngừa nhiễm thứ ‘vi-rút’ tội lỗi không?

Sống Lời Chúa: Năng lãnh Bí tích Giao Hoà để linh hồn được lành mạnh.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã cho chúng con thấy những giá trị cao cả của Nước Trời. Xin đừng để chúng con xa lìa những giá trị ấy khi cứ sống trong tội lỗi, nhưng cho chúng con biết năng chạy đến với Bí tích Giao Hoà để tâm hồn được Chúa chữa lành. Amen.

 

11/07/24 thứ năm tuần 14 tn
Th. Bê-nê-đi-tô, viện phụ
Mt 10,6-15
 

một mệnh lệnh bắt buộc

Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Anh em hãy loan báo rằng triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Hãy chữa lành người đau yếu… khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.” (Mt 10,7-8)

Suy niệm: Ta thường cho rằng những lời trên đây là những lời khuyên, muốn làm cũng được, không thích cũng chẳng sao. Đang khi ấy, đây là mệnh lệnh bắt buộc. Đức Giê-su như vị chủ tướng truyền lệnh cho binh sĩ trước khi xung trận, như nhà vua truyền lệnh cho quần thần, như thầy giáo ra bài cho học trò, như một người kêu cầu bạn bè trợ giúp. Đàng nào cũng là những mệnh lệnh phải làm và phải làm ngay. Quả thực, mệnh lệnh truyền giáo, rao giảng Tin Mừng là lệnh truyền vừa khẩn cấp, vừa bắt buộc và áp dụng cho mọi người. Có lẽ ta đã quá quen với việc khoán trắng lệnh này cho các linh mục, tu sĩ, mà quên mất đây là lệnh truyền mỗi người giáo dân.

Mời Bạn sửa đổi lại một cách nhìn của về bổn phận của người Ki-tô hữu: bổn phận rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho người chung quanh. Đức Giê-su mời gọi bạn thi hành bổn phận này bằng hai cách: lời nói giới thiệu về Nước Trời và việc làm phục vụ cụ thể. Bạn sẽ nói gì, làm gì để giới thiệu Đức Giê-su cho những người đang sống quanh bạn?

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ bắt đầu thi hành bổn phận này bằng cách giới thiệu con người và công trình của Đức Giê-su cho một người bạn chưa biết Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con xin cảm tạ Chúa đã tin tưởng giao phó việc rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho chúng con. Chúng con hứa sẽ giới thiệu Chúa cho người khác bằng lời nói và việc làm tốt đẹp của chúng con. Amen.

 

12/07/24 thứ sáu tuần 14 tn
Mt 10,16-33 

can đảm trong mọi thử thách

“Này, Thầy sai các con đi như chiên vào giữa bầy sói.” (Mt 10,16)

Suy niệm: Chúa Giê-su đã có lần báo trước con đường thập giá Ngài phải trải qua. Và nay đã đến lúc Chúa thẳng thắn nói đến những đau khổ thử thách sẽ xảy đến với các môn đệ. Vâng, bách hại là số phận không thể tránh được của các môn đệ. Các ông phải đối diện nhiều thử thách khi đi theo Chúa Giê-su. Chẳng hạn: thánh Tê-pha-nô bị bách hại và ném đá chết tại Giê-ru-sa-lem, hoặc thánh Phao-lô bị cầm tù, rồi tử vì đạo. Tuy nhiên, dù thử thách đến đâu và bị bách hại thế nào, các môn đệ vẫn luôn trung thành với Chúa cho đến cùng, như thánh Phao-lô đã nói: “Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Chúa Giê-su, để sự sống của Chúa Giê-su cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi” (2Cr 4,10).

Mời Bạn: Có cuộc sống nào mà không có thách đố? “Nếu có ai cho tôi một cuộc sống không gặp trở ngại nào thì hấp dẫn thật đấy, nhưng tôi sẽ khước từ vì khi ấy tôi sẽ không còn học được điều gì từ cuộc sống nữa” (Allyson Jones). Còn bạn, bạn có cảm thấy sợ hãi trước những đau khổ đang diễn ra trong cuộc sống mình không? Bạn có chắc là bạn đang đi theo Chúa Giêsu và cố gắng “vác” lấy những gánh nặng ấy trong niềm xác tín: “Ơn Thầy đủ cho con”?

Chia sẻ: Phản ứng của bạn khi gặp đau khổ, thử thách: né tránh, oán trách Chúa, hay đón nhận như cái giá người môn đệ của Đấng chịu đóng đinh?

Sống Lời Chúa: Đón nhận đau khổ của ngày hôm nay, như một cách sống tư thế môn đệ trung thành của Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa  báo trước ai theo Chúa sẽ gặp những đau khổ bách hại. Xin giúp chúng con ghi nhớ để luôn trung thành với Chúa.

 

13/07/24 thứ bảy tuần 14 tn
Th. Hen-ri-cô
Mt 10,24-33
 

“đừng sợ”… nhưng “hãy sợ”

“Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục.” (Mt 10,28)

Suy niệm: Các loài vật trốn chạy mỗi khi có mối nguy hiểm đe doạ tính mạng, nhưng khi bị dồn đến đường cùng chúng lại dám liều chết để chống lại mối đe doạ đó. Chính bản năng sinh tồn thúc đẩy chúng lúc nào biết sợ, lúc nào không biết sợ trước những mối đe doạ tới sự sống còn của chúng. Sự sống còn của người Ki-tô hữu cũng hệ tại ở việc nhận biết điều gì đáng sợ, điều gì không đáng sợ trong cuộc sống của mình. Không đáng sợ là những gì “chỉ giết được thân xác mà không giết được linh hồn.” Ngược lại, những gì có thể làm cho cả hồn lẫn xác phải tiêu vong mới là điều đáng sợ.

Mời Bạn: Bao thế hệ Ki-tô hữu, trong đó có cả cha ông chúng ta đã để lại tấm gương can đảm của những người không sợ hãi trước những kỳ thị, bách hại và kể cả cái chết nhưng lại rất sợ tội lỗi là cái còn tệ hại hơn cả cái chết. Phần bạn, bạn đang sợ hãi điều gì? Phải chăng là bệnh tật, đói khát, tai nạn, thậm chí cái chết? Nhưng bạn ơi, những thứ đó “chỉ giết được thân xác chứ không giết được linh hồn”! Chính cuộc sống hưởng thụ ích kỷ, chiều theo đam mê, dục vọng mới là những điều đáng sợ. Mời bạn đặt trọn niềm xác tín vào Chúa để dũng cảm sống làm chứng nhân Tin Mừng và cũng dũng cảm khước từ mọi cám dỗ tội lỗi.

Sống Lời Chúa: Noi gương thánh trẻ Đaminh Saviô, cam kết với Chúa: “thà chết chẳng thà phạm tội.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con biết “đừng sợ” những người “chỉ giết được thân xác”, nhưng xin giúp con “biết sợ” tội để con luôn bước đi trong đường lối của Ngài.