ĐỜI SỐNG TÂM LINH - LINH ĐẠO VÀ NỬA SAU CUỘC ĐỜI
- Details
- Category: 8. Đời Sống Tâm Linh
-
nguyenthi leyenWed, Dec 2 at 9:48 PM
LINH ĐẠO VÀ NỬA SAU CỦA CUỘC ĐỜI
Theo các Giáo phụ, linh đạo là việc đi tìm để “thấy khuôn mặt của Chúa” và điều này, như Chúa Giêsu đã nói rõ, đòi hỏi chỉ một điều, thanh tẩy tâm hồn.
Một kích thước thì sẽ không phù hợp cho tất cả mọi người. Điều này không những chỉ đúng với quần áo mà còn đúng với linh đạo. Các thách thức trong đời sống chúng ta thay đổi theo tuổi đời. Linh đạo không phải lúc nào cũng hoàn toàn tinh tế với vấn đề này. Dĩ nhiên chúng ta luôn có các chỉ dẫn và sinh hoạt thích ứng với trẻ em, với người trẻ, với các cha mẹ nuôi dạy con, với người người đang làm việc, đang trả nợ ngân hàng nhưng chúng ta chưa bao giờ triển khai linh đạo cho những người đã hoàn thành các việc này.
Vì sao lại cần? Chúa Giêsu dường như không làm. Ngài không có bộ giáo lý nào dành riêng cho người trẻ, cho người trung niên, cho người lớn tuổi. Ngài chỉ giảng dạy. Bài giảng trên núi, các dụ ngôn và lời Ngài kêu gọi mọi người vác thập giá theo Ngài, một mục đích giống nhau cho tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác. Nhưng chúng ta nghe các lời dạy này vào những lúc khác nhau trong cuộc đời; chúng ta nghe Bài giảng trên núi lúc bảy tuổi khác lúc chúng ta nghe khi hai mươi bảy tuổi và khi tám mươi bảy tuổi. Lời Chúa Giêsu dạy không thay đổi, nhưng chúng ta thay đổi, và các lời dạy này đưa ra các thách thức cụ thể ở các thời điểm khác nhau trong cuộc đời chúng ta.
Chung chung linh đạo kitô ghi nhớ điều này, trừ một ngoại lệ. Ngoại trừ Chúa Giêsu và các nhà thần nghiệm không chuyên (những người không dành trọn đời hay một thời gian dài như một nhà linh đạo, họ chỉ ngẫu nhiên hoặc một giai đoạn rất ngắn sống như nhà thần nghiệm), đã không phát triển một linh đạo rõ ràng cho những năm cuối đời của chúng ta, chúng ta nên sinh sôi như thế nào trong những năm tuổi già và làm sao để có một cái chết đem lại sự sống. Nhưng có một lý do cho sự thiếu sót này. Đơn giản mà nói, nó không cần thiết vì cho đến cuối thế kỷ trước, đa số người dân chưa bao giờ sống đến tuổi già. Ví dụ, ở Palestina vào thời Chúa Giêsu, tuổi thọ trung bình chỉ ba mươi đến ba mươi lăm năm. Cách đây một thế kỷ, tuổi thọ ở Mỹ vẫn chưa đầy năm mươi. Khi hầu hết mọi người trên thế giới qua đời trước khi họ bước vào tuổi năm mươi, thực sự không cần thiết phải có một linh đạo cho người lớn tuổi.
Nhưng có một linh đạo như thế bên trong Tin Mừng. Mặc dù chết ở tuổi ba mươi ba, nhưng Chúa Giêsu vẫn để lại cho chúng ta khuôn mẫu về cách già đi và cách chết. Nhưng mô hình này, dù thấm đậm và nâng đỡ lành mạnh cho linh đạo kitô chung chung lại chưa hề được phát triển cụ thể thành một linh đạo cho lão hóa (ngoại trừ một số nhà thần nghiệm kitô giáo vĩ đại).
