5 Phút cho Lời Chúa ngày 06/07 – 12/07/2025
- Details
- Category: 5. Mỗi Ngày Một Câu Kinh Thánh
06/07/25 Chúa nhật tuần 14 tn – c
Lc 10,1-12.17-20
được ghi danh trong trái tim Thiên Chúa
“Anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời.” (Lc 10,20)
Suy niệm: Sách Khải Huyền nhiều lần nói đến Sổ Trường Sinh của Con Chiên, trong đó ghi danh những người được tuyển chọn thuộc để về Đức Ki-tô, được Ngài tuyên nhận “trước mặt Chúa Cha và các thiên thần của Người” (Kh 3,5) và cho vào hưởng vinh quang thiên quốc (Kh 21,27). Chúa Giê-su cho biết việc ma quỷ phải khuất phục các môn đệ chỉ là chuyện nhỏ so với niềm vui mừng lớn lao hơn, đó là các ông đã được ghi danh vào Sổ Trường Sinh ở trên thiên đàng. Không có gì đáng vui mừng hơn phần thưởng cao quý đó.
Mời Bạn: Henri Nouwen có viết: “Căn tính đích thực của tôi không nằm ở chỗ tôi giỏi đến đâu, mà ở chỗ tôi được yêu.” Bạn được ghi danh vào Sổ Trường Sinh không phải vì bạn giỏi giang lập nhiều công trạng mà vì bạn được Chúa yêu thương tuyển chọn để thuộc về Ngài. Để đáp lại tình yêu đó, bạn được mời gọi sống trung tín và sẵn sàng làm chứng nhân cho Chúa, vì Chúa đã quả quyết: “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 10,32).
Sống Lời Chúa: Mỗi khi cầu nguyện, bạn ôn lại hồng ân mình được Chúa tuyển chọn (qua bí tích Rửa tội, và ơn gọi riêng của bạn) và bạn cảm tạ Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã dựng nên con và cho con thuộc về Ngài. Xin cho con cảm nghiệm được niềm vui vì được Chúa yêu và giúp con gìn giữ ơn Chúa mỗi ngày, để tên con luôn được khắc ghi trong trái tim Chúa trên trời. Amen.
07/07/25 Thứ hai tuần 14 tn
Mt 9,18-26
phép lạ xảy ra do đức tin
“Con gái tôi vừa mới chết, nhưng xin Ngài đến đặt tay trên cháu, là nó sẽ sống.” (Mt 9,18)
Suy niệm: Chẳng phàm nhân nào có thể làm cho người chết được sống lại bao giờ. Nhưng viên thủ lãnh hội đường, ông Gia-ia (x. Mc 5,22), tin chắc như đinh đóng cột rằng nếu Chúa đặt tay trên đứa con gái vừa mới chết của ông thì “nó sẽ sống”. Đức tin của ông đã ‘chạm’ đến lòng thương xót của Đức Giê-su, Người không chỉ “đến đặt tay” mà còn “cầm lấy tay con bé, nó liền trỗi dậy”. Chen giữa phép lạ phi thường ấy là câu chuyện người đàn bà loạn huyết. Trong khi đám đông chen lấn, biết bao người đụng chạm đến áo Chúa, thì chỉ một mình bà, với đức tin mạnh mẽ, len lỏi đằng sau Chúa để chỉ ‘chạm’ vào tua áo choàng của Người thôi. Với lòng tin như thế, bà đã ‘chạm’ đến trái tim yêu thương của Chúa; thế là phép lạ đã xảy ra, và bà được chữa lành.
Mời Bạn: Khi Đức Giê-su về Na-da-rét, Ngài đã không thể làm phép lạ tại đó, vì dân không có lòng tin (x. Mt 13,58). Hằng ngày Chúa vẫn hiện diện với chúng ta nơi Lời Chúa, và bí tích Thánh Thể, nhưng chúng ta có say mê đọc Lời Chúa và rước Mình Thánh Chúa để được ‘chạm’ đến Ngài không? Hay phải chăng chúng ta vẫn làm những việc đó nhưng thiếu vắng một đức tin đích thực? Bạn nhớ phép lạ sẽ xảy đến cho bạn và hoán cải đời bạn, chỉ khi bạn ‘chạm’ đến Chúa với lòng tin.
