DIỆT MA LÒNG
Không biết do đâu, mà từ nhỏ cho đến lúc lớn lên ai nghe đến MA cũng cảm thấy ớn lạnh! Nhưng khi lớn khôn biết được nhiều điều thì biết có hai loại Ma:
1/- Ma bên ngoài.
2/- Ma bên trong.
Loại Ma bên ngoài phần đông là Ma giả. Cũng có một số Ma thật, do những oan hồn uổng tử, vì những ân oán mà hiện báo để trả thù truyền kiếp, cho nên những loại Ma nầy cũng khó mà cũng dễ trị, nếu chúng ta biết được nguyên nhân của nó.
Tuy nhiên loại Ma bên trong của mọi người thi ai cũng có. Nhưng muốn trị được nó, thật vô vàn khó khăn.
Còn thêm một loại Ma, do chính mình đem từ bên ngoài vào, như Ma men, Ma túy…Cũng có khi, mình muốn làm Ma nữa..v.v…
Tuy nhiên, Đức Thầy có dạy:
“Thắng Thất Tình giữ vẹn Đạo trung,
Trừ Lục Dục chớ cho ô nhiễm.
Thập Tam Ma diệt bằng trí kiếm,
Rứt xong rồi vô sự thảnh thơi.”
Như vậy Ngài đã chỉ chúng ta biết là có đến 13 loại Ma đang quanh quẩn bên ta, xúi giục ta, dẫn dắt ta vào những con đường tội lỗi, khiến chúng ta cứ mãi trôi lăn vào sáu nẻo luân hồi, sanh tử.
Mười ba con Ma nầy thuộc loại MA tâm, MA ý, Ma lòng nên không có loại súng đạn, gươm giáo nào giết nó được. Nếu muốn diệt MA lòng, hành giả phải dùng Thiền Định, Trí Huệ và Đại Nguyện Lực mới mong diệt được nó. Cho nên từ ngàn xưa đến nay, bao nhiêu sách vở Giảng Kinh đều chỉ đủ cách diệt MA lòng, nhưng thử hỏi có bao nhiêu người diệt được nó? Nếu ai diệt được Ma lòng thì họ chính là bậc Vĩ Nhân, Bồ Tát hay Phật, Tiên, Thần, Thánh và được đời đời luu danh thiên cổ.
Theo Kinh điển Phật Giáo thì có hai cách diệt MA lòng:
1/- Dùng Đại Nguyện.
2/- Dùng Thiền Định (tức Giới, Định, Huệ).
Theo Phật Học Từ Điển, NGUYỆN là điều mong, điều mà người ta quyết chí làm cho được. NGUYỆN cũng có nghĩa, cầu nguyện cho mình, cho thân nhơn hoặc cho chúng sanh. Đời của người đệ tử chơn chánh là một đời cầu nguyện. Trong mỗi cử chỉ, mỗi hành động hằng ngày, người Phật tử hằng nguyện cho chúng sanh, cũng như những người mới tu hành, đều phát nguyện ăn chay, giữ giới…
NGUYỆN có Tổng nguyện và Biệt nguyện.
Tổng nguyện là nguyện chung của các nhà tu học. Như Tứ hoằng thệ nguyện của các nhà tu học Đại thừa.
Biệt nguyện hay Bổn nguyện là nguyện riêng của mỗi vị quyết thành Phật và độ chúng sanh. Như Ngài A Di Đà có phát 48 bổn nguyện, Ngài Dược Sư Lưu ly quang Như Lai có lập 12 điều nguyện lớn, Ngài Phổ Hiền Bồ Tát có phát 10 điều nguyện.
Đức Thế Tôn khi mới xuất gia, có phát bốn điều nguyện như vầy:
1/- Nguyện tế chúng sanh khốn ách: Nguyện tế độ cho chúng sanh khỏi các sự khốn ách.
2/- Nguyện trừ chúng sanh hoặc chướng: Nguyện trừ những sở lầm lạc che bít chúng sanh.
3/- Nguyện đoạn chúng sanh tà kiến: Nguyện dứt những ý kiến tà khúc cho chúng sanh.
4/- Nguyện độ chúng sanh khổ luân: Nguyện đưa chúng sanh ra khỏi vòng luân hồi khổ não.
