5 Phút cho Lời Chúa ngày 01/11 – 09/11/24

01/11/24 Thứ sáu đầu tháng tuần 30 tn
Các Thánh nam nữ
Mt 5,1-12a
 

hạnh phúc VÌ được chúc phúc

“Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.” (Mt 5,11-12)

Suy niệm: Với cặp mắt hoạ sĩ, Camille Pissarro nhận định: “Phúc cho những ai thấy được vẻ đẹp ở chốn đơn hèn mộc mạc mà những người khác lại không nhìn thấy gì.” Lời đó phản ảnh tâm trạng ngược lại của biết bao người dù có phúc nhận được muôn ơn lành từ Thiên Chúa mà vẫn nghĩ mình là người bất hạnh. Bài giảng “Tám mối phúc thật” cho thấy hạnh phúc không nằm sẵn trong chiếc rương thần từ trời rơi xuống, nhưng là lộ trình Chúa vạch ra gồm tám con đường dẫn tới hạnh phúc Nước Trời. Các thánh nam nữ là những người đã thực hiện thành công con đường “Bát Phúc” trong cuộc lữ hành trần thế của mình để giờ đây các ngài hưởng trọn vẹn hạnh phúc Nước Trời.

Mời Bạn: Chúa dạy chúng ta tám con đường nên thánh và Ngài mời gọi: “Anh em hãy nên thánh như Cha anh em trên trời là Đấng Thánh” (Mt 5,48). Các thánh nam nữ đã đáp lại lời mời gọi đó và dùng chính đời sống của các ngài minh hoạ con đường nên thánh và làm mẫu cho chúng ta. Thánh Phan-xi-cô Át-xi-di với con đường khó nghèo, thánh Tê-rê-xa với con đường thơ ấu thiêng liêng. Với ơn Chúa, bạn và tôi cũng phải và có thể nên thánh trên con đường “Bát Phúc” của chính mình. Mời bạn, chúng ta cùng nên thánh nhé!

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày bạn chọn một trong tám mối phúc để thực hiện trong từng lời nói và việc làm của bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con đã được thánh hoá cho Chúa nơi bí tích Rửa Tội. Xin giúp chúng thể hiện ơn thánh hoá đó trong đời sống chúng con.


02/11/24 Thứ bảy đầu tháng tuần 30 tn
Cầu cho các tín hữu đã qua đời
Ga 6,37-40 (Lễ I)

 

“chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”

“Tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời.” (Ga 6,40)

Suy niệm: Chúng ta thường nói “sinh ký tử quy”: sống ở đời này chỉ là “tạm trú”, chết là về cõi vĩnh hằng. Nhưng cõi vĩnh hằng là gì, đó mới là điều quan trọng. Chắc một điều là không ai mong chết rồi phải đi về một “cõi âm” im lìm lạnh lẽo, cõi mà “cô hồn các đẳng” sống vật vờ vất vưởng. Chúa Giê-su dạy chúng ta cõi vĩnh hằng ấy là cõi sống hạnh phúc tròn đầy và vĩnh viễn dành cho những ai tin vào Ngài, là Đấng đã chết để đền bù tội lỗi chúng ta và đã sống lại để dẫn đưa chúng ta vào sự sống đó. Chính trong niềm tin đó, chúng ta ca lên trong Kinh Hoà Bình: “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.

Mời Bạn: Hằng năm, Giáo Hội dành cả tháng 11 để cầu nguyện cho “các đẳng linh hồn” trong đó có ông bà tổ tiên, thân bằng quyến thuộc chúng ta đã qua đời đang phải chịu thanh luyện chưa được hưởng hạnh phúc tròn đầy ở cõi vĩnh hằng. Chúng ta còn đang sống ở chốn dương thế này, nhờ lòng tin vào Chúa Giê-su Ki-tô, nhờ tham dự thánh lễ, cầu nguyện, làm việc bác ái hy sinh, có thể chuyển cầu cho các vị sớm được hưởng hạnh phúc trên cõi vĩnh hằng ấy.

