16. Sống Tình Thức

SỐNG TỈNH THỨC - SỰ CHẾT Ở NGAY BÊN

  •  
    Chi Tran -LEYEN

     


     
    SỰ CHẾT Ở NGAY BÊN.
     
    Tôi có thể làm gì với sự chết đây?
    ĐỨC KITÔ:
    Con ơi, cuộc sống ở đời này của con trong chốc lát sẽ qua đi. Con đã sẵn sàng thế nào cho cuộc sống tiếp theo? Hôm nay con còn đó, ngày mai chẳng ai thấy con nữa. Xa mặt thì cách lòng. Lòng người hết sức tẻ nhạt và chai đá! Họ chỉ để ý đến mấy chuyện đang xảy ra, chẳng hề để ý đến những gì sẽ tới.
    Buổi sáng, trong chốc lát, hãy nghĩ rằng con có thể không sống đến chiều. Khi chiều về đừng đoan chắc rằng con sẽ thấy bình minh hôm sau. Đừng để những tư tưởng này làm cho con phải buồn sầu, nhưng hãy sống thiết thực. Con hãy sống làm sao để sự chết chẳng bao giờ bắt gặp con chưa sẵn sàng, hãy sống mỗi ngày như ngày sau hết của con. Có quá nhiều người chết bất ngờ và không sẵn sàng. Ta đã báo trước cho mọi người: “Con Người sẽ đến vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết.”
    3. Rất nhiều người đánh lừa chính mình, cho rằng mình còn nhiều thời gian. Họ bất ngờ bị giật ra khỏi cuộc sống này. Con đã nghe chuyện có người chết vì đánh nhau, có kẻ chết đuối, kẻ khác bị ngã và gẫy cổ như thế nào? Có người đang ngồi bàn mà chết, có người ra đi lúc vui chơi. Có người chết vì lửa, có kẻ chết vì bạo lực, chết vì bệnh tật, chết bởi kẻ cướp. Sự chết cứ thế mà đặt dấu chấm hết cho hết mọi người, và mạng sống con người đột ngột trôi qua như một cái bóng.
    SUY TƯ: Tại sao tôi lại không chịu đối diện với sự thật này? Tôi có chết sớm hơn không nếu hay nghĩ đến sự chết? Tôi có trốn được cái chết không nếu không bao giờ nghĩ về nó? Cái chết đáng sợ nhất có thể đến với tôi là cái chết chụp bắt được tôi trong tội trọng. Mọi chiều kích khác của cái chết đều qua đi hết, nhưng chiều kích sau cùng này - cái chết chưa sẵn sàng - sẽ hại tôi muôn đời.
    Chẳng ai chắc chắn được gì về cái chết của mình là một sự thật. Tôi cần phải đối diện với sự thật này để biết được những gì tôi phải làm. Tôi có thể làm gì với sự chết đây? Tôi phải sống làm sao để sự chết có đến vào lúc nào thì cũng bắt gặp tôi trong ơn thánh.
    CẦU NGUYỆN:
    Lạy Chúa, với những ai sống trong tội nặng, sự chết là cánh cửa đưa vào hỏa ngục, còn với những ai sống trong ơn thánh, sự chết là cánh cửa đưa lên thiên đường. Xin cho con có điều mong ước lớn nhất là sống một đời không biết đến sợ chết. Xin giúp con sợ tội hơn là sợ chết hay là sợ mọi thứ thua thiệt trần thế khác. Amen.
    Lm.Anthony J. Paone S.J.
    ��Ptst.
     
     

SỐNG TỈNH THỨC - TGM VŨ VĂN THIÊN - VẬN MỆNH CON NGƯỜI

SỐNG TỈNH THỨC - SỨ ĐIỆP TỪ NẤM MỒ

  •  
    Chi Tran - LEYEN

     
     
     
     
     
    Sứ điệp từ những nấm mồ
     
    Khi còn sống với nhau trên trần gian, chúng ta chia sẻ với nhau những lo âu, những hy vọng, những kỷ niệm buồn vui, những thành công, thất bại, những lời chê trách hay những vỗ về, an ủi, phấn chấn nhau?
     
