ĐỜI SỐNG TÂM LINH -NIỀM TIN VÀ PHÉP LẠ

 

  •  
    nguyenthi leyen
    ĐỜI SỐNG TÂM LINH
     
    Tue, Jan 19 at 1:10 AM
     
     
     
     
     
    Ảnh cùng dòng

    LÒNG TIN VÀ PHÉP LẠ

    Chào các bạn,
    Hôm nay mình chia sẻ với các bạn một phân tích về lòng tin và phép lạ, dưới cái nhìn của một chuyên gia tư duy tích cực. Nói về lòng tin thì tư tưởng mạnh nhất về lòng tin mà chúng ta có là tư tưởng của các tôn giáo dòng Moses (các dòng tôn giáo bắt đầu bằng tổ phụ Maisen, còn gọi là Thiên Chúa giáo – tôn giáo đặt trọng tâm vào Thiên Chúa — gồm (1) Do thái giáo, (2) Kitô giáo (ba nhóm tôn giáo đặt trọng tâm vào chúa Giêsu Kitô–Công giáo, Chính thống giáo, và Tin Lành) và (3) Hồi giáo).
    Xin lỗi các bạn, các cái tên này rất là rối rắm khó nhớ, và chính đa số tín đồ của các tôn giáo này cũng không rành hết mọi tên. Và phần dưới đây lại có thể thêm rối rắm cho một số bạn nếu đọc quá nhanh, vì chúng ta sẽ dùng lòng tin Thiên chúa giáo làm đối tượng phân tích, vì nói đến Thiên Chúa giáo là nói đến lòng tin. Các tư tưởng thần học/triết học hơi rối rắm, nhưng muốn hiểu được lòng tin có sức mạnh thế nào ta cần hiểu các tư tưởng triết l‎ý căn bản nhất của Thiên Chúa giáo. Vậy nếu bị rối rắm, xin các bạn đọc chầm chậm một chút.
    Trong các nhánh Thiên Chúa giáo, lòng tin vào Chúa (Thượng đế, Allah) là 100% của vấn đề. Không có gì đáng nói ngoài lòng tin vào Chúa. Trong các nhánh Phật giáo thì ngược lại–lòng tin là chuyện phụ thuộc; việc chính là chính ta trực nghiệm và quán sát đời sống, và kiến thức sẽ đến với ta từ trực nghiệm đó, cho đến lúc ta đạt được kiến thức tối hậu (Bát Nhã) và giác ngộ. Trong Phật giáo, căn bản là kiến thức, không cần thiết có lòng tin một chút nào, dù nếu bạn muốn tin vào vị Phật hay Bồ Tát nào và cầu xin được cứu giúp thì việc đó cũng chấp nhận được. Tuy vậy, trên thực tế, có lẽ hơn 90% người Phật giáo dùng lòng tin và cầu nguyện như là người Thiên Chúa giáo, và không nắm được kiến thức luận lý quá cao siêu của Phật giáo.
    Một chút vậy để các bạn hiểu một vài điểm căn bản của các tôn giáo. Trở lại việc phân tích lòng tin, lấy lòng tin Thiên chúa giáo làm đối tượng phân tích. Thánh kinh Thiên Chúa giáo dạy rằng, con người đã bị chia cách khỏi Thương đế kể từ khi Adam và Eva, vì kiêu căng, muốn ngang hàng với Thượng đế, không vâng lời Thượng đế, nên bị quyến rũ ăn trái cấm tức là trái của Cây Kiến Thức (Tree of Knowledge), do đó bị đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng, và từ đó mọi người chúng ta đều đau khổ và đều mang Tội Tổ Tông – tội di truyền từ Adam và Eva.
