ĐỜI SỐNG TÂM LINH - THỨC ĂN NHANH CHO TÂM HỒN
- Details
- Category: 8. Đời Sống Tâm Linh
-
Quang TranMon, Apr 27 at 6:08 AM
Số 178: Thức Ăn Nhanh Cho Tâm Hồn (The Fast Food for The Soul) by Fr. Quảng Trần, C.Ss.R., on Monday of April 27, 2020
ĐỒNG HÀNH
“Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán,
thì chính Đức Giêsu tiến đến gần và cùng đi với họ” (Lc 24: 15)
Đồng hành là gì?
Là cùng bước với nhau, bước song song với nhau thì được gọi là đồng hành. Nếu một người bước nhanh, một người bước chậm, người bước trước, người bước sau thì không còn gọi là đồng hành nữa.
Làm thế nào để có thể đồng hành với người khác?
Chuyện kể rằng: một ngày nọ, sau lễ Vượt Qua, có hai người lữ khách đang bước đi bên nhau từ Giêrusalem về Emmaus. Họ đang lê những bước chân nhọc nhằn giữa chặng đường dài hun hút vì mộng vàng của họ tan thành mây khói, vì vị tôn sư, vị “đảng trưởng” của họ bị bắt, bị đóng đinh treo trên thập giá chết tức tưởi trong tủi nhục. Đang trên đường lữ hành, thì có một vị khách lạ, chính là Đức Giêsu TIẾN ĐẾN, CÙNG BƯỚC ĐI VỚI HỌ. Rồi, Người hỏi chuyện, giải thích cho họ về những điều trong Kinh Thánh nói về Người… Rồi, khi ĐỒNG BÀN với họ thì họ nhận ra Người lúc Người “bẻ bánh.” Người biến mất. Họ liền quay trở lại Giêrusalem để kể cho các tông đồ nghe chuyện họ gặp gỡ Đức Giêsu đã phục sinh (x. Lc 24: 13-35).
Từ đoạn Tin Mừng Lc 24: 13-35, Chúa Giêsu có thể trở nên một kiểu mẫu cho chúng ta học cách SONG HÀNH cùng những người khác trong cuộc sống.
Tiên vàn, Chúa Giêsu TIẾN ĐẾN với hai môn đệ. Khi đi bước trước đến với ai đó mời gọi chúng ta phải KHIÊM TỐN, giả thiết ở vị trí thấp kém, thua thiệt hơn họ. Ví dụ: mở lời xin lỗi trước thì giả thiết ta sai. Đang bình thường, cầm điện thoại thăm ai đó giả thiết ta muốn đi vào tương quan với họ… Phải có tâm tình khiêm tốn chúng ta mới làm được những chuyện này. Bỏ cái tôi! Bỏ cái địa vị vai vế của chúng ta đi!
Khiêm tốn là khởi đầu cho tương quan của Chúa Giêsu với hai môn đệ trên đường Emmaus. Nhưng để tương quan ấy kéo dài, Chúa Giêsu đã PHẢI CÙNG BƯỚC ĐI VỚI HỌ. Cùng bước đi hay song hành với những người khác không bao giờ là chuyện dễ dàng. Vì lẽ, trong cõi nhân gian này không có ai tự nhiên sinh ra đã có cùng “tốc độ” với những người mình thương mến. Mỗi người là độc đáo và duy nhất. Ví dụ: Tại sao dễ như vậy mà không làm được à? Để tôi làm cho khỏi ngứa mắt! Đơn giản như thế mà không biết à?... Hay chiều ngược lại: Đợi với? Nhanh quá tôi không hiểu?... Những ngôn ngữ, cảnh huống: kẻ nhanh người chậm trong cuộc sống thường ngày của chúng ta nhiều lắm!
Đồng hành không phải là người chỉ đường, người hướng dẫn, mà là cùng bước đi, cùng song hành. Để có thể cùng song hành thì điều thiết yếu là phải có cùng một “tốc độ” với nhau. Nếu người kia đi nhanh, người này muốn đồng hành với người kia thì phải cố gắng đi nhanh lên, để cùng “tốc độ” với người kia, đồng hành với họ. Nếu người kia đi chậm thì người này phải đi chậm lại.
Chúng ta không thể nói: tôi khỏe thì tôi đi nhanh, và họ yếu thì họ đi chậm, mặc kệ họ. Cũng không thể: họ khỏe họ đi nhanh, tôi yếu tôi đi chậm, tôi không cần cố gắng để theo kịp. Để có thể đồng hành, tôi phải điều chỉnh “tốc độ” của tôi, để phù hợp với người tôi muốn đi với họ, dù tôi đang đi nhanh hay đi chậm. Tôi phải là người điều chỉnh “tốc độ.” Kỹ năng để có thể đồng hành là PHẢI BIẾT CHỜ ĐỢI NHAU. Nếu người tôi muốn đồng hành đi chậm, thì tôi đi chậm lại. Nếu người tôi muốn đồng hành đi nhanh thì tôi phải tăng tốc để đến gần họ.
