12. Ngày Trở Về Nhà Cha

NGÀY TRỞ VỀ NHÀ CHA - LO CHO SỐ PHẬN ĐỜI ĐỜI

  •  
    Chi Tran - Sep 21 at 3:35 AM
     
     
    Ảnh cùng dòng

     
    ĐƯỜNG VỀ NHÀ CHA

     

     

    Tác giả: Thánh An-Phong-Xô Li-go-ri

     

     
    Bài gẫm 5
    TRƯỚC TIÊN PHẢI LO CHO SỐ PHẬN ĐỜI ĐỜI.


    1. Chức quyền, của cải trần gian.
    -----Phi-lip-phê II, vua nước I-pha-nho, lúc gần chết, cho gọi hoàng-tử đến, mở áo cẩm bào ra, chỉ cho hoàng-tử thấy vết thương nơi ngực, đang bị giòi bọ gặm cắn, và nói với con:
    -----“Này con, hãy xem đây, cha con ta chết như thế này đây. Chức-quyền, danh-vọng trần thế tiêu-tan như thế đó!”
    -----Thê-ô-đô-rê đã thốt lên:
    -----“Sự chết nể nang gì của cải giàu có, sợ gì lính gác, các vua chúa cũng thối-nát khác gì các chư-hầu.”
    -----Mọi người bất kỳ ai, dù các bậc vua chúa, khi chết cũng không mang theo được gì xuống mồ. Giàu sang, phú-quý, chức-quyền dừng lại trên giường khi họ tắt thở:
    ----- “Chết đến chẳng ai mang theo được gì, vinh quang cũng chả xuống theo.” (Thánh-vịnh 49: 18)
    -----Khi vua A-lec-dăng-đờ-rờ Đại Đế chết, thánh An-tô-ni-ô tường thật lại lời một nhà hiền-triết kêu lên:
    ----- “Hãy nhìn xem con người hôm qua còn dẫm nát địa cầu, hôm nay bị vùi sâu vào lòng đất. Hôm qua cả địa cầu chưa đủ với họ, thế mà hôm nay hai thước vuông đất đủ cho họ nằm an giấc…. Hôm qua họ còn dẫn cả đoàn hùng-binh đi chinh-phạt thế giới, thế mà hôm nay nằm yên cho mấy người khiêng đi”.
    -----Chúng ta hãy lắng nghe tiếng Chúa.
    “Làm sao đất bùn và tro bụi lại dám tự hào.” (Xuất Hành 10 : 9)
    -----Hỡi người, ngươi không nhớ rằng, ngươi chỉ là tro bụi sao? Lấy gì để ngươi tự hào? Sao ngươi luống công tìm mưu-cơ và thời cơ để bành-trướng ở trần gian? Thần chết sẽ đến, rồi mọi chương-trình to lớn đến đâu đi nữa cũng sẽ tiêu-tan:
    “Tắt thở rồi, nó sẽ trở về đất, mưu-cơ của nó ngày ấy sẽ phải tiêu ma.” ( Thánh-vịnh 146 : 4).
    -----Cuộc sống của thánh Phao-lồ Hec-mit 60 năm giam hãm trong hang, đem đến hạnh phúc hơn là vua Nêrô, hoàng đế Rôma! Cái chết của thánh Phê-lích, một người anh em hèn mọn dòng Phan-xi-cô, còn hạnh-phúc hơn vua Hăng-ry VIII đã sống trên ngai vàng, nhưng lại thù nghịch cùng Chúa!

    -----Chúng ta hãy suy nghĩ kỹ để được chết lành như các thánh, vì các ngài đã từ bỏ mọi sự: Của-cải, thú vui và mọi ước-vọng hão-huyền trần thế, để ôm chặt lấy cuộc sống nghèo hèn và khinh chê ngay cả mạng sống. Các ngài đã biết vùi sâu cuộc sống ở trần gian, để khỏi bị chôn sâu trong hỏa ngục sau khi chết.

    II. Đừng chờ đến giờ sau cùng mới trở lại.
    -----Sống miệt-mài trong tội-lỗi, lo tận hưởng thú vui trần thế, đắm mình vào các dịp hiểm nghèo lại mong được chết bình-an hạnh-phúc sao?
    Lý-luận thông thường cũng cho chúng ta biết như thế. Khi giờ chết đến, con người sẽ tự thấy yếu kém tinh thần, lòng trí ra chai đá với những thói hư tật xấu, cơn cám-dỗ mãnh-liệt hơn. Làm sao họ có thể thắng lướt được trong giờ chết, khi cuôc sống thường nhật của họ đã bao phen bị sa-ngã cách dễ dàng?

