12. Ngày Trở Về Nhà Cha

NGÀY TRỞ VỀ NHÀ CHA- VĂN TẾ GM THỐNG 2 NĂM

VĂN TẾ ĐỨC CỐ GIÁM MỤC + GIU-SE VŨ DUY THỐNG

TƯỞNG NHỚ 2 NĂM (01.3.2017-2019)

 

 

Gương xưa bóng bặt;

Dáng cũ hình phai.

Hai bốn tháng lần tay;

Bảy trăm ngày bấm đốt.

 

Dẫu sáu lăm niên kỷ, lực vẫn tràn đầy, đáp Thánh lệnh ra đi đột ngột;

Dù đáo thọ lục tuần,  hồn còn sung mãn, vâng Thần thiêng trẩy bước thình lình.

Lạc hoan cho trăm họ, thơm nồng tặng lại nhân sinh;

Tân khổ nhận một mình, Đắng chát đưa vào xác mục.

 

Nhớ linh xưa:

Chốn ruộng lúa đồng xanh, nghiệp vững nông phu gieo mạ đức;

Nơi trùng khơi biển biếc, nghề tinh ngư phủ bủa tơ thần.

 Cá đầy khoang ắp khẳm man vàn;

Thóc ngập lẫm cao vun chất ngất.

 

Mài nghiên thắp nến vò đầu, đầy phấn khởi băn khoăn gieo khúc nhạc ;

Nhấc bút khêu đèn vắt óc, rất hân hoan mài miệt dệt lời ca.

Thông vi vu hát xướng chan hoà;

Tùng dào dạt ru hời đượm thắm.

 

Đường tín lý kêu vời ai chìm đắm;

Lối phúc âm vẫy gọi kẻ chơi vơi.

-"Tình yêu Chúa Cứu thế thúc đưa tôi" ;

-“Ca-ri-tas Chris-ti Ur-get Nos”. (1)

 

Than ôi:

Đầu mùa Chay, người mục tử xuôi tay đường đột;

Khởi tiết hạ, vị chủ chiên nhắm mắt vội vàng.

Ngưng mạch mệnh tàn;

Cạn nguồn sinh khí.

 

Nguyên thổ xuân thâm, tích linh âm đoạn vân thiên lý;
Lâm sao dạ tịch, thụ thảo thanh ai nguyệt nhất luân.(2)

Xác trầm thinh trả cõi đất u buồn;

Hồn vút bổng về quê trời hoan hỷ.

 

Dẫu xa cách:  Ảnh lạc thanh tùng lý;

Nhưng rất gần: Thần lưu tử trướng trung.(3)

Chốn phù vân xin ngước hướng cửu trùng;

Nơi vĩnh cửu hãy nghiêng nhìn hạ trạch.

 

Chúng chiên nay:

Hình tiết nan di phương thiết thạch;
Kiên thao bất cải nại băng sương.(4)

Chờ ngày sau hội ngộ chốn thiên đường;

Đợi mai hậu tao phùng nơi thượng vĩnh .

 

Dâng nến toả hoài dâng cha khả kính;

Thắp hương trầm tưởng niệm vị hiền nhân.

Hai bốn tháng mãn phần;

Bảy trăm ngày xuôi mệnh.

 

Thuận lệnh;

Tồn tâm.

 

Bùi Nghiệp

 

Chú thích:

(1) Khẩu hiệu Giám mục của ĐC Giu-se Vũ Duy Thống,  nguyên câu La-tin:“Caritas Christi Urget Nos” Dịch Việt ngữ :"Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi"


(2)Đất phẳng xuân sâu, tích linh âm đứt, mây nghìn dặm;
Rừng thưa đêm vắng, cây cỏ thanh buồn, trăng một vầng

 

(3) Hình ảnh lạc trong tùng xanh
Tinh thần lưu giữa trướng tím.


(4) Vững chí khôn dời niềm sắt đá
Kiên tâm chẳng đổi mặc băng sương

gplongxuyen
-----------------------------

NGÀY TRỞ VỀ NHÀ CHA - CHÚA THƯƠNG GỌI TÔI VỀ

Khi Chúa thương gọi con về

ĐGM GB Bùi Tuần

1. Một bài thánh ca đang nuôi dưỡng tâm hồn tôi lúc cuối đời, đó là bài : “Khi Chúa thương gọi con về”.

Tôi không hát. Nhưng bài hát vang vọng trong tôi. Như một thôi thúc cầu nguyện. Như một chỉ hướng nhìn về phía trước. Như một hăm hở đi tới điểm hẹn.