    Nhưng khi một bên đã quá cố, sợi dây liên lạc đó không còn cụ thể hữu hình như khi xưa nữa.
    Người còn sống và người quá cố liên lạc với nhau qua tâm tình nhớ nhung thương mến. Ðó đây như vong linh người quá cố vẫn luôn vảng vất trong cuộc sống người còn đang sống.
    SỢI DÂY LIÊN LẠC
    Người đã đi về thế giới bên kia nằm sâu dưới lòng đất hay đã tiêu tan ra tro bụi. Người còn sống trên mặt đất buồn sầu tưởng nhớ người đã vĩnh viễn ra đi không có ngày trở lại cuộc sống trên trần gian nữa.
    Người còn sống lần giở lại những hình ảnh kỷ niệm xa xưa, những giờ phút năm tháng chung sống cùng nhau đã trải qua để nhớ về người đã quá cố. Những kỷ niệm này làm sống lại đời sống năm xưa hy vọng phần nào củng cố tinh thần nghị lực tiếp tục cuộc sống trên trần gian.
    Tâm tình này rất nhân bản và cần thiết cho đời sống mỗi người. Tâm tình này nói lên lòng trung thành và lòng biết ơn với nhau: khi còn chung sống với nhau hay đã ra người thiên cổ, chúng ta vẫn có nhau!
    Tâm tình này sống động trong mọi dân tộc vào mọi thời gian. Ðâu đâu những nghĩa trang cũng được chăm sóc cẩn thận.
    Người Công Giáo hằng năm vào ngày 2-11 cũng như tất cả các ngày trong tháng 11 có tập tục đạo đức hiếu thảo tốt lành thăm viếng phần mộ người thân thuộc đọc kinh cầu nguyện cho họ. Ở các xứ đạo sau Thánh Lễ ngày 1 – 11 hoặc những ngày kế tiếp, cha xứ và giáo dân trong xứ tụ tập ở nghĩa trang đọc kinh và làm phép mồ mả. Vào ngày này thân nhân người quá cố dọn dẹp trang hoàng mồ mả với hoa nến, để nói lên lòng thành kính thương mến với người quá cố và cũng để nói lên niềm tin: tôi tin xác loài người ngày sau sống lại và sự sống đời sau !
    SỨ ÐIỆP TỪ NHỮNG NẤM MỒ
    Trên những phần mộ thường có cây Thánh Giá. Cây Thánh Giá nói lên niềm tin: Chúa Giêsu đã hy sinh chịu chết trên đó để cứu chuộc con người khỏi vòng liên lụy của tội lỗi. Thánh Giá Chúa Giêsu là ơn cứu độ niềm hy vọng cho con người.
    Trên đó cũng thường có tấm bia có khắc ghi di ảnh người quá cố với ngày tháng năm cùng nơi sinh ra và ngày tháng qua đời. Cũng trên tấm bia có khắc 3 chữ : R. I. P. Ðây là 3 chữ tắt của câu bằng Latinh : requiescat in pace – Ông, bà, anh, chị, em? an giấc ngàn thu !
    Có những tấm bia trên phần mộ ghi lại câu Kinh Thánh hay những lời từ biệt lời cám ơn. Phải chăng chết đi về thế giới bên kia là hết, là chấm dứt mọi liên đới ?
    Chúa Giêsu trong bữa Tiệc ly với các tông đồ đã nói với họ lời từ giã trước khi tự nguyện hy sinh chịu chết : Thầy đi về cùng Cha Thầy ! (Ga 14, 1-14). Lời từ biệt này nói lên mối dây ràng buộc niềm tin và tình yêu vào Thiên Chúa.
    Người thân yêu đã ra đi, theo niềm tin của người Công Giáo chúng ta, cũng như Chúa Giêsu: về cùng Thiên Chúa Cha. Như thế họ cũng để lại di chúc lời từ giã như sau:
    Tôi ra đi bây giờ nằm sâu dưới lòng đất, nhưng tôi tin rằng tôi trở về cùng Thiên Chúa, Ðấng sinh thành ra tôi.
    Tôi nằm sâu trong lòng nấm mồ này, nhưng tôi vẫn hằng hy vọng trông mong Thiên Chúa sẽ cứu độ tôi và sẽ cho tôi sống lại được hưởng đời sống bất diệt như Ngài đã cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết.
    Tôi bây giờ nằm chôn kín trong nấm mồ xây kín bằng ximăng cát đá, nhưng tôi hằng có tâm tình yêu mến Thiên Chúa của tôi, vì Ngài là Cha đời tôi. Và tôi biết Ngài hằng yêu mến tôi.
    Ðứng trước nấm mồ người quá cố, tâm tình buồn thương nhớ tiếc làm sống lại những hình ảnh kỷ niệm buồn vui năm xưa. Thánh Giá Chúa Giêsu và cây nến cháy sáng trên phần mộ tựa như những lời nhắn nhủ của người quá cố nói với người thân còn sống: Tôi đi về cùng Thiên Chúa Cha, về cùng Ðấng là nguồn sự sống và nguồn tình yêu.
    Lm Nguyễn Ngọc Long
    ---------------------------------------------