Chia sẻ: Nhiều người lương dân vẫn quan niệm rằng “đi đạo Công giáo là bỏ ông bỏ bà.” Việc kính nhớ, cầu nguyện cho ông bà tổ tiên trong Tháng Các Đẳng này có thể giúp xoá đi sự hiểu lầm đó không? Bằng cách nào?

Sống Lời Chúa: Viếng nhà thờ hoặc nghĩa trang cầu nguyện theo ý Giáo hội để chuyển cầu cho các đẳng linh hồn.

Cầu nguyện: Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ cho các đẳng linh hồn được vui sống muôn đời nơi Chúa.


03/11/24 chúa nhật tuần 31 tn – b
Mc 12,28b-34

 

đạo chúa là đạo yêu nhau

“Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” (Mc 12,33)

Suy niệm: Trong cuốn “Tản Mạn Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam” (nxb Tôn Giáo, 2008), cha Đỗ Quang Chính ghi lại bức thư của linh mục thừa sai Gaspar d’Amaral viết ngày 31/12/1632, trong đó cho biết “lương dân gọi bổn đạo là những người theo đạo yêu nhau” (tr. 61). Thật tuyệt vời! Đạo Chúa dạy đúng là đạo yêu nhau. Chúa Giê-su cho biết mọi giới răn của Ngài được tóm lại trong giới răn “mến Chúa, yêu người.” Gần 400 năm trước đây, các Ki-tô hữu cha ông chúng ta, đã sống trọn vẹn giới răn yêu thương của Chúa và trở thành chứng nhân mạnh mẽ đầy thuyết phục trước anh em lương dân.

Mời Bạn: Tiếc thay, 400 năm sau, không còn nghe thấy “lương dân gọi bổn đạo là những người theo đạo yêu nhau” nữa. Vì sao và từ bao giờ danh xưng ấy bị mai một vậy? Phải chăng vì các “bổn đạo” không còn thực thi giới răn mến Chúa yêu người nữa? Là hậu duệ của các bậc tiền nhân đáng kính đó, chúng ta phải thành tâm kiểm điểm mình đã sống đạo yêu nhau như thế nào: Gia đình, cộng đoàn chúng ta đã loại bỏ hết mọi ghen ghét, tỵ hiềm, xúc phạm lẫn nhau… để chân thành cảm thông và quan tâm phục vụ nhau chưa? Chúng ta đã biết nhận ra và đón nhận những người bé nhỏ nghèo hèn quanh ta đang cần sự cảm thông chia sẻ chưa?

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày một quyết tâm làm một việc phục vụ, dù âm thầm nhỏ bé, cho một người anh em bé mọn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con biết nhận ra Chúa nơi những anh chị em mà con gặp gỡ mỗi ngày, và cho con biết yêu thương họ như yêu mến Chúa.


04/11/24 Thứ hai tuần 31 tn
Th. Ca-rô-lô Bo-rô-mê-ô, giám mục
Lc 14,12-14

 

yêu thương vượt trên tất cả

“Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.” (Lc 14,13-14)

Suy niệm: Sống trên đời, khi có những dịp phải đãi tiệc, thì khách mời là “bạn bè, anh em, bà con hoặc láng giềng” cũng là chuyện bình thường. Chúa Giê-su cho thấy vấn đề ở chỗ có người chỉ mời những kẻ lắm của nhiều tiền “để được đáp lễ”. Từ nhận xét đó, Ngài dạy chúng ta hướng các việc đời thường, như mời tiệc, lên tầm mức cao cả của nhân đức bác ái, yêu thương. Yêu thương thì không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, cũng không tính toán kiểu ‘hòn đất ném đi, hòn chì ném lại’. Đức Giê-su dạy “hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù” để nhấn mạnh rằng yêu thương thì không loại trừ ai, và không mong chờ phần thưởng nào khác ngoài hạnh phúc vĩnh cửu đời sau.