Tiếng Chúa gọi rất nhẹ nhàng mà sâu lắng, rất âm thầm mà mạnh mẽ, rất đơn sơ mà đòi hỏi.

Chúa gọi, chứ không cắt nghĩa dài dòng. Có một sự dứt khoát trong lời Chúa gọi tôi, và Chúa cũng đòi phải có sự dứt khoát trong trả lời của tôi.

Nghe lời Chúa gọi tôi về với Chúa, tôi tự hỏi : Tôi phải chuẩn bị thế nào? Tôi tự trả lời bằng nhiều phương án. Sau cùng chính Chúa trả lời cho tôi.

 

2. Chúa trả lời tôi qua lời tiên tri Isaia : “Người đã mặc cho tôi áo phần rỗi, và choàng áo công chính cho tôi” (Is 61,10). Nghĩa là tôi phải nhờ Chúa để nên công chính. Và tôi phải đẹp “Như đất đâm chồi, như vườn nẩy lộc” (Is 61,11).

Hơn nữa, tôi phải được tái sinh, trở thành thụ tạo mới. Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô rằng : “Không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được tái sinh bởi ơn trên” (Ga 3,3). Thụ tạo mới đó có đặc điểm này : Họ ở trong Đức Kitô : “Phàm ai ở trong Đức Kitô, đều là thụ tạo mới” (2 Cr 5,17).

3. Với những Lời Chúa trên đây, tôi hiểu sự chuẩn bị, mà tôi phải có để về với Chúa, chính là đời sống thiêng liêng đạo đức.

Đạo đức nói đây phải sâu. Nghĩa là đạo đức không chỉ là thứ áo choàng công chính khoác bên ngoài, mà còn phải là những hoa trái mọc ra từ bên trong, đặc biệt bên trong ấy phải có mầm mống sự sống của Thiên Chúa.

Đời sống đạo đức như thế có thể gọi là một sự cải đổi. Bỏ cái xấu để có cái tốt. Bỏ con người cũ, để thành con người mới.

Cái xấu là tội lỗi, cái tốt là nhân đức. Con người cũ là những thứ giá trị sẽ qua đi. Con người mới là những thứ giá trị sẽ tồn tại đời đời.

 

Khi đạo đức là một cải đổi nếp sống, thì tất nhiên phải có phấn đấu. Phấn đấu không ngừng.

Khi đạo đức là một sự lớn lên trong cuộc sống thiêng liêng, thì tất nhiên phải có kiên trì. Kiên trì trải dài trên lịch sử cuộc đời.

Khi đạo đức là một sự tham dự vào sự sống Thiên Chúa, thì tất nhiên phải có ơn thánh Chúa. Ơn thánh làm cho tôi được tái sinh trong đời sống mới.

4. Đời sống mới chính là sự sống Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu Thiên Chúa chính là đối tượng sau cùng tôi tìm kiếm. Tình yêu Thiên Chúa chính là quê hương tôi ước mơ. Tình yêu Thiên Chúa chính là hạnh phúc tôi được mời gọi trong cõi đời sau.

Chúa cho tôi được nếm thử một chút tình yêu Chúa ngay ở đời này, để một chút bé nhỏ đó trở thành động lực thúc đẩy tôi phấn đấu với mọi khó khăn, vượt qua mọi hoàn cảnh của thực tế lịch sử, để luôn khát tìm ơn thánh.

Với kinh nghiệm, tôi cảm thấy tình yêu Chúa dần dần đơn giản hóa việc tôi chuẩn bị đi về với Chúa.

- Tôi làm mọi việc với tình yêu Chúa.

- Tôi chịu mọi hy sinh vì tình yêu Chúa.

- Tôi lợi dụng mọi cơ hội để làm chứng cho tình yêu Chúa.

- Tôi yêu thương mọi người trong tình yêu Chúa.

 

5. Tôi xin phép nói thêm ở điểm yêu thương. Bởi vì yêu thương người khác chính là một điều răn căn bản, mà Chúa sẽ căn cứ vào, để phán xét tôi có xứng đáng được vào Nước Chúa hay không (x. Mt 25,31-48).