SỐNG TỈNH THỨC - HÃY THỰC HÀNH TỬ TẾ

  •  
    Long Nguyen -HAPPY NGUYEN



    Muốn giảm stress? Hãy thực hành tử tế
     
     Tatiana Denning
     
     
     
    Nghiên cứu chỉ ra rằng: Ngay cả việc hỗ trợ hoặc giúp đỡ người khác trong thời gian ngắn cũng có thể giảm thiểu những tác động tiêu cực đến cảm xúc do stress hàng ngày.
     
    Những nhà nghiên cứu nói rằng giúp đỡ người khác khiến cuộc sống của chúng ta nguôi ngoai và chúng ta chỉ còn lại cảm giác hạnh phúc.
     
    Bạn đã từng thử tất cả mọi cách, từ việc hít thở sâu, chợp mắt một chút, đến việc dốc bầu tâm sự với bạn bè, vậy mà bạn vẫn cảm thấy căng thẳng.
     
    Vậy, bạn hãy thử làm một chút việc tử tế xem sao?
     
    Những ngày này, căng thẳng dường như cũng trở thành dịch bệnh. Và nếu chúng ta không cẩn thận thì những căng thẳng này có thể trở thành chứng rối loạn lo âu, trầm cảm thậm chí còn tệ hơn nữa. Nhưng vào lúc chúng ta tự tìm cách giải thoát cho bản thân thì có lẽ giải pháp thực sự lại nằm ở việc giúp đỡ người khác.
     
    Hóa ra, khi chúng ta gạt mọi vấn đề của riêng mình sang một bên và tập trung năng lượng vào những việc tử tế và giúp đỡ người khác, cấp độ căng thẳng của chúng ta sẽ giảm xuống. Làm việc tử tế có tác động tích cực đến lượng hormone trong cơ thể, đem lại lợi ích về cả sức khỏe và tinh thần.
     
    Ví dụ, những người cố gắng trở nên tử tế có lượng hormone cortisol (hormone gây căng thẳng) ít hơn 23% và tiến trình lão hóa chậm hơn so với người bình thường. Làm việc tốt cũng kích thích cơ thể tiết serotonin (hormone tạo cảm giác dễ chịu), giúp làm dịu tâm trí và cải thiện cảm xúc.
     
    Đối xử tốt với người khác không chỉ giúp giảm căng thẳng mà còn kích thích giải phóng các chất hóa học như endorphin và oxytocin làm giảm huyết áp và cảm giác đau. Oxytocin gây giãn các mạch máu, từ đó làm giảm huyết áp, trong khi endorphin hoạt động như một chất giảm đau tự nhiên của cơ thể chúng ta.
     
    Và nếu bạn cảm thấy mình đang hơi uể oải, hãy thử lan tỏa lòng tốt để gia tăng nguồn năng lượng tự nhiên của chính mình. 
     
