Thứ Ba CN4MC-A
Lời Chúa
TÔI ĐỪNG PHẠM TỘI NỮA NHÉ !
KẺO KHỐN HƠN TRƯỚC
Bài Ðọc I: Ed 47, 1-9. 12
"Tôi đã thấy nước từ bên phải đền thờ chảy ra, và nước ấy chảy đến ai, thì tất cả đều được cứu rỗi".
Trích sách Tiên tri Êdêkiel.
Trong những ngày ấy, thiên thần dẫn tôi đến cửa nhà Chúa, và đây nước chảy dưới thềm nhà phía hướng đông, vì mặt tiền nhà Chúa hướng về phía đông, còn nước thì chảy từ bên phải đền thờ, về phía nam bàn thờ. Thiên thần dẫn tôi qua cửa phía bắc, đưa đi phía ngoài, đến cửa ngoài nhìn về hướng đông, và đây nước chảy từ bên phải. Khi đó có người đàn ông đi ra về hướng đông, tay cầm sợi dây, ông đo một ngàn thước tay và dẫn tôi đi qua dưới nước tới mắt cá chân. Ông đo một ngàn thước tay nữa và dẫn tôi đi qua dưới nước đến đầu gối. Ông còn đo một ngàn thước tay và dẫn tôi đi qua dưới nước đến ngang lưng. Ông lại đo thêm một ngàn thước tay nữa, và đây là suối nước, tôi không thể đi qua được, vì nước suối dâng lên cao quá, phải lội mới đi qua được, nên người ta không thể đi qua được. Người ấy nói với tôi: "Hỡi người, hẳn ngươi đã xem thấy". Rồi ông dẫn tôi đi, rồi dẫn trở lại trên bờ suối. Khi trở lại, tôi thấy hai bên suối có nhiều cây cối. Người ấy lại nói với tôi: "Nước này chảy về phía cồn cát, phía đông, chảy xuống đồng bằng hoang địa, rồi chảy ra biển, biến mất trong biển và trở nên nước trong sạch. Tất cả những sinh vật sống động, nhờ suối nước chảy qua, đều được sống. Sẽ có rất nhiều cá và nơi nào nước này chảy đến, nơi đó sẽ trở nên trong lành, và sự sống sẽ được phát triển ở nơi mà suối nước chảy đến.
Gần suối nước, hai bên bờ ở mỗi phía, mọi thứ cây ăn trái sẽ mọc lên; lá của nó sẽ không khô héo, và trái của nó sẽ không bao giờ hết; mỗi tháng nó có trái mới, vì dòng nước này phát xuất từ đền thờ; trái của nó dùng làm thức ăn, và lá của nó dùng làm thuốc uống.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 45, 2-3. 5-6. 8-9
Ðáp: Chúa thiên binh hằng ở cùng ta, và ta được Chúa Giacóp hằng bảo vệ (c. 8).
Xướng: 1) Chúa là nơi ẩn náu và là sức mạnh của chúng ta, Người hằng cứu giúp khi ta sầu khổ. Dầu đất có rung chuyển, ta không sợ chi, dầu núi đổ xuống đầy lòng biển cả. - Ðáp.
2) Nước dòng sông làm cho thành Chúa vui mừng, làm hân hoan cung thánh Ðấng Tối Cao hiển ngự. Chúa ở giữa thành, nên nó không chuyển rung, lúc tinh sương, thành được Chúa cứu giúp. - Ðáp.
3) Chúa thiên binh hằng ở cùng ta, ta được Chúa Giacóp hằng bảo vệ. Các ngươi hãy đến mà xem mọi kỳ công Chúa làm, Người thực hiện muôn kỳ quan trên vũ trụ. - Ðáp.
Câu Xướng Trước Phúc Âm: Tv 50, 12a và 14a
Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch. Xin ban lại cho con niềm vui ơn cứu độ.