Vì yêu thương người khác như Chúa dạy, tôi sẽ khiêm tốn phục vụ bất cứ ai trong cảnh khổ, theo khả năng của tôi. Chúa dạy tôi điều đó trong dụ ngôn người Samari tốt lành (x. Lc 10,29-37).

Vì yêu thương người khác như Chúa dạy, tôi sẽ đề phòng tránh xét đoán người khác. Chúa dạy tôi điều đó khi Người nói : “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị xét đoán. Anh em xét đoán thế nào, thì anh em sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy. Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em”.

Sao anh em thấy cái rác trong con mắt người anh em, mà cái xà trong con mắt mình thì không để ý tới” (Mt 7,1-3).

Vì yêu thương người khác như Chúa dạy, tôi theo gương các mục tử tốt lành, cố gắng đi tìm con chiên lạc, coi sự một con chiên lạc trở về là niềm vui lớn lao hơn hết. Vì Chúa phán : “Người nào trong các ông có 100 con chiên mà bị mất một con, lại không để 99 con kia ngoài đồng, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất ? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai… Vậy, tôi nói cho các ông hay trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì 99 người công chính không cần phải sám hối ăn năn” (Lc 15,4-7).

Vì yêu thương người khác như Chúa dạy, tôi xin Chúa ban cho tôi và cho mọi người được ơn biết tha thứ cho nhau. Tôi nhớ tới lời Chúa Giêsu trên thánh giá : “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).

Vì yêu thương người khác như Chúa dạy, tôi hết sức kết hợp với Chúa Giêsu. Vì Người quả quyết : “Không có Thầy, chúng con không làm gì được” (Ga 15,5).

6. Chúa dạy tôi là hằng ngày hãy cố gắng làm những việc đạo đức như trên. Những việc đạo đức ấy sẽ có giá trị đời đời. Cuộc sống đời đời được bắt đầu từ những việc đạo đức làm ở đời này. Đó là một chuẩn bị tốt để đi vào cuộcs ống tình yêu đời đời ở cõi sau.

Các việc đạo đức trên đây đều dựa trên Lời Chúa. Vì thế số phận của tôi sẽ tùy vào sự tôi có nghe, có đón nhận và có thực hành Lời Chúa hay không, nhất là về bổn phận yêu thương.

Đến đây, suy nghĩ của tôi dừng lại ở lời Chúa trong thư thứ nhất của thánh Gioan. “Kẻ không yêu thương, thì ở trong sự chết. Phàm ai ghét anh em mình, thì là kẻ sát nhân. Vì anh em biết : Không kẻ sát nhân nào có sự sống đời đời ở trong nó” (1 Ga 3,14-15).

7. Trên thực tế, những điều tôi vừa diễn tả thường không luôn thực thi đầy đủ. Bởi vì rất nhiều khi nghe Chúa gọi trong cơn đau đớn, tôi chỉ có thể cầu xin với Chúa một lời vắn tắt này : “Lạy Chúa, con là kẻ tội lỗi, xin Chúa thương xót con. Contin Chúa là Cha giàu lòng thương xót, xin cứu độ con”.

May ra, đôi khi, tôi cũng thêm được vài lời cầu xin vắn nữa, như : Lạy Chúa, con xin ký thác nơi Chúa tất cả những người gắn bó với con. Xin Chúa đoái thương ban bình an cho Quê Hương và Hội Thánh Việt Nam của con

Tôi cảm nghiệm sâu sắc điều này : Khi Chúa thương gọi tôi về, điều làm tôi hân hoan nhất, chính là sự tôi được Chúa yêu thương tha thứ cứu độ.

Lời Chúa gọi kèm theo lời tha thứ.  rong lời gọi có ơn cứu độ tràn đầy.

Tôi đón nhận lời Chúa gọi với tất cả tấm lòng khiêm nhường sám hối, và tin cậy phó thác, cùng với hết tâm hồn cảm tạ ngợi khan. Tất cả đều trong tinh thần cầu nguyện thiết tha, để ra đi cũng trong tâm tình cầu nguyện khiêm nhường.

Đức Mẹ Maria ở bên tôi.

Trong giờ hấp hối, chắc chắn sự chuẩn bị tôi sẽ rất vắn gọn. Chuẩn bị vắn gọn lúc đó sẽ như thế này : Tôi không còn nhìn vào tôi, mà chỉ nhìn vào Đấng gọi tôi. Tôi nhìn vào Đấng thương yêu tôi, với chỉ một lời phó thác đơn sơ : “Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).

 Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn

 --------------------------------------

”.

NGÀY TRỞ VỀ NHÀ CHA- NGHĨ VỀ SỰ CHẾT CHẾT

 

  •  
    nguyenthi leye
     
    Nghĩ về sự chết
     
    (ĐGM. Gioan B. Bùi Tuần)
     
    Ảnh cùng dòng

     

    Tôi biết là có ngày tôi sẽ chết. Mặc dầu tôi không biết sẽ chết ngày giờ nào, nơi nào, cách nào.

    Chắc chắn tôi phải chết. Đó là một chân lý hết sức rõ ràng và chắc chắn. Chân lý này, không ai đã dạy tôi. Nó nằm ngay trong con người của tôi.

    Cái chết cũng là một biến cố đụng tới mọi người. Nó là một vấn đề chung. Vấn đề này được coi là hết sức quan trọng. Bởi vì nó đặt ra câu hỏi: Đâu là ý nghĩa cuộc sống? Cuộc đời đi về đâu? Bên kia sự chết có gì không?

    Câu trả lời theo lý thuyết có thể tìm được trong nhiều sách, nhất là sách đạo. Nhưng câu trả lời theo cảm nghiệm sẽ thường chỉ hiện lên một cách sống động, khi ta ở bên cạnh những người sắp chết, hoặc chính ta đã có lần thập tử nhất sinh.

    Những lúc đó, câu trả lời sẽ không phải là một kết luận lạnh lùng của triết học hay của giáo lý. Nhưng sẽ là cái gì linh thiêng thăm thẳm chứa trong những cảm tình, cảm xúc, cảm động, cảm thương, khi hiện tượng sự chết rập rình sát tới.

    Những hiện tượng khác thường nơi người sắp chết rất đa dạng. Có thể là những lo âu sợ hãi, những khắc khoải đợi chờ, những nắm bắt bâng khuâng, những ngóng trông mệt mỏi, những cái nhìn xa xăm. Cũng có thể là những bất bình tức giận, những chán nản phiền muộn, những buông xuôi tiếc nuối, những phấn đấu tuyệt vọng. Cũng có thể lại là những ăn năn đầy bình an toả sáng, mang dấu ấn của một nghị lực thiêng liêng và một tin tưởng đến từ cõi đời đời.

    Tất cả những hiện tượng như thế phản ánh những trực cảm nội tâm: Đã tới lúc vĩnh biệt. Đã tới lúc ra đi. Đã tới lúc phải bỏ lại tất cả. Đã tới lúc phải trực diện với lương tâm. Lương tâm hỏi về trách nhiệm: Trách nhiệm làm người nói chung và trách nhiệm làm con Chúa nói riêng.

    Trước đây, có nhiều điều về trách nhiệm đã lẩn trốn lương tâm. Nhưng lúc con người sắp chết, những điều lẩn trốn đó sẽ trở về trình diện rất nghiêm túc.

    Tôi có cảm tưởng là người sắp chết lúc đó sẽ nhận ra: Sự sống của mình là một quà tặng Chúa ban. Ơn gọi được làm con Chúa càng là một ân huệ quí báu Chúa trao cho nhưng không. Chúa ban sự sống và ơn làm con Chúa, để mình phát triển mình và những người xung quanh trong những chặng đường lịch sử nhất định. Sự phát triển sẽ tuỳ ở ơn Chúa, nhưng cũng tuỳ thuộc vào sự tự do và tinh thần trách nhiệm của mỗi người.

    Thực tế cho thấy là đã có những phát triển đạo đức, và trái lại cũng có những phát triển tội lỗi. Với những phát triển tốt, người sắp chết cảm thấy được an ủi, coi như nhiệm vụ được trao đã phần nào hoàn thành.

    Trái lại nếu thấy những phát triển của mình là xấu, nhiệm vụ được trao đã không hoàn thành, họ sẽ không thể không sợ hãi. Bởi lẽ hậu quả sẽ vô cùng quan trọng. Vì chết là bước sang cõi đời sau với hai ngả: thiên dàng và hoả ngục. Mà hai ngả này đều rất rõ ràng công minh.

    Vì thế, nói cho đúng, vấn đề đặt ra cho ta về cái chết sẽ không phải là sợ chết, mà là sợ chết dữ, chết mà sau đó không được lên thiên đàng, nhưng phải xuống hoả ngục.

