ĐỜI SỐNG TÂM LINH -HẠNH PHÚC TRONG ĐỜI TU
- Details
- Category: 8. Đời Sống Tâm Linh
-
nguyenthi leyenĐỜI SỐNG TÂM LINHMon, Jan 11 at 10:59 PM
SUNG SƯỚNG VÀ HẠNH PHÚC TRONG ĐỜI TU
Người ta chỉ thực sự hạnh phúc khi thấy cuộc đời mình có ý nghĩa. Một cuộc đời được cho là có ý nghĩa khi và chỉ khi nó mang lại ích lợi cho người khác. Đó là lý do tại sao một số tu sĩ khi về hưu thường cảm thấy cô đơn.
Có bác người quen ghé thăm nhà Dòng đã chia sẻ với tôi: “Thầy đi tu ở đây sướng, nhà cao cửa rộng, có tiện nghi đầy đủ, không vất vả giống như một số nhà dòng khác mà con biết.” Bác ấy có lý do để đưa ra nhận xét như vậy. Nhìn nhà cửa khang trang sạch sẽ, khuôn viên đẹp đẽ, lại có nhiều cây xanh phủ bóng mát giữa lòng thành phố đầy xe cộ tấp nập, ai mà chẳng thấy thích. Tôi cười đáp lại: “Sướng vậy mà người ta vẫn không chịu đi tu đó bác.”
Thật vậy, sung sướng không phải là tiêu chí để người ta gắn bó hay dấn thân trong đời tu. Đơn giản là vì nhiều khi người ta không tìm thấy hạnh phúc nơi sự sung sướng đó. Hóa ra sung sướng và hạnh phúc là hai trạng thái rất khác nhau. Người ta có thể đánh giá một cuộc sống là sung sướng từ những biểu hiện bên ngoài, thế nhưng hạnh phúc thì chỉ có đương sự mới cảm nhận được. Một cuộc sống thiếu thốn đủ thứ thì không thể được gọi là sung sướng. Tuy nhiên hạnh phúc thì khác, nó không tùy thuộc vào hoàn cảnh nhưng lại tùy thuộc vào cách người ta đón nhận hoàn cảnh. Một số người giàu có và nổi tiếng muốn tìm đến cái chết bởi vì họ không cảm thấy hạnh phúc. Ngược lại, nhiều người nghèo chỉ lo được cơm ăn ngày ba bữa nhưng cuộc sống họ tràn ngập niềm vui hạnh phúc.
Người ta chỉ thực sự hạnh phúc khi thấy cuộc đời mình có ý nghĩa. Một cuộc đời được cho là có ý nghĩa khi và chỉ khi nó mang lại ích lợi cho người khác. Đó là lý do tại sao một số tu sĩ khi về hưu thường cảm thấy cô đơn. Họ không buồn phiền vì tuổi già sức yếu cho bằng vì thấy cuộc đời mình không còn ý nghĩa cho ai đó nữa, không làm được việc gì giúp đời như trước nữa. Như thế, chỉ khi biết sống cho đi thì chúng ta mới thấy cuộc đời mình có ý nghĩa, có được hạnh phúc. Ngược lại với thái độ cho đi chính là lối sống ích kỷ, chỉ lo vun vén cho bản thân. Tích trữ có thể giúp người ta sống sung sướng nhưng cho đi mới mang lại hạnh phúc.
Có một linh mục kể lại câu chuyện ơn gọi của mình như sau. Khi biết con mình có ý định đi tu, mẹ ngài đã phản đối kịch liệt dù bà là người rất mộ đạo. Bà chỉ có một đứa con trai nên bà mong muốn con mình sống cuộc đời hạnh phúc bên vợ con như bao nhiêu người đàn ông khác. Cậu đã cố gắng thuyết phục mẹ mình rằng trong đời tu có đủ mọi điều kiện giúp người ta sống hạnh phúc. Cậu liệt kê đủ mọi viễn cảnh tốt đẹp nhất trong đời tu: nào là điều kiện học hành, nào là tình anh em trong cộng đoàn, nào là cơ hội đi đây đi đó mở mang hiểu biết… Thế nhưng dường như tất cả những thứ đó vẫn chưa đủ để khiến bà mẹ đánh giá cao đời tu. Dù tin rằng con mình có thể sống sung sướng trong nhà dòng nhưng bà vẫn chưa thấy được nơi đó có điều gì thực sự mang lại hạnh phúc. Bà cương quyết ngăn cản!
