ĐỜI SỐNG TÂM LINH - SUY TƯ VỀ CHỮ TÂM
- Details
- Category: 8. Đời Sống Tâm Linh
-
Tôi cũng có tản mạn một bàiGởi Anh Chu Tấn và các vị xem
Chữ TÂM
Một phút suy tư: Chữ TÂM
Trên đây là lời khuyên
Của tác giả vô danh
Luận về chữ Tâm
Tâm là trái tim
Đâu có gì phải suy tư
Nhưng tác giả khuyên vậy
Chắc có điều đáng suy nghĩ
Trẻ thơ sinh ra với trái tim đỏ hỏn
Kêu là “xích tử chi tâm”
Là trái tim hồn nhiên lúc sơ sanh
Tuổi thanh niên đầy nhiệt huyết
Tim sôi sụt bầu máu nóng “nhiệt tâm”
Tuổi yêu đương, hò hẹn, “tâm tình”
Khi người yêu lở bước sang ngang
“Lòng” đau quặn thắt chớ không phải tim
Vậy là cái tâm đau đớn từ tim xuống bụng
Cho nên mới nói kẻ vô tâm là
“ không có lòng ruột”
Và khi đau đớn thì than thở
“ đau đứt ruột, đứt gan “
Tỉnh trí lại, vận dụng “ Tâm trí “ suy nghĩ
Tâm từ bụng chuyển lên đầu óc
Vậy Tâm từ đâu ra?
Kinh Phật dạy:
Tâm không ở trong thân
Cũng không ở ngoài thân
Cũng không ở chặn giữa
Vậy thì tâm ở đâu?
Kinh lại nói tâm lớn tợ hư không
Không ở nơi đâu, mà nơi đâu cũng ở
Nhưng lại có câu “nhứt điểm hư linh”
Tổng kết lại là: Cái tâm khi thu nhỏ
Chỉ bằng hạt cải
Khi nở gỉản, lớn tợ hư không
Nhưng thực chất nó là cái gì?
Nghĩ hoài mà không ra
May đâu trực nhớ giai thoại
Đối đáp giữa hai cha con
Người Ấn theo đạo Bà La Môn
Họ không gọi Chân Tâm, Tự Tánh
Hay Bản Lai Diện Mục
Họ ởm ờ nói là “ Cái Ấy “
Cậu con hỏi cha già “ Cái ấy “ là gì?
Ông già Ấn Độ thản nhiên,
chỉ vào ngực con bảo:
CÁI ẤY CHÍNH LÀ NGƯƠI
con người sống động nơi trần thế
Nhưng đừng tưởng ông già Ấn đó là hay
Trần Cao Vân luận tam tài mới oai phong:
“ Chưa sinh, Trời, Đất có Ta trong
Ta cùng Trời, Đất ba Ngôi sánh
Trời đất in Ta một chữ Đồng
Đất nứt Ta ra, Trời chuyển động
Ta thay Trời mở Đất mênh mông “
Vậy đó, cái TÂM ẤY chính là TA
Là CON NGƯỜI viết chữ hoa
Nguyễn Nhơn
Chữ Tâm trong văn học Việt
1.Tổng quan
Trong văn học Việt, chữ Tâm thường có mặt, dù trong ca dao, tục ngữ hay trong các truyện Nôm như Kim Vân Kiều, Nhị Độ Mai v.v. Trong sự giao tiếp giữa người với người, ta thường chúc nhau thân tâm an lạc. Quả thật, thân và tâm đi liền với nhau, tạo thành một tổng thể. Thân có thể an, nhưng tâm không lạc vì bị tham sân si chi phối. Chữ Tâm là tiếng Hán-Việt, nếu nói theo chữ Việt thuần túy thì đó là lòng người (Cội nguồn cũng ở lòng người mà ra.. Tẻ, vui bởi tại lòng này, Thiện căn ở tại lòng ta v.v.)
