KHIÊM NHƯỜNG: NỀN TẢNG CỦA SỰ THÁNH THIỆN
- Details
- Category: 8. Đời Sống Tâm Linh
Để chúng ta thực sự lớn lên trong sự thánh thiện, nhân đức quan trọng nhất là bác ái - một tình yêu đích thực dành cho Thiên Chúa và tha nhân. Nhưng bên cạnh nhân đức bác ái đối thần là nhân đức khiêm nhường. Theo một nghĩa nào đó, chúng là hai trụ cột hay hai viên đá nền tảng cho những người thực sự theo đuổi một đời sống thánh thiện đích thực.
Đối với vị thánh nữ vĩ đại Tiến sĩ Hội thánh, Tiến sĩ Cầu nguyện, Thánh Têrêsa Avila, khiêm nhường đơn giản là Sự Thật. Đó là nhận thức được chúng ta thực sự là ai từ quan điểm thiêng liêng, từ con mắt của Thiên Chúa, Tác giả của mọi sự thật. Trên thực tế, phẩm giá của chúng ta cao cả - được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa và qua Bí tích Rửa tội, chúng ta được biến đổi thành biểu tượng của Thiên Chúa Ba Ngôi. Định mệnh của chúng ta không thể diễn tả bằng lời - được hiệp nhất với các thiên thần và các thánh trên thiên đàng để ngợi khen Chúa Ba Ngôi đến muôn đời. Tuy nhiên, vì bị sinh ra trong tội nguyên tổ, có dục vọng và là tội nhân nên con người mang bản chất thực sự sa ngã.
Thật vậy, một người thực sự khiêm nhường nhận ra hết sức rõ ràng rằng tất cả những điều tốt lành mà họ đã làm và có khả năng làm là kết quả của quyền năng Chúa, của ân sủng và lòng tốt lành của Chúa trong cuộc sống của họ. Mặt khác, người khiêm nhường thừa nhận rằng tất cả những thất bại của họ, đặc biệt là trong lĩnh vực đạo lý, tội lỗi là do họ lạm dụng các khả năng mà Chúa đã ban cho họ.
Do đó, chính vì sự khiêm nhường là điều tối quan trọng, chúng ta hãy cố gắng theo đuổi nhân đức này trong cuộc sống của mình; chúng ta hãy cố gắng đạt được nhân đức đó và để cho nhân đức ấy cắm rễ sâu vào chính trung tâm cõi lòng của chúng ta. Cầu mong cho lời nói, hành động, việc làm và ý định của chúng ta luôn được hấp thụ và thấm nhuần tinh thần khiêm nhường thực sự.
Tất nhiên, Chúa Giêsu và Mẹ Maria là mẫu mực của chúng ta. Thật vậy, cả Chúa Giêsu và Mẹ Maria đều là những người thánh thiện nhất từng sống trên trần thế, nhưng cũng là những người khiêm hạ nhất. Chỉ một lần Chúa Giêsu mô tả các phẩm tính của Thánh Tâm Ngài - Trái Tim Ngài vừa hiền lành vừa khiêm nhường. Ước gì lời cầu nguyện vang vọng trong sâu thẳm trái tim chúng ta là lời cầu nguyện về sự khiêm hạ vĩ đại của Trái Tim Chúa Giêsu: LẠY CHÚA GIÊSU HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỜNG TRONG LÒNG, XIN UỐN LÒNG CHÚNG CON NÊN GIỐNG TRÁI TIM CHÚA.
Phần sau đây là những bước đi nhất định mà chúng ta có thể thực hiện để đạt được nhân đức cao cả nhất này, nhân đức khiêm nhường.
CÁC BƯỚC CHIẾN LƯỢC ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC NHÂN ĐỨC KHIÊM NHƯỜNG CAO CẢ
- Hãy trân trọng giá trị của nhân đức khiêm nhường. Chúng ta sẽ không bao giờ có thể đạt được bất cứ điều tốt đẹp nào trong cuộc sống của mình nếu chúng ta không thấy giá trị và sự đáng giá của nhân đức khiêm nhường. Những kẻ keo kiệt theo đuổi vàng bạc; những kẻ hão huyền theo đuổi những hư danh trong lòng, và những kẻ nhục dục theo đuổi khoái lạc xác thịt. Tại sao? Bởi vì họ coi những thứ này là có giá trị - mặc dù chúng là ngẫu tượng và là giá trị giả. Chúng ta phải xem và đánh giá cao sự khiêm nhường có tầm quan trọng lớn nhất trong tòa nhà thánh thiện và là nền tảng cho sự thánh thiện. Nếu không, việc theo đuổi sự thánh thiện trong đời của chúng ta sẽ bị xây dựng trên cát và sụp đổ nhanh chóng!
