Tôi nhớ lại lúc còn học lớp 12 (đệ nhất) trung học ở Sài gòn trước năm 1975, lớp triết học đầu tiên có dạy về cách suy luận gọi là “Tam Đoạn Luận.” Trong đó ông Thầy dạy Triết đã cho một thí dụ rất “oái oăm” qua 3 câu ngắn liên quan đến cách suy diễn về sự chết của con người và dùng ngay tên cúng cơm của đại triết gia cổ Hy lạp là Socrates:
Note: hình trong bài này là minh họa
“Mọi người đều phải chết
Socrates là người
Socrates phải chết…”
Đúng như ý nghĩa của “Tam Đoạn Luận” này! Tuổi già (và sự chết) là chuyện tự nhiên không ai tránh khỏi. Khi còn trẻ thì mọi người chúng ta sinh con; nuôi nấng cho lớn khôn, giúp đỡ con cái về vật chất cũng như tinh thần từ lúc con sinh ra cho đến khi… mãn kiếp. Nhưng con cái phần lớn không để ý (hay quên?! Mắc “Dementia” từ bé?) tới những cố gắng này của bố mẹ; kể cả khi con cái là những người rất thành công trên đường đời. Người già đến khi kiệt sức là lúc cần sự giúp đỡ của con cái thì được con cái trả lời là: “Tui quá bận rộn với cuộc sống, không có thời giờ đâu mà v..v..”
Mở đầu bài viết, để câu chuyện tuổi già và người già bớt nhàm chán vì có nhiều định luật về tuổi già mà quý vị cao niên đã biết quá rõ rồi, tôi xin kể hai câu chuyện để riêng các bạn trẻ, sồn sồn (chưa già) có dịp đọc và suy gẫm như sau.
Câu chuyện thứ nhất:
Sau khi bố qua đời, người con trai quyết định đưa bà mẹ già vào Viện dưỡng lão với ý định sẽ thỉnh thoảng đến thăm bà cụ ở đây thôi chứ sự bận bịu của cuộc sống không còn cho phép anh ta sống và trông nom bà cụ.
Ngày kia, Viện dưỡng lão gọi điện thoại người con trai báo tin cho biết là sức khỏe bà cụ yếu lắm rồi, sợ khó qua khỏi, xin anh con trai đến gặp gấp. Người con trai đến bên giường bệnh thấy mẹ già nằm im bất động, có lẽ đang thở những hơi cuối cùng của cuộc sống.
Người con trai ghé sát tai bà mẹ và nói:
- “Xin Mẹ cho con biết là con có thể làm gì trong lúc này không?”
Bà mẹ cố gắng thều thào:
- “Nhờ con yêu cầu Viện dưỡng lão gắn thêm vài cái quạt trần nữa; thay cái tủ lạnh đễ giữ thức ăn tốt hơn; cung cấp đầy đủ nước uống trong mùa hè và cho thêm thức ăn vào tủ lạnh. Nhiều đêm đi ngủ mà bụng Mẹ còn đói…”
Thay vì trả lời bà mẹ già, anh con trai lấy làm lạ là mẹ mình chỉ còn sống vài giờ nữa mà sao lại có những yêu cầu thuộc loại “vớ vẩn” như vậy? Anh ta mới hỏi tới:
- “Tai sao Mẹ lại yêu cầu những chuyện như vậy trong khi mẹ sẽ không còn cần nó nữa?”
Bà mẹ già lại thều thào nói:
- “Con yêu. Lời mẹ đang yêu cầu này là cho chính con trong tương lai. Mẹ có thể chịu nóng, chịu khát, chịu đói… nhưng mẹ đã nuôi con và mẹ biết là con không thể chịu đựng được những điều khó chịu như vậy ngay từ lúc con còn bé. Đến hôm nay, con vẫn chưa gặp phải tình trạng bất mãn này trong đời sống; nhưng một ngày mai, khi con già như mẹ thì chưa biết được…”
Đứa con trai trưởng thành nghe mẹ già nói đã phải khóc òa lên:
- “Tại sao con có thể để mẹ già, người từng chăm sóc, thương yêu con hơn tất cả những gì trên đời phải sống như vậy??”
Kết luận: Xin bạn bỏ bớt thời giờ bận rộn để chăm sóc bố mẹ già.
Câu chuyện thứ hai:
Một cụ già 80 tuổi ngồi trong phòng khách cùng với đứa con trai 45 tuổi rất đạo mạo. Bỗng nhiên có một con quạ bay đến đậu bên cửa sổ.
Ông bố già hỏi:
- “Con gì vậy con?”
Người con trai trả lời:
- “Thưa bố. Đó là con Quạ.”
Sau một vài phút, người bố già hỏi lần thứ hai:
- “Con gì vậy con?”
- “Con vừa mới trả lời bố là con Quạ mà.”
Sau đó một chút, người bố lại hỏi con trai lần thứ ba:
- “Con gì vậy con?”
Lần này người con trai có vẻ không bằng lòng, trả lời gằn giọng là:
- “Con Quạ. Con Quạ.”
Sau một lát nữa người bố già hỏi lần thứ tư:
- “Con gì vậy con?”
Lần này người con trai không thể dằn sự tức giận được nữa, quát to lên:
- “Tại sao bố cứ hỏi tới hỏi lui hoài vậy? Con đã trả lời rồi: ‘ĐÓ LÀ CON QUẠ.’ Bố có hiểu tiếng Việt không?”
