5 Phút cho Lời Chúa ngày 13/10 – 19/10/24

13/10/24 chúa nhật tuần 28 tn – b

Mc 10,17-30 

“đi đạo” là theo Đức ki-tô

“Hãy đến theo tôi.” (Mc 10,21)

Suy niệm: “Đi đạo” Công Giáo hệ tại điều gì? Anh em lương dân nhìn vào các tín hữu Công Giáo đặt ra câu hỏi đó; nhưng chính mỗi người tín hữu cũng phải tự đặt ra cho mình câu hỏi đó. Chúa Giê-su dạy chúng ta rằng “đi đạo” không hệ tại giữ các điều răn giới luật, làm lành lánh dữ (anh em lương dân cũng giữ những điều ấy); cũng không hệ tại từ bỏ tất cả những gì vốn rất thiết thân với cuộc sống (có những người sẵn sàng bỏ mọi sự để theo đuổi một lý tưởng); mà “đi đạo” thiết yếu là “đi theo Chúa,” đi theo Đấng là “TẤT CẢ” của đời mình. Đi đạo chính là thiết lập mối tương quan gắn bó mật thiết giữa ta với Chúa. Chỉ có Ngài là trên hết và trước hết mọi sự. Nào chúng ta chẳng đọc: “Thứ nhất: thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự” đó sao?

Mời Bạn: Nhiều khi chúng ta cứ lầm tưởng “đi đạo” là để được ơn này, ơn kia, kể cả để được hưởng phúc thiên đàng. Chúng ta đừng để mình bị chi phối bởi quan niệm “đi đạo” để được lợi lộc vật chất đời này đời sau.

Chia sẻ: Xem lại mỗi khi cầu nguyện, ta thường xin gì với Chúa? Đúng hơn, đừng xin điều này điều nọ, ơn này ơn kia…, mà là xin được chính Chúa.

Sống Lời Chúa: Xác tín như thánh  Phao-lô: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người” (Pl 3,8-9).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, ước gì Chúa luôn là Tất Cả của đời con, Chúa luôn là lời đáp trả đầu tiên và cuối cùng của con trong mọi vấn đề, về mọi sự việc, và với mọi người. Amen.

 

14/10/24 Thứ hai tuần 28 tn
Th. Ca-lít-tô I, giáo hoàng, tử đạo
Lc 11,29-32

 

để có đức tin

“Xưa dân Ni-ni-vê đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa.” (Lc 11,32)

Suy niệm: Người Do Thái đòi dấu lạ từ Đức Giê-su, nhưng Chúa cho biết chỉ có dấu lạ Giô-na, mà dấu lạ đó báo trước chính Ngài mới dấu lạ đích thực, dấu lạ lớn “còn hơn ông Giô-na nữa”. Tiên tri Giô-na “ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm”, rồi đến rao giảng cho dân thành Ni-ni-vê, để rồi từ vua quan cho đến thứ dân đều sám hối và nhận được ơn tha thứ. Dấu lạ Giô-na báo trước “Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy” (x. Mt 12,40). Đức Giê-su được Chúa Cha sai đến, làm nhiều phép lạ và rao giảng sám hối để được cứu độ nhờ tin vào Ngài. Việc Ngài phục sinh từ cõi chết là dấu lạ tối thượng. Dấu lạ có đó nhưng người Do Thái coi như không có. Chính vì thái độ cao ngạo cứng lòng mà họ không thể nhận biết Vị Thiên Chúa tự hủy mình để cứu độ con người. Cần có tâm hồn đơn sơ và khiêm tốn để nhận ra Đức Giê-su chính là vị Thiên Chúa đến trong trần gian để cứu độ trần gian.

Mời Bạn: Để có niềm tin, thánh Bô-na-ven-tu-ra khuyên: “Bạn hãy hỏi ơn thánh chứ đừng hỏi kiến thức, hãy hỏi lòng khao khát thâm sâu chứ đừng hỏi lý trí, hãy hỏi Thiên Chúa chứ đừng hỏi người phàm… [bởi vì Ngài là] ngọn lửa đốt cháy cả con người và đưa lên con người lên tới Ngài bằng ân phúc chứa chan và tình mến yêu nồng nàn”.

Sống Lời Chúa: Bạn cần có lòng sám hối trong khiêm tốn trước khi thưa với Chúa: “Lạy Chúa, xin ban thêm lòng tin cho con.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết bình tâm đặt mình trước nhan Chúa, lắng nghe Chúa nói trong tâm hồn và thêm lòng tin yêu Chúa. Amen.

 

15/10/24 THỨ BA TUẦN 28 TN
Th. Tê-rê-sa Giê-su, trinh nữ, tiến sĩ HT
Lc 11,37-41

 

CHỮA TẬN CĂN

Đức Giê-su nói: “Nhóm Pha-ri-sêu các người, bên ngoài chén đĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà… Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người”. (Lc 11,39.41)

Suy niệm: Người ta thường nói: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn.” Nhưng giới Pha-ri-sêu thì không nghĩ như vậy. Họ trau chuốt bên ngoài bằng việc giữ luật cách chi li để tỏ ra mình đạo đức. Chúa Giê-su trách họ chăm chút “rửa sạch chén đĩa bên ngoài” nhưng trong lòng thì “đầy những chuyện cướp bóc gian tà.” Nhưng nhân đức phải phát xuất tự nội tâm và không được “xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa” (x. Lc 11,42); bởi Thiên Chúa là “Đấng làm ra cái bên ngoài” cũng là “Đấng làm ra cái bên trong”.