Dân gian ta vẫn thường nói đến chữ Tâm kèm theo với vài ba chữ khác nữa, cụ thể như chữ Tâm an”, “Tâm hoà”, “Tâm bình”, “Tâm ngay thẳng”, Tâm trong sáng”, “Trực tâm” – ngược lại là những chữ “Ác tâm”, “Hắc tâm”, “Tà tâm”, “Tâm đen tối” v.v
Tâm ở trước các chữ như tâm thần, tâm lí, tâm cảm, tâm cảnh, tâm thức, tâm tình v.v.
Tâm ở sau các chữ như thiện tâm, vọng tâm, nội tâm, chân tâm, thành tâm, ác tâm v.v.
Trong kinh Bát Nhã, ta thường đọc có các chữ sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc chính là thân tức sự kết hợp của bốn chất gọi chung là tứ đại gồm đất, nước, gió, lửa và tâm nghĩa là các nhận thức, suy tưởng, tri giác, tinh cảm vui, buồn, thương, ghét v.v. thì Phật học gom chúng ra 4 loại, gọi là thọ (feeling), tưởng (cognition),hành ( mental formation), thức (consciousness)
Trong máy điện toán ngày nay, người ta phân biệt các bộ phận như bàn phím, con chuột, màn hình, bộ nhớ v.v. gọi chung là phần cứng còn các chương trình cài đặt trong bộ nhớ gọi là phần mềm. Con người có Thân cũng tương tự như phần cứng và Tâm tương tự như phần mềm.
Tâm có một nội hàm rộng lớn vì bao gồm tâm thức (lĩnh vực nhận thức, có ý thức), tâm cảnh (dùng các ý về cảnh để tả tình cảm), tâm niệm, tâm tư, tâm tính, tâm sự, tâm pháp (mọi phương pháp tác động lên tâm lý, từ tác động lên ý thức như giáo dục và công tác tư tưởng đến tác động lên vô thức như tâm lý liệu pháp), tâm cảm, tâm trạng, tâm hồn, tâm linh, tâm xúc, tâm bệnh v.v.. Bấy nhiêu đủ thấy tâm phức tạp, mà phức tạp cũng đúng vì tâm do hàng trăm ngàn neuron trên não bộ tác động lên nhau, v.v. và ngày nay, một môn học về thần kinh, về não bộ (neurosciences) ra đời, giúp cho khoa học nhận thức (cognitive sciences) tiến bộ hơn với máy chụp não bộ mạnh hơn, chính xác hơn
Chữ Tâm có ngay trong trang đầu của Kinh Pháp Cú:
Tâmvi pháp bổn
Tâmtôn, tâm sửmà Trần Trọng San dịch là:
Tâmlà gốc mọi pháp đời
Tâm cao quí nhất, tâm sai khiến làmTrong những kinh khác cũng nói về Tâm:
«Dĩ tâm vi tông, dĩ vô môn vi pháp môn» (Lấy tâm làm chủ, lấy cửa không làm cửa Pháp» (Kinh Lăng Già).
«Tâm địa là bản nguyên của vạn pháp» (Kinh Lăng Nghiêm).
Trong kinh Viên Giác có bài kệ:
Tội từ tâm khởi đem tâm Sám
Tâm được tịnh rồi tội liền tiêu
Tội tiêu tâm tịnh, thảy đều Không
Ấy mới thật là Chân Sám Hối.Sám Hối ở đây là “Tâm Sám”, tức là chuyển Ý nghiệp từ những tư tưởng xấu ác thành những tư tưởng lành thiện. Rồi tới Thân nghiệp là thực hiện những việc lành thiện đó. Nghiệp sẽ là nhân chi phối dòng đời, nghiệp thiện thì hưởng quả thiện, nghiệp ác thì lãnh quả báo ác, như bóng đi theo hình. Nếu biết tỉnh ngộ để chuyển nghiệp, từ xấu chuyển qua tốt, rồi từ tốt chuyển qua thanh tịnh, thì sẽ tiêu dung được nghiệp, ra khỏi dòng sinh tử triền miên.