- Những kẻ ăn xin trước mặt Thiên Chúa. Thánh Augustinô, được trích dẫn trong Giáo lý của Giáo hội Công giáo, khẳng định rằng tất cả chúng ta đều là những người ăn xin trước mặt Chúa. Chúng ta rất cần Chúa trong mọi sự; chúng ta phụ thuộc vào Ngài trong mọi việc. Đặc biệt nhất là chúng ta cần có Chúa để sống cuộc đời nhân đức và từ bỏ tính kiêu căng - trái ngược với đức khiêm nhường - trong mọi mức độ và hình thức. Chúa Giêsu truyền lệnh cho chúng ta: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho” (Mt 7:7) Còn lời cầu nguyện của chúng ta là gì? Lạy Chúa, xin ban cho con hiền lành và khiêm nhường trong lòng.
- Ngoan ngùy khi được hướng dẫn tâm linh. Tất cả chúng ta đều có những điểm mù trong cuộc sống và đặc biệt là trong đời sống tâm linh. Một vị linh hướng được đào tạo tốt lành sẽ giúp chúng ta rất nhiều trên Con Đường Lên Thiên Đàng.
- Vâng lời khi được hướng dẫn. Điều đó có nghĩa cụ thể là trong khi được hướng dẫn chúng ta phải đủ khiêm tốn để vâng lời Vị hướng dẫn, là kênh đem lại Sự thật và Ân sủng của Thiên Chúa. Không còn nghi ngờ gì nữa, một trong những dấu hiệu cho thấy sự thánh thiện đích thực của Thánh Faustina Kowalska là sự ngoan ngoãn và vâng phục của chị khi được hướng dẫn tâm linh. Nếu không có sự vâng lời, thì thực sự không có sự phát triển trong sự khiêm nhường và sự thánh thiện bị ngăn chặn và cản trở.
- Chấp nhận sự sửa dạy của anh em. Điều này thực sự nhức buốt, nhưng cần thiết cho sự trưởng thành tâm linh và sự trưởng thành của chúng ta trong sự khiêm nhường: chấp nhận sự sửa dạy của anh em. Thông thường, do lòng kiêu hãnh bẩm sinh của chúng ta, khi ai đó chỉ ra điều gì đó trong cuộc sống của chúng ta cần phải sửa chữa, chúng ta nổi giận, lùi lại trước sự sửa dạy đó, và đôi khi chúng ta quay cổ lại tấn công trực diện để phòng thủ. Chúng ta chỉ đơn giản là chống lại việc những thiếu sót của chúng ta bị chỉ ra - điều này là do sự tự hãnh thái quá. Thánh Đaminh Savio đã làm bạn với một cậu bé khác trong Nguyện Đường Thánh Gioan Bosco. Saviô nhất quyết yêu cầu bạn mình phải thẳng thắn chỉ ra cho mình những thất bại của mình để Saviô có thể thăng tiến trong sự thánh thiện. Trước khi lên 15 tuổi, Saviô đã đạt được nhân đức anh hùng và sự thánh thiện.
- Chấp nhận sự sỉ nhục. Có lẽ còn khó hơn cả việc chấp nhận sự sửa dạy của anh em là sẵn sàng chấp nhận những sỉ nhục giáng xuống chúng ta. Dù muốn hay không chúng ta cũng sẽ nhận lấy những sỉ nhục. Cơ hội ngàn vàng của chúng ta chính là lúc Chúa cho phép chúng ta bị hạ nhục. Khuynh hướng tự nhiên của chúng ta là trả đũa. Còn phản ứng của các thánh khi lãnh nhận một nhục hình là im lặng, cầu nguyện cho kẻ xúc phạm và hiệp nhất sự nhục nhã của mình với những nhục nhã của Chúa Giêsu mà Ngài đã trải qua trong cuộc Khổ nạn cay đắng, tàn nhẫn và ô nhục. Nếu không có ân sủng của Thiên Chúa thì điều này là không thể, nhưng với Thiên Chúa thì tất cả đều có thể!
- Bác ái và phục vụ. Đây là một bước ngoặt thú vị: bác ái và phục vụ như những cánh cổng dẫn đến sự khiêm nhường. Thật vậy, mỗi khi chúng ta đặt mình phục vụ người khác, thực hành bác ái và yêu thương người khác, thì đồng thời chúng ta cũng lớn lên trong sự khiêm nhường. Thật ra, khi chúng ta thực hành lòng bác ái - tình yêu thương siêu nhiên dành cho Thiên Chúa và người lân cận - thì chúng ta phát triển tất cả các nhân đức khác, và điều đó bao gồm cả nhân đức khiêm nhường.
- Hãy suy niệm ba chiều kích trong cuộc đời Chúa Giêsu: biểu lộ sự khiêm hạ lớn lao của Ngài:
- Sự nhập thể của Ngài. Việc Chúa Giêsu, Ngôi Hai của Thiên Chúa Ba Ngôi, thực sự mặc lấy xác phàm và làm người là một bước nhảy vĩ đại của sự hạ mình và khiêm nhường. Thiên Chúa làm người để chúng ta được trở thành con cái Thiên Chúa.
