ĐỜI SỐNG TÂM LINH - ĐỪNG SỢ- ĐBĐM

Đừng sợ!

Sợ hãi như là một bản năng sinh tồn và hầu như không ai tránh khỏi. Bản tính tự nhiên con người “tham sống sợ chết” nên lo sợ đủ điều. Có người sợ sâu bọ, gián, chuột,  rắn rết; có người sợ bóng tối, sợ hồn ma chước quỷ. Nói chung, sợ hãi xuất hiện khi ta cảm thấy nguy hiểm, nhưng cũng khiến ta cảnh giác hơn.

Biển cả ở đây không chỉ là biển đời như đã nói ở trên mà còn là biểu trưng cho nơi ẩn náu của ma quỷ. Chúa Giê-su muốn chứng tỏ cho các môn đệ thấy rằng trong cơn gian nan hoạn nạn, Người luôn hiện diện: “Thầy đây, đừng sợ”. Một lời trấn an bảo đảm mạnh mẽ rằng Người luôn đồng hành với họ trên bước đường loan báo Tin Mừng, mặc dầu sóng biển ầm ầm, thủy triều sóng nước dâng cao… con thuyền có bị sóng đánh dập vùi, nhưng hãy yên tâm vì có Người ở bên.

Lời trấn an “Thầy đây đừng sợ” chúng ta chỉ gặp thấy hai lần trong các Tin Mừng, đó là lúc các môn đệ vật lộn giữa biển khơi và lúc sợ hãi thu mình trong nhà Tiệc Ly khi Chúa chịu chết: lần này thì vừa sợ sóng biển xô chết vừa sợ ma, còn lần cuối thì cũng sợ các thượng tế tìm giết và cũng “sợ ma” nữa. Hai sự kiện nói lên hai điều sợ căn bản của chúng ta là sợ bị người đời bách hại và sợ ma quỷ tấn công. Nhưng nếu có một đức tin đủ mạnh, thì chúng ta không sợ gì vì có Chúa luôn đồng hành với lời trấn an “có Thầy đây, đừng sợ”

Tin Mừng kể lại Chúa Giêsu truyền cho các môn lên thuyền qua bên kia bờ và một cơn bão ập đến đe dọa họ. Với kinh nghiệm của những ngư phủ, họ cảm nhận đây là cơn bão lớn có thể cướp đi tính mạng. Trong khi đó, Chúa Giêsu lại không ở với họ trong thuyền. Việc có Chúa hiện diện sẽ giúp họ vững tin hơn. Khi Chúa Giêsu nhận thấy sự an nguy cho các môn đệ của mình, lập tức Ngài đến với họ.

Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hồn mà nói rằng: “Ma kìa” và các ông sợ hãi kêu la lớn tiếng. Lập tức, Chúa Giêsu nói với các ông rằng: “Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ”. Phêrô thưa lại rằng: “Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy”. Chúa phán: “Hãy đến”. Phêrô xuống khỏi thuyền bước đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa Giêsu. Khi thấy gió mạnh, ông sợ hãi và sắp chìm xuống nên la lên rằng: “Lạy Thầy, xin cứu con”. Lập tức, Chúa Giêsu giơ tay nắm lấy ông mà nói: “Người hèn tin, tại sao lại nghi ngờ?” Khi cả hai đã lên thuyền thì gió liền yên lặng. Những người ở trong thuyền đến lạy Người mà rằng: “Thật, Thầy là Con Thiên Chúa!”

Câu chuyện “vượt biển” này được tiếp tục sau sự kiện Chúa Giêsu hoá bánh ra nhiều, các môn đệ ăn xong chưa kịp nghỉ đã bị Chúa hối thúc xuống thuyền vượt biển hồ Galilêa, còn Chúa Giê-su thì lại lên núi cầu nguyện.

Câu chuyện trên biển hồ Galile một lần nữa cho thấy tính cách của Phêrô: một người hành động mạnh mẽ, lập tức và có khi hơi bốc đồng. Và hậu quả là là ông đang dần chìm xuống nước. Ngược lại, Chúa Giêsu luôn kiên nhẫn dạy dỗ các môn đệ của mình. Đôi khi trong đời sống Kitô hữu một số người có phản ứng “bốc đồng” như Phêrô và hậu quả là “chìm dần xuống nước”. Với Phêrô thì trong khoảnh khắc thấy mình thất bại dần chìm, ông lại bám chặt lấy Chúa Giêsu và Ngài sẽ giúp ông đứng vững trở lại. Mỗi lần Phêrô ngã xuống, Chúa lại nâng ông lên vì ông luôn tin tưởng vào Chúa. Sự thất bại của Phêrô hôm nay lại càng cho thấy lòng yêu mến của Chúa dành cho ông.