    -----Cần ơn Chúa thật nhiều để thay đổi tâm can họ, nhưng có gì bắt buộc Chúa phải ban cho họ hồng-ân đó? Có phải vì đời sống bê-tha lâu năm của họ làm họ đáng được hưởng đặc ân đó không? Hơn nữa đây lại là vấn đề hoặc đời đời vui sướng hoặc khổ cực muôn kiếp, chứ không phải chỉ một thời gian ngắn đâu. Hãy suy nghĩ kỹ càng về số phận đời đời, những ai đã tin vào chân-lý hằng sống lại không từ bỏ tất cả những gì trái ý Chúa, vì Ngài sẽ phán xét chúng ta theo những việc làm ở trần thế khi còn sống.


    LỜI NGUYỆN QUYẾT TÂM.
    -----Lạy Chúa, bất hạnh cho con biết bao! Đã bao đêm con nằm ngủ trong tình trạng nghịch thù đối với Chúa!

    -----Lạy Chúa, khốn nạn cho hồn xác con biết bao! Con đáng phạt trong hỏa ngục, đáng lãnh án phạt đời đời. Nhưng, lạy Chúa, Chúa không bao giờ bỏ con, hơn nữa Chúa tìm kiếm con và luôn sẳn sàng tha thứ cho con; con lo buồn thống-hối vì đã xúc phạm đến Chúa! Con ước mong được yêu Chúa, yêu Chúa mãi mãi, vì Chúa đã chết để cứu-chuộc con.

    -----Lạy Đấng cứu-chuộc mến yêu của con! Xin cho con nguồn hy-vọng được sống an bình trong hồng-ân của Chúa. Con hối-hận vì đã làm mất lòng Chúa. Nay bù lại con xin yêu mến Chúa trên hết mọi sự.

    -----Con quyết chí thà mất mọi sự chẳng thà mất tình yêu và hồng-ân của Chúa. Chúa muốn những tâm hồn tìm kiếm Chúa được hoan-lạc.

    -----Lạy Chúa, con chê ghét những phản nghịch của con đối với Chúa. Xin Chúa ban cho con lòng can đảm và lòng cậy trông. Xin Chúa đừng quở trách những sự vô-ơn bội-nghĩa của con nữa, khi con đã biết hối-cải và ghét các việc đó, như Chúa đã phán:
    “Ta không muốn kẻ tội-lỗi phải chết đời đời. Trái lại, Ta muốn họ hối-cải, trở lại và được sống.” (Ê-dê-ki-en 33:11).
    ----- Vâng, lạy Chúa, con bỏ tất cả lỗi-lầm để trở về với Chúa. Con tìm kiếm và ước mong tìm gặp Chúa và con không mong muốn gì hơn.

    -----Lạy Mẹ, Mẹ là nguồn cậy trông, xin Mẹ giúp con luôn vững vàng cậy tin.
                    (Phêrô Bùi-Đắc-Hữu, dịch)
     

NGÀY TRỞ VỀ NHÀ CHA - ĐỪNG LÃNG PHÍ THÌ GIỜ

  •  
    Chi Tran
    Sep 18 at 1:43 AM
     
     
    ĐƯỜNG VỀ NHÀ CHA
    Ảnh cùng dòng

     
    Bài gẫm 3:
    ĐỪNG LÃNG PHÍ THỜI GIỜ.


