5 Phút cho Lời Chúa ngày 25/05 – 31/05/25
- Details
- Category: 5. Mỗi Ngày Một Câu Kinh Thánh
25/05/25 Chúa nhật tuần 6 ps – c
Ga 14,23-29
ở lại trong tình yêu
“Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.” (Ga 14,23)
Suy niệm: Có ai nghe những lời yêu đương mà dùng tam đoạn luận để phân tích, lý sự đâu, phải không bạn? Vì thế khỏi cần cắt nghĩa dài dòng, bạn chỉ cần lắng nghe, cảm nghiệm để thấm thía càng lúc càng sâu và để lòng tràn ngập niềm vui hạnh phúc về lời tâm tình này của Chúa Giê-su: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.” Vâng, Thiên Chúa chỉ yêu thích đến và ở lại với ai biết mở lòng ra đón nhận lời Ngài và tuân giữ.
Mời Bạn: Bạn là người đang được Chúa yêu và được Chúa đến cư ngụ, mời bạn đưa những tâm tình nồng nhiệt của người đang yêu và được yêu đó vào khung cảnh gia đình bạn, cộng đoàn bạn để biến những nơi đó thành những tổ ấm mọi người yêu thương, hoà hợp với nhau, sống trung thành hy sinh cho nhau để mọi người cùng hạnh phúc vì được hiện diện trong tình thương mến nhau. Còn lời chứng nào cho tình yêu Chúa hùng hồn hơn cảnh một cộng đoàn hiện diện trong tình yêu Thiên Chúa, phải không bạn?
Sống Lời Chúa: Ôn lại tâm tình nồng nhiệt yêu thương mà bạn có được trong giờ suy niệm và chia sẻ với tha nhân qua một nghĩa cử bác ái phục vụ.
Cầu nguyện: Ôi Giê-su, cám ơn Chúa về bài học yêu thương Chúa dạy con hôm nay: Chúa không ưa thích ngự nơi các đền thờ bằng gỗ đá quý mà chỉ ưa thích ở lại trong tâm hồn con, khi con biết yêu thích sống Lời Chúa! Xin cho ánh sáng sự hiện diện của Chúa trong nhiều người biết sống lời Chúa ngày một nồng nhiệt và toả sáng hơn.
26/05/25 Thứ hai tuần 6 ps
Th. Phi-líp-phê Nê-ri, linh mục Ga 15,11-16,4a
sống trong sự thật
“Đấng Bảo Trợ là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha. Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu.” (Ga 15,26)
Suy niệm: Chúa Giê-su gọi Chúa Thánh Thần là “Thần Khí sự thật” nhưng Ngài còn là “Đấng Bảo Trợ”, là người bạn thiêng liêng, là Đấng an ủi, nâng đỡ, hướng dẫn và đồng hành để dẫn đưa chúng ta đến với sự thật toàn vẹn. Chính “Thần Khí sự thật” sẽ giúp chúng ta phân định đâu là tiếng nói của Chúa, đâu là tiếng nói của thế gian nhờ đó chúng ta nhận biết thánh ý Chúa ở giữa một thế giới đầy dẫy mâu thuẫn, giả dối được nguỵ trang tinh vi này.
Mời Bạn: Khi đã lắng nghe được tiếng Thần Khí, thì việc làm chứng cho sự thật là điều hiển nhiên. Chúng ta không chỉ là nói về Chúa, mà còn là sống như Chúa. Chúa Giê-su đã làm chứng cho thế giới thấy Chúa Cha, chúng ta cũng phải tiếp nối các Tông đồ có thể làm chứng vì họ đã sống, đã yêu, đã bước đi với Thầy Giê-su. Mời bạn một khi đã lãnh nhận Thánh Thần, bạn cũng trở nên chứng nhân cho Chúa bằng đời sống, bằng lựa chọn, bằng sự trung thực và nhân hậu trong gia đình, nơi làm việc, trong giáo xứ của bạn.