Việc đi qua hồ được Chúa Giêsu yêu cầu. Chúa Giêsu truyền cho các Môn đệ lên thuyền và đi qua bờ biển bên kia, nơi có vùng đất của dân ngoại. Ngài lên núi cầu nguyện. Chiếc thuyền tượng trưng cộng đoàn. Nó có sứ mệnh đi đến dân ngoại và cũng loan báo cho họ Tin Mừng Nước Trời. Đó là cách sống mới trong cộng đoàn. Nhưng việc vượt qua  thật mệt mỏi và dài. Con thuyền lay mạnh vì sóng, vì gió ngược. Cho dù đã chèo chống suốt đêm, vẫn còn quãng đường xa trước khi tơi đất liền. Còn thiếu nhiều điều nơi cộng đoàn để có thể vượt qua và đi đến dân ngoại. Chúa Giêsu không đi với các môn đệ. Họ phải học cùng nhau đối diện với các khó khăn, được hiệp nhất và kiện cường trong niềm tin vào Chúa Giêsu là Đấng sai phái họ. Sự khác biệt rất lớn : Chúa Giêsu ở trong bình an với Thiên Chúa, cầu nguyện trên đỉnh núi, còn các Môn đệ hầu như mất hút ở dưới, trong biển động.

Việc vượt qua bên kia bờ hồ cũng tượng trưng việc cộng đoàn vượt qua trong cuối thế kỷ thứ nhất. Họ phải đi ra khỏi thế giới đóng kín trong việc tuân giữ luật để qua cách tuân giữ Luật mới là Tình Yêu, được Chúa Giêsu truyền dạy; họ phải từ bỏ sự hiểu biết mình thuộc về Dân Riêng, được Thiên Chúa ưu tuyển nơi các dân tộc khác, để xác tín rằng trong Chúa Kitô mọi dân tộc được hiệp nhất thành một Dân Duy nhất trước mặt Thiên Chúa; họ phải ra khỏi sự cô lập và sự không khoan dung để đi và thế giới rộng mở cho sự đón nhận và biết ơn. Ngày nay cũng vậy, chúng ta đang thực hiện một cuộc vượt qua đầy khó khăn để hướng tới việc trở nên Giáo Hội cách mới mẻ. Một cuộc vượt qua khó khăn, nhưng cần thiết. Trong đời sống có những lúc chúng ta bị sự sợ hãi tấn công. Thiện chí không thiếu, nhưng không đủ. Chúng ta như chiếc thuyền đang đối diện với gió ngược.

Chúa vẫn đang dõi theo chúng ta trong mọi lúc, và đặc biệt là trong những thời điểm chúng ta gặp thử thách và khó khăn. Bạn có trông cậy vào sức mạnh và sự trợ giúp của Chúa không? Chúa Giêsu bảo đảm với chúng ta rằng chúng ta không phải hoảng sợ nếu chúng ta tin tưởng vào tình yêu của Ngài dành cho ta. Với niềm tin và hy vọng vào tình yêu Chúa luôn nhìn đến chúng ta, chúng ta hãy ký thác đời mình cho Chúa.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay là: Chúa không muốn các môn đệ an thân ỷ lại, hưởng thụ và ngủ quên trên sự tôn vinh của con người hoặc chỉ nhìn Chúa Giê-su dưới khía cạnh quyền năng sau sự kiện hoá bánh ra nhiều, mà nghĩ sai về sứ mạng của Người. Chúa Giê-su cũng muốn môn đệ phải ra đi, bỏ lại tất cả, dám đương đầu với bão tố phong ba của biển đời. Đồng thời, Chúa muốn các môn đệ an tâm vì luôn có Chúa đồng hành. Đặc biệt với Tông Đồ trưởng Phêrô qua biến cố “suýt chìm” là một kinh nghiệm nhớ đời, huấn luyện ngài vững mạnh hơn cho việc dẫn lái con thuyền Giáo hội mà Chúa Giê-su sẽ trao phó cho ngài sau này.

Trên hết, Chúa mời gọi chúng ta đặt tất cả niềm tin vào quyền năng của Chúa. Ngài có chương trình cho mỗi người chúng ta. Ðiều quan trọng không phải là chúng ta bắt Thiên Chúa làm theo ý chúng ta, để rồi khi không được như ý nguyện, chúng ta tỏ ra buồn phiền, than trách Chúa. Trái lại, chúng ta hãy đặt hết tin tưởng vào Chúa, Ngài vẫn hiện diện để sẵn sàng cứu giúp chúng ta. Hãy phó thác vào quyền năng yêu thương của Ngài và như thế tâm hồn chúng ta sẽ được bình an.

Huệ Minh

Chia sẻ Bài này:
 

Related posts