    I. Mọi sự qua đi với sự chết.
    -----Hỡi bạn! Hình ảnh sự chết nhắc nhở chúng ta một ngày kia chúng ta sẽ trở về tro bụi, vì chúng ta là bụi tro. Hãy bình tâm suy-nghĩ để nhớ kỹ một sự thật: Có thể một ít năm nữa, ít tháng hay ít ngày, ít giờ nữa không chừng, tôi sẽ nằm bất động dưới mồ, như lời than thở của Thánh Gióp:
    “Với mồ huyệt, tôi sẽ kêu lên, mày là cha ta, với giòi bọ, mi là mẹ ta, và là chị ta.”(Gióp 17: 14)
    II. Cấp tốc hành động.
    -----Ở trần gian, đến một ngày nào đó mọi sự sẽ chấm dứt. Nếu chúng ta chết và mất linh hồn đời đời, thì chúng ta sẽ mất tất cả, như lời Thánh Lô-ren-sô Gút-ti-ni-ăng:
    “Hãy nhớ rằng nhất định chúng ta sẽ chết.”
    ----- Một khi đã chết rồi, chúng ta còn ước mong làm gì thêm được nữa? Tốt nhất là hiện giờ còn sống, chúng ta luôn nhớ rằng một ngày kia chúng ta sẽ chết, để làm ngay những gì có thể làm được.
    Thánh Bô-na-ven-tu-ra nói:
    “Để lái tàu đi đúng đường, thuỷ-thủ phải giữ vững bánh lái. Cũng vậy, muốn có đời sống tốt lành, người ta phải luôn nghĩ đến sự chết.”
    Thánh Bê-na-đô cũng nói:
    “Hãy nhìn lại những tội-lỗi thời niên thiếu để tự xấu hổ; hãy nhìn lại những lỗi lầm thời thanh xuân để buồn phiền; hãy nhìn đến đời sống bê-tha hiện tại để run sợ và sữa chữa.”
    -----Nhìn các ngôi mộ ở nghĩa trang, Thánh Cac-ni-lô Đệ Lê-li tự nói với mình:
    “Nếu những người chết ở đây được sống lại, họ sẽ làm tất cả những gì có thể làm được để được sống đời đời.”
    III. Hoa trái cuộc sống.
    -----Phần tôi, tôi hiện đang có thời giờ, tôi phải làm gì cho phần rỗi của tôi? Đấng thánh tự vấn lương-tâm với tất cả lòng khiêm-nhường. Phần chúng ta, hỡi bạn đọc, có thể chúng ta phải run sợ, khi nghe Chúa quở trách cây vả:
    “Đã ba năm qua, Ta đến tìm nơi cây vả này, mà không thấy một quả nào”
    (Luca 13: 7).
    -----Chúng ta đã được sống hơn ba năm trên trần gian này, chúng ta đã trổ sinh được những hoa quả nào? Thánh Bê-na-đô nhấn mạnh:
    Hãy suy nghĩ kỹ: Chúa không phải chỉ tìm hoa, nhưng Người tìm quả; nghĩa là không phải chỉ có ý muốn và những quyết tâm tốt lành mà thôi, nhưng cần những hoạt-động tốt đẹp nữa.”
    ----- Hãy lợi-dụng ngay thời giờ hiện tại mà Chúa thương dành cho ta. Đừng chờ đến lúc không còn thì giờ làm việc lành nữa, để nuối tiếc trước mệnh-lệnh cấp thiết của Chúa:
    -----Này, thời giờ đã hết, hãy rời khỏi trần gian.” Mau lên đi! đây là thì giờ thuận tiện để làm việc lành. Mau lên đi! những gì qua, là qua luôn.


    LỜI NGUYỆN CẬY TRÔNG.
    -----Lạy Chúa, phải chăng con là cây vả kia, để đáng nghe những lời khủng-khiếp của Chúa:
    “Hãy chặt nó đi; để nó choán đất làm gì!” (Luca 13: 7).
    ----- Đúng thế, Lạy Chúa, bao năm qua sống trên trần gian, con đã nảy sinh ra không gì khác hơn là những cỏ dại và gai góc tội-lỗi.
    -----
    Nhưng Chúa không để con phải thất vọng, như lời Chúa đã phán:
    “Hãy tìm, sẽ gặp.”
    ----- Lạy Chúa, con đang khao khát tìm Chúa, và ước mong tìm được những hồng-ân của Chúa. Con đau đớn ăn-năn, vì những xúc-phạm của con đối với Chúa. Ước gì con được chết vì sầu khổ các lỗi lầm của con.

    -----Con đã chạy trốn Chúa, nhưng con khao-khát hồng-ân Chúa, do lòng lân-tuất Chúa hơn là do công-nghiệp của con. Từ nay, con không chống lại lời mời gọi của Chúa nữa. Con hiến dâng hoàn toàn xác hồn con cho Chúa, không dành lại điều gì, vì Chúa dâng-hiến mọi sự cho con trên thánh-giá. Con hoàn toàn thuộc về Chúa. Xưa Chúa đã phán:
    “Nếu các con lấy danh Ta mà xin sự gì, Ta sẽ ban cho.” (Gioan 14:14).
    ----- Lạy Chúa Giêsu, tin tưởng vào lời hứa trọng đại của Chúa, xin Chúa ban cho con lòng yêu mến và các hồng-ân của Chúa. Xin cho lửa tình yêu và muôn hồng ân tràn ngập hồn con, nơi mà xưa kia tội lỗi đã ngập tràn.