2. Chữ Tâm trong ca dao Con cò mà đi ăn đêm
Trong thi ca Việt, con cò tượng trưng cho công việc lam lũ vì con cò thường đi kiếm ăn vất vả dọc bờ sông. Nhà thơ Tú Xương có nhắc đến công ơn của bà vợ với hai câu:
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đôngCa dao ta cũng có nhắc đến thân phận con cò, trong đó đã vẽ lên hình tượng một người vợ, người mẹ giàu đức hy sinh cho chồng, cho con qua ca dao sau:
Cái cò lặn lội bờ sông,
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non
Nàng về nuôi cái cùng con
Cho anh đi trẩy nước non Cao Bằng
Riêng trong bài ca dao sau đây:
Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ông ơi ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào, ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con
Bài này mượn chuyện con cò mà ngụ ý luân lý rất cao. Con cò sa xuống nước, người ta bắt được sắp đem làm thịt, mà nó vẫn xin nấu bằng nước trong, để cho chết cũng được trong sạch
Con cò mẹ chết mà vẫn thương đàn con như lời đức Phật dậy trong Kinh Từ Bi: «Như mẹ hiền thương yêu con một, Dám hy sinh bảo vệ cho con, Với muôn loài ân cần không khác, Lòng ái từ như bể như non».
Con cò mẹ sắp chết mà vẫn nghĩ về con nó. Nhưng dẫu cho “cò” có chấp nhận cái chết nhưng không hề chấp nhận để cho mình chết trong nhục nhã. Cò mẹ chết nhưng không muốn làm “đau lòng cò con”, không muốn phải để lại những vết nhơ cho con cái nó mà chỉ muốn giữ tiếng thơm cho con cháu đời sau. Đức hy sinh của “con cò” đã được thể hiện một cách mạnh mẽ. Con cò mẹ sắp chết mà nói với người đi săn: Tôi có lòng nào, ông hãy xáo măng. Nhưng vẫn căn dặn là có xáo thì xáo nước trong để cho chết cũng được trong sạch vì xáo nước đục thì cò con đau lòng: nước trong là nước không ô nhiễm; nước đục là nước ô nhiễm. Ô nhiễm đây là ô nhiễm của tâm hồn với nước đục là vọng tâm, còn nước trong là chân tâm.
– chân tâm là tâm thanh tịnh, không sinh diệt, không dao động, thường vắng lặng, là tính cac vị đã giác ngộ. Chân tâm là nêu lên cách ứng xử “đói cho sạch, rách cho thơm” cũng như đề cao “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” hay “thà chết trong còn hơn sống đục”.
– vọng tâm là tâm bị ngủ uẩn làm cho mê mờ với tham ái, dục lạc, vọng tưởng. Các loại hình của vọng tâm là ác tâm, tâm đố kị, tâm ngạo mạn, tâm hẹp hòi.
3. Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài
Trong truyện Kiều có đoạn thơ:
Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài
Thiện căn tức khi ta làm được 3 nghiệp lành như thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp là ta đã gieo được một thiện căn tốt.
Chữ Tâm ở đây có nghĩa là thái độ sống; ngày nay, các kỷ năng mềm (soft skill) như sự hài hoà, ôn tồn, hoà đồng trong giao tiếp là những kỷ năng quan trọng trong cuộc sống. Khi phỏng vấn xin việc, họ thường để ý cách ăn nói, cách trình bày, diễn tả mục đích xem mình có thể làm chung với các bạn đồng nghiệp không. Họ ít hỏi về học ở đâu, bằng gì.. vì những chi tiết đó có ghi trong tiểu sử và nếu cần họ chỉ gọi điện thoại tới trường học để biết. Càng ngày, c ác dự án đòi hỏi cộng tác của chuyên viên nhiều ngành học khác nhau nên cần phối hợp nhịp nhàng, cần đối thoại trong sự tương kính, cần thiện chí hợp tác, tóm tắt là cần cái Tâm. Không vọng ngữ, không vọng ngôn, không tranh chấp, nghĩa là có thiện căn, thiện tâm để dễ hoà đồng thì công việc mới tiến triển. Một xí nghiệp, một ngân hàng muốn thành công thì nhân viên phải có cả Tài lẫn Tâm. Có Tài mà không hoà đồng, hay cau có, hay nổi giận..thì không thể thành đạt. Cụ Nguyễn Du cũng nói:
Có tài mà cậy chi tàí
Chữ Tài liền với chữ tai một vần
-
Chữ Tâm trong Quan Âm Thị Kính
Truyện Quan Âm Thị Kính cốt tả đức tính nhẫn nhục và lòng từ bi của bà Thị Kính (nhân vật chính). Thị Kính lấy chồng còn đi học, tên là Thiện Sĩ. Một đêm chồng học quá khuya, ngủ thiếp đi, vợ ngồi khâu bên cạnh, thấy một sợi râu mọc ngược, sẵn có dao cầm tay nên toan cắt đi. Chồng giật mình tỉnh dậy, tưởng vợ muốn hại mình, liền hô hoán lên. Cha mẹ chồng chạy tới, gán cho Thị Kính tội mưu sát chồng. Nàng bị đuổi về nhà cha mẹ đẻ, vì quá buồn tủi, Thị Kính bèn giả trai đến tu ở chùa Vân (Vân Tự), được đặt pháp danh là Kính Tâm.