Phúc Âm: Ga 5, 1-3a. 5-16: NGƯỜI BỆNH ĐÃ 38 NĂM
"Tức khắc người ấy được lành bệnh".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Hôm đó là ngày lễ của người Do-thái, Chúa Giêsu lên Giêrusalem. Tại Giêrusalem, gần cửa "Chiên", có một cái hồ, tiếng Do-thái gọi là Bếtsaiđa, chung quanh có năm hành lang. Trong các hành lang này, có rất nhiều người đau yếu, mù loà, què quặt, bất toại nằm la liệt. Trong số đó, có một người nằm đau liệt đã ba mươi tám năm. Khi Chúa Giêsu thấy người ấy nằm đó và biết anh đã đau từ lâu, liền hỏi: "Anh muốn được lành bệnh không?" Người đó thưa: "Thưa Ngài, tôi không được ai đem xuống hồ, mỗi khi nước động. Khi tôi lết tới, thì có người xuống trước tôi rồi". Chúa Giêsu nói: "Anh hãy đứng dậy vác chõng mà về". Tức khắc người ấy được lành bệnh. Anh ta vác chõng và đi. Nhưng hôm đó lại là ngày Sabbat, nên người Do-thái bảo người vừa được khỏi bệnh rằng: "Hôm nay là ngày Sabbat, anh không được phép vác chõng". Anh ta trả lời: "Chính người chữa tôi lành bệnh bảo tôi: "Vác chõng mà đi". Họ hỏi: "Ai là người đã bảo anh "Vác chõng mà đi?" Nhưng kẻ đã được chữa lành không biết Người là ai, vì Chúa Giêsu đã lánh vào đám đông tụ tập nơi đó.
Sau đó, Chúa Giêsu gặp anh ta trong đền thờ, Người nói: "Này, anh đã được lành bệnh, đừng phạm tội nữa, kẻo phải khốn khổ hơn trước". Anh ta đi nói cho người Do-thái biết chính Chúa Giêsu là người đã chữa anh ta lành bệnh.
Vì thế người Do-thái gây sự với Chúa Giêsu, vì Người đã làm như thế trong ngày Sabbat.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm
SỰ ĐAU LIỆT CỦA TÂM HỒN BẠN VÁ TÔI?
ĐÃ KHÔNG QUYẾT TÂM BỎ TỘI TRỞ VỀ VỚI NGÀI?
Phép lạ Chúa Giêsu chữa lành cho "một người nằm đau liệt đã ba mươi tám năm" ấy
đã kèm theo cả một hiện tượng phải gọi là quái lạ hay quái gở chưa từng thấy.
Mùa Chay tiếp tục với ngày Thứ Ba trong Tuần IV Mùa Chay hôm nay, phụng vụ lời Chúa, bao gồm cả Bài Phúc Âm lẫn Bài Đọc 1, đều liên quan đến hình ảnh về nước.
Trước hết, nước trong Bài Phúc Âm hôm nay là một thứ nước có khả năng chữa lành, như Thánh ký Gioan thuật lại ở đầu bài Phúc Âm như sau: "Tại Giêrusalem, gần cửa 'Chiên', có một cái hồ, tiếng Do-thái gọi là Bếtsaiđa, chung quanh có năm hành lang. Trong các hành lang này, có rất nhiều người đau yếu, mù loà, què quặt, bất toại nằm la liệt".
Lý do tại sao cái hồ này lại "có rất nhiều người đau yếu, mù lòa, què quặt, bất toại nằm la liệt" như vậy, là vì mỗi khi nước hồ động lên đều có thể chữa lành cho bệnh nhân hay tật nguyền nhân nào xuống hồ đầu tiên.
Đó là lý do, "có một người nằm đau liệt đã ba mươi tám năm" đã trần tình cùng "Chúa Giêsu", Đấng bấy giờ đã "thấy người ấy nằm đó và biết anh đã đau từ lâu, liền hỏi: 'Anh muốn được lành bệnh không?'", và đã than thở với Người về hoàn cảnh nuôi hy vọng trong thất vọng và tuyệt vọng của anh ta như sau: "Thưa Ngài, tôi không được ai đem xuống hồ, mỗi khi nước động. Khi tôi lết tới, thì có người xuống trước tôi rồi".
Ở đây, trong câu trả lời của nạn nhân "đau liệt 38 năm này", một nạn nhân cô độc chẳng ai giúp đỡ ấy, như thể đã hoàn toàn bị bỏ rơi, và đã hoàn toàn tuyệt vọng, không còn trông mong được khỏi tật bệnh kéo dài có thể nói gần nửa đời người như thế nữa, nên khi được Chúa Giêsu hỏi "Anh muốn được lành bệnh không?", anh ta đã trả lời một cách có vẻ rất hững hờ, chẳng có chút gì là hào hứng, chỉ trình bày và than phiền về thân phận hẩm hiu bất hạnh đến vô vọng của mình thôi.
Nếu anh ta còn một chút hy vọng, còn ham sống, thì phản ứng của anh ta khi vừa được Chúa Giêsu hỏi: "Anh muốn được lành bệnh không?", anh ta như chộp được thời cơ, chụp được cơ hội ngàn vàng, cơ hội ngàn năm một thuở mà thưa ngay với Người rằng: "Thưa có chứ... Vậy thì ông có thể giúp tôi được không...".
Thế nhưng, anh ta đâu có ngờ rằng, chính lúc anh ta đã nản lòng không còn muốn sống nữa, muốn buông xuôi theo số phận hẩm hiu bất hạnh, anh ta lại được cứu, cho dù anh ta không hội đủ điều kiện là lòng tin tưởng cần có của anh ta. Nhưng vì Chúa Giêsu, ở trong trường hợp của anh ta, không cần anh ta tin, vì anh ta đã biết Người đâu mà tin, cho bằng Người làm cho anh ta tin, bằng quyền năng của Người nơi anh ta.
Bởi thế, Người đã tự động chữa lành cho anh ta: "Anh hãy đứng dậy vác chõng mà về", sau khi đã hỏi phép anh ta đàng hoàng trước đó. Cho dù anh ta không tỏ ra tích cực và minh nhiên theo câu hỏi của Người, nhưng nội dung của câu anh ta trả lời Người đã cho thấy rằng anh ta thực sự là muốn được chữa lành. Và tác dụng thần linh của lời Người truyền đã tuyệt đối công hiệu ngay bấy giờ, nơi đương sự nạn nhân đã tỏ ý muốn được chữa lành: "Tức khắc người ấy được lành bệnh. Anh ta vác chõng và đi".
Phép lạ Chúa Giêsu chữa lành cho "một người nằm đau liệt đã ba mươi tám năm" ấy đã kèm theo cả một hiện tượng phải gọi là quái lạ hay quái gở chưa từng thấy. Ở chỗ, trong bài Phúc Âm không thấy nói gì đến việc nạn nhân đương sự được chữa lành sụp lạy Chúa Giêsu để tạ ơn Người về phép lạ bất ngờ anh ta không thể nào tưởng tượng được rằng phép lạ đã xẩy ra cho anh ta ở vào lúc anh ta tuyệt vọng nhất như thế. Có thể là vì trong thời khoảng anh ta đang lồm cồm bò ngồi dậy sau 38 năm không bao giờ có thể ngồi lên như lời Người truyền thì "Chúa Giêsu đã lánh vào đám đông tụ tập nơi đó".
Cứ cho là như thế đi! Thế nhưng, sau khi anh ta bị những người khác nhắc bảo rằng: "'Hôm nay là ngày Sabbat, anh không được phép vác chõng'. Anh ta trả lời: 'Chính người chữa tôi lành bệnh bảo tôi: Vác chõng mà đi'. Họ hỏi: 'Ai là người đã bảo anh Vác chõng mà đi?' Nhưng kẻ đã được chữa lành không biết Người là ai".
Nạn nhân đương sự được chữa lành này không biết Người cũng phải và vì thế anh ta đã trả lời đúng sự thật. Tuy nhiên vấn đề ở đây là sau đó, sau khi anh ta biết được Người là ai rồi thì anh ta cũng vẫn không ngỏ lời cám ơn Người, trái lại, quái gở thay, anh ta lại đi tố cáo phản lại Người:
"Sau đó, Chúa Giêsu gặp anh ta trong đền thờ, Người nói: 'Này, anh đã được lành bệnh, đừng phạm tội nữa, kẻo phải khốn khổ hơn trước'. Anh ta đi nói cho người Do-thái biết chính Chúa Giêsu là người đã chữa anh ta lành bệnh. Vì thế người Do-thái gây sự với Chúa Giêsu, vì Người đã làm như thế trong ngày Sabbat".
Trường hợp chín trong mười người phong cùi được Chúa Giêsu chữa lành cho, khi thấy mình được khỏi trên đường đi trình diện với các vị tư tế như lời Người bảo họ, mà không trở lại tạ ơn Người như một người Samaritanô trong số họ (xem Luca 17:11-19), đằng này nạn nhân đương sự bất ngờ (không hề van xin) được Chúa Giêsu chữa lành cho khỏi tật bệnh kéo dài suốt 38 năm trường lại quay ra tố cáo Người nữa thì quả là vô cùng quái gở, không thể nào tượng tưởng được.