Có lẽ, vì không chấp nhận điều chỉnh “tốc độ” nên cho dù nhiều người chúng ta thương mến, nhưng họ không thể bước đi cùng chúng ta được. Để có thể song hành với những người thương mến, mỗi người chúng ta tự tìm cho mình một cách thức phù hợp vào mỗi hoàn cảnh cụ thể.
Kinh nghiệm mục vụ cá nhân: Trong danh bạ điện thoại của học trò, khi lưu ai vào danh bạ, học trò thường lưu tên vợ kèm với chồng, hoặc chồng kèm với vợ, và những người khác thì tên với thành phố nơi người đó sinh sống… Tuy nhiên, có những trường hợp ngoại lệ, sau tên của một số người học trò thêm chữ “vui tính” vào đằng sau (chắc quý vị những người đọc được bài này thì không có chữ “vui tính” vào đằng sau được. Vì quý vị là người bình thường.). Thêm chữ “vui tính” vào để khi học trò gọi đến hay nhận những cuộc gọi từ họ như một lời nhắc nhở: hãy điều chỉnh “tốc độ” của mình để phù hợp với người “vui tính” này. Đừng la lối, đừng nổi nóng với họ khi ta giải thích ngàn lần mà họ vẫn không hiểu, không biết, và không… không.
Có một bà cụ già đạo đức nọ đang sống với một người con “vui tính” được chính phủ chu cấp mọi sự. Mấy tháng nay bà bị bệnh nên không đi nhà thờ, không đi lễ được. Mỗi Chúa Nhật học trò thường đến cho bà rước Mình Thánh Chúa. Trước khi đi, học trò luôn gọi điện cho người con “vui tính” của bà để hẹn giờ cho chàng xuống mở cửa (vì apartment của họ không tự ra vào được). Một Chúa Nhật, học trò đến trước tòa nhà, gọi điện hoài, gọi đến trên 10 lần mà chàng không bắt điện thoại (rõ ràng trước khi đi học trò đã làm cuộc giao kèo với anh “vui tính” rồi). Đợi khoảng chừng 30 phút không được, học trò lái xe về lại nhà dòng.
Về đến nhà dòng một lúc thì anh chàng “vui tính” gọi. Học trò vừa mở điện thoại thì anh chàng “vui tính” hỏi: sao cha gọi con nhiều thế! Con để quên điện thoại ở phòng con và sang phòng mẹ con ngồi xem Tivi…
Nếu không có tính từ “vui tính” ở đằng sau tên của anh thì hôm đó chắc sấm sét đã nổ ra!!!
Song hành với người khác không bao giờ là dễ dàng. Nhưng, vì như trong một cuốn sách khá danh tiếng của Thomas Merton: Không Ai Là Một Hòn Đảo (No Man is an Island). Sống là cùng bước đi, cùng song hành. Thậm chí ngay con vật: chim bay có bầy, ngựa chạy có bạn. Là con người, ta không thể không bước cùng với người khác. Ngày nay quan niệm về các vị thánh cũng có cái nhìn nhân học khác thời xưa. Xưa ai đó muốn nên thánh thì phải vào sa mạc, hay kiếm các đan viện sống cô tịch. (Ở đây không nên lầm lẫn giữa đời sống cô tịch nơi hoang vu để có kinh nghiệm thần bí, có kinh nghiệm thiêng liêng với chiều kích nhân học). Ngày nay, ai đó muốn nên thánh là phải nên thánh giữa những người khác, với những người khác và cùng nhau nên thánh. Như thế, song hành là điều phải có để thành người và nên thánh.
Cùng Suy Nghĩ và Hành Động: Trong đời sống tương quan: vợ - chồng, cha mẹ, con cái, anh chị em trong gia đình tôi, tôi là người đang có “tốc độ” nhanh hay chậm? Đâu là phương pháp tôi nên thiết lập tùy theo mỗi người trong gia đình tôi để điều chỉnh “tốc độ” của tôi? Tôi đang điều chỉnh “tốc độ” của tôi hay đòi người khác điều chỉnh “tốc độ” của họ để phù hợp với tôi?
Hành Trình Trên đường Emmaus chính là hành trình cuộc đời của mỗi người chúng ta.
--------------------------------------