Sống Lời Chúa: Xin Chúa ban thêm đức tin mỗi khi bạn nghe, đọc Lời Chúa cũng như khi rước Thánh Thể Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin ban thêm đức tin cho chúng con, để mỗi lần chúng con “chạm” đến Chúa là một lần chúng con được Chúa biến đổi để được nên giống Chúa hơn. Amen.
08/07/25 Thứ ba tuần 14 tn
Mt 9,32-38
xin hãy sai con đi
“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” (Mt 9,37-38)
Suy niệm: Truyền giáo là sứ mệnh chung của mọi người trong cộng đoàn dân Chúa. Vì thế, việc truyền giáo đòi hỏi tất cả hợp tác với nhau và đồng trách nhiệm. Khi kêu gọi các môn đệ cầu xin cho việc truyền giáo, Chúa Giê-su không bảo họ xin một cách hững hờ như người ngoài cuộc: các môn đệ, những người “cầu xin” đồng thời cũng là những thợ gặt được Chúa sai đi. “Cầu xin” ở đây thể hiện một sự quan tâm thao thức với nỗi ưu tư của Thiên Chúa, “người chủ của mùa gặt.” “Cầu xin” bao hàm một ý thức rõ ràng về bổn phận truyền giáo, đồng thời về khả năng giới hạn của mình. Hơn nữa “cầu xin” còn thể hiện sự sẵn sàng đặt mình dưới sự sai bảo của “chủ mùa gặt.” Quả thật, chính Thiên Chúa mới là chủ khởi xướng, đôn đốc và trợ lực của mọi sứ mệnh truyền giáo. Càng đồng cảm với Thiên Chúa càng ý thức về trách nhiệm truyền giáo của mình và càng cần xin Chúa ban ơn trợ giúp.
Mời Bạn: Chúng ta vẫn thường cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo. Tuy nhiên, khi cầu xin, chúng ta làm như thể khoán trắng việc truyền giáo cho Chúa hay cho người khác, chưa cầu xin tha thiết như chính mình phải đảm trách công việc này. Vậy từ nay, khi cầu xin cho có nhiều thợ gặt trên cánh đồng truyền giáo, bạn cũng cầu: “Lạy Chúa, xin hãy sai con đi,” bạn nhé!
Chia sẻ: Bạn có đang tham gia cách nào trong công cuộc truyền giáo trong giáo xứ, giáo phận của bạn không?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày làm một hy sinh và dâng một lời cầu cho công cuộc truyền giáo.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hãy sai con đi làm chứng nhân cho Ngài. Amen.
09/07/25 Thứ tư tuần 14 tn
Th. Au-gút-ti-nô Dao Rong và các bạn tử đạo Mt 10,1-7
tất cả để loan báo tin mừng
“Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần.” (Mt 10,7)
Suy niệm: Thánh Phan-xi-cô Át-xi-di một hôm gọi một thầy cùng với mình đi giảng đạo. Hai người rảo qua các đường phố rồi trở về nhà. Thầy đó hỏi thánh nhân vì sao ngài nói đi giảng đạo mà không giảng dạy gì. Thánh Phanxicô trả lời: ngay trong lúc đi đường ngài đã giảng đạo rồi. Chúa Giêsu dạy các môn đệ đến với “các chiên lạc nhà Ítraen” thế mà chưa đến “nhiệm sở,” các ông đã phải rao giảng ngay khi đi dọc đường. Và Chúa còn truyền lệnh cho dù người nghe có đón nhận Lời hay không thì cũng phải nói với họ: “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần” (Lc 10,11). Các ông phải sẵn sàng bỏ lại mọi thứ hành trang cồng kềnh, giã từ những mối quan hệ vô bổ để có thể tập trung tất cả cho việc loan báo Tin Mừng.
