5 Phút cho Lời Chúa ngày 23/02 – 28/02/25

23/02/25                                 Chúa nhật tuần 7 tn – c

                                                                             Lc 6,27-38

 từ trái tim đến trái tim

“Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy.”(Lc 6,31)

Suy niệm: Sách Sa-mu-en thuật lại cử chỉ cao đẹp của vua Đa-vít tha chết cho vua Sa-un khi ông có cơ hội giết nhà vua, kẻ đang tìm giết mình. Lý do buông tay của Đa-vít rất rõ ràng: vì ông “không nỡ ra tay giết đấng được Chúa xức dầu” (1Sm 26,23). Bài Tin Mừng giúp chúng ta chiêm nghiệm lại những lời dạy cao đẹp của Đức Giê-su: yêu mến, làm ơn, chúc phúc, cầu nguyện cho những người xúc phạm, làm tổn thương ta. Chúa mời gọi chúng ta thực hiện những nghĩa cử cao đẹp như vậy vì ta là môn đệ của Ngài, thì cũng phải có trái tim nhân hậu, hiền lành, quảng đại như Ngài. Không thể chiến thắng thù hận, cái ác, bạo lực bằng thù hận, cái ác, bạo lực. Chúng ta chỉ có thể chiến thắng sự dữ, và thù hận khi nhìn lên Đấng chịu đóng đinh trên thập giá, bởi vì: “Trên thập giá, Đức Ki-tô đã tiêu diệt sự thù ghét” (Ep 2,16).

Mời Bạn: “Chúng ta có một trái tim, một trái tim cùng tồn tại với những trái tim khác giúp làm cho nó thành một “Bạn”… Mọi hành động của chúng ta phải được đặt dưới “quy tắc chính trị” của trái tim” (Dilexit nos, số 12-13). Bạn nghĩ sao về những lời này? Và trái tim bạn đang đập, thổn thức, được nuôi sống trong môi trường yêu thương hay hận thù, cảm thông hay ghen ghét, đón nhận hay loại trừ?

Sống Lời Chúa: Hôm nay, tôi dâng lời cầu nguyện cho một người mà tôi không ưa thích.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời. Amen.

(Kinh Hòa Bình)

 

24/02/25                                              Thứ hai tuần 7 tn

                                                                            Mc 9,14-29

 

học cầu nguyện như chúa

Các môn đệ hỏi riêng Chúa Giêsu: “Tại sao chúng con đây  lại không trừ nổi tên quỷ đó?” Người đáp: “Giống quỷ đó chỉ trừ được bằng lời cầu nguyện thôi.” (Mc 9,28-29)

Suy niệm: Văn hào Dostoievsky trong bộ truyện “Anh Em nhà Karamazov” mô tả tên quỷ cám dỗ Ivan không xuất hiện như một giống vật đi hai chân, lông lá đen thui, đầu có sừng, sau lưng có đuôi, mà là một người ăn mặc có vẻ bảnh bao. Quỷ cũng không vật Ivan “sùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ người ra,” trái lại, hắn cám dỗ anh ta bằng những luận điệu đẹp đẽ và trí thức nữa. Các môn đệ hẳn đã vận dụng nhiều ‘phép’ nhưng vẫn bó tay trước tên quỷ hôm nay vì đã không ‘chạy đúng thầy đúng thuốc.’ Nhưng dù xuất hiện dưới dáng vẻ nào và tung ra chiêu bài cám dỗ nào, quỷ cũng vẫn là quỷ. Chúa dạy muốn trừ quỷ, sức riêng ta không đủ, mà phải có quyền năng của Thiên Chúa, nghĩa là chỉ có thể trừ quỷ bằng lời cầu nguyện mà thôi.

Mời Bạn: Một bạn trẻ hỏi thời nay có quỷ ám không, vị linh mục trả lời: “Quỷ hiện đại” “ám” người ta bằng những cám dỗ cũng hiện đại. Khi để lòng ưng theo một ước muốn xấu xa, lúc đó người ta đã bắt đầu bị quỷ ám rồi. Dù có làm việc bác ái, đi lễ đọc kinh mà thiếu tinh thần cầu nguyện thì cũng chỉ làm trò cười cho quỷ. Khi cầu nguyện, lòng người ta đầy Chúa, ma quỷ sẽ cao chạy xa bay.

Chia sẻ: Có người hiểu cầu nguyện chỉ là xin ơn này ơn khác. Có người nói cầu nguyện không có lợi gì cho cuộc sống. Cả hai đều suy nghĩ theo kiểu thực dụng. Còn bạn, bạn nghĩ sao?

Sống Lời Chúa: Tìm một chỗ riêng, quì gối, và tâm sự với Chúa một ít phút.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con cầu nguyện, như Chúa đã cầu nguyện trên núi, hay như đêm xưa trong vườn Dầu.

