ĐỜI SỐNG TÂM LINH - TRỞ NÊN BÉ NHỎ

 

  •  
    Tinh CaoFeb 24 at 3:00 PM
     
     

    Thứ Ba sau Chúa Nhật 7 Quanh Năm

     

     

    CÙNG THAM DỰ BỮA TIỆC LỜI CHÚA

        Cần Trở Nên Bé Nhỏ

     

     

    Bài Ðọc I: (Năm II) Gc 4, 1-10

    "Anh em xin mà không nhận được là vì anh em xin không đúng".

    Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.

    Anh em thân mến, bởi đâu anh em cạnh tranh và cãi cọ nhau? Nào không phải tại điều này: tức tại các đam mê đang giao chiến trong chi thể anh em đó sao? Anh em ham muốn mà không được hưởng, nên anh em giết nhau. Anh em ganh tị mà không được mãn nguyện, nên anh em cạnh tranh và cãi cọ. Anh em không có, là tại anh em không xin. Anh em xin mà không nhận được, là vì anh em xin không đúng, cứ mơ tưởng thoả mãn các đam mê của anh em. Hỡi những kẻ ngoại tình, anh em không biết rằng thân thiết với thế gian là thù địch với Thiên Chúa đó sao? Vậy kẻ nào muốn thân thiết với thế gian này, thì đặt mình làm thù địch với Thiên Chúa. Hay anh em tưởng Kinh Thánh nói cách vô lý rằng: "Chúa quyến luyến thần trí mà Người đặt trong anh em, đến nỗi ghen lên". Vả Người ban ơn bội hậu. Bởi đó có lời rằng: "Thiên Chúa chống lại những kẻ kiêu căng, nhưng ban ơn phúc cho người khiêm nhường!" Vậy anh em hãy phục tùng Thiên Chúa, hãy chống trả ma quỷ, và nó sẽ trốn xa anh em. Hãy đến gần Thiên Chúa, và Người sẽ đến gần anh em. Hỡi những kẻ tội lỗi, anh em hãy rửa tay cho sạch. Hỡi những kẻ hai lòng, hãy thanh luyện tâm hồn đi. Anh em hãy buồn sầu, than van và kêu khóc. Hãy đổi tiếng cười ra tiếng khóc, và đổi niềm vui ra nỗi buồn. Anh em hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa và Người sẽ nâng anh em lên.

    Ðó là lời Chúa

     

    Ðáp Ca: Tv 54, 7-8. 9-10a. 10b-11a. 23

    Ðáp: Hãy trút nhẹ gánh lo âu cho Chúa để chính Người nâng đỡ thân ngươi (c. 23a).

    Xướng: 1) Tôi tự nhủ: ước chi tôi có cánh như bồ cầu, tôi sẽ bay đi và tìm nơi an nghỉ. Này đây tôi sẽ rời tới cõi xa xăm, tôi sẽ ở lại chỗ sơn lâm hoang vắng. - Ðáp.

    2) Tôi tìm chỗ dung thân cấp tốc vội vàng, đi ngược dòng phong ba và gió lốc. Lạy Chúa, xin đập tan, xin chia rẽ ngôn từ của chúng. - Ðáp.

    3) Vì tôi thấy có bạo lực và tranh chấp trong thành trì. Ngày đêm, trên mặt tường chúng đi dạo. - Ðáp.

    4) Hãy trút nhẹ gánh nặng cho Chúa, để chính Người nâng đỡ thân ngươi: Người không để người hiền lương muôn đời xiêu té. - Ðáp.

     

    Alleluia: Tv 94, 8ab

    Alleluia, alleluia! - Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng. - Alleluia.

     

    Phúc Âm: Mc 9, 29-36

    "Con Người sẽ bị nộp. Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết".

    Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

    Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ từ trên núi xuống, rồi đi ngang qua xứ Galilêa và Người không muốn cho ai biết. Vì Người dạy dỗ và bảo các ông rằng: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại". Nhưng các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người.