Mời Bạn: Những nghi thức, việc làm bên ngoài, tự chúng, không phải là xấu. Nhưng khi chúng thiếu đi điều thiết yếu bên trong là công bình và bác ái, thì những việc làm đó trở thành vô nghĩa. Thánh Phao-lô ca ngợi lòng bác ái đã nói: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1Cr 13,3). Và thánh Au-gút-ti-nô cũng nói mạnh không kém: “Hãy yêu rồi làm gì thì làm.”

Sống Lời Chúa: Hôm nay tôi quyết tâm làm những việc nhỏ nhưng với tất cả tấm lòng yêu mến.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết thanh luyện nội tâm bằng những việc lành phúc đức và siêng năng kín múc ân sủng từ nơi Chúa để đời sống chúng con thực sự ngát hương bác ái cho đời. Amen.

 

16/10/24 Thứ tư tuần 28 tn
Th. Ma-ga-ri-ta A-la-cốc, trinh nữ
Lc 11,42-46

 

sống công bằng và yêu mến

“Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương và đủ thứ rau cỏ, mà xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa.” (Lc 11,42)

Suy niệm: “Không ít bạn trẻ vì muốn ‘long lanh’ hơn dưới mát bạn bè đã khoác lên mình nhiều loại ‘nước sơn’ vật chất dễ dàng ‘bong tróc’,” Thái Bình nhận định trên báo Tuổi Trẻ như thế. Không chỉ các bạn trẻ mà nhiều người ngày nay cũng sính mua sắm hàng hiệu, xe đời mới, điện thoại di động đắt tiền, v.v… để khẳng định mình là đẳng cấp khác biệt, là sành điệu. Ngay cả trong đời sống tôn giáo, nhiều người cũng có xu hướng chuộng hình thức, làm đầy đủ các nghi lễ bề ngoài rình rang cho mọi người thấy: đi nhà thờ đều đặn, thường xuyên đọc Kinh Thánh, lần hạt, làm việc bác ái… nhưng bên trong tâm hồn họ có thể là tối tăm như địa ngục, có thể là thiếu hẳn tình yêu thương và đức công bình, bởi lẽ tâm hồn họ chất chứa tính kiêu ngạo, khinh người, đối xử bất công với đồng loại… Chúa đã lên án lối sống vụ hình thức đó, và đề cao một lối sống công bình và yêu thương phục vụ.

Mời Bạn: Biết bao lần bạn đã vô tình hay cố ý chạy theo trào lưu xã hội chuộng hình thức bên ngoài; còn việc sống đạo thì chỉ dừng lại ở mức tối thiểu: làm cho vừa đủ những điều khoản luật buộc mà thôi. Nếu như thế bạn đã bỏ quên căn tính cốt lõi của lề luật là công bình và yêu thương rồi đó.

Sống Lời Chúa:  Xác tín việc thực thi công bình và phục vụ trong yêu thương là cốt lõi của việc sống đạo và loan báo Tin Mừng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết sống quảng đại, biết phụng sự Chúa cho xứng đáng, biết cho đi mà không cần tính toán. Amen.

 

17/10/24 Thứ năm tuần 28 tn
Th. I-nha-xi-ô, giám mục An-ti-ô-ki-a, tử đạo
Lc 11,47-54

 

học để hành

“Các ngươi đã cất dấu chìa khóa của sự hiểu biết, các ngươi đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các ngươi lại ngăn cản.” (Lc 11,52)

Suy niệm: Chúa Giê-su vạch rõ những điều sai trái, giả hình của những người Pha-ri-sêu và luật sĩ bằng những lời khiển trách gay gắt, nặng nề, khó nghe: “Khốn cho các người”. Đúng như câu nói: “Thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng”, lời nói ngay thật như thuốc đắng, thường khó nghe, nhưng có vậy mới mong chữa bệnh tận căn. Các thầy thông luật vốn dĩ hiểu biết rất rõ về Lề Luật, nhưng họ cố tình bẻ cong luật Chúa để giải thích theo ý họ và và biến Lề luật thành “ách nặng nề” bởi những luật lệ do chính họ đặt ra, thậm chí “họ bãi bỏ điều răn của Chúa mà duy trì truyền thống phàm nhân” (Mc 7,8). Chúa trách họ làm thế là “che dấu sự hiểu biết” khiến họ không hoán cải đã vậy mà cả những người nghe theo họ cũng không thể hoán cải nữa. Chính lòng ghen tỵ và óc tự mãn đã làm cho  họ bị tê liệt khả năng hoán cải đó.