Cho đến một ngày tình cờ bà xem bộ phim “The Mission” nói về hành trình truyền giáo của các cha Dòng Tên đến vùng Nam Mỹ vào cuối thế kỷ 18. Cảnh phim làm nổi bật những hy sinh vất vả mà các nhà truyền giáo phải gánh chịu. Để đem Tin Mừng đến với thổ dân, các ngài đã phải thích nghi với đời sống trong rừng thiêng nước độc vùng Amazon, thiếu thốn trăm bề. Chưa hết, các ngài còn bị hiểu lầm, chống đối, bị bắt bớ, tù đày và thậm chí là phải hy sinh cả mạng sống mình. Xem xong bộ phim, bà liền gọi con trai mình đến nói chuyện: “Nếu con đi tu kiểu như vậy thì mẹ rất ủng hộ!” Chàng thanh niên ngạc nhiên hết sức, vì trước giờ cứ tưởng rằng mẹ cản chuyện đi tu chỉ vì sợ mình sống khổ, nhưng hóa ra không phải vậy. Bà mẹ đã nhìn ra được ý nghĩa nơi bối cảnh khó khăn của những nhà truyền giáo. Bà tin chắc rằng cuộc sống như thế sẽ mang lại hạnh phúc cho con của bà.
Là người sống xa nhà trong một thời gian dài cho đến nay, tôi đã nhiều lần bộc lộ nỗi nhớ nhung gia đình, bạn bè, quê hương làng nước. Thấy vậy có một chị nhắn tin chia sẻ: “Thấy thầy đi tu nhớ nhà như vậy nên sau này con không cho con trai con đi tu đâu, tội nghiệp nó lắm.” Hay như chuyện tôi nghe được từ một nữ tu, Sơ kể rằng khi đi giúp xứ trong ngày mồng 1 kết, nghe ca đoàn hát bài nhập lễ: “Ngày đầu xuân bao người đi xa, cùng về với gia đình, cùng về với ân tình…” là hai hàng nước mắt cứ chảy ròng ròng. Trong những khoảnh khắc như thế người tu sĩ có sung sướng không? Chắc chắn là không rồi. Thế nhưng tôi có thể khẳng định rằng đó là những giọt nước mắt của hạnh phúc. Người tu sĩ hạnh phúc vì tìm thấy ý nghĩa nơi sứ mạng mình đang dấn thân. Người tu sĩ buồn và gia đình họ cũng buồn vì không được sum họp trong ngày xuân. Thế nhưng mọi người đều hiểu rằng như thế là người tu sĩ đang quảng đại đáp lại lời Chúa mời gọi ra đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân. Nhờ vậy nỗi buồn vì xa cách đã trở thành dấu chỉ cho thấy mối dây liên kết tình thân giữa người tu sĩ với gia đình họ thật bền chặt và thiêng liêng. Đó chính là điều làm nên hạnh phúc trong giọt nước mắt của người tu sĩ.
Thật ra có không ít tu sĩ lẫn lộn giữa sung sướng và hạnh phúc. Tôi nghe có người than phiền rằng đi tu 3 năm rồi mà chỉ được cho về nhà ăn tết đúng có 2 ngày. Tiêu chí đo lường hạnh phúc của người đó chính là số ngày được về ăn tết bên gia đình. Có người khác lại cảm thấy mình bị bó buộc trong việc sử dụng của cải vật chất. Họ trách móc người quản lý hẹp hòi trong chi tiêu và gây khó khăn khi họ đến xin một thứ gì đó. Cũng có người giận bề trên vì quá khắt khe trong việc tiếp khách. Nói chuyện với người khác giới một chút cũng bị nghi ngờ, nói ra nói vào. Vì lẫn lộn giữa sung sướng và hạnh phúc như thế nên nhiều tu sĩ mới có thái độ so sánh dòng này dễ, dòng kia khó, dòng này sướng, dòng kia khổ. Những điều họ mong chờ thực ra chỉ làm cho họ sung sướng hơn thôi. Chính lời khấn khó nghèo, vâng phục, khiết tịnh mới thực sự mang lại hạnh phúc trong đời tu.
Người tu sĩ hạnh phúc khi sống ý nghĩa đích thực của 3 lời khấn dòng. Theo đó, lời khấn khó nghèo là điều kiện giúp họ biết cho đi nhiều hơn. Với đời sống khó nghèo, người tu sĩ không bị ràng buộc bởi điều kiện vật chất. Ngược lại, họ tự do với của cải, sẵn sàng cho đi tất cả những gì mình có. Tương tự, với lời khấn vâng phục, người tu sĩ đặt mình trong tay bề trên để được sai đi bất cứ mọi nơi, sẵn sàng làm bất cứ việc gì vì lợi ích cách linh hồn. Do đó, một người tu sĩ sống vâng phục sẽ không cảm thấy mình bị mất tự do. Trái lại, họ nhận ra mình có nhiều tự do hơn, tự do ngay cả với giới hạn của bản thân, để vươn tới những chân trời mới trên hành trình phục vụ mà Chúa và nhà dòng mời gọi qua lời dạy của bề trên.
Cuối cùng, lời khấn khiết tịnh sẽ không giới hạn tình yêu của người tu sĩ vào một đối tượng cụ thể. Theo đó, lời khấn khiết tịnh giúp cho người tu sĩ có một con tim biết yêu thương nhiều hơn. Theo gương Chúa Giêsu, người tu sĩ được mời gọi thể hiện tình yêu vô điều kiện cho tất cả mọi người ở mọi nơi mình được sai đến. Như vậy, 3 lời khấn dòng chính là con đường dẫn đến hạnh phúc trong đời tu, bởi vì chúng khuyến khích lối sống trao ban cho người khác hơn là nhận lãnh cho chính mình.
Xét ở khía cạnh quảng bá ơn gọi, người tu sĩ cố gắng cho các bạn trẻ thấy được mọi cái hay cái đẹp trong đời tu. Điều đáng tiếc là thay vì cho thấy khuôn mặt một đời tu hạnh phúc khi sống dấn thân phục vụ thì nhiều tu sĩ lại trình bày một đời tu sung sướng với đầy đủ tiện nghi vật chất, được đi du lịch đây đó. Thật ra sung sướng không hẳn là luôn trái ngược với hạnh phúc. Người ta vẫn tìm được hạnh phúc trong sung sướng, nếu không muốn nói là sung sướng giúp người ta dễ có được hạnh phúc hơn. Thế nhưng dù vậy thì sung sướng vẫn không hề bảo đảm hạnh phúc. Xin nhắc lại, con người chỉ hạnh phúc khi thấy cuộc sống mình có ý nghĩa cho người khác. Cuộc sống sung sướng có thể dễ dàng thu hút người trẻ ở bước đầu nhưng chỉ có yếu tố hạnh phúc mới giữ chân được họ ở lại lâu dài. Thật thế, không ai dại gì chôn vùi cuộc đời mình trong đời tu, dù nó có sung sướng đầy đủ cỡ nào đi nữa, khi chính họ không cảm nhận được ý nghĩa của ơn gọi đó.
Chúng ta trân trọng và yêu mến ơn gọi tận hiến vì biết rằng đó là một con đường dấn thân phục vụ. Những người tu sĩ dấn thân phục vụ chắc chắn sẽ thấy hạnh phúc, bởi vì họ đã sống trọn vẹn ý nghĩa cuộc đời. Khác với cách hành xử của người đời, khi cho đi, người tu sĩ không hề có thái độ trịch thượng kiểu ban phát. Ngược lại, người tu sĩ cho đi với thái độ khiêm tốn và biết ơn. Họ sẵn sàng cho đi tất cả bởi vì họ hiểu rằng những gì mình có được đều là do ơn Thiên Chúa ban. Lời mời gọi của Chúa Giêsu luôn thôi thúc người tu sĩ biết cho đi nhiều hơn: “Anh em đã được cho không thì cũng phải cho không như vậy.” (Mt 10,8)
Không ít người đã bày tỏ lòng thương cảm (và có thể là cả thương hại) về lối sống của người tu sĩ. Họ thấy người tu sĩ đã phải hy sinh hạnh phúc gia đình, từ bỏ của cải thế gian và cả ý riêng của mình để sống dấn thân phục vụ tha nhân. Tuy nhiên, chính đời sống dấn thân như vậy đã mang lại hạnh phúc đích thực cho người tu sĩ. Đời sống chứng tá của người tu sĩ không cho phép họ có được những điều kiện sung sướng theo cách chúng ta nghĩ. Chúng ta cho đó là những hy sinh cũng đúng, nhưng nếu gọi đó là phần thưởng thì cũng không sai!
Giuse Lê Đắc Thắng, SJ(dongten.net)