Đó là lý do, thấy trước được con người này, Chúa Giêsu đã cảnh giác anh ta về đặc ân nhưng không anh ta vừa được hưởng về phần xác có thể sẽ trở thành tai họa về phần hồn cho anh ta rằng: "Này, anh đã được lành bệnh, đừng phạm tội nữa, kẻo phải khốn khổ hơn trước".
Vấn đề được đặt ra ở đây là thế thì tại sao Chúa Giêsu lại chữa lành cho một nạn nhân mà Người biết rằng ân phúc nạn nhân đương sự này được hưởng có thể trở thành tai họa cho phần hồn của họ như vậy? Có thể nói, lý do Chúa Giêsu chữa lành cho nạn nhân đương sự này là vì tự mình họ đáng thương và cần được cứu vớt trong lúc anh ta không được ai cứu giúp và trong lúc anh ta có vẻ như đã hoàn toàn tuyệt vọng.
Ngoài ra, không phải vì anh ta là con người "xấu" mà anh ta không đáng được hưởng ơn lành như những người tốt hơn anh ta và xứng đáng hơn anh ta. Ơn Chúa là của Chúa, là những gì nhưng không từ Chúa, Người muốn ban cho ai tùy ý của Ngài, hay muốn ban thế nào và ban vào lúc nào cũng không ai cản được, và không ai có quyền ghen tị với người khác và đặt vấn đề với Người.
Nhưng về phần người nhận ân huệ của Người có biết ơn Người và đáp ứng xứng đáng với ân huệ họ lãnh nhận hay chăng, hoàn toàn là do họ. Trường hợp nạn nhân đương sự trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu đâu có ép anh ta phải được lành mạnh - anh ta có thể nói với Chúa khi Người hỏi anh ta "Anh muốn được lành bệnh không?" rằng: "No, thank you. I'm fine!"
Bởi thế, chỉ sau khi anh ta ngỏ ý muốn được chữa lành Người mới ra tay thỏa đáng ước muốn đã trở thành tuyệt vọng của anh ta thôi, nhờ đó, Người có thể làm cho anh ta phấn khởi lên mà sống, và sống một cách xứng đáng với số phận lành mạnh của con người vốn đã được Thiên Chúa ngay từ ban đầu dựng nên tốt đẹp mọi bề về cả hồn lẫn xác.
Sau nữa, "nước" trong Bài Đọc 1 hôm nay được Tiên Tri Êzêkiên diễn tả xuất phát từ "nhà Chúa" và "chảy dưới thềm nhà phía hướng đông, vì mặt tiền nhà Chúa hướng về phía đông, còn nước thì chảy từ bên phải đền thờ (dường như ám chỉ máu và nước chảy ra từ cạnh suờn Chúa Kitô tử giá), về phía nam bàn thờ (ám chỉ chảy xuống phía dưới cạnh sườn bị đâm thâu qua của Chúa Kitô tử giá)". Nước càng ngày càng dâng cao, đầu tiên chỉ ở mức "mắt cá chân", sau đó "đến đầu gối", rồi "đến ngang lưng" và cuối cùng "vì nước suối dâng lên cao quá, phải lội mới đi qua được".
Chưa hết, Bài Đọc 1 hôm nay còn cho thấy tác dụng của giòng suối nước này, cả ở dưới suối nước lẫn trên bờ suối nước. Ở dưới suối nước: "Tất cả những sinh vật sống động, nhờ suối nước chảy qua, đều được sống. Sẽ có rất nhiều cá và nơi nào nước này chảy đến, nơi đó sẽ trở nên trong lành, và sự sống sẽ được phát triển ở nơi mà suối nước chảy đến".
Còn ở trên bờ suối nước thì sao, chúng ta thấy được Tiên Tri Êzêkiên diễn tả ở phần cuối Bài Đọc 1 hôm nay như thế này: "Gần suối nước, hai bên bờ ở mỗi phía, mọi thứ cây ăn trái sẽ mọc lên; lá của nó sẽ không khô héo, và trái của nó sẽ không bao giờ hết; mỗi tháng nó có trái mới, vì dòng nước này phát xuất từ đền thờ; trái của nó dùng làm thức ăn, và lá của nó dùng làm thuốc uống".