    Ngoài phương diện thần học, câu truyện này là một biểu tượng triết lý rất sâu sắc về đời sống con người. Lòng kiêu căng là đầu mối của mọi tội lỗi. Lòng kiêu căng làm ta mất đi sự ngây thơ của ta (như Adam và Eva biết xấu hổ là mình trần truồng sau khi ăn trái cấm), làm ta chay theo các kiến thức không nên rớ vào (kiểu như thiên hạ giết nhau với đủ mọi chủ nghĩa, hoặc dùng kiến thức khoa học để làm bom giết nhau), và con người đau khổ triền miên (biểu tượng bằng việc bị đuổi ra khỏi Vườn Địa đàng, chia cách với nguồn hạnh phúc là Thượng đế). Và mọi chúng ta ngày nay đều bị đau khổ bởi tính kiêu căng và các yếu kém khác ta có trong ta, biểu tượng bằng Tội Tổ Tông di truyền từ Adam và Eva.
    Đó là sự chia cách của con người với Thượng đế. Muốn nối lại sự chia cách đó, tức là nối lại với nguồn tình yêu và hạnh phúc, thì con người phải có lòng tin tuyệt đối vào Thượng đế. Tin 100%, hơn 100%, 200%, 1000%… lòng tin không một chút nghi ngờ nào.
    Thiên chúa giáo (tức là Do thái giáo, 3 nhánh Kitô giáo, và Hồi giáo) gọi đó là total submission, phó thác mọi sự vào tay Chúa. Tất cả mọi sự liên hệ đến ta và của ta đều do Chúa quyết định 100%. Ta chẳng có phần nào trong đó. Khi ta có lòng tin vào Thiên Chúa, ta sẽ nối kết lại được với Thiên Chúa, và ta được “cứu rỗi”, được “cuộc sống vĩnh cửu”.
    Theo thần học Thiên Chúa giáo, ta được cứu rỗi, được nối lại với Thiên Chúa, là do lòng tin tuyệt đối vào Thiên Chúa, chứ không do các việc thiện ta làm (Ngược hẳn với Phật giáo, ta được phúc là do các việc thiện ta làm; ta giác ngộ là do ta đạt được trí tuệ Bát Nhã). Trong truyền thống Thiên chúa giáo, ta làm việc tốt, việc thiện, vì ta vâng lời Thiên Chúa. Nếu ta nói là tin Chúa thì hãy làm theo điều Chúa dạy. Việc thiện chỉ là cách ta tỏ lộ lòng tin với Thiên Chúa, không phải là căn bản của cứu rỗi. Chính “lòng tin” mới là căn bản của cứu rỗi.
    (Thần học Kitô giáo—Công giáo, Tin lành, Chính thống giáo—có một chút thay đổi về “cứu rỗi”. Trong Kitô giáo, chúa Giêsu, tức là Thượng đế trong bản tính yêu thương của Thượng đế, đã xuống thế chịu chết để rửa sạch tội cho loài người. Nên tất cả MỌI NGƯỜI trên thế giới, kể cả người ngoài Kitô giáo, ĐÃ được cứu rỗi. Đó là món quà chúa Giêsu CHO mỗi người chúng ta. Ta chỉ cần NHẬN món quà đó bằng cách có lòng tin tuyệt đối vào Chúa Giêsu)
    Và mọi sự trong đời ta, kể cả một cọng tóc trên đầu ta rụng xuống, đều là ý Chúa. Nếu Chúa không cho phép cọng tóc đó rụng, nó sẽ không rụng.
    Lòng tin vào Chúa 100% như thế chính là nền tảng cực kỳ vững chắc cho tư duy tích cực của bạn.
    Nếu bạn ngồi giữa biển đời mênh mông, như là ngồi trên cái phao giữa biển, và cái phao đó là Thượng đế, và bạn biết Thượng đế là tình yêu, Thượng đế yêu bạn và chăm sóc cho bạn từng sợi tóc, và Thượng đế tạo ra mọi sự cho bạn hoặc cho phép mọi sự xảy ra cho bạn, với tấm lòng của một người cha hết lòng thương con, thì bạn có gì để lo lắng? Lo sợ? Buồn rầu? Stress? Dù là mọi việc quanh bạn đang có vẻ tồi tệ đến mức nào? Dù là trên mặt biển đang có Tsunami?
    Lòng tin tuyệt đối vào Thượng đế làm cho người Thiên Chúa giáo hoàn toàn tĩnh lặng, bình tĩnh, không lo không sợ bất kì điều gì trên thế gian. Tất cả mọi sự đều nằm trong tay Thượng đế của ta, sao lại lo lắng gì?