- Cuộc khổ nạn của Ngài. Tất cả các yếu tố và chi tiết về cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu Kitô và Đấng Cứu Độ chúng ta đều biểu lộ một sự khiêm hạ đáng kinh ngạc và đáng chú ý. Tuy nhiên, bạn có thể chỉ suy niệm về mão gai của Chúa Giêsu - Mầu Nhiệm Thứ Ba mùa Thương của Chuỗi Mân Côi. Những lời nhạo báng, mỉa mai và lăng mạ, bị bịt mắt, bị đấm và bị đánh vào mặt, bị giật râu, khạc nhổ vào mặt Ngài, và quan trọng nhất: bị đội mão gai sắc nhọn. Trong tất cả những điều này, theo lời của Tiên Tri Isaia, Ngài giống như một con cừu hiền lành, im lặng bị dẫn đến lò sát sinh. Bằng cách suy gẫm về Cuộc Thương Khó của Chúa Kitô, lòng kiêu hãnh của chúng ta sẽ chìm xuống vực sâu.
- Chúa Giêsu trong Thánh lễ và hiện diện trong Thánh Thể. Nhiều người Công giáo bỏ dự Thánh lễ Chúa nhật. Nhiều người lại coi Thánh lễ là điều đương nhiên. Nhưng vẫn còn những người khác đón rước Chúa Giêsu trong tình trạng tội trọng, vì thế đóng đinh Ngài một lần nữa. Tựu chung, Chúa Giêsu, hiện diện trong Nhà Tạm, bị lãng quên, bị bỏ rơi và bị bỏ quên trên khắp thế giới. Tất cả những điều trên là nguồn sỉ nhục đâm thủng và xuyên thấu Chúa Giêsu, Chúa của các chúa, Vua của các vua, Người yêu vĩ đại nhất trong mọi Người yêu.
- Nhận thức về tội lỗi quá khứ và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Khi chúng ta bị cám dỗ tự cao tự đại, điều đó có thể rất thuận lợi và có ích cho sự tăng trưởng tâm linh của chúng ta trong sự thánh thiện và khiêm nhường để nhớ lại rằng nhiều lần chúng ta đã không làm theo Chúa Giêsu và bị xấu hổ sau những hành động này. Thật vậy, nói một cách nhẹ nhàng thì điều này có thể giữ cho chúng ta khiêm nhường, rất khiêm nhường!
- Mẹ Maria: gương mẫu thánh thiện và khiêm nhường. Trong số tất cả các thụ tạo của Chúa cho đến nay, Mẹ Maria là người vĩ đại nhất. Nhưng Mẹ cũng là người khiêm tốn nhất trong tất cả phụ nữ. Những lời nói của Mẹ thể hiện sự khiêm nhường tuyệt vời của Mẹ: “Tôi là nữ tỳ của Chúa… Linh hồn tôi vui mừng trong Chúa, Đấng Cứu Độ của tôi, vì Ngài đã đoái thương phận hèn tôi tớ Ngài… Vâng, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói…” Vài lời mà chúng ta có về Mẹ Maria trong Kinh Thánh làm nổi bật đặc biệt sự thánh thiện cao vời của Mẹ Maria, nhưng nhất là sự khiêm hạ của Mẹ.
Một lời cuối cùng để tăng trưởng trong sự khiêm nhường. Một trong những phương thế hữu hiệu nhất mà nhờ đó chúng ta có thể lớn lên trong sự khiêm nhường là đón nhận Chúa Giêsu Thánh Thể khi Rước Lễ với sự chuẩn bị tốt nhất. Khi rước Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta nên nài xin Ngài ban Trái Tim Ngài cho chúng ta và nói một cách sốt sắng và tin tưởng: “Lạy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin làm cho trái tim con nên giống Trái Tim Chúa.” Đây thực sự là con đường tắt dẫn đến cả sự thánh thiện lẫn sự khiêm hạ sâu xa của cõi lòng.
Lạy Chúa, chúng con thường biến cõi lòng mình thành ngôi nhà của sự kiêu ngạo, tự hãnh và tham lam hơn là ngôi nhà của tình yêu và lòng tốt, nơi Chúa có thể cảm thấy là nhà của Chúa. Xin hãy phá hủy đền thờ tội lỗi trong chúng con, xua đuổi mọi điều ác ra khỏi tâm hồn chúng con và làm cho chúng con trở thành những viên đá sống động của một cộng đoàn nơi đó Chúa Giêsu Kitô, Con Chúa, có thể sống và trị vì mãi mãi. Amen
Tác giả: LM Ed Broom, OMV.
Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung.