ĐỜI SỐNG TÂM LINH - ĐẠO CÔNG GIÁO ĐƯỜNG TÂM LINH

Đạo Công Giáo như một con đường tâm linh

          Chắc hẳn chưa bao giờ Đạo Công giáo lại bị thù ghét trên phạm vi toàn cầu như hiện nay. Sự thù ghét đó được biểu lộ bằng nhiều cách. Tại Trung Cộng, nhà cầm quyền đã cho triệt hạ toàn bộ Thánh Giá trên nóc các nhà thờ. Còn tại Mỹ, trong phong trào đòi…quyền sống cho người da đen ( BLM ), các kẻ biểu tình quá khích  đã phá hủy nhiều tượng đài trên khắp đất nước  để trả thù  vụ George Floyd bị cảnh sát đè cổ chết. Chúng cũng kéo đổ  hai bức tượng  của Thánh Junipero Serra ở California vào cuối tuần qua ( 23/6/2020 ).

          Ghê gớm hơn, nhà tranh đấu Shaun King còn kêu gọi phá hủy tất cả các bức tượng màu trắng của Chúa Giê Su, Đức Mẹ Maria và các Thánh vì hắn cho là các bức tượng đó nói lên quyền lực  tối thượng của người da trắng ???

          Tượng Thánh thì bị kéo đổ, còn các nhà thờ, nhà xứ thì bị đốt phá. Các nhà thờ ở California, Minesota, New York, Texas và Colorado bị tấn công. Nhiều nhà thờ chính tòa bị phá hoại liên tục, nhà thờ chính tòa bị vẽ bậy hoặc bị đập phá, bị phun sơn với các khẩu hiệu bài Công Giáo v.v…

          Cũng chẳng đâu xa, ngay tại Việt Nam, nhà thờ Dòng CCT đường Kỳ Đồng, nhà thờ đá Nha Trang cũng bị đốt, nếu không phát giác kịp thời  chẳng biết hậu quả sẽ ra sao ? Đối với người Công Giáo, những vụ việc vừa nêu không khỏi khiến cho nhiều người lo lắng. Thế nhưng điều còn đáng lo hơn nữa là nạn Tục Hóa đang tàn phá đức tin một cách sâu hiểm, đưa đến hậu quả khiến cho người ta không nhận ra đâu là Con Đường Tâm Linh của Đạo Chúa là Đạo Cứu Rỗi: “ Hỡi anh em là con cái của tổ phụ Apraham và là kẻ kính sợ Thiên Chúa trong anh em. Đạo về sự cứu rỗi nay đã truyền đến cho chúng ta rồi” ( Cv 13, 26 ).

          Cứu rỗi ở đây là cứu rỗi phần linh hồn nhưng nay với Tục Hóa thì phần hồn…không còn chỉ còn có cái phần  xác  thôi, vì vậy Đạo Cứu Rỗi  phải chăng chẳng còn nghĩa lý chi nữa ?

          Để trả lời cho câu hỏi này, thiết nghĩ không thể không tìm xem thế nào là cứu rỗi phần linh hồn và tại sao lại cần phải cứu ? Con người gồm có hai phần đó là Thân và Tâm. Thân là phần vật chất vô tri gọi là Sắc còn Tâm là phần tinh thần gồm có: Thọ, Tưởng, Hành và Thức. Chính cái Thức hay Thần Thức này người Công giáo gọi đó là Linh Hồn.

          Theo Duy Thức Học thì Thức là Thức thứ sáu trong Bát Thức Tâm Vương ( Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý thức, Mạt Na thức và Tạng thức ). Cũng theo Duy Thức  thì Ý thức đóng vai trò hết sức  quan trọng trong việc tạo nghiệp thiện hay ác. Công cũng nó mà tội cũng nó ( Công vi thủ, tội vi khôi ). Sở dĩ công hay tội là ở Ý thức bởi vì khi nó chấp là mình thì thành tội nhưng nếu nó không chấp lấy làm mình thì lại là công.

          Tất cả những gì con người đã làm, đã nghe, đã thấy, đã nghĩ tưởng đều thông qua Mạt Na thức còn gọi là Thức chấp ngã đem vào chất chứa nơi Tạng Tâm  ( Thức thứ tám ). Bởi đó mỗi khi làm gì, nghe gì, thấy gì, nghĩ tưởng gì  thì ai ai cũng nói tôi làm, tôi nghe, tôi thấy, tôi nghĩ….

          Luôn luôn là…Tôi, là Mình….đó là sự chấp ngã  có từ muôn thuở ( Câu sinh ngã chấp ) không ai tránh khỏi. Bao lâu còn chấp có một “ Cái Tôi”  thì dù nói hoặc làm hoặc nghĩ  bất cứ điều gì  cũng là tạo nghiệp thế gian mà đã tạo nghiệp thế gian  là tự chuốc lấy  khổ đau cho mình.

          Tại sao hễ cứ còn chấp vào “ Cái Tôi” thì còn tạo nghiệp, còn khổ ? Bởi vì cái gọi là “ Tôi” là Mình đó nó không thật có, chỉ là ảo tưởng không thật do chấp mà có. Chính bởi “ Cái Tôi” không thật có nên Đức Ki Tô mới truyền dạy Đạo  lý…Bỏ Mình: “ Ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình, vác thập tự giá mình hàng ngày mà theo” ( lc 9, 23 ).

          Chấp lấy “ Cái Tôi” giả  có nghĩa một là chấp xác thân này là mình, hai là chấp tâm tưởng này là mình. Chính do nơi hai cái chấp đó mà con người đã tạo nghiệp xấu ác cho mình. Tạo nghiệp nào  sẽ có kết quả đó. Tạo nghiệp thiện sẽ có quả thiện, tạo nghiệp ác sẽ có quả ác. Tất cả đều được quyết định ở nơi Tâm: “ Người thiện do lòng chứa thiện mà phát ra điều thiện. Kẻ ác do chứa ác mà phát ra điều ác” ( Mt 12, 35 ).

          Về cái sự…chứa hay còn gọi là huân tập  rất chi là  hệ trọng trong đời sống tâm linh mỗi người. Có nhận ra như thế chúng ta mới thấy được giá trị  của việc tuân giữ các Giới Răn cũng như chuyên cần cầu nguyện. Mười  Điều Răn ĐCT và sáu luật điều Hội Thánh, tất cả cũng không ngoài mục đích  để cho ta thực thi các việc lành đồng thời tránh các việc ác. Bởi chưng Giới Luật có  lợi ích như thế nên Đức Ki Tô nói: “ Đừng tưởng Ta đến để phá hủy lề luật và lời các tiên tri. Ta đến không phải để phá nhưng là để kiện toàn” ( Mt 5, 17 ).

          Tâm con người nếu không được gìn giữ bởi luật pháp tất sẽ không khỏi đi đến chỗ phóng túng, sa đọa. Mặt khác cũng bởi Luật Chúa là luật tâm linh thế nên việc tuân giữ ấy cần diễn ra từ trong tâm tưởng. Ngay khi một tư tưởng thoạt khởi thì cần nhận biết  ngay thì  sẽ không bị nó tác hại.

          Lại nữa để việc tuân giữ Luật Chúa đem lại lợi ích  như thế thì cần gắn liền với cầu nguyện. Cầu nguyện được ví như hơi thở của linh hồn. Bình thường nếu không thở chỉ vài ba phút người ta sẽ chết. Cũng vậy người không cầu nguyện  thì cũng kể như đã…chết về phần tâm linh.

          Mặt khác, chính trong cầu nguyện, chúng ta mới nhận thức được tội lỗi mình. Điều này cũng rất là quan hệ bởi nếu không nhận biết tội  thì sẽ không thể biết đường ăn năn và tin vào Tin Mừng của Đức Ki Tô: “ Thời đã mãn, Nước Thiên Chúa đã gần. các ngươi hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” ( Mc 1, 15 ).

          Có tin vào Tin Mừng của Đức Ki Tô thì mới hết lòng tìm kiếm Nước Trời và hễ có tìm thì mới gặp. Trên con đường tìm và gặp Nước Trời chẳng ở đâu xa ngoài mình, Đức Ki Tô đã thiết lập các Bí Tích  để cho ta nhờ đó  có được đức tin hầu vững bước trên con đường tìm về đầy dẫy chông gai, hiểm trở.

          Thế gian bước đi trên các nẻo đường đời tăm tối  và cái điều mà họ gặp được  dù cho có là vinh hoa, phú quý, chức quyền…đi nữa cũng chỉ là ảo mộng, phù phiếm. Dẫu vậy, những mộng ảo phù phiếm đó người ta chỉ có thể nhận ra trong giây phút lìa đời nhưng khi ấy thì đã… quá muộn.

          Tại sao…quá muộn ? Bởi vì bên kia cửa tử khi xác thân bị bỏ lại đang trong tiến trình  thối rữa, tan hoại chỉ còn Nghiệp Thức mang theo thì thử hỏi phú quý vinh hoa, chức quyền phỏng còn giúp ích gì được nữa ?

          Chỉ còn  Nghiệp Thức mang theo  có nghĩa những gì  con người trải qua  sau khi chết  sẽ hoàn toàn tùy thuộc vào Tâm tức những khuynh hướng tinh thần, những tư tưởng quen thuộc hàng ngày đã tạo ra và nuôi dưỡng  khi còn ở trên cõi đời này. Một người nếu  chỉ  nghĩ đến  việc làm giàu, nhà cửa, xe cộ nọ kia hoặc tơ tưởng đến việc gái trai hưởng lạc, ân oán, ganh ghét  v..v…thì trong cõi đời sau sẽ bơ vơ không còn có chỗ nào để tựa nương. Ngược lại những ai chuyên cần việc Chúa, siêng năng cầu nguyện, lần hạt  Mân Côi thì khi ấy hạnh phúc biết bao  vì có Chúa, Đức Mẹ đón đợi ngay trong giờ phút lâm chung.

          Luật Nhân Quả Báo Ứng không bao giờ sai chạy dù chỉ  mảy may. Bởi đó ai là người thật sự  khôn ngoan thì cần sử dụng cuộc đời còn lại  của mình mà chuẩn bị lo cho cái chết. Thiền sư Tông Bổn trong Quy  Nguyên Trực Chỉ  có nói một câu chí lý thế này: “ Nhân vô viễn lự, tất hữu cận ưu” ( Người không biết lo cái lo xa, ắt sẽ gặp cái buồn gần ).

          Lo xa là lo cho cái chết của chính mình không biết nó sẽ đến vào lúc nào. Ai đã biết lo cho cái chết ấy thì sẽ không còn ham hố, tham lam danh lợi, của cải ở đời. Đồng thời cũng chẳng muốn tranh cạnh, ghét ghen, đố kỵ gì với ai  làm gì ?

          Người có đạo cần phải  biết chuẩn bị cho cái chết  và sự chuẩn bị đó không gì hơn là cố gắng bước đi trên Con Đường Tâm Linh bằng cách hết lòng cậy trông nơi Chúa: “ Ai đi đường ngay thẳng. Ta sẽ chỉ cho thấy Ơn Thiên Chúa Cứu Độ” ( HC 35, 1 -15 )./.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:
 

Related posts