Trong vùng có Thị Mầu, con gái phú ông, vốn tính lẳng lơ đa tình. Cô này lên chùa thấy chú tiểu Kính Tâm liền đem lòng say đắm. Bị Thị Mầu nhiều lần trêu ghẹo, nhưng trước sau Kính Tâm vẫn thờ ơ. Không nén được lòng ham muốn, Thị Mầu có mang với người đầy tớ. Bị hào lý trong làng tra hỏi, Thị Mầu đổ tội cho Kính Tâm. Vì thế Kính Tâm bị sư cụ phạt bắt ra ở ngoài cổng chùa.
Ít lâu sau, Thị Mầu sinh một con trai, bèn đem tới cổng chùa giao phó cho Kính Tâm nuôi dưỡng. Được ba năm đứa bé đã khôn lớn, thì Kính Tâm mắc bệnh nặng rồi mất. Trước khi qua đời, Kính Tâm có viết một bức thư để lại cho cha mẹ.Xem thư tuyệt mệnh của tiểu Kính Tâm, người nhà mới biết tội mưu giết chồng là oan ức. Khi liệm thi hài, các sư, vãi trong chùa mới rõ Kính Tâm là phụ nữ!. Kinh Tâm như vậy cuối cùng mới được giải oan, dù trong lúc sinh thời đã chịu bao lời đàm tiếu của thiên hạ.
Lòng đại từ, đại bi, đại nhẫn của Thị Kính đã được tôn vinh lên hàng Quan Âm nên đời sau, ta quen gọi là Quan Âm Thị Kính. Và trong tinh thần ấy, trong bản trường ca Mẹ Việt Nam, nhạc sĩ Phạm Duy có nhắc đến sự tích này với các ca từ:
Mẹ là Tiểu Kính Tâm
Lên chùa giải oan
Ôi xót thương trẻ khóc trong vườn, trẻ con hoangÔi! Mẹ từ bi
Giọt máu rơi này. Mẹ nhận là con, mẹ Việt Nam…như nhắc nhở từ tâm rộng lớn của Mẹ Việt Nam, ‘mẹ Việt Nam không son, không phấn, mẹ Viet Nam chân lấm tay bùn’.
5. Cội nguồn cũng ở lòng người mà ra.
Truyện Kiều có đoạn thơ như sau:
Cội nguồn cũng ở lòng người mà ra.
Có trời mà cũng tại ta,
Tu là cõi phúc, tình là dây oan.
Thúy Kiều sắc sảo khôn ngoan,
Vô duyên là phận hồng nhan đã đành
Tu là cõi phúc là vì nếu thiếu vắng sự an lạc nội tâm thì con người vẫn không thể có sự bình an và hạnh phúc lâu dài. Tiền bạc không mang lại sự an bình trong nội tâm.
Đạt Lai Lạt Ma cũng từng nói rằng: “Dù cho dân số năm tỷ người hiện đang sống trên trái đất này trở thành triệu phú hết, nhưng thiếu vắng sự an lạc nội tâm thì con người vẫn không thể có sự bình an và hạnh phúc lâu dài” (Live In A Better Way). “Nếu tiền bạc, của cải, quyền lực mang đến sự an vui thì có lẽ những vị vua chúa hay các vị lãnh đạo đất nước đều đã được an vui rồi.” (Ethics For The New Millennium.)