 

25/02/25                                               thứ ba tuần 7 tn

                                                                            Mc 9,30-37

 

lấy phục vụ làm gốc

Đức Giê-su nói: “Ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người.” (Mc 9,35)

Suy niệm: Chẳng ai xa lạ gì với châm ngôn: “Vui lòng khách đến, vừa lòng khác đi” hay “khách hàng là thượng đế” nơi các cơ sở kinh doanh, buôn bán. Với tiêu chí tối thượng đó, các nhân viên ưu tiên phục vụ khách tối đa, khiến cho khách hài lòng nhất có thể. Chúa Giê-su cũng muốn các môn đệ lấy phục vụ làm tầm nhìn, làm “gốc” như thế trong cung cách lãnh đạo của mình. Khi lấy phục vụ làm gốc, ranh giới giữa chủ với tớ, hay vua với dân sẽ mất đi, vì “Thầy đến với anh em như một tôi tớ!” Hơn nữa, thay cho lợi ích nhóm, tư lợi, phục vụ nhắm đến lợi ích chung, bởi cả hai cùng muốn ích lợi cho nhau, giúp nhau lớn lên. Cung cách đó gây khó chịu cho các kinh sư nhưng lại là lối đi đúng đắn phù hợp giáo huấn Tin Mừng Chúa Ki-tô, cũng là tinh thần môn đệ của Ngài!

Mời Bạn: Công Đồng Vaticanô II đã thay đổi cái nhìn về quyền bính trong Giáo Hội: không còn theo mô hình kim tự tháp áp từ thượng tầng xuống cơ sở, mà mọi phần tử đều qui về tâm điểm là Đức Ki-tô. Lối nhìn ấy khiến mọi người đều “cùng”: cùng tham gia, cùng hoạt động và cùng sứ vụ, để cùng hướng tới thiện ích chung thay vì chỉ “giao” cho một thành phần nào đó. Bạn có đang giữ chức vụ nào trong giáo xứ hay ngoài xã hội? Bạn có nhắm đem lại lợi ích cao nhất là ơn cứu độ cho những người mà bạn phục vụ không? Mời bạn suy nghĩ về cách phục vụ lâu nay của mình.

Sống Lời Chúa: Làm một việc phục vụ nho nhỏ giúp người thân trong gia đình.

Cầu nguyện: Lạy Thầy Giê-su, Thầy đã cúi xuống phục vụ người khác như một tôi tớ, xin cho con cũng phục vụ tha nhân như chính Chúa đã làm. Amen.

 

26/02/25                                               Thứ tư tuần 7 tn

                                                                            Mc 9,38-40

 

như lòng Chúa bao dung

“Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.” (Mc 9,40)

Suy niệm: Mới chỉ được Chúa sai đi rao giảng với quyền trừ quỷ (x. Mc 6,7), các môn đệ đã ‘khoanh vùng’ dành độc quyền “nhân danh Thầy mà trừ quỷ” và ngăn cản “những người không đi theo chúng ta” không được quyền làm điều tốt đẹp đó. Cách hành xử đó hoàn toàn đi ngược với giáo huấn cởi mở bao dung của Đức Ki-tô. Quả thật mọi sự thiện hảo đều bởi Chúa chứ nào phải là của riêng các ông. Thiên Chúa cho mặt trời soi chiếu cho mọi người (x. Mt 5,45). Chúa không giới hạn tình yêu, ân sủng của Ngài cho riêng một nhóm, hay một chủng tộc, một quốc gia nào. Mọi việc lành, nghĩa cử cao đẹp, dù do ai hay do nhóm nào thực hiện, đều nhờ ơn tác động của Chúa Thánh Thần và đều góp phần làm cho Nước Chúa được hiển trị.

Mời Bạn: Lời Chúa mời bạn sống bao dung. Thay vì xét nét, kỳ thị người khác chỉ vì họ không đồng đạo, không đồng quan điểm với mình, thì ngược lại hãy có một cái nhìn tích cực để nhận ra điều tốt lành nơi họ. Thay vì ganh tỵ chia bè, kết đảng, hãy cộng tác với nhau với tinh thần thiện chí để đem lại điều tốt đẹp cho nhiều người. Và nhất là nhận ra công trình của Thiên Chúa đang được Ngài dùng bàn tay của họ để thực hiện.

Sống Lời Chúa: Bạn tạo điều kiện gặp gỡ, đối thoại với những anh em không cùng tôn giáo và cùng với họ thực hiện một việc công ích, hoặc bác ái.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin dạy chúng con biết từ bỏ cái nhìn hẹp hòi để nhận ra điều tốt lành của Chúa nơi người khác; và xin dạy chúng con sống bao dung, sẵn sàng cộng tác với những người thiện chí để cùng nhau làm cho thế giới này ngày càng tốt đẹp theo như lòng Chúa ước mong. Amen.