    Các ngài tới Capharnaum. Khi đã vào nhà, Người hỏi các ông: "Dọc đàng các con tranh luận gì thế?" Các ông làm thinh, vì dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất.

    Bấy giờ Người ngồi xuống, gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: "Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người". Và Người đem một em bé lại đặt giữa các ông, rồi ôm nó mà nói với các ông rằng: "Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy".

    Ðó là lời Chúa.

     

     

     

    Suy Niệm Cảm Nghiệm SỐNG:

    HÃY TỰ LÀM NGƯỜI RỐT HẾT

     

     

    Không bé nhỏ không thể chấp nhận và theo được Chúa Kitô

     

     

    Bài Phúc Âm hôm nay tiếp ngay sau bài Phúc Âm hôm qua. Tuy nhiên cả 2 bài Phúc Âm đều được Giáo Hội, chứ không phải chính Thánh ký Marco, sử dụng cùng một câu Phúc Âm 9:9 "Khi ấy Chúa Giêu từ trên núi xuống", để mở đầu từng bài Phúc Âm, một bài được bắt đầu ở câu 13 (hôm qua) và một bài được bắt đầu ở câu 29. Như thể Giáo Hội muốn ghép biến cố đã xẩy ra trên núi trước đó với 2 biến cố liền ngay sau đó ở bài Phúc Âm hôm qua: trừ quỉ câm, và hôm nay: báo trước cuộc vượt qua lần 2.

     

    Thật vậy, sau khi biến hình trên núi trước mặt 3 môn đệ thân tín là Phêrô, Giacôbê và Gioan, một sự kiện biến hình cho các vị thấy trước cuộc phục sinh vinh hiển của Người, Chúa Giêsu đã trừ quỉ câm, như ám chỉ rằng Người sẽ trừ quỉ cho nhân loại bằng cuộc phục sinh của Người, hoàn toàn tiêu diệt tội lỗi và sự chết do ma quỉ gây ra cho con người, và tội lỗi cùng sự chết chỉ bị tiêu diệt nơi nhân tính của Người trong cuộc khổ nạn và tử giá của Người mà thôi, như Người báo trước cho các môn đệ lần thứ hai trong bài Phúc Âm hôm nay: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại".

     

    Tuy nhiên, các vị môn đệ thân cận của Người và với Người, cho dù đã sống bên Người từ đầu, thấy được các việc quyền năng đầy lạ lùng Người làm, và nghe được những lời khôn ngoan đầy khắc phục Người nói, vẫn như Thánh ký Marco thuật lại: "các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người", cho dù về ngôn từ những gì Người nói chẳng có gì là cao siêu huyền diệu hay có tính cách triết lý thần học khó hiểu.

     

    Một trong những lý do các vị không hiểu hay không thể hiểu hoặc chưa thể hiểu, chẳng những vì những gì Chúa Kitô tiết lộ về bản thân của Người, về thân phận vô cùng khốn nạn của Người, cho dù bằng ngôn từ minh bạch nhất và bình dân nhất, vẫn là một mầu nhiệm siêu việt, hoàn toàn vượt trên tầm mức kiến thức tự nhiên của con người, nhất là ngược hẳn với lòng trông đợi của các môn đệ về Người, mà còn, bởi thế, vì chính bản chất trần tục thấp hèn của các môn đệ nữa. Mầu nhiệm về Thày đã cao siêu trong khi bản chất của môn đệ lại thấp hèn thì làm sao có thể hòa hợp được.

     

    Đó là lý do, trong bài Phúc Âm hôm nay, khi thấy các môn đệ của mình "dọc đàng tranh luận" với nhau "xem ai là người lớn nhất", chứng tỏ các vị chẳng hiểu Người gì hết, và cũng chẳng biết các vị là ai, đang đi theo một Đấng như thế nào, trái lại, cứ tưởng Người là một Moisen "tái xuất giang hồ" để đóng vai trò Cứu Tinh dân tộc Do Thái đang bị đế quốc Roma bấy giờ, như ông đã từng đưa dân Do Thái ra khỏi Ai Cập mà về Đất Hứa ngày xưa vậy, Chúa Giêsu mới dạy cho các vị tinh thần ngược đời của Người là: "Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người".