Hình ảnh nước và suối nước theo Bài Đọc 1 hôm nay diễn tả, càng lúc càng dâng cao và mang lại sức sống cùng phát triển cho sinh vật cả ở dưới nước lẫn trên bờ như thế khiến cho chúng ta liên tưởng đến những gì Chúa Giêsu nói về nước ám chỉ Thần Linh, một Vị Thần Linh ban sự sống, được tuôn đổ xuống trên Giáo Hội bởi Chúa Kitô phục sinh (xem Gioan 7:37-39; 20:22) trong mầu nhiệm Vượt Qua và nhờ biến cố Vượt Qua.
Tâm tình của những ai được chữa lành bởi nước, như người đau liệt 38 năm trong Bài Phúc Âm hôm nay, và những ai được no thỏa suối nước xuất phát tự nhà Chúa trong Bài Đọc 1 hôm nay, đều có một cảm nghiệm thần linh như vị thánh vịnh gia trong Bài Đáp Ca hôm nay:
1) Chúa là nơi ẩn náu và là sức mạnh của chúng ta, Người hằng cứu giúp khi ta sầu khổ. Dầu đất có rung chuyển, ta không sợ chi, dầu núi đổ xuống đầy lòng biển cả.
2) Nước dòng sông làm cho thành Chúa vui mừng, làm hân hoan cung thánh Ðấng Tối Cao hiển ngự. Chúa ở giữa thành, nên nó không chuyển rung, lúc tinh sương, thành được Chúa cứu giúp.
3) Chúa thiên binh hằng ở cùng ta, ta được Chúa Giacóp hằng bảo vệ. Các ngươi hãy đến mà xem mọi kỳ công Chúa làm, Người thực hiện muôn kỳ quan trên vũ trụ.
From: Hoabg <This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.>
Date: 2017-03-31 4:05 GMT-07:00
Subject: VỀ: PVLC Thứ Ba Tuần IV Mùa Chay 28-3-2017
To: Tinh Cao <This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.>, TDFatima <This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.>, TNFatima <This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.>
Tôi đọc bài nầy thấy quá hay, tuy nhiên xin có một nhận xét để "bênh vực" cho anh bại liệt: vì anh ta rất trung thưc . anh ta muốn tôn vinh và củng muốn mọi người tôn vinh nên ngay khi biết được người đả chửa lành anh ta đả báo cho nhửng kẻ đả tra khảo.... chứ không phải đẻ tố cáo. Xin chân thành góp ý.
From: Tinh Cao <This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.>
Date: 2017-03-31 10:12 GMT-07:00
Subject: Re: VỀ: PVLC Thứ Ba Tuần IV Mùa Chay 28-3-2017
To: Hoabg <This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.>
Cc: TDFatima <This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.>, TNFatima <This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.>
Rất cám ơn người anh em đã, trước hết tiếp nhận bài chia sẻ Phụng Vụ Lời Chúa hằng ngày của tôi mà còn đọc kỹ và góp ý nữa. Tôi cảm thấy rất vui khi có người anh chị em của mình đồng cảm với mình như thế.
Nói chung, những gì chúng ta chia sẻ với nhau về Phụng Vụ Lời Chúa (Chúa Nhật hay hằng ngày hoặc suốt tuần như tôi đang làm) là do suy niệm, cảm nghiệm và suy diễn của từng tâm hồn với Lời Chúa được ghi lại trong chung Thánh Kinh và riêng Phúc Âm, không buộc ai cũng phải có cùng một cảm nhận như nhau, vì tác động của Chúa Thánh Thần nơi mỗi tâm hồn như "gió muốn thổi đâu thì thổi" (Gioan 3:8).