    -----
     Con cảm tạ Chúa vì muôn hồng-ân Chúa ban. Khi mà con được Chúa soi sáng, đó là dấu chỉ Chúa đã nghe lời con.

    -----Lạy Chúa Giêsu, xin lắng nghe lời con. Xin đốt cháy trong con lửa tình yêu của Chúa, để con chỉ ước muốn những gì đẹp lòng Chúa.

    -----
     Lạy Mẹ Maria, đấng thần thế bầu-cử cho con, xin lắng nghe lời con và bầu-cử với Chúa Giêsu cho con.
             Tác giả: Thánh An-Phong-Xô Li-go-ri   (Phêrô Bùi-Đắc-Hữu, dịch)

NGÀY TRỞ VỀ NHÀ CHA - TÍNH SỔ TRƯỚC KHI CHẾT

 

TÍNH SỔ TRƯỚC KHI CHẾT 

ĐGM GB. BÙI TUẦN



  1. Từ mấy tháng nay, những tin về sự chết đến với tôi càng ngày càng nhiều.
    Có những cái chết rất bất ngờ.
    Có những cái chết rất thương tâm.
    Có những cái chết kéo dài thê thảm.
    Qua những cái chết, Chúa đang gọi tôi. Chúa gọi tôi hãy nghĩ đến cái chết của chính mình. Cái chết của tôi là kết thúc một chuyến đi lo công việc cho Chúa.
    Công việc, mà Chúa trao cho tôi phải lo trong suốt chuyến đi cuộc đời, đã được ghi trong lòng tôi, khi tôi chịu phép Rửa tội, Thêm Sức, cũng như khi tôi được thụ phong linh mục và giám mục.
    Hôm nay có thể là một ngày của cuối chuyến đi. Trong  tình hình mỏi mệt, tôi được Chúa nhắc nhủ cách riêng đến ba công việc quan trọng. Nhắc nhủ này được coi như dấu chỉ của tình yêu xót thương Chúa, tôi nên chia sẻ cho mọi người thuộc Hội Thánh là một cộng đoàn tình yêu.
    2.
    Công việc thứ nhất là loan báo Tin Mừng
    Tin Mừng là Chúa Giêsu. Người đến trong thế gian, đi vào lịch sử nhân loại.
    Người ta sẽ nhận ra sự Người đến qua những dấu chỉ nào? Chính Chúa Giêsu đã kể ra những dấu chỉ sau đây, khi trả lời cho các môn đệ thánh Gioan Baotixita: “Người mù được xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11,5).
    Có thể gọi các dấu chỉ trên đây là các việc từ thiện bác ái, đặc biệt dành cho những người nghèo khổ. Từ thiện bác ái nói đây là thăng tiến con người, giải cứu con người khỏi mọi thứ sự dữ. Từ thiện bác ái gồm nhiều thứ khác nhau, từ việc làm đến tư tưởng thái độ, từ vật chất đến tinh thần, từ cầu nguyện đến bài giảng bài viết và lối sống...
    3.
    Ngay trong hội đường thành Nadarét, Chúa Giêsu cũng đã quả quyết những lời tiên tri Isaia nói xưa được áp dụng cho chính Chúa Giêsu: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho kẻ mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18).
    4.
    Theo những lời Chúa phán trên đây, thì các việc bác ái từ thiện làm cho người nghèo khổ, chính là dấu chỉ loan báo Tin Mừng cho tất cả nhân loại. Tin Mừng được loan báo cho mọi người qua việc thực hiện từ thiện bác ái cho người nghèo khổ.
    Chính vì thế, khi các môn đệ Chúa làm các việc từ thiện bác ái dành cho người nghèo khổ, thì họ làm nên những dấu chỉ chắc chắn nhất về sự Chúa Giêsu hiện diện ở chính các ngài, và ở nơi các ngài hoạt động.
    Làm việc bác ái từ thiện như những dấu chỉ của Chúa hiện diện, thì phải để ý đến những việc làm cụ thể và cách làm cụ thể, sao cho đúng là bác ái thật. Điều quan trọng là phải trao tặng rất nhiều tình yêu. Phải coi việc từ thiện bác ái là một vinh dự cao quý. Làm hết sức mình, còn kết quả ra sao hãy phó thác nơi Chúa. Chứ hễ thành công thì tự hào kể công, còn hễ thất bại thì đổ lỗi cho người khác. Làm thế là sai bác ái.
    5.
    Công việc thứ hai là dâng của lễ.
    Dâng của lễ lên Thiên Chúa, mà tôi thực hiện hằng ngày, là dâng chính mình và tất cả mọi người lên Thiên Chúa.
    Thánh Gioan thuật lại lời Chúa Giêsu phán xưa: “Phần tôi, một khi được đưa lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”. Rồi thánh Gioan nói: “Đức Giêsu nói thế, để ám chỉ Người sẽ phải chết cách nào” (Ga 12,32-33). Tức là Chúa Giêsu hy sinh chết trên thánh giá vì yêu thương nhân loại. Đó chính là của lễ, mà tôi được mời gọi hãy làm theo.
    Như vậy, của lễ tôi dâng lên Chúa là tình yêu với những hy sinh vì tình yêu. Nếu không, của lễ dâng lên Chúa không những chẳng có nghĩa gì, mà còn bị Chúa ruồng bỏ.
    6.
    Ở đây, tôi nhớ lại lời Chúa phán qua miệng tiên tri Isaia:
    “Thôi, đừng đem những lễ vật vô ích đến nữa. Ta ghê tởm khói hương. Ta không chịu nổi ngày đầu tháng, ngày Sabát, ngày đại hội. Không chịu nổi những ngày cứ phạm tội ác, rồi cứ lễ lạt linh đình. Ta chán ghét những ngày đầu tháng, những đại lễ của các ngươi. Những thứ đó đã trở thành gánh nặng cho Ta. Ta không chịu nổi nữa. Khi các ngươi dang tay cầu nguyện, Ta bịt mắt không nhìn. Các ngươi có đọc kinh cho nhiều. Ta cũng chẳng thèm nghe. Vì trong các ngươi đầy những máu. Hãy rửa cho sạch, hãy tẩy cho hết, và vứt bỏ tội ác của các ngươi khỏi chướng mắt Ta. Đừng làm điều ác nữa” (Is 1,13-16).
    7.
    Những lời trên đây khiến tôi lo sợ cho những gì tôi coi như là của lễ tôi và cộng đoàn của tôi hay dâng lên Chúa, như hoa, nến, công trình xây cất hoành tráng, tiền bạc chồng chất, các nghi lễ đẹp đẽ và các quy tụ đông đảo. Dâng những thứ đó lên Chúa thực sự không phải là làm điều ác. Nhưng để có những thứ đó, biết đâu tôi đã chẳng phạm  những bất công và phản bác ái. Cũng như khi dâng những thứ đó, biết đâu tôi lại không nhắm tìm một lợi ích tư riêng, trần tục. Cũng như khi dâng các thứ đó lên Chúa, mà tôi cảm thấy sung sướng, bình an, thì biết đâu sự sung sướng bình an đó chỉ là phản ánh của một sự tự đắc phô trương.
    Chính vì thế, mà tôi phải rất tỉnh thức trong công việc dâng của lễ lên Chúa.
    8.
    Công việc thứ ba là thực hành nhiệm vụ ngôn sứ.
    Nhiệm vụ ngôn sứ không phải là nói tiên tri về tương lai. Nhưng là nói những lời có chất lượng đạo đức nuôi dưỡng con người. “Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe” (Ep 4,29). Tất nhiên ngôn sứ đôi khi phải nói những lời cảnh báo, nhưng luôn giữ mình ở mức độ tình yêu, mà Chúa đòi ở các con cái Chúa.
    Nhiệm vụ ngôn sứ còn là loan báo cho mọi người biết thánh ý Chúa trong những thời điểm nhất định.
    9.
    Theo tôi, thánh ý Chúa rất cần được thực hiện trong thời nay là giới răn mới của Chúa Giêsu: “Thầy cho các con một điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 13,34). Ngôn sứ của Chúa phải loan báo ý Chúa là yêu thương nhau, để mỗi người sẽ là dấu chỉ và là khí cụ của tình yêu, để các cộng đoàn đều trở thành những cộng đoàn tình yêu, để bất cứ ai nhìn thấy như thế sẽ có thể nhận ra người môn đệ đích thực của Chúa: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau” (Ga 13,35).
    10.
    Làm ngôn sứ của Chúa trong tình hình hiện nay là thế đó. Phải rất tỉnh thức và tế nhị. Nhất là khi người ta đang mỏi mệt, thiếu thốn, thì người ngôn sứ nếu không làm gì được điều tốt cho họ, thì đừng làm cho họ phải khổ thêm. Ngôn sứ làm bổn phận với tất cả nhiệt tình. Còn kết quả thế nào thì xin dâng phó cho Chúa. Không nên đề cao mình và đừng bao giờ chê trách bên nọ kết án bên kia.
    11.
    Trong hồi tâm trước mặt Chúa, tôi  nhìn lại ba công việc Chúa đã trao cho tôi trong chuyến đi cuộc đời. Tôi thấy tôi chưa làm tốt, tôi yếu đuối lắm. Tôi xin Chúa thương tha thứ cho tôi. Và tôi cũng xin cộng đoàn tha thứ cho tôi.
    Với chút nghị lực còn lại, tôi quyết tâm cố gắng không ngừng phấn đấu, để bước theo Chúa Giêsu, và lo những công việc Chúa trao, cho dù phải vác thập giá: “Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Thầy” (Mt 16,24). Nhưng tôi nhận mình rất yếu đuối, có nhiều giới hạn, nên tôi xin phó thác mình cho lòng thương xót Chúa. Tôi xin làm hết sức mình, còn kết quả ra sao, thì xin dâng phó trọn vẹn cho Chúa.Tôi chỉ là đầy tớ vô dụng.
    Lạy Chúa, xin Chúa thương đến mọi người môn đệ Chúa đang lo những công việc của Chúa trên Quê Hương Việt Nam yêu dấu của con. Trách nhiệm của họ hiện nay là rất nặng nề.
    Long Xuyên, 8 tháng 3 năm 2014.
  2. -----------------------------