Sống Lời Chúa: Dành ít phút mỗi ngày để “ở với Chúa Giê-su”: thinh lặng trước Thánh Thể, suy niệm Lời Chúa, dâng một lời nguyện chân thành, đó là cách chuẩn bị để trở thành chứng nhân đích thực.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến trong con, ban cho con ơn khôn ngoan và sức mạnh để con can đảm sống và làm chứng cho Đức Ki-tô giữa đời. Xin cho con biết yêu mến sự thật, lắng nghe tiếng Chúa và sống như một môn đệ đích thực của Chúa. Amen.
27/05/25 Thứ ba tuần 6 ps
Th. Au-gút-ti-nô, giám mục Can-tơ-bơ-ri Ga 16,5-11
niềm vui của thánh thần
“Nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em.” (Ga 16,7)
Suy niệm: Đức Giê-su báo cho các môn đệ về sự ra đi của mình khiến các ông buồn phiền. Nỗi buồn của các ông quá lớn vì các ông không thể biết Thầy đi đâu và ngay cả bây giờ các ông có muốn đi theo Ngài cũng không được (x. Ga 13,36). Thế nhưng việc Chúa ra đi lại là điều cần thiết và lợi ích lớn lao cho các ông vì có như thế “Thánh Thần, Đấng Bảo Trợ” sẽ được sai đến; và lúc đó nỗi buồn của các ông sẽ trở thành niềm vui mà “không ai lấy mất được” (Ga 16,22).
Mời Bạn: Thánh Thần chính là Thần Khí Thiên Chúa luôn tràn đầy nơi Chúa Ki-tô (x. Lc 4,1.14.18). Như thế, người môn đệ sẽ vui mừng vì có Chúa Thánh Thần ngự trị trong tâm hồn, vì cũng được chính Đức Ki-tô ở với mình “mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Chính vì thế, đã có biết bao nhiêu Ki-tô hữu dù có bị bắt bớ, sỉ nhục, giết hại vì rao giảng Đức Ki-tô vẫn không sợ hãi nhưng luôn vui mừng, can đảm và trung thành làm chứng cho Đấng đã chịu đóng đinh đã chết và phục sinh. Chính các tông đồ luôn “được đầy Chúa Thánh Thần” mà các ngài đã lãnh nhận trong ngày lễ Ngũ Tuần (x. Cv 4,8tt), chứng thực cho ta điều đó: “Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã cho Người trỗi dậy từ cõi chết: về điều này chúng tôi xin làm chứng” (Cv 3,15). Bạn đã cảm nghiệm niệm vui của Chúa Thánh Thần và sẵn sàng làm chứng cho Đức Ki-tô chứ?
Sống Lời Chúa: Mỗi sáng, khi vừa thức dậy, bạn kết nối ngay với Chúa bằng lời nguyện tắt: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin ở với con hôm nay.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, xin đốt lửa yêu mến trong lòng con và ban cho con niềm vui của Chúa. Amen.
28/05/25 thứ tư tuần 6 ps
Ga 16,12-15
TÔN VINH CHÚA, QUÊN CÁI TÔI
“Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em.” (Ga 16,14)
Suy niệm: Cha P. Ferlay tin rằng vai trò của Thánh Thần là giúp ta sống hiếu thảo với Chúa Cha, theo mẫu gương của Chúa Ki-tô. Nghĩa là Thánh Thần đưa ta đến với Chúa Cha, qua việc noi gương hiếu thảo của Chúa Con. Không lạ gì trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su nói với ta rằng Thánh Thần sẽ tôn vinh Ngài. Bằng cách nào? – Thưa, bằng cách soi sáng cho tâm trí ta hiểu biết, thêm lòng tin tưởng nơi Đức Giê-su, yêu mến Đức Giê-su, và quyết tâm bước theo Ngài. Để hiện thực bốn bước hiểu biết, tin tưởng, yêu mến, bước theo này, Thánh Thần sử dụng tất cả những gì Đức Giê-su đã nói, đã làm, chứ không tự mình nói điều gì thêm. Như vậy, để tôn vinh Đức Giê-su, Thánh Thần chấp nhận thái độ tự hạ, quên mình đi.
Mời Bạn: Muốn tôn vinh Chúa Con, Chúa Thánh Thần phải tự quên mình. Muốn tôn vinh Thiên Chúa trong đời mình, bạn cũng phải tự hạ, quên mình, không để cái tôi của bạn án ngữ trên con đường thờ phượng, phục vụ Ngài. Là linh mục, tu sĩ, giáo dân, chắc chắn bạn muốn tôn vinh Thiên Chúa, vì cùng đích tối cao đời bạn là vậy. Thế nhưng, trong thực tế, Thiên Chúa được bao nhiêu phần trăm trong động lực, hay cái tôi của bạn chiếm phần lớn trong động lực hoạt động ấy?
Sống Lời Chúa: Mỗi sáng cầu xin Chúa Thánh Thần cho mình biết xoá mình đi và làm mọi việc để vinh danh Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, con cảm tạ Chúa luôn ở bên con, soi sáng, nâng đỡ để con hiểu biết, tin tưởng, yêu mến, và kiên trì bước theo Chúa Ki-tô mỗi ngày. Xin giúp con luôn vâng nghe Ngài. Amen.
29/05/25 Thứ năm tuần 6 ps
Th. Phao-lô VI, giáo hoàng Ga 16,16-20
nỗi buồn thành niềm vui
“Anh em sẽ khóc lóc và than van còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.” (Ga 16,20)
Suy niệm: Những lời nói úp úp mở mở của Chúa Giê-su làm các môn đệ khó hiểu: “Ít lâu nữa anh em sẽ không thấy Thầy, rồi ít lâu nữa anh em sẽ lại thấy Thầy.” Thế nhưng đó không phải là những lời của tuyệt vọng mà là những lời mở ra cánh cửa hy vọng; bởi vì ngay lập tức Chúa đã xác quyết mạnh mẽ: “Anh em sẽ lo buồn nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.” Mà ngay lúc đó các môn đệ không sao hiểu được; chỉ sau khi Chúa Giê-su phục sinh, các ông nhớ lại những gì Ngài đã nói với các ông và các ông đã hiểu. Niềm tin và niềm hy vọng của các ông được vững vàng nhờ nhớ lại lời Chúa đã nói.
Mời Bạn: Đức H.Y. Ph. Xav. Nguyễn Văn Thuận trong cuốn “Đường Hy Vọng” định nghĩa Ki-tô hữu là người luôn hy vọng; ngài nói: “Con hãy trả lời được cho mọi người về niềm hy vọng của con.” Thật vậy, Đức Ki-tô Phục sinh là nguồn sức mạnh và cảm hứng giúp chúng ta thêm niềm tin và hy vọng: “Một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận tuyệt vời” (2Cr 4,17).
Chia sẻ: Trong cuộc đời này chỉ có một điều đáng buồn đó là tội lỗi (x. ĐHV 991). Bạn đã biến nỗi buồn trở thành niềm vui bằng cách loại bỏ tội lỗi chưa?
Sống Lời Chúa: Nhắc mình: Tôi luôn vui tươi trước mọi nghịch cảnh vì Chúa Ki-tô phục sinh là niềm hy vọng của tôi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, trên thánh giá Chúa nghèo lắm. Nhưng con tin Chúa đã phục sinh. Xin Chúa Giê-su chịu đóng đinh ban cho con một điều, đó là dù trong đau khổ vẫn luôn yêu thương và hy vọng. (Theo ĐHV 956)
30/05/25 Thứ sáu tuần 6 ps
Ga 16,20-23a
vui niềm vui của chúa
“Anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.” (Ga 16,20)
Suy niệm: Có một thời những đứa trẻ tinh nghịch thích bày ra trò chơi quái ác là ném vỏ chuối ra lối đi khiến người qua đường đạp phải, trượt té để rồi vui cười với nhau. Trong thời đại công nghệ 4.0 ngày nay, nhiều người thích vào mạng xã hội, tung xì-căng-đan của người khác lên “phây” để mọi người xúm vào “ném đá”… cho vui! Cái vui theo kiểu thế gian là vui trên đau khổ của người khác, cái vui thác loạn với những “cuộc say đầy tháng, trận cười thâu đêm”… Chúa Giê-su mời gọi các môn đệ học cách vui niềm vui của Chúa. Đó là dám chấp nhận “khóc lóc than van” trong khi thế gian vui mừng. Nhưng Ngài cam đoan với họ rằng “nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.”