Về trường hợp của nạn nhân bất toại 38 năm trong bài Phúc Âm được người anh cho rằng hành động cho những ai vốn ác cảm với Chúa Giêsu biết là vị đã chữa lành cho anh ta trong ngày hưu lễ là cố ý để họ cùng anh tôn vinh Người, hơn là tố cáo Người, tôi xin được lợi dụng dịp này để dẫn giải thêm một số chi tiết nữa cho sáng tỏ thêm vào bài chia sẻ khá dài của tôi nhé:
Trước hết, vấn đề được đặt ra ở đây là nếu nạn nhân bại liệt 38 năm này có ý tốt, muốn nói ra phép lạ chỉ để tôn vinh Vị đã chữa lành cho mình, thì tại sao ngay trước đó Chúa Giêsu lại tự động đến gặp lại anh ta để cảnh giác anh ta, như để ngăn ngừa anh ta về hành động anh ta sắp làm, một hành động rất nguy hiểm cho phần hồn của anh ta: "Này, anh đã được lành bệnh, đừng phạm tội nữa, kẻo phải khốn khổ hơn trước"? Thường thì Chúa căn dặn một số nạn nhân được chữa lành "đừng nói với ai" (Mathêu 8:4; Marco 1:44), để rồi chính những nạn nhân này đã đích thân loan truyền phép lạ của Người. Ở đây, trường hợp của nạn nhân bại liệt 38 năm hoàn toàn khác hẳn. Nếu anh ta muốn tôn vinh Chúa Kitô thì tại sao anh ta không tôn vinh trước mặt chung công chúng mà chỉ cho những kẻ hạch hỏi anh ta thôi?
Sau nữa, nạn nhân bất toại 38 năm được chữa lành này hoàn toàn khác với người mù từ lúc mới sinh trong bài Phúc Âm Chúa Nật IV Mùa Chay vừa rồi, một người mù khi Chúa Giêsu trở lại với anh ta một lần nữa, thì anh ta, sau khi biết được vị đã chữa lành và được chính Người tỏ mình ra thì tuyên xưng đức tin và phục xuống thờ lạy Người, trong khi đó, nạn nhân bại liệt 38 năm này khi đươc gặp lại chính Đấng chữa lành cho mình, thì chẳng những không bày tỏ một lời cám ơn nào và chúc tụng Người thì chớ, lại còn báo cho thành phần hạch hỏi anh ta nữa, một hành động anh ta chẳng cần phải làm, mà dù có làm thì anh ta đáng lẽ phải bênh vực Người, như nạn nhân bị mù từ lúc mới sinh mới đáng gọi là tôn vinh Đấng đã chữa lành cho mình một tật nguyền đã tuyệt vọng.
Sau hết, nạn nhân bại liệt 38 năm này khi bị hạch hỏi thì không biết vị chữa mình là ai, thế nhưng sau khi được gặp lại vị ấy, lần bị vị này cảnh báo việc làm tội lỗi sắp xẩy ra của anh ta, thì anh ta dường như cảm thấy bị chạm tự ái, thành ra hình như trở nên ác cảm hơn với vị đại ân nhân của mình, đến độ, anh ta đã nói thẳng tên "Giêsu" của vị ân nhân của mình ra cho những ai hạch hỏi anh ta, một tên gọi mà tự nhiên anh ta biết được, dù vị chữa lành anh ta không hề nói cho anh ta biết tên của Người, như Người tỏ mình ta cho người mù từ lúc mới sinh. Như thế thì có thể suy thêm rằng nạn nhân bại liệt 38 năm này dường như đã biết vị chữa lành cho mình là "Giêsu" ngay từ đầu, vì anh ta đâu có mù như người mù từ lúc mới sinh, nhưng khi bị hạch hỏi lần đầu thì anh ta giấu tên vị ấy đi như để bênh vực và trả ơn cho vị ân nhân của mình, sau đó anh ta lại tự động nói tên vị này ra, một tên anh ta đã biết rồi, do vị ấy đã trở lại cảnh giác anh ta một cách tiêu cực.
Đó là một chút suy diễn thêm về trường hợp người bại liệt 38 năm được chữa lành về phần xác, nhưng nếu không khéo lại bị nguy hiểm về phần hồn. Chúng ta cũng thế, nếu không biết lợi dụng ơn Chúa ban nhưng không, chúng ta cũng sẽ đi đến chỗ nguy hiểm đến phần rỗi đời đời của chúng ta. Vậy chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta xứng đáng nhận ơn của Ngài và sử dụng ơn Ngài cho nên.
Chúc người anh một Mùa Phục Sinh tràn đầy bình an nhé.
Xin cầu cho tôi với.
cao tấn tĩnh
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên
MC.IV-3.mp3
You received this message because you are subscribed to the Google Groups "LTXC-TD5" group.
To unsubscribe from this group and stop receiving emails from it, send an email to
.
.