Ý Nghĩa Sự Đau Khổ: 3. Một Công Lệ

Chắc Bạn còn nhớ truyện ông Adong Bà Eva ăn quả cấm. Ăn xong Ông Bà liền bị Chúa lên án phạt. Chúa phán với Bà Evà: “Ngươi sẽ phải đau đớn khi sinh nở, và phải chịu lụy chồng”. Và với ông A-dong: “Vì ngươi nghe lời vợ hơn nghe lời Ta, thì đất sẽ sinh ra gai góc cỏ rả… ngươi sẽ phải đầu tắt mặt tối, sẽ phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới kiếm được của mà ăn; khi chết, lại trở về với đất bụi”. (8)

Bạn thân mến, đó là một cái án, một cái án Chúa Tạo thành đã ra, và không ai có quyền hủy án ấy; án Chúa ra có một lần, nhưng kết quả của nó thì vĩnh viễn, nghĩa là bao lâu còn người sinh sống trên mặt đất thì bấy lâu án ấy vẫn còn, và vẫn còn thi hành triệt để. Không một ai thoát được án ấy, ông nào bà nào cũng vậy, từ cung điện nhà vua cho đến hang cùng ngõ hẻm, từ những người cầm đầu trăm họ, cho đến những người khăn rách áo ôm, không ai thoát được, vì nó là cái án chung cho ông bà, và cho toàn thể con cháu, không trừ một ai.

Vậy ta cũng chỉ là một trong các con cái cháu chắt hai ông bà, ta cũng có xác thịt có thể yếu đau, bệnh tật, có thể đói khát nóng lạnh, ta cũng có một quả tim dễ bị cảm xúc, ta cũng có một khối óc dễ bị kích động, ta cũng chỉ là một thân xác hay rữa mục, hay thối nát như mọi người, thì đau khổ chỉ là một điều rất tự nhiên và hợp với bản tính tự nhiên của loài người.

Nếu có lạ, thì lạ ở chỗ chúng ta sống mà không bị đau khổ… vì đó là một đặc ân Chúa ban cho hai ông bà trước khi phạm tội, nhưng khi hai ông bà đã đánh mất đặc ân ấy trong khi phạm tội rồi.

Cái án Chúa đã ra ấy, lại là một cái án công bằng. Ông Bà ta đã phạm tội, thì chúng ta phải phạt lây. Có lẽ Bạn cho thế là lạ. Nhưng, con cái hạng bình dân thì tự nhiên lúc sinh ra cũng chỉ bình dân như cha mẹ chúng, mà ai bảo thế là bất công. Ông Bà nguyên tổ ta đã phạm tội, thì chúng ta là con cái, chúng ta phải gánh lấy những hình phạt của hai Ông Bà, cái ấy có gì là bất công? Những cái hai Ông Bà không có, thì trối lại cho chúng ta sao được? Vậy sau khi Ông Bà phạm tội, thì chỉ còn những cái hợp với bản tính tự nhiên, mà trong những cái tự nhiên ấy, thì có sự đau khổ phải chịu vì tội: lẽ tất nhiên hai Ông Bà chỉ có thể trối lại cho ta những cái ấy mà thôi, còn sự sung sướng, là cái hai Ông Bà đã mất sau khi phạm tội, thì không lẽ trối lại cho ta được?

Và đây là điều yên ủi lòng ta.

Cái án rất công bằng Chúa đã ra để phạt tội Tổ tông và con cháu hai Ông Bà ấy, chính Chúa Giêsu và Đức Mẹ là những Đấng vô tội, mà cũng vui lòng lĩnh nhận như hết thảy chúng ta, mà hai Đấng còn vui lòng chịu gấp trăm gấp nghìn lần chúng ta nữa. Tôi không cần nhắc lại đây thiên “khổ sử” của Chúa và Đức Mẹ, ai là người công giáo mà không biết qua những đoạn “khổ sử” ấy.

Nhưng, Bạn yêu quí, nếu Bạn suy thêm điều này nữa, là điều tôi nói ở trang đầu, thì Bạn thấy rằng: Mặc dù Chúa đã lên án phạt tội tổ tông ta, nhưng án ấy hãy còn nhẹ lắm. Ấy là dù chúng ta đáng sống một cuộc đời hoàn toàn đau khổ để đền tội nhưng Chúa cũng không quên gửi tặng chúng ta trăm nghìn nguồn vui tự nhiên và siêu nhiên, để chúng ta đỡ phiền muộn cay đắng trên đường đời, để chúng ta hiểu thấu lòng nhân từ đại độ của Chúa. Chúa phạt, nhưng phạt vì công bằng, phạt nhưng không bỏ qua tình thương, mà có lẽ thương hơn là công bằng.

Vậy ta đừng phàn nàn than trách nữa, đừng mặt ủ mày chau nữa, đừng thở vắn than dài nữa; đừng kêu ca lẩm bẩm nữa; ta chỉ là con cháu Adong Evà, nghĩa là ta chỉ là người, như các người khác, thì ta hãy ghé vai chung lấy một phần đau đớn ở đời, ta hãy nhìn Chúa và Đức Mẹ, hai Cha Mẹ thân mến của ta, hai Đấng đã vui lòng lĩnh lấy Thánh giá của ta, riêng Chúa Giêsu đã vác thật, và đã chịu đóng đanh thật vào Thánh giá nữa, cũng vì ta, và thay cho ta. Vậy ta hãy bắt chước Hai Đấng mà vui nhận lấy Thánh giá Chúa gửi đến cho, ta hãy vui lòng nhận lấy án Chúa đã ra cho ta, cũng như đã ra cho cả loài người, ta hãy hôn kính Bàn tay nhân từ đã gửi những Thánh giá ấy đến cho. Dù ta cựa quậy đàng nào, dù chạy ngược chạy xuôi, ta cũng không thể thoát được án công bằng Chúa đã ra.

Vậy mà Bạn biết yêu mình, Bạn mà thực tình mến Chúa, thì xin Bạn hãy vui lòng lĩnh nhận hết những Thánh giá Chúa nhân lành gửi đến cho Bạn, Bạn hãy tươi cười để tỏ lòng Bạn biết vâng phục thánh ý Chúa. Bạn hãy hăng hái mà sống, không những sống cho xứng đáng làm người, mà còn sống cho xứng người Công giáo, hiểu thế nào là đau khổ, là giá trị sự đau khổ. Bạn không thể thoát được đâu, mà cần gì phải trốn tránh? Bạn hãy chạy đến ôm lấy Thánh giá có hơn không, như thế, có phải Bạn tỏ Bạn là “Bạn” không?

Tôi vừa nói: Bạn không thể trốn thoát được; thật thế, mà nhất là nếu Bạn đã phạm tội, thì, Bạn hãy đọc tiếp…

Lm. Nguyễn Văn Tuyên - DCCT