Mời Bạn: Niềm vui của Chúa là vui vì thánh ý Chúa Cha được thể hiện (Lc 10,21); vui vì người tội lỗi ăn năn hối cải (Lc 15,9); vui vì người con cái Chúa “đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,32). Để có được niềm vui ấy, Chúa đã sẵn sàng hy sinh chính thân mình, chấp nhận gánh lấy đau khổ để đền bù tội lỗi. Nếu bạn muốn được vui niềm vui của Chúa, bạn cũng hãy sẵn sàng cùng Chúa vác thập giá mình để đền bù thay cho tha nhân.
Chia sẻ: Mời bạn chia sẻ cảm nghiệm về niềm vui sâu lắng khi bạn có dịp hy sinh để phục vụ người khác.
Sống Lời Chúa: Sẵn sàng hy sinh chịu quấy rầy, phiền hà, hoặc thiệt thòi để phục vụ tha nhân, đặc biệt là người thân trong gia đình bạn và những người bé mọn, nghèo hèn trong xã hội.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con sống quảng đại để phục vụ tha nhân.
31/05/25 thứ bảy tuần 6 ps
Đức Ma-ri-a thăm viếng Bà Ê-li-sa-bét Lc 1,39-55
ĐÓN NHẬN MẦU NHIỆM CHÚA
“Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.” (Lc 1,45)
Suy niệm: Trong ngôi nhà nhỏ ở làng Ain-Karim, cách Giê-ru-sa-lem khoảng 7,5km, hai người chị em họ Ê-li-sa-bét và Ma-ri-a gặp nhau, chúc mừng nhau. Thế nhưng, đàng sau cuộc gặp gỡ có vẻ bình thường này là bao ý nghĩa mầu nhiệm đức tin cũng như cung cách đón nhận mầu nhiệm ấy. Cô gái trẻ Ma-ri-a, biểu tượng cho Tân Ước, Hòm Bia giao ước mới, thăm Ê-li-sa-bét, bà mẹ của vị ngôn sứ cuối cùng và vĩ đại nhất của Cựu Ước – Cựu Ước đón mừng Tân Ước khi hai người mẹ ôm nhau. Thai nhi Gio-an nhảy mừng trong lòng mẹ khi nhận ra thai nhi Giê-su, loan báo Đấng Cứu Thế đến với nhân loại, như vài chục năm sau sẽ loan báo trong hoang địa: “Đây là Con Chiên Thiên Chúa.”
Mời Bạn: Để đón nhận mầu nhiệm của Chúa trong cuộc đời, mời bạn học cách đáp trả của bà Ê-li-sa-bét: Bà ca ngợi người em họ mình là “Thân Mẫu Chúa tôi” cũng là tuyên xưng thai nhi trong lòng Đức Ma-ri-a là “Chúa” của mình. Ca ngợi Đức Ma-ri-a là diễm phúc cũng là ngợi khen kỳ công của tình thương Chúa. Bạn cũng vậy, để đón nhận mầu nhiệm đức tin, bạn cũng biết ca ngợi Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Mỗi khi tuyên xưng đức tin trong kinh Tin Kính, bạn cũng tiếp tục nhận ra Chúa bằng việc ca ngợi những việc tốt đẹp Chúa thực hiện nơi anh chị em mình.
Sống Lời Chúa: Ngợi khen Chúa trên môi miệng, và sống tình hiếu khách là dành chỗ trang trọng cho Ngài trong gia đình cũng như tâm hồn mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con nhạy bén nhận ra mầu nhiệm Chúa tỏ bày cho con qua những sự việc và con người bình thường của cuộc sống. Amen.