NGÀY TRỞ VỀ NHÀ CHA -SACH DỌN MÌNH CHẾT LÀNH

  •  
    Chi Tran
    Sep 17 at 3:29 AM
     
     
     
    Ảnh cùng dòng

    ĐƯỜNG VỀ NHÀ CHA

    (Sách dọn mình chết lành)

     

    Tác giả: Thánh An-Phong-Xô Li-go-ri

    (Phêrô Bùi-Đắc-Hữu, dịch)

     

     

    Bài gẫm 2: THỂ XÁC CON NGƯỜI.

     I. Cuộc sống theo những đòi hỏi thể xác.

     

    Thánh Gio-an Chry-sô-tôm đã nói: “Hỡi các tín hữu, hãy đến các mồ mã, nhìn ngắm tro bụi và thấy rõ!”

     

    Thi thể người qua đới thối nát: xương rơi từng mãnh, như lời Tiên-tri Đa-ni-en: “Tất cả ra như trấu trên sân lúa mùa hè bị gió cuốn đi, không còn dấu vết đâu nữa.” (Đa-ni-en 2: 35).

     

    Hỡi người thuộc dòng dõi quí-tộc, quí ngài được gọi vào đời. Bao người ước ao được địa-vị của quí ngài, nhưng hiện giờ quí ngài ở đâu? Vào phòng, quí ngài không còn ở đó nữa. Áo quần, vật dụng đã được phân chia cho người khác. Muốn thấy quí ngài chỉ còn cách ra nghĩa-địa. Hình-hài đẹp đẽ thuở nào ở đâu, mà nay vỏn-vẹn chỉ còn một nắm xương tàn nằm yên trong lòng đất.

     

    Lạy Chúa, thể xác quí ngài đã được nếm đủ mùi cao-lương mĩ-vị, mặc đủ các thứ gấm-vóc lụa-là, kẻ hầu người hạ, nhưng mọi thứ đó hiện giờ còn ích gì!

     

    II. Cuộc sống biết hãm dẹp thể xác.

     

    Lạy các Thánh, các Ngài thật khôn ngoan vì biết hãm dẹp thể xác để tỏ lòng mến Chúa, vì chỉ một mình Chúa đáng mến yêu ngay ở trần thế. Bây giờ xương các Ngài được lưu giữ và tôn-kính ở trong các hộp bằng vàng, hồn thiêng xinh đẹp các Ngài đang sống trong hạnh-phúc chan hòa, chờ ngày thế mạt, hồn các Ngài hợp với xác để hát mừng Chúa trong đoàn người chiến-thắng khải-hoàn, vì đã chịu đau khổ với Chúa Giê-su tử-nạn suốt đời.

     

    Yêu thể xác thật sự là bắt nó hãm dẹp những gì bất chính để được hạnh-phúc đời đời, là biết từ bỏ những thú vui tội-lỗi, vì nó làm cho ta đau khổ ở cuộc sống vĩnh-viễn đời sau.