Con người cảm thấy khổ vì không có an lạc nội tâm (inner peace). Thực vậy:
– nội tâm có thể là lòng tham đối với tiền tài và của cải.
-nội tâm có thể là tâm đố kị, tâm ngạo mạn, tâm hẹp hòi, bắt tư tưởng và quan điểm người khác phải giống mình.
Các loại tâm như vậy là ác tâm, nếu ta có thể vứt bỏ các loại ác tâm ấy, ta sẽ bớt khổ vì có thanh thản nội tâm. Mà muốn vậy thì phải sống với thái độ lạc quan, hòa ái để thay thế lòng tham, tính đố kỵ và ích kỷ, nhờ thế nội tâm sẽ dần chuyển hóa, dần thay đổi để thanh thản và bình an hơn. Như nàng Kiều khi ở thảo am với sư Giác Duyên, nhờ không tham ái, không chấp ngã, không vọng niệm nên sống an nhiên tự tại:
Một nhà chung chạ sớm trưa
Gió trăng mát mặt, muối dưa chay lòng
Bốn bề bát ngát mênh mông
Triều dâng hôm sớm, mây lồng trước sau
(câu 2733-2736)
Trong kinh điển nhà Phật, ta thường nghe chánh báo và y báo. Thế nào là chánh báo và y báo? Thân thể của chúng ta là y báo, hoàn cảnh cư trú là y báo, tướng mạo cũng là y báo. Còn chánh báo là ý niệm, là tâm của chúng ta. Tâm địa của ta tốt thì tướng mạo cũng tốt, với nụ cười, với thân thể, mọi thứ tự nhiên liền chuyển đổi. Còn tâm không tốt, ngày ngày chỉ chuyên nghỉ chuyện lường gạt, xảo trá thì phản ánh lên tướng mạo bên ngoài. Người ta khi xem phong thủy, thường nói ‘đức năng thắng số’ nghĩa là chính mình phải tu phước, hướng thiện và Phật nói với chúng ta “y báo tuỳ theo chánh báo chuyển” là vậy. Kinh Bát Nhã nói: “Khi Bồ tát Quán-tự-tại thực hành trí tuệ Bát Nhã thâm sâu, soi thấy (tất cả) là Không, Ngài liền vượt mọi khổ nạn”. Tất cả là Không, tức là không còn phân biệt cái gì hơn cái gì thì tâm được an tịnh.
6. Tẻ, vui bởi tại lòng này hay Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ
Cả hai câu thơ trên trích trong truyện Kiều nói lên ảnh hưởng của nội tâm trên cư xử và hành động. Đối với khoa học thần kinh, cảm xúc vô cùng quan trọng vì là động cơ thúc đẩy hành động, và gây ảnh hưởng không nhỏ lên thông minh cảm xúc (intelligence émotionnelle).
Tiếng đàn của Thúy Kiều khi vui khi buồn cũng là tùy theo tâm trạng
Khi nàng Kiều vui thì tiếng đàn:
Trong như tiếng hạc bay qua
Đục như nước suối mới sa nửa vời
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa
Khi buồn thì:
Ngọn đèn khi tỏ khi mờ
Khiến người ngồi đó mà ngơ ngẩn sầu
Khi tựa gối, khi cúi đầu
Khi vò chin khúc, khi chau đôi mày
Khi đoàn viên lại với Kim Trọng:
Chàng rằng: Phổ ấy tay nào?
Xưa sao sầu thảm, nay sao vui vầy?