Trong Kinh Bi Hoa, Đức Phật có giải rằng:
Trong Thập phương các Thế Giới, có cõi thì đủ thứ ô trược, có cõi thì trang nghiêm, thanh tịnh. Mà trong các cõi, đều có Bồ Tát giáng thế. Ấy vì nguyện lực của các Ngài. Vì lòng từ bi độ thế, Ngài thì nguyện ở cõi thanh tịnh, Ngài thì nguyện ở cõi ác trược.
NGUYỆN LỰC là sức thệ nguyện. Bồ Tát đã phát nguyện rồi, lúc nào cũng gắng sức tu hành theo lời nguyện của mình, làm cho chí nguyện trở nên sức mạnh. Đó là nguyện lực. Như thế giới tinh diệu của Đức Phật A Di Đà có mọi vật quí báu trang nghiêm. Các hàng thánh chúng tề tựu rất đông ở cõi ấy. Ở đó, chúng sanh hưởng đủ hạnh phúc vật chất và tinh thần. Đó là đều do nguyện lực của Đức Phật A Di Đà tạo ra vậy.
Đức Thầy dạy:
“Cứ nhứt tâm tín, nguyện, phụng hành,
Được cứu cánh về nơi an dưỡng.
Chỉ một kiếp Tây phương hồi hướng,
Thoát mê đồ dứt cuộc luân hồi.”
(KT, Quyển 5)
Cách thứ hai là dùng Thiền Định để diệt MA lòng, phá tan màn Vô minh bao phủ, kéo lôi linh hồn chìm đắm xuống lên trong sáu nẽo LUÂN HỒI. Đó cũng là gươm Trí huệ chặt đứt phiền não, để người tu lần lần tiến lên con đường giải thoát.
Trong Pháp Bảo Đàn Kinh, Đức Lục Tổ dạy rằng:“Ngoài nếu lìa tướng, tâm tức chẳng loạn, bản tánh tự tịnh, tự định”. Nếu ngoài lìa tướng thì trong tâm không động, tâm không động đó là bản tánh mình tự tịnh tự định.
Có nhiều người ngồi Thiền trông cho được Định. Không cần phải trông, ngồi mà mắt thấy tai nghe nhưng không chạy theo cảnh, đó là lìa tướng, là Thiền; tâm lặng lẽ, không dấy khởi, đó là Định, khi ấy gọi là Thiền Định. Thiền định như thế mới gọi là Tự tánh Thanh tịnh thiền (Thiền thanh tịnh của tự tánh), chớ không phải Định là quên hết tất cả, không nghe tiếng, không thấy người, không phải thiền do đè mà tâm yên hay là say trong chấp cảnh. Có nhiều lối dạy tu thiền như dùng một đề mục, như “Quán bất tịnh” chẳng hạn, người tu theo dõi cảnh bất tịnh đó, tâm say trong đó rồi quên thân, nghĩa là mượn cảnh mà quên, đó là thiền Tiểu thừa. Hoặc là tưởng không, tưởng lửa hay tưởng nước…,do tâm tưởng rồi say trong tưởng, quên thân gọi là Định, nhưng đó là định trong tưởng. Tổ dạy thêm, Định của tự tánh nên nó thâm trầm, rất nhẹ, khác hơn tất cả. Định nầy không phải kềm mà được, mà là do trí phá được chấp, đối cảnh không chấp nên không kẹt nơi tướng, tâm không động tức là tịnh, là định.
Trong Sấm Giảng Thi Văn Giáo lý của Đức Thầy có rất nhiều nơi chỉ cho chúng ta muốn diệt được Ma lòng, là phải dùng Trí Kiếm, vì Kiếm là loại võ khí rất sắc bén có thể cắt đứt được mọi thứ, kể cả Ma lòng.
Vì cái diệu dụng của Trí Huệ đối với “ma lòng” như thế nên xưa nay Kinh điển thường nhắc với những từ danh khác nhau. Kinh Kim Cang thì ví nó như một loại đá cứng không chi sánh bằng, có thể rạch đứt các loại đá cứng khác. Duy Thức Luận thì gọi tên nó là "Diệu quán sát trí", và phần nhiều Kinh sách thì gọi nó là "Gươm trí huệ". Đức Thầy dạy rằng:
"Hãy lấy gươm trí huệ mà dọn sạch ma lòng, hãy lấy lòng khoan dung mà đối đãi lẫn nhau, hãy lấy lòng bác ái nhân đạo mà cư xử với mọi người".