    Những tư tưởng trên đây thường nhắc nhủ tôi về ba chọn lựa này:

    1. Hãy tiến về sự chết của mình như tiến tới một quãng phải vượt qua, để về với Cha trên trời.

    Một khi nhìn sự chết của mình như thế, thì cuộc sống của mình cũng được hiểu theo hướng đó.

    Để đi đúng hướng về Cha trên trời, tôi chỉ có một đường phải chọn, đó là Chúa Giêsu Kitô. Người là đường, là sự thực và là sự sống (Ga 14,6). Đón nhận Người, lắng nghe Người, đi theo Người, bắt chước Người. Người là gương mẫu cho ơn gọi làm người và ơn gọi làm con Thiên Chúa. Điều quan trọng tôi sẽ hết sức quan tâm trong việc theo Chúa Giêsu sống ơn gọi, là phải phấn đấu thanh luyện mình, phải biết khiêm tốn quên mình, dấn thân sống theo ý Chúa, để được trở thành tạo vật mới. Nếp sống kiêu căng cần phải bị loại tận gốc. Nếp sống cầu nguyện khiêm nhường cần được thường xuyên phát huy.

    2. Hãy tiến về sự chết của mình như người được sai đi truyền giáo, mong trở về với Đấng sai mình.

    Sống như người truyền giáo và chết như người truyền giáo. Truyền giáo một cách cụ thể ở địa phương này, ở thời điểm này. Nghĩa là một địa phương và thời điểm có nhiều khác biệt. Vì thế, tôi phải tỉnh thức lắng nghe hướng dẫn của Thánh Thần Đức Kitô. Ngài đang dẫn người truyền giáo vào chiều sâu. Ngài đang giúp người truyền giáo mở rộng nhiều liên đới. Ngài đang tạo ra cho nhà truyền giáo nhiều dịp để loan báo Tin Mừng. Tôi có luôn khiêm tốn cầu nguyện hồi tâm, để trở thành dụng cụ ngoan ngoãn trong tay Ngài không?

    3. Hãy tiến về sự chết của mình như người khắc khoải trở về với Đấng đã trao cho mình điều răn mới.

    Điều răn mới này, tôi nhận được từ Lời Chúa: "Thầy ban cho chúng con một điều răn mới là chúng con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con" (Ga 13,34).

    Để hiểu thấm thía hành trình tình yêu, tôi nên hằng ngày gẫm suy đoạn văn sau đây của thư thánh Gioan:

    "Chúng ta biết rằng: chúng ta đã từ cõi chết bước vào cõi sống, vì chúng ta yêu thương anh em. Kẻ không yêu thương, thì ở lại trong sự chết. Phàm ai ghét anh em mình, ấy là kẻ sát nhân. Và anh em biết: không kẻ sát nhân nào có sự sống đời đời ở lại trong nó. Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì: đó là Đức Ki-tô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em. Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được? Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm. Căn cứ vào điều đó, chúng ta sẽ biết rằng chúng ta đứng về phía sự thật, và chúng ta sẽ được an lòng trước mặt Thiên Chúa" (1Ga 3,14-19).

    "Phần chúng ta, chúng ta hãy yêu thương, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước. Nếu ai nói: "Tôi yêu mến Thiên Chúa" mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người: ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình" (1 Ga 4,19-21)

    Khi tôi sống với những hướng kể trên, tôi sẽ coi sự chết như là một điểm chấm dứt nhiệm vụ.

    Nhiệm vụ được chấm dứt. Nhưng nhiệm vụ có được hoàn thành hay không, đó là chuyện khác và đó mới là điều quan trọng. Chúa sẽ phán xét công minh điều đó. Ở đây, tôi có lý do để lo, bởi vì tôi biết tôi đã lỗi phạm nhiều.

    Biết lo là điều tốt. Không phải lúc gần chết mới lo, mà phải lo ngay bây giờ. Biết lo ở đây là tìm cách sửa mình, đổi mới mình nên tốt hơn. Coi như bắt đầu lại.

    Khởi sự từ quyết tâm tận dụng ngày giờ còn lại và những phương tiện trong tầm tay để chu toàn các nhiệm vụ được trao một cách tốt đẹp nhất. Nhất là tỉnh thức ưu tiên đón nhận Nước Trời vào bản thân mình bằng sám hối và tin mến khiêm cung.

     

    Những nỗi lo như thế là chính đáng. Khi chúng ta làm hết sức mình, thì những nỗi lo đó sẽ đem lại những tiến triển và hân hoan. Với hân hoan và tin tưởng nơi Chúa giàu tình yêu thương xót, chúng ta bình tĩnh đi về sự chết. Sự chết lúc đó chỉ là bước sang sự sống mới vô cùng tốt đẹp hơn trước. Và như thế, sau cùng, chỉ có thần chết là phải chết thôi.

     

 

NGÀY TRỜ VỀ NHÀ CHA - CUỘC SỐNG ĐỜI SAU

  • CUỘC SỐNG ĐỜI SAU


    Lễ các thánh ngày hôm nay và sự tưởng nhớ các tín hữu đã ly trần có một số điểm chung, và vì lý do này, mà hai thánh lễ được đặt sát kề nhau.  Cả hai thánh lễ đều nhắn nhủ với chúng ta những điều về thế giới bên kia.  Nếu chúng ta không tin vào sự sống đời sau, thì việc cử hành lễ các thánh, chưa nói gì đến việc viếng nghĩa trang, sẽ chẳng xứng đáng gì cả.  Chúng ta đi viếng thăm ai hoặc vì sao chúng ta lại thắp nến và mang hoa tới cho họ?

    Do đó, những sự kiện trong ngày hôm nay mời gọi chúng ta đi vào một sự phản tỉnh khôn ngoan.  Thánh vịnh đã viết: “Xin dạy con biết đếm ngày con sống để con biết tìm kiếm sự khôn ngoan trong tâm hồn.”  “Cuộc đời chúng ta trôi qua như chiếc lá mùa thu” (G. Ungaretti).  Vào mùa xuân năm sau, cây sẽ tiếp tục nẩy nụ bung hoa và khoác trên mình những cánh lá mới; thế giới sẽ vẫn diễn tiến sau lưng chúng ta, nhưng với những con người mới.  Lá thu không tìm được sự sống mới, nó tan biến tại nơi nó rụng xuống.  Điều ấy có xảy ra với chúng ta không?  Đó là điểm mà phép loại suy đi đến bước đường cùng.  Chúa Giêsu đã hứa: “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tìn ta thì dẫu có phải chết cũng sẽ được sống.”  Đây là thách đố lớn lao cho niềm tin, không chỉ cho người Kitô hữu, mà còn cho người Do Thái giào và Người Hồi giáo, cho tất cả những ai tin vào Thiên Chúa.

    Những người đã xem phim “Bác sĩ Zhivago” chắc sẽ nhớ bài hát nổi tiếng do cô ca sỹ Lara hát trong phần nhạc nền.  Bản dịch từ tiếng Ý có nghĩa: “Tôi không biết đó là gì, nhưng có một nơi tôi sẽ không bao giờ trở lại…”  Bài hát nhắm đến ý nghĩa của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng do Pasternak viết mà bộ phim đã dựa vào đó để dàn dựng: Đôi tình nhân tìm thấy nhau, tìm kiếm nhau, nhưng định mệnh (ta có thể tìm thấy chính mình trong thời đại rối ren của cuộc cách mạng Bolshevik) đã phân ly họ cách nghiệt ngã, mãi đến khi họ gặp nhau vào cảnh cuối nhưng lại không nhận ra nhau.

    Mỗi khi những nốt nhạc này vang lên, đức tin làm cho tôi hầu như muốn thét lên bên trong con người tôi: Vâng, có một nơi ta sẽ chẳng bao giờ trở về và cũng chẳng muốn trở về.  Đức Giêsu đã ra đi để chuẩn bị cho chúng ta, Ngài đã mở ra cánh cửa sự sống ngang qua sự phục sinh của Ngài và Ngài đã chỉ cho ta biết đường theo Ngài qua tám mối phúc thật.  Nơi thời gian đi tới hồi tận sẽ mở đường dẫn vào cõi vĩnh hằng.  Tại nơi ấy, tình yêu sẽ trở nên sung mãn và trọn vẹn, không chỉ là tình yêu Thiên Chúa và cho Thiên Chúa mà còn là tất cả tình yêu chân thành và thánh thiện vốn đã tồn tại trên trái đất.