    Và ta có thể thấy nhiều vị thánh của Thiên Chúa giáo làm các việc phi thường trong lịch sử, mà ta phải gọi là phép lạ–như lo lắng cho người bệnh tật đến nỗi dùng miệng hút mủ nơi lỡ lói của bệnh nhân như thánh Têrêsa, bỏ giàu sang sống đời nghèo khó và yêu thương của thánh Francis of Assini, thông minh và can đảm làm tướng hướng dẫn đại binh giải phóng nước Pháp như cô nông dân 16 tuổi Joan of Arc, và bao nhiêu hành động phi thường của bao nhiêu người khác trong lịch sử Thiên chúa giáo.
    Lòng tin tuyệt đối vào Thượng đế cho người ta đứng trên mặt nước, giữa đại dương dậy sóng trùng trùng, mà hoàn toàn không mảy may lo lắng, sợ hãi, stress.
    Và vũ khí duy nhất người Thiên Chúa giáo cần là “lòng tin và cầu nguyện”: “Lạy Chúa, hãy cho con vững tin nơi Ngài. Con rất xấu hổ là con lo nhiều chuyện quá. Sự lo sợ của con là bằng chứng về lòng tin yếu ớt của con. Xin Chúa cho con vững tin vào Ngài. Cho con luôn luôn đặt mắt, đặt tâm, đặt trí của con vào Ngài. Xin Chúa tăng lòng tin của con. Xin Chúa nắm tay con, cho con đứng giữa cơn bão, và bình thản đi trên mặt nước, vì Ngài luôn luôn nắm tay con.”
    Chúng ta thấy trong câu cầu nguyện trên, ta xin Chúa giúp ta có lòng tin, tức là lòng tin của ta cũng là do Chúa cho ta—mọi sự, kể cả lòng tin của ta—cũng là do Chúa cho ta. Ta chẳng có điều gì tự ta mà có.
    Một lòng tin mạnh mẽ như thế sẽ cho người tín đồ Thiên Chúa giáo một tĩnh lặng và sức mạnh của một vị Bồ tát trong Phật giáo.
    Nhưng đương nhiên là rất ít người Thiên chúa giáo nắm được tinh yếu thần học trên phương diện kiến thức, và lại càng rất ít người hơn nữa có được lòng tin tuyệt đối trên phương diện thực hành.
    Các tôn giáo khác đặt trên lòng tin, thì cách phát biểu có khác nhau, nhưng đều được chi phối bởi một nguyên lý tâm lý về lòng tin như thế.
    Cho nên, các bạn Thiên Chúa giáo, nguồn tư duy tích cực duy nhất bạn cần trong truyền thống Thiên Chúa giáo là lòng tin tuyệt đối vào Chúa/Allah. Tất cả mọi sự, kể cả một cọng tóc trên đầu bạn rơi xuống đất cũng là ‎ ý Chúa. Nếu bạn hiểu được điều đó mà phó thác mọi sự trong tay Chúa, cầu nguyện xin Chúa nắm tay bạn để bạn “nối kết” với Chúa từng giây trong ngày, thì không lý do gì bạn phải lo sợ động đất hay Tsunami. Và nếu bạn có được lòng tin như thế, thì bạn chẳng tốn thời giờ đọc ĐCN làm gì. Nhưng nếu lòng tin bạn chưa đủ mạnh, hãy xin Chúa cho bạn lòng tin vững mạnh. Lòng tin của bạn cũng là do Chúa cho bạn, không phải tự bạn mà có.
    Mình xin lỗi các bạn ngoài Thiên Chúa giáo nếu bài này rối rắm. Với các bạn Kitô hữu, mình mong các bạn đọc lại bài này để nắm rất vững, vì rất nhiều Kitô hữu không nắm được tinh yếu của liên hệ giữa Chúa và con người, và tinh yếu của cầu nguyện.
    Chúc các bạn một ngày vui.
    Mến,
    Trần Đình Hoành
    ------------------------------------