Sau Chúa Giêsu, các Giáo phụ, Giáo mẫu trong sa mạc đã đặt lại vấn đề về cách già đi và về cái chết, họ đã đưa vào khuôn khổ chung trong linh đạo của họ. Theo các Giáo phụ, linh đạo là việc đi tìm để “thấy khuôn mặt của Chúa” và điều này, như Chúa Giêsu đã nói rõ, đòi hỏi chỉ một điều, thanh tẩy tâm hồn. Vì vậy, theo các Giáo phụ, dù ở tuổi nào thách thức vẫn giống nhau, cố gắng làm sao để có được tâm hồn tinh tuyền. Sau đó, đến thời các cuộc bách hại và các vị tử đạo kitô giáo đầu tiên, một ý tưởng được phát triển, cách lý tưởng để già đi và chết là tử đạo. Sau đó, khi tín hữu kitô không còn tử đạo về thể xác thì có ý tưởng cho rằng, chúng ta có thể tự nguyện hy sinh bằng cách sống theo lời khuyên của Tin Mừng, sống khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời. Họ nghĩ rằng sống như vậy, cũng như việc đi tìm để tâm hồn được tinh tuyền, sẽ dạy cho chúng ta tất cả những gì chúng ta cần, ở bất cứ độ tuổi nào. Cuối cùng, điều này được mở rộng, có nghĩa là bất cứ ai trung thành làm bổn phận đời mình, dù ở tuổi nào sẽ học được mọi thứ cần thiết để trở nên thánh thiện nhờ lòng trung thành này. Như câu châm ngôn nổi tiếng đã nói: Hãy ở trong tịnh cốc của bạn, bạn sẽ học được tất cả những gì bạn cần biết. Hiểu một cách chính xác, đây là linh đạo của lão hóa và của cái chết bên trong các khái niệm này, nhưng cho đến gần đây, không cần giải thích nhiều để hiểu một cách rõ ràng hơn.
May thay, tình trạng này ngày nay đã tiến triển, chúng ta ngày càng phát triển các linh đạo rõ ràng về lão hóa và cái chết. Có lẽ điều này nói lên hiện trạng dân số đã già đi, và bây giờ có phong trào văn học đang phát triển, cả tôn giáo và thế tục, đặt ra câu hỏi về lão hóa và về cái chết. Các tác giả này quá nhiều để không thể nêu hết, nhưng có nhiều tác giả đã quen thuộc với chúng ta: Henri Nouwen, Richard Rohr, Kathleen Dowling Singh, David Brooks, Hồng y Bernardin, Michael Paul Gallagher, Joan Chittister, Parker Palmer, Marilyn Chandler McEntyre, Paul Kalanithi, Erica Jong, Kathie Roiphe, và Wilkie và Noreeen Au. Ở trên nhiều quan điểm khác nhau, mỗi người đều có cái nhìn về Chúa và thiên nhiên, và họ nói với chúng ta trong những năm gần đây.
Về bản chất, đây là vấn đề: ngày nay, càng ngày chúng ta càng sống thọ và có sức khỏe khi về già. Thường chúng ta nghỉ hưu vào khoảng đầu những năm sáu mươi sau khi đã nuôi dạy con cái, nghỉ việc và trả xong nợ ngân hàng. Vậy giai đoạn tiếp là gì, nếu chúng ta có thể sống hai hoặc ba mươi năm nữa, sức khỏe vẫn còn tốt và còn năng lượng?
Những năm này để làm gì? Bây giờ chúng ta được gọi để làm gì, ngoài việc yêu thương con cháu mình? Ông Abraham và bà Sarah được mời lên đường đến vùng đất mới và mang thai một đứa trẻ đã từ rất lâu họ không thể có. Đó cũng là lời kêu gọi chúng ta. Chúng ta được kêu gọi sinh ra “Isaac” nào trong những năm cuối đời? Chúng ta cần được hướng dẫn.
Ronald Rolheiser,
Marta An Nguyễn dịch