     

    LỜI NGUYỆN MẾN YÊU.

     

    Lạy Chúa, thể xác con đã bao phen làm mất lòng Chúa sẽ làm mồi cho giòi bọ. Con không đau buồn vì thể xác này sẽ hư nát, trái lại con đau đớn vì con đã dùng thể xác xúc-phạm đến Chúa.

     

    Con không thất vọng vì lượng từ-bi hải-hà của Chúa, vì Chúa hằng chờ đợi con, hằng tha thứ cho con. “Chúa hằng chờ đợi để tha-thứ gia-ân cho các ngươi.” (I-sai-a 30 : 18)

     

    Chúa sẵn sàng tha thứ, nếu con biết hối-cải. Lạy Chúa rộng lượng từ-bi, con hết lòng ăn-năn vì đã bao phen xúc phạm đến Chúa. Như Thánh Catharina Gênoa, con xin thưa với Chúa: “Lạy Chúa Giêsu, con sẽ không phạm tội nữa, không bao giờ con dám phạm tội nữa.”

     

    Không bao giờ con dám lợi-dụng lòng kiên-nhẫn chờ đợi của Chúa. Lạy Chúa, Chúa chết tất-tưởi trên Thánh-giá vì lòng yêu con. Sao con dám chờ đợi đến phút chót mới đáp lại lòng thương yêu của Chúa.

     

    Con không dám đợi đến giờ chết mới hôn ẳm Chúa. Ngay từ bây giờ, từ giờ phút này, con xin trở lại với Chúa.

     

    Đã bao năm con sống ở trần gian xa cách tình yêu Chúa. Xin Chúa chiếu-dõi ánh sáng trên con và ban sức mạnh cho con, để con yêu Chúa suốt cuộc đời còn lại của con.

     

    Con sẽ không chờ đến giờ chết mới yêu Chúa, nhưng ngay từ giờ phút này con xin yêu Chúa, con hôn ẳm Chúa, con kết-hợp chặt chẽ với Chúa và thề-hứa sẽ không bao giờ con dám xa lìa Chúa.

     

    Lạy Mẹ trinh-khiết vẹn tuyền, xin Mẹ thắt-chặt con với Chúa Giêsu, con Mẹ, để đừng bao giờ con xa lìa Người.

    .......

    Virus-free. www.avast.com
     

NGÀY TRỞ VỀ NHÀ CHA - CỐ TGM PHAOLO

DƯ ÂM CỦA THÁNH LỄ AN TÁNG ÐỨC CỐ TGM PHAOLÔ

1.

Thánh lễ an táng Đức cố TGM Phaolô Bùi Văn Đọc đã qua rồi, nhưng dư âm biến cố đó vẫn còn sâu đậm. Tôi xin chia sẻ đôi chút dư âm đó trong tôi.

Tôi tham dự lễ an táng qua màn ảnh truyền hình. Rất lặng lẽ, tôi cầu nguyện thực nhiều.

2.

Một chi tiết đã đánh động tôi cầu nguyện nhiều hơn và với tâm tình riêng tư hơn, đó là lúc ca đoàn hát bài thánh ca: “Chúa là niềm vui của con”. Đức cố TGM Phaolô đã chọn cho mình câu đó. Ngài đã cảm nhận được Chúa là niềm vui của ngài thế nào, thì tôi không rõ. Còn tôi, tôi cảm nhận được Chúa là niềm vui của tôi một cách rất riêng tư, nhất là khi Chúa đến cứu tôi, lúc tôi ở những vực sâu kêu lên với Chúa. “Từ vực sâu con kêu lên Chúa”, đó là Thánh Vịnh 130, mà vua Đavid xưa đã cầu nguyện thiết tha. Tôi cũng từ những vực sâu của tôi, mà kêu lên Chúa một cách thảm thiết.

3.

Vực sâu thứ nhất là sự yếu đuối của tôi trước lương tâm.

Sự yếu đuối trước lương tâm đã được Thánh Phaolô Tông Đồ nói lên một cách đau đớn như sau:

“Thực vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu. Vì điều tôi muốn, thì tôi không làm. Nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm… Vậy, thật ra không còn phải chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi… Muốn sự thiện, thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn thì tôi lại cứ làm. Tôi thực là một người khốn nạn. Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 7, 15- 25).

4.