Tẻ, vui bởi tại lòng này,
Hay là khổ tận đến ngày cam lai?Một thế giới dựa vào các giá trị như Từ, Bi, Bác Ái, như vậy thì mọi người, mọi sinh vật sống an lạc. Quan niệm Phật giáo với tâm từ bi với mọi sinh vật ‘nhất thiết chúng sinh giai cộng thành Phật đạo’ là quan niệm viên dung. Chúng sinh đồng một thể, mình và người không khác, lợi người là lợi mình, giết hại kẻ khác là giết mình
Khi tâm an và biết hướng thiện thì chẳng những mình được hạnh phúc mà còn hoà đồng được với cái tâm đại ngã của vũ trụ. Như Lão Tử nói: Người ta sinh ra thì mềm yếu mà khi chết thì cứng lại. Thảo mộc sinh ra thì mềm dịu mà khi chết đi thì lại khô cứng. Cho nên cứng rắn, cáu giận là biểu hiện của chết, mềm yếu, khiêm nhường là dấu hiệu của sống.
7. Chữ Tâm trong truyện thơ nôm Nhị Độ Mai (hoa mai nở hai lần)Truyện Nhị Độ Mai cũng là một truyện Nôm khá phổ thông như truyện Kiều và truyện Lục Vân Tiên. Đây là một truyện thơ phỏng theo một chuyện bên Tàu, đời nhà Đường với nhiều nhân vật thuộc nhiều tầng lớp: vua chúa, văn thần, võ tướng, kẻ sĩ tài danh, công tử ỷ quyền cậy thế, sư sãi, nhà chài, đặc biệt có hình tượng nhà Nho nghĩa khí và người phụ nữ tài sắc, đức hạnh.
Nhị độ mai là một cuốn luân lý tiểu thuyết chủ ý khuyên người ta nên theo luân thường, nên giữ trọn những điều trung, hiếu, tiết, nghĩa. Trong truyện, bày ra một bên là những vai trung chính, dù gặp hoạn nạn cũng không đổi lòng, sau được vẻ vang sung sướng; một bên là nhũng vai gian ác, tuy được đắc chí một thời, sau cũng phải bị tội vạ, khổ sở, để tỏ cho người đời nhận biết cái lẽ báo ứng của trời. Đặc biệt có nhân vật trong truyện đã toan quyên sinh nhung được nhà chùa cứu vớt:
Sư rằng: Cửa bụt thênh thênh
Tòng quyền hãy tạm gửi mình ở đây
Nhà chùa công việc cũng đầy
Dẫu rằng lau án, tưới cây cũng là
Vả trong ra dáng con nhà,
Sẵn nghiên bút viết một vài tờ xem
-
Stress hay là 4 thành tố của Stress (SUNT)
Những gì gây căng thẳng (stress)? Để ý các chữ sau:
Sense of control: ta có cảm tưởng như mình không kiểm soát được tình hình. Ví dụ: xe cộ ồn ào, cướp bóc, mất ngủ thường xuyên, bụi khói mù đường, lũ lụt, cháy nhà
Unpredictability: chuyện bất thường xảy ra không tiên đoán, không dự trù được. Ví dụ: tai nạn, mất việc, người thân chết v.v.Novelty: cái mới quá chưa bao giờ gặp nên phải quá sức ra làm, đâm ra mệt mỏi. Áp lực công việc cao với các mục tiêu khó đạt được
Threat to the ego: mất tự tin thường hay dẫn đến tự ti và cảm giác bất hạnh càng lúc càng ăn sâu vào tâm trí khiến căng thẳng lo âu càng nhiều. Chấp ngã khi ta chỉ muốn giữ lại mối tương giao nào mà cái huyễn ngã của chúng ta được ái mộ, chiều chuộng, vuốt ve, những hành động của ta được tung hô vạn tuế. Bằng ngược lại, ta hờn, ta dỗi, ta hận đời đen bạc, than rằng sao người ta không hiểu mình, rằng sao mà mình cô đơn quá, v.v… Chấp ngã nên tâm không an lạc được
Căng thẳng (stress) ảnh hưởng đến thân thể như cao huyết áp, hơi thở gấp gáp, mất ngủ, và cũng ảnh hưởng đến đời sống tinh thần như suy giảm trí nhớ, mất tự tin..Ngày nay căng thẳng trong đời sống là nguyên nhân chính của các bệnh do đó hiện nay, trên thế giới có nhiều nơi tổ chức các khoá tu thiền, với đi thiền, ngồi thiền hơi thở tập trung để giữ cho thân thanh tịnh, khẩu thanh tịnh, ý thanh tịnh, giúp làm thay đổi cái cảm thọ của chính ta.Thân khẩu ý thanh tịnh nghĩa là tâm không chướng ngại, mà tâm không chướng ngại thì không điên đảo, đạt niết bàn (Kinh Bát Nhã). Thân (Body) và Tâm (Mind) tác động và có ảnh hưởng qua lại: thân bệnh mà tâm không bệnh cũng giúp cơ thể mau lành hơn: những lời nguyện cầu giúp cơ thể tạo ra nhiều kháng thể hơn nên dễ chống chọi với bệnh tật hơn.
