VĂN HÓA VÀ GIA ĐÌNH - ĐỜI SỐNG CỘNG ĐỒNG

  •  
    Chi Tran
    Sep 25 at 11:10 PM
     
     
     
    PHÉP LỊCH SỰ XÃ GIAO TRONG ĐỜI SỐNG CỘNG ĐỒNG
     
    MỤC ĐÍCH :
     
    1/ Trình bày được vai trò của tình bạn, họ hàng và láng giềng và những yếu tố để duy trì mối quan hệ ngoài gia đình được tốt.
    2/ Trình bày phong cách giao tiếp và luyện tập cử chỉ tốt trong giao tiếp.
    3/ Tạo mối quan hệ xã hội tốt đẹp trong những dịp thăm hỏi, ốm đau, bệnh tật, tang lễ, sinh đẻ…
     
     

    I. 
    PHÉP LỊCH SỰ XÃ GIAO ĐỐI VỚI BẠN BÈ, HỌ HÀNG, LÁNG GIỀNG:

    1/ Đối với bạn bè:

    Tình bạn là loại tình cảm gắn bó hai hoặc nhiều người với nhau trên cơ sở hợp nhau tính tình, giống nhau về sở thích, có sự phù hợp về xu hướng và một số nét nhân cách khác. Tình bạn chỉ bắt đầu từ tuổi thiếu niên (cấp 2) và đến tuổi trưởng thành, tình bạn càng bền vững, ổn định. Có nhiều cách phân loại tình bạn: dựa vào giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp, xu hướng hoạt động.

    Tình bạn rất cần cho cuộc sống con người nói chung và cho lứa tuổi thanh niên nói riêng. Nếu tình bạn đúng đắn phù hợp với lợi ích xã hội, lý tưởng, nhân sinh quan thì nó sẽ là một hậu thuẫn vững chắc, một sức mạnh tinh thần to lớn thúc đẩy sự phát triển nhân cách của con người. Mặt khác, nếu tình bạn lệch lạc, sẽ dẫn đến những hậu quả xấu ảnh hưởng đến đạo đức và nhân cách con người.

    a/ Đặc điểm của tình bạn tốt (Tìm bạn và giữ được bạn)

    -      Có sự phù hợp với xu hướng (hứng thú, tính nết, ý chí, thái độ).
    -      Có sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, không lợi dụng, giữ chữ tín.
    -      Có sự chân thành, tin cậy và trách nhiệm cao.
    -      Có sự cảm thông sâu sắc, vui vẻ, cởi mở.
    -      Có thể có nhiều bạn nhưng vẫn giữ được tình cảm chân thật thân thiết với bạn cũ, xem bạn như ruột thịt trong gia đình, an ủi, chia sẻ khó khăn.
    -      Lịch sự, có tình người, yêu thương mọi người.

    b/ Những điều cần tránh trong quan hệ tình bạn

    -       Tránh chạy theo xu hướng tiêu cực, hoặc vì động cơ vụ lợi, thực dụng.
    -       Giữ kín lời tâm sự của bạn, không đi quá sâu vào tình cảm riêng tư thầm kín của bạn.
    -       Tránh bao che khuyết điểm của bạn, nên đóng góp ý kiến xây dựng.
    -       Không nói xấu bạn hoặc lợi dụng bạn bè.
    -       Tránh chạy đua về số lượng bạn bè kẻo thành hời hợt.
    -       Tránh sa đà vào những sinh hoạt hội hè nhậu nhẹt (làm mất thời giờ sức lực).
    -       Tránh quá đề cao mình, tránh đối xử thô bạo khi có sự bất đồng.

    2/ Đối với họ hàng nội, ngoại:

    Ngoài ông bà, cha mẹ, anh chị em. Chúng ta còn có mối quan hệ họ hàng nội ngoại: chú bác cô dì… Họ hàng thường sống riêng, ở gần hoặc ở xa, gặp gỡ thường xuyên hoặc lâu lâu mới gặp vào dịp đám giỗ, ngày tết, ngày cưới hoặc ngày tang… Mức độ họ hàng do mối liên hệ huyết thống hai hay ba đời qui định. Trong gia đình nên có gia phả để giúp con cháu hiểu rõ quan hệ họ hàng.

    Trên thực tế, họ hàng sống gần nhau, có điều kiện gặp gỡ giao tiếp thường xuyên làm cho quan hệ rõ ràng thêm gắn bó, thân thiết, tạo điều kiện giúp đỡ nhau. Ngược lại, họ hàng gần nhưng không có liên hệ thăm hỏi, giao tiếp thì dần dần cũng trở nên xa cách. Giao tiếp là điều kiện thắt chặt các mối quan hệ gia đình.

    3/ Đối với hàng xóm, láng giềng:

    Láng giềng là nhóm người cùng sống trong địa phương với những phong tục tập quán giống nhau, và tuy mọi phần tử đều có vị trí riêng từ trình độ đến mức sống, sức khỏe nhưng tất cả mọi người đều phải liên kết với ý thức trách nhiệm cao, tạo nên sự an vui, thoải mái trong cộng đồng. Là những người sống kề cận bên gia đình chúng ta nên khi đau ốm, bệnh hoạn hay lúc vui vẻ đều có bên nhau, vì vậy, chúng ta cần đối xử êm đẹp, tránh phiền hà hàng xóm trong sinh hoạt hằng ngày: tiếng ồn radio, tivi…, la rầy con, con cái đùa giỡn trong giờ nghỉ trưa hay đêm khuya.

    Để phát triển tình hữu nghị láng giềng, khu xóm, chúng ta cần thận trọng mối quan hệ.

    a/ Người mới đến khu xóm:
    -      Tìm hiểu lối sinh hoạt của khu xóm.
    -      Tôn trọng những phong tục tập quán địa phương
    -      Đi thăm xã giao các gia đình lân cận.

    b/ Người ở khu xóm lâu năm
    -       Thăm viếng người mới đến, đáp lễ.
    -       Trao đổi sự hiểu biết về sinh hoạt trong khu xóm.
    -       Giúp đỡ người mới đến, giới thiệu tổ trưởng, trưởng khu.

    c/ Bổn phận chung của mọi người
    -       Giữ hòa khí với mọi người.
    -       Tránh ngồi lê đôi mách.
    -       Không tò mò, chỉ trích gia đình người khác.
    -       Cha mẹ nên xử sự khéo léo, không bênh con, không chửi bới, gây gỗ, hay chơi hơn người khác, bạn cần nín nhịn, thận trọng trong quan hệ.
    -       Khi gia đình có tiệc tùng ồn ào, nên thông báo hoặc xin lỗi hàng xóm trước.
    -       Cống rãnh, rác, chó mèo cũng là những nguyên nhân gây xích mích. Càng tránh làm phiền hà lẫn nhau càng tốt.
    -       Nên tham gia hội họp, cải tiến xây dựng khu xóm.
    -       Các việc hiếu hỉ, ma chay nên tích cực tham gia.
     
    Cành Dương