     

    Nếu các vị có tinh thần ngược đời này như Người dạy thì hẳn các ông đã cảm thấu được những gì Người nói trước về thân phận cứu thế của Người như một Vị Thiên Sai thực sự xuất phát từ dân Do Thái, một vị Thiên Sai được Thiên Chúa sai đến để cứu chẳng những dân Do Thái mà còn cả nhân loại nữa cho khỏi tội lỗi và sự chết hơn là cho khỏi quyền lực chính trị, một quyền lực chính trị đang thống trị họ chỉ là tiêu biểu cho quyền lực của thần dữ đang làm chủ thế gian ngay từ đầu lịch sử của nhân loại mà thôi.

     

    Đúng thế, với tinh thần phàm tục của mình, chỉ thích tính toán như người lớn, chỉ muốn tranh giành như người lớn, hoàn toàn ngược lại với tinh thần của Chúa Kitô như thế, mà các vị, tuy thực tế vẫn theo Người đấy, nhưng tinh thần và ý thức của các vị vẫn còn quá non nớt và mềm yếu trong việc chấp nhận Người, nhất là chấp nhận Mầu Nhiệm Vượt Qua của Người như Người tiết lộ cho các vị đến 2 lần, Người đã phải thực hiện một hành động hơi lạ được Thánh ký Marco ghi lại ở cuối bài Phúc Âm hôm nay như sau:

     

    "Và Người đem một em bé lại đặt giữa các ông, rồi ôm nó mà nói với các ông rằng: 'Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy'".

     

    "Em bé" nào đó được diễm phúc được Người "đem đặt giữa các ông", chắc chắn không phải từ người ta đã có lần sau đó mang đến với Người (xem Marco 10:13mà do chính Người chọn lựa, một là ở ngay trong nhà Thày trò đang ở bấy giờ, hay ở đâu đó gần nhà này. Vấn đề ở đây là tại sao Người phải làm thế, chẳng những tìm chọn cho bằng được một em nhỏ, mà còn tỏ ra rất thương mến em ấy nữa: "rồi ôm nó". Chưa hết, Người còn tự đồng hóa với em nữa: "Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy".

     

    Phải chăng ở đây, qua cử chỉ kèm theo lời nói của mình liên quan đến em bé bấy giờ, lúc mà Chúa Giêsu muốn dạy cho các môn đệ của Người còn đầy tinh thần phàm tục một đường lối ngược đời là "Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người", Người đã muốn kín đáo nhắn nhủ các vị rằng nếu các vị muốn chấp nhận Người, nhất là chấp nhận Người ở nơi Mầu Nhiệm Vượt Qua của Người, các vị phải "hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ" (Mathêu 18:3), vì Cha của Người chỉ tỏ những điều cao siêu mầu nhiệm mà kẻ khôn ngoan thông thái lớn lao trên trần gian này không hề biết và chẳng thể biết, cho thành phần bé nhỏ mà thôi (xem Luca 10:21).

     

    Em bé nào đó được Chúa Giêsu "đem đặt giữa" các tông đồ là thành phần theo Chúa và phụng sự Người bằng chứng từ của mình quả thật là một mẫu gương cao cả đáng noi theo cho khuynh hướng phàm tục ham danh vọng của các tông đồ, những con người nên lắng nghe huấn dụ của Thánh Giacôbê Tông Đồ trong Bài Đọc 1 hôm nay nhắc nhở như sau: "Anh em hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa và Người sẽ nâng anh em lên". Bởi vậy, đừng tự cao tự đại tự mãn, trái lại, hãy tin tưởng vào Chúa như câu thưa  của bài Đáp Ca hôm nay: "Hãy trút nhẹ gánh lo âu cho Chúa để chính Người nâng đỡ thân ngươi".

     

    Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên

     

    Thu.3.VII.TN.mp3