    Đức tin không giải thoát tín hữu khỏi nỗi đau khổ của cái chết, nhưng nó xoa dịu chúng ta qua đức tin.  Kinh Tiền Tụng ngày lễ các linh hồn viết: “Nếu việc phải chết làm cho chúng ta buốn rầu, thì niềm hy vọng vào sự bất tử mai sau sẽ an ủi chúng ta.”  Trong cảm thức này, có một chứng từ đầy cảm động ở nước Nga.  Vào năm 1972, một tạp chí bí mật đã cho đăng lời cầu nguyện được tìm thấy trong túi áo của một người lính tên Aleksander Zacepa.  Anh viết lời cầu nguyện này chỉ trước khi chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, và anh đã thiệt mạng trong cuộc chiến ấy.

    Lời cầu nguyện như thế này: “Lạy Chúa, xin Ngài lắng nghe con!  Trong suốt cuộc đời, con chưa từng một lần nói chuyện với Ngài, nhưng hôm nay con có ao ước làm điều đó.  Khi con còn nhỏ, người ta bảo con rằng Ngài không hiện hữu.  Và như một thằng ngốc, côn đã tin điều ấy.

    Con chưa bao giờ suy niệm về công trình của Ngài, nhưng đêm nay nằm trong hố bom và nhìn bầu trời đầy sao, con đã bị choáng ngợp bởi vẻ huy hoàng của chúng.  Ngay lập tức, con hiểu rằng sự lừa dối ấy khốn nạn đến mức nào.  Ôi lạy Chúa, con không biết là Chúa có giang tay chạm đến con hay không, nhưng con dám nói với Chúa rằng Chúa hiểu con…

    Chẳng phải là lạ lùng lắm sao khi giữa cảnh địa ngục rợn rùng, ánh sáng đã chiếu giãi trên con, và con đã khám phá ra Ngài?

    Con chẳng có điều gì nữa để thân thưa với Ngài.  Con cảm thấy thật hạnh phúc, vì con đã nhận biết Ngài.  Vào lúc nửa đêm hôm nay, chúng con sẽ bắt đầu chiến sự, nhưng con chẳng sợ hãi gì vì Ngài trông thấy con.

    Họ phát tín hiệu rồi Chúa ạ.  Con phải đi đây.  Thật tuyệt vời dường bao khi con được ở với Ngài.  Con muốn thưa với Chúa, và Chúa cũng biết, là trận đánh sẽ rất ác liệt.  Có lẽ đêm nay, con sẽ đến gõ cửa nhà Ngài.  Và nếu đến lúc này đây, con chưa phải là bạn của Ngài thì khi con ra đi, Ngài có đón con vào nhà Ngài không?

    Nhưng điều gì đang xảy ra với con đây?  Con la lên hay sao?  Lạy Chúa Trời con, xin hãy nhìn đến những điều xảy ra với con.  Chỉ lúc này đây, con mới bắt đầu nhìn thấy Chúa cách rõ ràng.  Lạy Chúa, con đi đây, có lẽ chẳng bao giờ trở lại.  Thật lạ lùng, lạy Chúa, cái chết chẳng làm con sợ hãi.

    Nguyễn Quốc Tâm

    (Nguồn: Bài viết của Cha Raniero Cantalamessa, OFM, Zenit ngày 31 tháng 10, năm 2008)

     

    *****************************

     

    • image002.jpg
      27kB
    • image001.jpg
      96.9kB
    •  
      CUỘC SỐNG ĐỜI SAU.docx
      112.1kB

NGAY TRO VE NHÀ CHA- SUY CAI CHET

  • tamlinhvaodoi

     SUY NIỆM VỀ CÁI CHẾT

    Hãy nhớ rằng, cái chết không trì hoãn đâu và ngày hẹn của âm phủ, con nào có biết“ Hc 14,12)

     

    Không ai trong chúng ta biết được ngày chết và cái chết của mình như thế nào. Mỗi ngày sống của chúng ta là mỗi ngày đi dần đến cái chết, nhưng phần đông không ai nghĩ đến chúng cả.

     „Con đừng sợ án chết. Hãy nhớ rằng: có những kẻ đã đi trước con, và sẽ có những người theo sau“ (Hc 41 3).

    Sự chết dạy chúng ta sống như thế nào?

    Trong đời sống, chúng ta nên thỉnh thoảng suy niệm về cái chết.