Mời Bạn: Tất cả cho việc loan báo Tin Mừng nghĩa là từ việc bạn mua sắm, ăn mặc, hay làm công việc nghiệp vụ chuyên môn của bạn cho đến việc bắt tay chào hỏi một người quen, thậm chí việc bạn nhai một miếng cơm, uống một ngụm nước, v.v… tất cả đều có thể biến thành một hành động loan báo Tin Mừng nếu như những việc đó chuyển tải sứ điệp “Nước Thiên Chúa đã đến gần.” Nếu chỉ khi nào bạn lên tiếng rao giảng mới là loan báo Tin Mừng thì cả đời bạn, bạn có loan báo được bao nhiêu?
Chia sẻ: Bạn kiểm điểm xem những sinh hoạt trong nhóm của bạn đã nói lên được sứ điệp nào của Tin Mừng chưa.
Sống Lời Chúa: Chú ý làm tốt một công việc thường ngày với ý chỉ cầu nguyện cho việc loan báo Tin Mừng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết thao thức trước cảnh “lúa chín đầy đồng, thợ gặt lại ít,” xin hãy sai con đi làm thợ gặt trong cánh đồng của Chúa. Amen.
10/07/25 Thứ NĂM tuần 14 tn
Mt 10,7-15
sứ mạng cấp bách
“Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần.” (Mt 10,7)
Suy niệm: Thấy đám đông dân chúng “lầm than vất vưởng như chiên không có người chăn” lại đang khao khát đến với Chúa để nghe Lời Ngài, Chúa Giê-su đã chạnh lòng thương. Đó chính là lý do và động lực thúc đẩy Chúa chọn gọi mười hai môn đệ và sai họ lên đường và dặn dò. Sứ mệnh tuy bao la nhưng không được ôm đồm. Các ông chưa thể “đi về phía các dân ngoại”, vì việc cần làm ngay lúc này là đến với những người đồng bào, “những chiên lạc nhà Ít-ra-en”. Sứ mệnh thật khẩn cấp. Vì thế, phải loại bỏ những hành trang cồng kềnh gây trở ngại. Phải tận dụng mọi thời gian ít ỏi, bởi vậy khi còn đang đi dọc đường đã phải bắt đầu rao giảng rồi. Các môn đệ lúc được Chúa sai đi hẳn không được trang bị kỹ năng chuyên môn nào ngoài quyền năng “chữa lành bệnh tật và khu trừ ma quỷ”. Những chỉ thị đó là để các ông tập trung vào trọng tâm của sứ điệp: “vào nhà nào hãy chúc bình an” với nội dung chính của lời rao giảng: “Nước Trời đã đến gần”.
Bạn thân mến, đừng đợi khi có điều kiện này, phương tiện kia thì bạn mới rao giảng. Bạn cũng đừng nghĩ phải thuyết giảng trong một sự kiện có tầm cỡ hoành tráng mới là loan báo Tin Mừng. Trái lại, trước khi rao giảng bằng lời nói, bạn hãy ‘nói’ bằng cuộc sống của bạn, tức là bằng những việc nhỏ bé, bình thường trong cuộc sống đời thường khi bạn làm những việc đó với tâm tình và ý hướng của người tông đồ.
Sống Lời Chúa: Làm một việc phục vụ cho một người bé mọn với lời cầu nguyện cho việc truyền giáo.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho chúng con nhiều thợ gặt, và sai con đi làm thợ gặt trong cánh đồng của Chúa.