Mời Bạn: Mẹ thánh Tê-rê-xa đã cúi mình phục vụ những người “nghèo nhất trong số những người nghèo”, những người bị xã hội loại bỏ, và Mẹ cảm nhận được hạnh phúc vì được phục vụ Chúa nơi họ. Càng cho đi một cách vô vị lợi, bạn sẽ càng nhận lãnh gấp trăm ngay ở đời này phần thưởng mà bạn sẽ lãnh nhận cách trọn vẹn “trong ngày các kẻ lành sống lại”.

Sống Lời Chúa: Bạn hãy là người đi bước trước trong việc thực hành bác ái mà không tính toán thiệt hơn. Và bạn dâng việc lành đó để cầu nguyện cho các đẳng linh hồn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa muốn con sống bác ái, cho đi cách vô vị lợi. Xin Chúa giúp con sống quảng đại với hết mọi người, nhất là những người thấp cổ bé miệng, những người đau khổ để đáp lại lời Chúa mời gọi. Amen.


05/11/24 Thứ ba tuần 31 tn
Lc 14,15-24

 

tìm CÁCH thay vì lý do

“Một người kia làm tiệc lớn và đã mời nhiều người. Đến giờ tiệc, ông sai đầy tớ đi thưa với quan khách rằng: ‘Mời quý vị đến, cỗ bàn đã sẵn.’ Bấy giờ mọi người nhất loạt bắt đầu xin kiếu.” (Lc 14,16-18)

Suy niệm: Giới trẻ ngày nay thường nói: “Muốn thì sẽ tìm cách, không muốn thì tìm lý do”. Câu đó nói rất đúng về các vị khách mời trong dụ ngôn tiệc cưới này. Họ không muốn dự tiệc nên đã viện đủ mọi lý do để “xin kiếu”. Thật đáng buồn là những lý do họ đưa ra quá nhỏ mọn so với bữa tiệc mà họ vinh dự được mời đến. Qua dụ ngôn này, Đức Giê-su nhắn gửi chúng ta: Ngài là Chàng Rể, đích thân đến thế gian để trao cho nhân loại tấm thiệp mời dự tiệc cưới của chính Ngài. Bữa tiệc thật cao trọng vì món được dọn lên là chính Thân Mình Ngài, và kỳ diệu hơn nữa khi chúng ta hưởng dùng thần lương ấy, chúng ta được trở nên “một xương một thịt” với Ngài nơi bí tích Thánh Thể.

Mời Bạn: Bạn vẫn được nghe lời mời gọi tha thiết này trong mỗi thánh lễ: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian, phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”. Bạn có nhận ra bạn được phúc lớn dường nào khi được chính Chúa Giê-su trao lời mời dự bữa tiệc trọng đại này? Bạn sẽ dốc hết sức ‘tìm mọi cách’ đến bữa tiệc của Chúa hay bạn ‘tìm mọi lý do’ để từ chối?

Sống Lời Chúa: Bạn hết sức ‘tìm cách’ tham dự thánh lễ mỗi ngày và nhất là luôn luôn tham dự thánh lễ Chúa Nhật để cảm nhận hạnh phúc và niềm vui được dự tiệc Nước Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, vì yêu thương chúng con, Chúa đã cho chúng con vinh dự được dự phần trong tiệc cưới của Đức Ki-tô, Con Chí Ái Chúa. Xin cho chúng con biết hết lòng đáp lại và dốc sức tìm kiếm Nước Trời. Amen.


06/11/24 Thứ tư đầu tháng tuần 31 tn
Lc 14,25-33

 

từ bỏ để được nhận lãnh

“Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc 14,33)

Suy niệm: Chúa Giê-su đưa ra tiêu chuẩn để trở thành môn đệ của Ngài: đó là phải biết “từ bỏ”. Sự từ bỏ này không chỉ đơn thuần là buông bỏ những vật chất bên ngoài, mà còn bao gồm việc từ bỏ những ham muốn, thói quen xấu và mọi điều cản bước chúng ta tiến gần hơn đến Chúa. Tuy nhiên, lời mời gọi này không hề dễ dàng. Nó đòi hỏi chúng ta phải hy sinh và quyết tâm mỗi ngày. Khi sẵn lòng từ bỏ tất cả những gì mình có, chúng ta mở lòng để đón nhận tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa. Nhờ đó, chúng ta tìm thấy sự tự do đích thực - tự do khỏi những ràng buộc của tội lỗi và những lo toan của cuộc sống.