Ngài còn khẳng định:
“Thập tam Ma diệt bằng trí kiếm,
Rứt xong rồi vô sự thảnh thơi.”
TRÍ KIẾM cũng gọi là Trí huệ hay Gươm huệ. Vì trí huệ rất sáng suốt và có tánh cách sắc bén, đoạn trừ được vọng tâm phiền não và thất tình lục dục, nên ví nó như lưỡi kiếm hay lưỡi gươm.
Điều kiện tất yếu là ta cần giữ gìn cẩn trọng, đừng để bọn Ma vương khuấy nhiễu, bởi chúng có đủ trăm mưu ngàn chước, nếu chẳng đột nhập vào nội tâm để xúi giục thì chúng cũng bày vẻ đủ màn đủ cảnh bên ngoài để quyến rủ người ta. Cho nên để hàng phục được chúng Ma, Đức Thầy dạy mỗi tín đồ rèn luyện cho mình có một ý chí đại hùng đại lực.
Có được vậy, ta mới điều chỉnh được thất tình lục dục và trì hành đúng theo con đường Trung Đạo. Song muốn hàng phục chúng Ma một cách dễ dàng hơn, chúng ta phải có thêm kiếm huệ, tức là trí sáng, mà muốn có được trí sáng, ta cần phải phá Vô minh hoặc tu Tam học (Giới, Định, Huệ). Khi trí huệ được sáng mầu và dẹp xong thất tình lục dục, người tu sẽ tự do giải thoát. Bấy giờ ta muốn tới cõi Cực lạc hay bất cứ cảnh giới nào cũng đều tự tại vô ngại:
“Kiếm huệ phi tiêu đoàn chướng nghiệp,
Phật tiền hữu nhựt vĩnh an nhiên”.
(Hiếu Nghĩa vi tiên)
Đức Thầy cũng từng dạy :
“Cầu tu cho đạt ngũ hương,
Huơi gươm trí huệ Ma vương hãi hùng.”
(Cho Ô. Cò tàu Hảo)
Hay là:
“Mài gươm trí cho tinh cho khiết,
Dứt tâm trần kiếm chữ sắc không.”
(Q.4, Giác mê Tâm kệ)
MÀI GƯƠM TRÍ tức là trau giồi trí huệ. Có nhiều cách mài luyện trí huệ như:“Tùng văn, tư, tu”, hoặc hành trì tam học: Giới, Định, Huệ; hay điêu luyện khối tinh thần cho cứng mạnh, để vẹt phá vô minh phiền não, tức trí huệ hiện bày.
Sở dĩ ví trí huệ như lưỡi gươm hay lưỡi kiếm là vì nó có đủ diệu năng, chặt đứt cội phiền não (tham, sân, si) và giết trừ Thập Tam Ma (thất tình + lục dục).
Bởi vì, sự tu trước nhứt cần trau giồi trí huệ cho tinh minh, để dùng nó diệt trừ các vọng tâm ô nhiễm trần tục, và tánh phân biệt câu chấp bản ngã. Nghĩa là không nên chấp có, chấp không hoặc chấp thường chấp đoạn mới đạt được lý chơn không và kiến diện Chơn Như thật tướng.
Tóm lại,“ma lòng” là những gì mê muội tối tăm của mỗi chúng sanh. Chừng nào tất cả “ma lòng” chịu hồi đầu hướng thiện dưới sự hướng dẫn của trí đạo, chừng ấy “ma lòng” sẽ trở thành "Phật tâm".
Và một khi đã mở được hàng rào trí tuệ như mở Đại môn quan kiến diện Đức vua lòng (Tâm vương) thì bấy giờ những điều huyễn hoặc không còn lừa bịp được, cho nên nhất cử nhất động đều đúng vào lẽ Đạo, và do đó lần lượt ta tiến đến cõi giải thoát vậy./.
Nam mô A Di Đà Phật !
TRƯƠNG VĂN THẠO
|