Những gì mà Thánh Phaolô nói trên đây về sự yếu đuối trước lương tâm ngài, cũng được tôi cảm nhận trong tôi một cách sâu sắc.

Đó là một vực sâu, từ đó tôi kêu lên với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã đến cứu tôi. Tôi nhận ra Chúa Giêsu là Đấng cứu độ giàu lòng thương xót. Chúa thương xót cứu tôi ở sự Ngài tha thứ cho tôi, chữa lành cho tôi, ban sự sống của Chúa cho tôi.

5.

Vực sâu thứ hai là sự yếu đuối của tôi trước xã hội. Yếu đuối đó là sự tôi giảng về Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thánh giá.

Về vực sâu này, Thánh Phaolô đã rất rõ. Ngài viết:

“Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái cho là ô nhục, không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do Thái hay Hy Lạp, thì Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn sự khôn ngoan của loài người, và sự yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn sức mạnh của loài người” (1Cr 1, 22- 25).

6.

Tôi có đôi chút kinh nghiệm của Thánh Phaolô. Tức là, khi tôi không những rao giảng về Đức Kitô bị đóng đinh, mà còn chủ chương bắt chước Người mà sống yêu thương khiêm nhường, hy sinh phục vụ quên mình, tha thứ, thì xã hội cho là dại, là yếu. Cái nhìn đó của xã hội như ném tôi xuống một vực sâu thăm thẳm.

Từ vực sâu đó, tôi đã kêu lên với Chúa. Chúa đã đến cứu tôi. Người an ủi tôi. Người cho tôi thấy rõ ơn cứu độ đến từ thánh giá, nơi biểu dương tình yêu thương xót Chúa.

Từ đó, Chúa đã cứu tôi khỏi những quan niệm sai lầm về người môn đệ Chúa muốn mạnh theo kiểu thế gian. Bỏ được những quan niệm sai lầm đó là việc không dễ. Tôi phải nhờ ơn Chúa.

7.

 Vực sâu thứ ba là sự yếu đuối của tôi trước Thiên Chúa.

Sự yếu đuối của tôi trước Thiên Chúa được Hội Thánh dạy tôi rất rõ, nhất là trong kinh cáo mình

Trước Thánh lễ, tôi vẫn đọc kinh đó: “Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng và cùng anh chị em, tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót. Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng…

Những lời kinh đó đặt tôi vào một vực thẳm, để từ đó tôi khiêm tốn xin Chúa thứ tha tội lỗi của tôi.

8.

Nhưng nhiều khi vực sâu đó đã không có hiệu lực, bởi lẽ tôi chỉ đọc kinh theo thói quen. Từ đó, xuất hiện một vực sâu khác, đó là khoảng cách giữa lời nói và việc làm nơi tôi. Nhận ra vực sâu đó, tôi cảm thấy sợ hãi. Chính từ vực sâu đó, tôi thường kêu lên Chúa. Chúa đã cứu tôi. Chúa cứu tôi ở sự Chúa cho tôi thấy rõ tôi là kẻ tội lỗi rất cần ơn tha thứ. Chính tôi cần đón nhận ơn tha thứ hơn bất cứ ai.

9.

Với một thoáng nhìn những gì tôi vừa trình bày trên đây cho thấy: Từ những vực sâu tội lỗi, yếu đuối, tôi đã được Chúa cứu. Từ đó, tôi nhận ra Chúa là Đấng cứu độ giàu lòng thương xót. Niềm vui được Chúa cứu là vô biên, huyền diệu.

Niềm vui ấy xóa tội tôi trong quá khứ. Niềm vui ấy hướng lòng tôi về tương lai phía trước. Tôi sẽ được Chúa đưa tôi về Trời ở bên Chúa mãi mãi trong tình yêu thương xót.

10.

Trên đường về Trời, tôi sẽ còn gặp nhiều vực sâu. Tôi sẽ vẫn còn là kẻ tội lỗi. Tôi sẽ vẫn mãi cầu xin Chúa đến cứu tôi. Tôi sẽ vẫn cần đến ơn cứu độ từng phút từng giây.

Trên đường về Trời, tôi không cô đơn. Chúa cứu tôi, qua nhiều người tốt. Đức cố TGM Phaolô sẽ mãi là người bạn thân thiết của tôi. Tôi vẫn gọi ngài là người an ủi kẻ âu lo.

Theo gương Đức Tổng, tôi thích nói về những gì Chúa làm cho tôi, hơn là nói về những gì tôi làm cho Chúa.

: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.