Một lúc sau, ông bố già đi vào phòng lấy một cuốn nhật ký đã phai màu mà ông còn giữ lại từ lúc người con trai mới sinh. Mở vài trang đầu xong, tới một trang kế, ông nhờ người con trai đọc dùm như sau:
“Hôm nay, con trai của tôi đầy 3 tuổi. Hai cha con ngồi trong phòng khách nhìn ra cửa sổ thì thấy có một con quạ đang đậu trên song cửa. Con trai tôi hỏi tôi 23 lần ‘CON GÌ VẬY?’ Tôi trả lời con trai tôi đủ 23 lần ‘ĐÓ LÀ CON QUẠ.’ Tôi ôm con vào lòng mỗi lần nó hỏi tôi ‘CON GÌ VẬY?’ Tôi không hể cảm thấy phiền lòng về sự ngây thơ của con…”
Kết luận: Đừng xem bố mẹ mình như là gánh nặng hay những sự bực bội… Hãy nói chuyện với bố mẹ mình một cách khiêm nhường, hòa nhã và tử tế. Bố mẹ đã sống và kiên nhẫn với con cái từ lúc còn bé. Bố mẹ luôn luôn muốn con cái sống hạnh phúc.
Cuộc đời là một cuộc hành trình trải qua bốn gia đoạn: Sơ sinh, thời thơ ấu, trưởng thành và tuổi già. Tuổi già có thể được đánh dấu từ lúc bắt đầu về hưu (ở tuổi 65 hay 66?) tức là lúc đủ điều kiện lãnh tiền già hay tiền hưu trí; và cũng đủ điều kiện hưởng quy chế “Tiết kiệm dành cho người cao tuổi” (Senior Citizen Discount!)
Thực ra tuổi (con số) không có ý nghĩa gì bởi vì già hay trẻ còn tùy vào sự suy nghĩ của mỗi người. Trong cuộc hành trình cuộc đời, lúc trẻ là lúc chúng ta sử dụng những tài nguyên mà trời ban cho từ sức khỏe, tiền bạc, kiến thức, sự sáng tạo… Đến khi về già là lúc phải chấp nhận và an hưởng. Cố gắng giữ niềm tin và ước vọng đối với tháng ngày sống còn lại; tránh các hoàn cảnh dẫn tới sự cô lập hay cô đơn. Hai thứ độc địa này sẽ cắt ngắn cái tuổi già sớm hơn.
Một ngày kia, tôi đến thăm một người bạn già sống “trơ thân cụ” mặc dù có 8 người con đều trưởng thành, thành tài, sống rải rác ở trên khắp nước Mỹ. Ông bạn than phiền:
- “Anh còn nhớ căn nhà này trước đầy tiếng cười nói của đàn con của tôi 8 đứa. Bây giờ tôi phải sống lui hui chỉ có một mình! Kể cũng tủi thật!”
Tôi an ủi:
- “Anh đừng có nản! Anh không bao giờ sống một mình trong cô đơn cả. Có Đấng Chí Tôn luôn luôn ở bên cạnh anh đấy! Lo gì?”
Không phải tuổi già luôn luôn là chuyện buồn, chuyện thất lợi. Tuổi già cho chúng ta các cơ hội để ôn lại những cái sai, cái thất bại của quá khứ; giúp tìm cách hàn gắn lại những liên hệ tình cảm đã bị sứt mẻ, đổ vỡ với người thân trong gia đình cũng như bạn bè – Nhớ lại những lúc mình làm người khác buồn và lúc người khác làm mình buồn.
Nên biết, người già thường có 3 cái lo sợ:
· Chết.
· Bị bỏ quên.
· Trở thành gánh nặng cho người khác.
Tôi xin đề nghị cách để người già có thể tránh được các nỗi sợ này như sau:
Thứ nhất, người có đức tin tôn giáo không sợ chết. Chết chỉ là một “sự thay đổi” chứ không phải là “hết/ hay chấm dứt.” Con người có phần xác và phần hồn. Chỉ có phần xác chết; còn phần hồn sẽ trở về Nước Chúa Vĩnh Cửu hay Vãng Sanh Tịnh độ… Thánh Therese of Lisieux có nói: “Sự chết là con đường thật đẹp dẫn đến thiên đàng.” (Death is the magnificent gateway to Paradise).
Thứ hai, Không làm gì phải sợ bị bỏ quên; ngoại trừ người già tự ý nhất định muốn bị bỏ quên thì tôi đành chịu! Bởi vì người già có nhiều thời giờ, thành ra có rất nhiều người, nhiều tổ chức cần sự đóng góp công sức của họ. Ở ngoài xã hội thì có các hội thiện nguyện, “Soup Kitchens,” các mục vụ của nhà thờ; các việc công quả ở chùa, đền thờ v..v.. Ở trong phạm vi gia đình (ở nhà) thì các con các cháu luôn luôn cần sự giúp đỡ của ông bà để giữ nhà, chăm sóc đưa đón con trẻ còn nhỏ, trong lúc phải con cháu phải đi làm kiếm sống trong hoàn cảnh chật vật mà không đủ phương tiện tài chính để thuê người chăm sóc hay đem gởi con nhỏ ở các nhà trẻ tốn kém.
Thứ ba, lúc còn trẻ phải sống cần kiệm không hoang phí để khi về già có thể tự sống với “tiền để dành” (saving) cũng như trợ cấp hưu trí giới hạn của chính mình. Có thể dùng tiền tiết kiệm của mình để sống trong cơ sở khang trang, không cần phải tráng lệ, dành riêng cho người cao niên có khả năng tài chánh tối thiểu. Con cháu nếu có muốn giúp thêm thì rất quý; nhưng nếu đã có dự tính từ trước là cố sống “độc lập, tự lo hạnh phúc” thì dầu sao cũng khó có thể trở thành gánh nặng của người khác, kể cả con cháu.
Vài lời thô thiển.
Trần Văn Giang