    Một nhà tu đức khi suy niệm về cái chết đã thốt lên „cái chết của người già ở trước mặt, cái chết của người trẻ ở sau lưng

    Niềm tin Kitô giáo giúp chúng ta tránh đam mê những hạnh phúc giả tạo ở đời này và thúc đẩy chúng ta hãy can đảm chịu đựng những đau khổ để kết hợp đau khổ với Đấng Kitô, và biết đến ích lợi của cuộc đời, phải đi qua đau khổ để vào vinh quang với Ngài.

    „Nếu có lúc con đau khổ xao xuyến, xin nhắc con nhớ rằng trong Vườn Dầu, Chúa đã buồn muốn chết được. Nếu có lúc con thấy bóng tối bủa vây con, xin nhắc con nhớ rằng: Trên Thập Giá, Chúa đã thốt lên: „sao Cha bỏ con“ (Lời nguyện. Rabouni)

    Suy nghĩ về cái chết không có nghĩa chúng ta phải buồn rầu, sợ hãi, hoặc ngã lòng.

    Trái lại, khi suy niệm về cái chết chúng ta sẽ sống một cách hiểu biết hơn về cuộc đời và từ bi nhân ái hơn, vì đó chính là luật của Tạo Hóa.

    Như cành lá trên cây rậm rạp; lá rụng xuống lá lại mọc ra, thì các thế hệ người phàm cũng vậy: lớp kết thúc, lớp lại sinh ra (Huấn ca 14,18)

    Mỗi khi gặp chuyện bực mình khó chịu mà gây gỗ, cãi nhau hay nóng giận với người khác thì được ích lợi gì?.

    Đau khổ, bịnh nạn thì nghĩ rằng đời sống rất ngắn, ai cũng sẽ chết.Đó là điều Đức Chúa quyết định cho hết mọi người phàm. Tại sao cưỡng lại điều Đấng Tối Cao đã muốn?

    Dù người ta sống được mười năm, trăm năm, hay cả ngàn đi nữa, thì trong âm phủ, chẳng ai trách móc đâu“ (Hc 41, 4).

    Vậy lo lắng, buồn rầu hoàn toàn không được gì mà sinh ra bất an trong tâm hồn.

    Là Kitô hữu, hằng ngày cầu nguyện với Lời Chúa, giúp ta biết suy nghĩ sâu xa về sự sống, sự chết theo lời dạy của Chúa và Giáo Hội.

    Hãy phó thác và tin tưởng trong tay Ngài. Tất cả đều là hồng ân Ngài ban.

    Hãy thinh lặng lắng nghe tiếng nội tâm, để Chúa Thánh Thần hướng dẫn ta ý thức và tự kiểm soát lấy mình, không để những suy nghĩ lệch lạc lôi cuốn, ta sẽ cư xử với mọi người hòa ái hơn.

    Điều này luôn luôn không phải dễ làm, nhưng khi ta cầu nguyện, suy niệm về cái chết, Chúa sẽ nhắc nhở mình về sự mong manh và ngắn ngủi của cuộc đời, ta sẽ tự chế và ăn nói với sự dịu dàng hơn, sẽ biết sống đẹp lòng Chúa hơn.

    Chúng ta biết khi chết là lúc chúng ta về với Chúa và sẽ được sống lại với Ngài trong vinh quang thì chúng ta sẽ dễ dàng chấp nhân cái chết hơn.

    Cái chết luôn bình đẳng cho tất cả mọi người, cho nên ta hãy chọn cách tốt nhất là sống theo Lời Chúa dạy, sống tỉnh thức, sống ý thức, sống yêu thương từng giây phút với hết sức lực, hết trí khôn của mình.

    Hơn nữa, dù có lo hay không lo, tất cả chúng ta đều sẽ già và  chết. Ta sẽ nhẫn nại hơn, sẽ bao dung hơn , tử tế hơn , dịu dàng hơn, dẽ dàng tha thứ hơn đối với bản thân ta và đối với người khác.

    Cuộc đời thật sự hạnh phúc và có ý nghĩa hơn. Lòng thương yêu từ con tim nhân ái sẽ đâm chồi nở hoa, và khi cái chết đến chúng ta sẽ không có gì ân hận.

    Lạy Chúa, xin Chúa cho con được chết một cách an bình, đừng đau đớn lâu ngày, nhưng Chúa cho con chết như thế nào tùy ý Chúa. Amen.

    Elisabeth Nguyễn

    ------------------------------

       
  • en2.gif

    57.7kB

  • To:undisclosed-recipients
  • Oct 19 at 9:11 AM