Theo Đức Dalai Lama, sự bình yên không có nghĩa là một nơi không có tiếng ồn ào. Bình yên có nghĩa ngay chính khi ta đang trong phong ba bão táp ta vẫn cảm thấy sự yên tĩnh trong trái tim. Đó mới chính là ý nghĩa thật sự của sự bình yên.
9. Kết luận
Như vậy, không phải chỉ trong các kinh Phật giáo mà chữ Tâm cũng bàng bạc khắp trong văn học Việt, từ các truyện Lục Vân Tiên, Cung Oán, Chinh phụ Ngâm cho đến Truyện Kiều v.v.. Tâm con người có thể vui, buồn, thương, nhớ, ghét, ghen, hờn giận.., thay đổi liên miên nên trong kinh kệ nhà Phật thường chúc nhau:
Tâmbồ đề kiên cố, Xa bể khổ nguồn mê, Chóng quay về bờ giác…
Xa bể khổ nguồn mê là để đi tìm hạnh phúc mà:
– hạnh phúc là ở đôi môi mỉm cười để vơi đi nỗi khắc khoải, ở những lời yêu thương tốt đẹp, không phỉ báng ai, không chê trách ai. Là con Phật, nếu không nói được những gì Phật nói, hãy im lặng như chánh pháp, đừng nói những lời ác, xuyên tạc, bịa đặt, vu khống, làm tổn hại kẻ khác, nếu không làm được những gì Phật làm, hãy im lặng và lắng nghe, quán sát, học hỏi những thiện tri thức, đừng vọng động, đừng vọng ngữ làm những điều thương tổn đến tha nhân. Đừng thốt ra từ miệng những lời ác độc, cho dù người ta có xấu ác với mình bao nhiêu. Càng nguyền rủa người khác, tâm ta càng bị nhiễm ô. Bộ não độc đáo của chúng ta có khả năng chứa nhiều điều tốt đẹp: lòng Từ bi, Khoan dung, Tha thứ, và Tình yêu, nhưng đồng thời tâm trí chúng ta cũng là một nguồn cội của sự giận dữ, hận thù và sợ hãi. Thách thức lớn nhất trong ta là phải đối mặt với những vấn nạn do chính ta tạo ra. Một nghịch lý của thời nay là: càng hiện đại, con người càng vô cảm, vật chất càng giầu có bao nhiêu, thì con tim lại càng nghèo đi bấy nhiêu.
-hạnh phúc khi ta đừng đòi hỏi điều gì khi bản thân không làm được. Sự hụt hẫng khi điều mình muốn không được đáp lại rất dễ đẩy ta vào hố sâu của thất vọng. Khi đang vui, ta nên nghĩ rằng niềm vui này không vĩnh hằng. Khi đau khổ, ta hãy nghĩ rằng nỗi đau này cũng không trường tồn.
-hạnh phúc nằm ở sự tha thứ. Chẳng có ai ôm trong lòng mối hận thù mà cảm thấy vui vẻ và thoải mái cả. Cuộc đời vô thường, cuộc đời ngắn quá, không nên phí vào hận thù mà tha thứ cũng là cách tự cho chính mình món quà an nhiên. Bao dung giúp thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn và an toàn hơn. Khi nào ta thật sự buông xả thì lúc ấy ta sẽ hết phiền não.
-hạnh phúc nằm ở chữ Nhẫn vì nhẫn giúp con người hóa giải ân oán, hận thù để từ đó thay đổi vận mệnh.
Thái Công Tụng
Nguồn: _https://sites.google.com/ -