11/07/25 Thứ sáu tuần 14 tn
Th. Bê-nê-đi-tô, viện phụ Mt 10,16-23
can đảm sống “khác”
“Vì Danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.” (Mt 10,22)
Suy niệm: Bị bách hại là số phận thường tình của người môn đệ. Trong thế gian luôn xảy ra cuộc chiến giữa sự thiện và sự ác. Cuộc chiến ấy ở ngay trong lòng ta, trong gia đình ta, trong môi trường ta đang sống và trên toàn thế giới. Sự ác chống lại sự thiện, bóng tối không chấp nhận ánh sáng. Là Ki-tô hữu nghĩa là thuộc về Chúa Ki-tô, nghĩa là khác với thế gian dù đang ở giữa thế gian. Vì thế khi lãnh nhận sứ mạng rao giảng Tin Mừng, người môn đệ chấp nhận bị bách hại: bị bắt bớ, đánh đòn, tù đày, chống đối, thù ghét… vì người Ki-tô hữu được kêu mời sống “khác”, như “con chiên giữa bầy sói”.
Mời Bạn: Là con người, chúng ta cũng sợ phải tù đày, roi vọt, chống đối và thù ghét. Không ai điên để đưa cổ ra chịu chém vì một lý do lãng xẹt. Nhưng nếu vì Danh Chúa Ki-tô mà phải chịu bách hại thì dù có phải trả giá lớn mấy đi nữa, hạnh phúc đạt được còn lớn hơn bội phần. Bạn hãy luôn xác tín rằng: những gian nan và ngược đãi đó, là cơ hội để ta hiệp thông với cuộc khổ nạn của Chúa, nhờ đó đau khổ của người tông đồ sẽ trở nên hy lễ đem lại nhiều hoa trái.
Sống Lời Chúa: Để sẵn sàng sống “khác” theo Tin Mừng, luôn tâm niệm loại bỏ tính hưởng thụ ích kỷ, thay vào đó bằng tinh thần quan tâm, chia sẻ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin ban Thánh Thần xuống trên chúng con. Xin cho chúng con một tinh thần đơn sơ và khôn ngoan, một niềm tin sắt đá, một đức cậy vững vàng và một lòng mến sắt son, để chúng con được can đảm sống Tin Mừng và trung thành làm chứng cho Chúa. Amen.
12/07/25 Thứ bảy tuần 14 tn
Mt 10,24-33
đừng sợ và hãy sợ
“Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục.” (Mt 10,28)
Suy niệm: Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta “đừng sợ”: đừng sợ bị khinh khi, đừng sợ những bách hại, đừng sợ cái chết vì chính Ngài cũng trải qua những điều đó. Nhưng đồng thời Ngài cũng dạy chúng ta biết sợ: “Hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục.” Các Ki-tô hữu đầu tiên đã để lại cho chúng ta một niềm tin mẫu mực và tuyệt đối vào Đấng Phục Sinh: không sợ hãi trước những kỳ thị, bách hại và kể cả cái chết. Và bao thế hệ Ki-tô hữu nối tiếp, trong đó có cả cha ông chúng ta cũng đã tin và để lại cho chúng ta những tấm gương can đảm của những người không sợ chết nhưng lại biết sợ tội lỗi là cái còn tệ hại hơn cả cái chết.
Mời Bạn: Chúng ta lắng lo nhiều chuyện nhưng lắm khi chỉ là “lo bò trắng răng”: sợ bệnh tật, đói khát, sợ tai nạn, thất nghiệp, sợ chết v.v… là những thứ “giết được thân xác chứ không giết được linh hồn.” Chính cuộc sống hưởng thụ ích kỷ, chiều theo đam mê, dục vọng, chìm đắm trong tội lỗi mới là những điều đáng sợ. Bạn xét xem mình thường sợ những điều gì? Những nỗi sợ đó ảnh hưởng thế nào đến đời sống đức tin của bạn? Bạn hãy xin Chúa ban cho bạn lòng can đảm và sức mạnh để vượt qua những nỗi sợ và chiến thắng những cơn cám dỗ.
Sống Lời Chúa: Khi gặp lo lắng sợ hãi, bạn hãy nhớ Lời Chúa “đừng sợ”; khi bị cám dỗ tấn công, bạn đừng quên Lời Ngài “hãy sợ”.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con biết “đừng sợ” những người “chỉ giết được thân xác”, nhưng xin giúp con “biết sợ” tội để con luôn bước đi trong đường lối của Ngài.