Mời Bạn: Điều gì đang cản trở bạn trên hành trình trở thành người môn đệ đích thực của Chúa? Có thể là nỗi lo lắng về tương lai, sự bận rộn với công việc, lòng ham mê của cải vật chất hay những thói quen xấu đã ăn sâu vào cuộc sống hàng ngày. Hãy đặt mình trước mặt Chúa và tự hỏi: tôi phải từ bỏ điều gì để có thể theo Chúa một cách trọn vẹn hơn? Nhớ rằng, từ bỏ để trở thành môn đệ Chúa không phải là một sự mất mát, mà là một cơ hội để đón nhận những điều tốt đẹp gấp trăm từ Thiên Chúa.

Sống Lời Chúa: Quyết tâm từ bỏ lòng tham lam hưởng thụ, thay vào đó, bạn sẵn sàng chia sẻ những gì bạn có để dành cho hoạt động bác ái.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa mời gọi con sẵn lòng từ bỏ mọi sự để thuộc trọn về Chúa. Xin ban cho con sự khôn ngoan sáng suốt để nhận ra những điều đang cản trở con đến gần Ngài, và xin ban cho con lòng can đảm mạnh mẽ để con sẵn sàng từ bỏ chúng. Amen.


07/11/24 Thứ năm đầu tháng tuần 31 tn
Lc 15,1-10

 

lý do đi tìm

“…đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất. Thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được…” (Lc 15,4.8)

Suy niệm: Một trong những ngành nghề phổ biến của người Do Thái ngày xưa là chăn nuôi gia súc. Những gia đình khá giả sở hữu hàng ngàn chiên cừu là chuyện bình thường. Người chăn chiên được nói ở đây chỉ có 100 con chiên, nghĩa là rất ít. Đã có ít mà lại lạc mất một con thì tiếc lắm. Cho nên, người mục tử sẵn sàng để lại 99 con kia trên núi cấp tốc đi tìm ngay con chiên lạc. Cũng thế, người phụ nữ này có 10 đồng tương đương với thu nhập của 10 ngày công là cả một gia tài. Mất một đồng là mất cả một ngày công vất vả, bà tiếc lắm. Thế nên bà bỏ công quét nhà, moi móc mọi ngóc ngách tìm kiếm ngay trong đêm mà không đợi đến sáng hôm sau. Con người còn quý giá hơn thế nhiều vì được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, lại được Đức Giê-su cứu chuộc bằng giá máu của Người. Vậy nếu ai đó lỡ phạm tội mà sám hối trở về thì cả thiên đàng vui mừng khôn xiết.

Mời Bạn: Trong tháng cầu cho các đẳng linh hồn này, chúng ta dâng lời cầu nguyện kết hợp với hy sinh và việc lành phúc đức để xin Chúa thanh luyện linh hồn những người đã qua đời, cho họ sớm được giải thoát khỏi chốn luyện hình và được hưởng nhan thánh Chúa. Nhờ đó chúng ta cũng được hoà chung niềm vui với triều thần thánh trên thiên đàng.

Sống Lời Chúa: Dâng lời cầu nguyện và làm việc hy sinh để tưởng nhớ và cầu nguyện cho người đã khuất.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa không muốn một ai trong chúng con phải hư mất. Xin vì lòng thương xót Chúa, cho các linh hồn đã qua đời được sớm hưởng nhan thánh Chúa. Amen.