 

27/02/25                                            Thứ năm tuần 7 tn

                                                                            Mc 9,41-50

 

anh em thuộc về đức ki-tô

“…Vì anh em thuộc về Đức Ki-tô.” (Mc 9,41)

Suy niệm: Trong sân của một ngôi trường phổ thông kia có những hàng phượng trồng đều tăm tắp. Giữa những hàng phượng đó, có một cây đặc biệt được bao quanh bằng một hàng rào sắt sơn phết thật đẹp. Lý do khiến nó được ‘ưu ái’ như vậy không phải vì nó là giống phượng quý đẹp hơn những cây khác mà vì nó đã được trồng bởi chính tay vị chủ tịch nước khi ông đến thăm trường. Chuyện cây phượng chỉ là hình ảnh mờ nhạt so với việc các môn đệ được thuộc về Chúa Ki-tô. Chẳng những họ coi như hiện thân của chính Chúa Ki-tô –“Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy” (Mt 10,40)– mà cả những ai tiếp đón họ, dù chỉ với một ly nước lã, cũng được trọng thưởng nữa.

Bạn ơi, bạn vốn có phẩm giá cao quý vì bạn được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa. Nhờ bí tích Rửa tội, bạn trở nên con cái Thiên Chúa và được thuộc về Đức Ki-tô, bạn lại càng trở nên cao quý hơn gấp bội phần. Ý thức như thế, chúng ta trân trọng phẩm giá cao quý Chúa ban tặng cho mình để nhờ ơn Chúa, chúng ta sống cuộc sống công chính thánh thiện. Đồng thời, chúng ta cũng biết nhìn nhận phẩm giá cao quý của anh chị em và cư xử với nhau trong tình yêu thương và tương kính. Bạn có biết lời cầu nguyện và các bí tích là những cánh cổng giúp bạn kết nối với Chúa và được thuộc về Ngài không? Mời bạn liên lạc nối kết với Ngài để thuộc về Ngài cách sâu đậm hơn.

Sống Lời Chúa: Luôn dành riêng một thời gian trong ngày để cầu nguyện với Chúa.

Cầu nguyện: Tạ ơn Chúa đã kêu gọi con làm con Chúa. Xin giúp con sống xứng đáng với phẩm giá cao quý này.

 

28/02/25                                             Thứ sáu tuần 7 tn

                                                                            Mc 10,1-12

 

hôn nhân: niềm vui và giá trị

“Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” (Mc 10,10)

Suy niệm: Thủ tướng Anh W. Churchill có lần tâm sự rằng thành tựu sáng chói nhất trong đời ông không phải là lãnh đạo Nước Anh thành công chống lại Đức Quốc Xã, mà là việc thuyết phục được vợ ông đồng ý cưới ông. Có lẽ đó cũng là cảm nghiệm của nhiều người khi nhìn lại hôn nhân đời mình. Thế nhưng, cuộc đời thay đổi mau lẹ tựa chong chóng: niềm vui của đôi vợ chồng ngày mới cưới, trải qua thời gian, trở nên bình thường, thậm chí nhàm chán, nặng nề. Những lúc ấy, cần lắm hai người cùng ngồi xuống để lấy lại tâm hồn bình an và cái nhìn tỉnh táo, để thấy được người bạn đời đang chung sống với mình bấy lâu là hồng ân vô cùng quý giá Chúa ban, quý đến nỗi Ngài đã thiết định thể chế hôn nhân, một thể chế kết hợp bền vững “loài người không được phân ly”.

Mời Bạn: Tình trạng ly hôn ở nước ta đang ở mức báo động với 60.000 vụ/năm, nghĩa là cứ 4 cặp kết hôn thì một cặp ly hôn, và độ tuổi ly hôn dưới 30 chiếm tỷ lệ cao. Nguyên nhân ly hôn thì có nhiều nhưng trong đó lý do sâu xa là hôn nhân không được đặt trên nền tảng tình yêu đích thực mà bị coi như “một cuộc chơi” và “nhân danh sống cho chính mình” để chia tay khi gặp điều không vừa ý. Phải có một cảm thức đức tin (sensus fidei) nhạy bén để nhận ra hôn nhân là hồng ân quý giá mà Thiên Chúa tặng ban và chúc phúc cho con người ngõ hầu có thể sống đời vợ chồng trong tình yêu thương, chung thủy.

Sống Lời Chúa: Gia đình cầu nguyện chung với nhau để có Chúa luôn ở cùng và gia đình được hạnh phúc.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin ở lại với gia đình chúng con nhờ đó, chúng con trở nên một gia đình thánh.

Nguồn: GP. Đà Nẵng