Mời Bạn: Bạn nghĩ Chúa Giê-su có đang khiển trách bạn không? Có khi nào bạn nghe biết tiếng Chúa mà bạn không làm lại còn dạy người khác không làm hay không? Bạn nhớ Chúa cũng đang kêu gọi bạn: “Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa, các bạn đừng cứng lòng” (Tv 95,8).

Sống Lời Chúa: Chọn một việc bổn phận hằng ngày của bạn và thực hiện với ý chỉ cầu cho việc truyền giáo.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con luôn biết lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành, để con thực sự là người thân trong gia đình của Chúa và được Chúa chúc phúc, bây giờ và mãi đến muôn đời. Amen.

 

18/10/24 Thứ sáu tuần 28 tn
Th. Lu-ca, tác giả sách Tin Mừng
Lc 10,1-9

 

được gọi và được sai đi

Khi ấy, Chúa Giê-su chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. (Lc 10,1)

Suy niệm: “Tự bản chất, Giáo hội lữ hành là người được sai đi” (TG 1). Trong Giáo hội sứ mệnh của mọi người là truyền giáo. Chúa Giê-su sai 72 môn đệ cũng là sai mỗi một tín hữu ra đi loan báo Tin Mừng. Loan báo Tin Mừng không phải là việc mỗi người làm riêng lẻ, mà là của cả một mạng lưới, “cứ từng hai người một” thành một nhóm liên kết với nhau. Loan báo Tin Mừng không chỉ là truyền đi một thông tin nào đó, mà là tất cả một cuộc sống chứng tá về Ngài, Đấng đã chịu chết trên thập giá và đã sống lại để đem ơn cứu độ. Đó là cuộc sống hiền lành và thanh bần “không túi tiền, bao bị giày dép, không chào hỏi ai dọc đường”. Sứ điệp đầu tiên được đem đến là sự bình an: “Vào nhà nào, trước tiên hãy nói: Bình an cho nhà này”. Lúc đó tâm hồn người ta như mảnh đất đã cày bừa sẵn sàng đón nhận sứ điệp “Triều đại của Thiên Chúa đã đến gần”.

Mời Bạn: Bạn và tôi cũng đang được Chúa mời gọi đem Chúa đến cho anh chị em xung quanh, nơi trường học, xí nghiệp, thôn xóm, khu phố mà chúng ta hiện diện. Chúng ta làm chứng cho Chúa bằng chính cuộc sống của mình. Cuộc sống huynh đệ bác ái giúp chúng ta gắn kết và tạo động lực cho việc loan báo tin Mừng có sức thuyết phục con người thời đại hôm nay.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày một ý chỉ cầu nguyện cho việc loan báo Tin Mừng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con trở nên người tông đồ nhiệt thành dấn thân loan báo Tin Mừng ngay trong cuộc sống hằng ngày của con. Amen.

 

19/10/24 Thứ bảy tuần 28 tn
Th. Gio-an Brê-bớp, linh mục
Lc 12,8-12

 

thánh thần sẽ dạy anh em nói

“Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì.” (Lc 12,11)

Suy niệm: Đứng trước toà án quan Nghè Bộ, người thanh niên 19 tuổi vẫn “cả lòng, lại quyết mình không lầm, cứ nói rằng mình là bổn đạo thờ Chúa Trời Đất, dầu cách nào cũng không bỏ, lại sẵn sàng chịu mọi hình phạt, cả đến mất mạng sống nữa” (Ph. Bỉnh, Truyện Đàng Trão). Với những lời nói đó, người thanh niên ấy, chính là thầy giảng An-rê Phú Yên, đã hy sinh mạng sống để làm chứng đức tin. Những lời của thầy An-rê Phú Yên được cha Đắc Lộ ghi lại không phải là lời của phàm nhân mà là lời mà “Thánh Thần dạy anh em nói” khi phải ra trước mặt vua chúa quan quyền để làm chứng cho Chúa Ki-tô.

Mời Bạn: Chúng ta lãnh nhận Chúa Thánh Thần qua bí tích Thánh Tẩy, rồi được tăng cường qua bí tích Thêm Sức. Thánh Thần mà chúng ta lãnh nhận được tràn đầy qua ơn ban sung mãn mà truyền thống gọi là bảy ơn Chúa Thánh Thần. Nhưng đừng tưởng rằng ơn ban đó giống như một “bản đề cương” đầy đủ những lời giải đáp viết sẵn để có thể tuôn ra đối phó với bất kỳ câu hỏi nào. Thánh Thần chỉ nói thay cho chúng ta khi chúng ta sống trong ơn nghĩa Chúa và kết hiệp mật thiết với Ngài nhờ đời sống cầu nguyện và bí tích.

Sống Lời Chúa: Cầu nguyện riêng mỗi ngày và thường xuyên lãnh nhận bí tích Thánh Thể để Chúa Thánh Thần có thể hoạt động mạnh mẽ nơi bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, xin ở lại trong chúng con và ban tràn đầy ơn sủng của Người để chúng con can đảm tuyên xưng Đức Giê-su là Cứu Chúa của chúng con.