08/11/24 Thứ sáu tuần 31 tn
Lc 16,1-8

 

sống như con cái sự sáng

“Con cái đời này, khi đối xử với đồng loại, thì khôn khéo hơn con cái sự sáng.” (Lc 16,8b)

Suy niệm: Chúng ta thường cảm thấy khó hiểu vì dường như Chúa Giê-su đưa người “quản lý bất lương” ra làm gương mẫu trong khi có bằng chứng rõ ràng ông ta đã thâm lạm của cải của chủ mình. Ngài đã từng gọi những người giống như “nhà phú hộ kia” “đồ ngốc” khi coi tiền của như cùng đích để chỉ hưởng thụ của cải chóng qua đời này mà không lo “làm giàu trước mặt Thiên Chúa”; bởi vì không phải “mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu” (x. Lc 12,16-21). Thực ra Chúa đã có chủ ý khi gọi người quản lý đó là “bất lương”. Ngài có khen chăng là khen ông ta “khôn khéo” biết lo xa cho tương lai của mình. Qua đó Ngài dạy các môn đệ là “con cái sự sáng” phải biết khôn ngoan trong việc sử dụng tiền của đời này. Sự khôn ngoan của “con cái sự sáng” hệ tại ở chỗ biết phân định để sử dụng tiền của như phương tiện để đạt tới Thiên Chúa là cứu cánh cuộc đời, và từ bỏ chúng mỗi khi chúng làm phương hại mối liên hệ với Thiên Chúa và cản trở con đường đến với Ngài.

Mời Bạn: Con người ngày nay thường dựa vào tiền bạc để tạo chỗ đứng cho mình trong xã hội. Còn bạn, bạn đã làm gì để ‘tạo chỗ đứng’ cho mình trong Nước Trời? Bạn có biết cho đi, biết san sẻ những gì mình có cho người túng thiếu? Bạn đã làm gì để hướng tới giá trị của cuộc sống vĩnh hằng?

Sống Lời Chúa: Tiết giảm những chi tiêu không thiết yếu để sẵn sàng chia sẻ với người túng nghèo.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con sự khôn ngoan của con cái sự sáng để con dám từ bỏ những gì là chóng qua và chỉ chọn Chúa là gia nghiệp đời con.


09/11/24 Thứ bảy tuần 31 tn
Cung hiến thánh đường La-tê-ra-nô
Ga 2,13-22

 

đền thờ chúa là nơi thánh

Đền thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người. (Ga 2,21)

Suy niệm: Thiên Chúa Đấng vô hình, hiện diện ở khắp mọi nơi, lại muốn chọn một nơi làm điểm hẹn với dân Ngài. Thế mà đền thánh, biểu tượng của sự hiện diện của Thiên Chúa và là điểm hẹn của Chúa với Dân Ngài đang bị biến thành nơi buôn bán xô bồ. Có cảm nhận được địa vị tuyệt đối, ưu việt của Thiên Chúa mới hiểu được việc ‘chiếm dụng đền thờ’ xúc phạm đến Ngài cách nặng nề như thế nào. Mà có ai cảm nhận được điều đó sâu xa hơn chính Con Thiên Chúa là Đức Giê-su Ki-tô? Phải chăng chính vì thế mà Đấng tự xưng là “hiền lành và khiêm nhường trong lòng” cũng phải áp dụng biện pháp mạnh để tái lập tính cách linh thánh, bất khả xâm phạm của đền thờ, biểu tượng của chính thân thể Ngài: “Đền thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Ngài”.

Mời Bạn: Nhìn nhận địa vị ưu việt của Thiên Chúa trong cuộc sống của mình là dành cho Ngài một đền thờ bất khả xâm phạm để Ngài hiện diện và được tôn thờ cách ưu tiên, xứng đáng địa vị của một vị Thiên Chúa. Điểm hẹn dành cho Thiên Chúa chính là thân thể Chúa Giê-su, nghĩa là các bí tích – cách riêng bí tích Thánh Thể, Hội Thánh, và chính tâm hồn mỗi người.

Sống Lời Chúa: Tìm gặp Chúa nơi những điểm hẹn của Ngài : - trong tâm hồn bạn bằng việc cầu nguyện; - trong chính thân thể Đức Giê-su bằng việc lãnh nhận các bí tích và xây dựng Hội Thánh, ngay tại giáo xứ của bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin đốt lên trong con ngọn lửa nhiệt thành nhà Chúa, và xin thánh hoá con, để con dâng hiến tâm hồn con làm đền thờ Chúa ngự trị đến muôn đời. Amen.