    Kết quả của một nghiên cứu cho biết khoảng một nửa những người tham gia đã cảm thấy mạnh mẽ và tràn đầy năng lượng sau khi giúp đỡ người khác, và rất nhiều người tham gia nói rằng họ cảm thấy trầm tĩnh hơn, trầm cảm ít hơn, hoặc cảm thấy quí trọng giá trị bản thân hơn. 
     
    Một nghiên cứu của đại học Yale được công bố trên trang Clinical Psychological Science nói rằng chỉ cần những hành động lịch sự cơ bản cũng làm giảm stress. Những người tham gia được yêu cầu theo dõi tần suất họ thực hiện các hành vi xã hội (hành vi có lợi cho người khác) hàng ngày trong khoảng thời gian hai tuần. Những hành vi được thực hiện đơn giản như hỏi ai đó khi họ cần giúp đỡ, hoặc mở cửa cho người khác, cũng khiến những người tham gia cảm thấy tích cực hơn so với những ngày họ không có những hành động tử tế này. 
     
    Tác giả chỉ ra rằng: “Những kết quả này cho thấy ngay cả việc hỗ trợ hoặc giúp đỡ người khác trong thời gian ngắn cũng có thể giảm thiểu những tác động tiêu cực đến cảm xúc do stress hàng ngày.”
     
    Và còn cách nào tốt hơn để giúp đỡ người khác bằng việc làm tình nguyện viên? Các nghiên cứu cho thấy những tình nguyện viên cũng nhận được nhiều lợi ích như những người họ đang giúp đỡ.
     
    Nghiên cứu cũng phát hiện những người từ 55 tuổi trở lên làm tình nguyện viên cho 2 hoặc nhiều tổ chức giảm tới 44 % nguy cơ chết sớm.
     
    Nhưng khi giúp đỡ người khác, xoay trở lại thì động cơ là một yếu tố quan trọng. Trong một nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí Health Psychology, những tình nguyện viên thường sống lâu hơn, nhưng điều thú vị là những lợi ích này chỉ có được nếu họ thực sự tình nguyện giúp đỡ người khác chứ không phải để bản thân cảm thấy tốt hơn hoặc để có được thiện cảm của người khác. Nói cách khác, động cơ của họ phải là vị tha, vì người khác hơn là chỉ để phục vụ bản thân.
     
    Vì vậy, sẽ thế nào nếu bạn nhận thấy có một chút ái ngại khi phô trương lòng tốt của mình? Đừng tuyệt vọng. Lòng tốt có thể được học hỏi.
     
    Helen Weng, một nghiên cứu sinh về tâm lý học lâm sàng và là tác giả chính, đã viết trong một bài báo năm 2013 về não bộ và sự lương thiện: “Nó giống như tập tạ vậy; chúng tôi phát hiện ra rằng mọi người thực sự có thể xây dựng “cơ bắp” của sự lương thiện và thấu hiểu nỗi đau của người khác bằng sự quan tâm và mong muốn được giúp đỡ.”
     
    Và điều tuyệt vời là, lòng tốt rất dễ lan truyền. Những việc làm tốt giống với những cái ngáp, có thể lan truyền như những gợn sóng trong đám đông.
     
    Bạn hãy thử một chút xem sao? Chỉ cần một hành động tử tế có thể tạo ra sự khác biệt giữa một ngày tốt lành và một ngày tồi tệ. Vì vậy, hãy kiến tạo một ngày tốt lành, không chỉ cho bản thân bạn mà còn cho người mà bạn đang giúp đỡ và cho những ai chứng kiến lòng tốt của bạn.
     
    Triết gia Hy Lạp Aristotle đã nói, mục đích của cuộc sống là “phục vụ người khác và làm điều tốt.” Nghiên cứu cho thấy rằng, hành động tử tế và phục vụ người khác cũng có thể là công thức để chống lại căng thẳng và duy trì sức khỏe tốt.
     
    Cô Tatiana Denning, D.O. là một bác sĩ gia đình và chủ sở hữu của Simpura Weight Loss and Wellness. Cô tin vào việc cung cấp cho bệnh nhân kiến thức và kỹ năng cần thiết để duy trì và cải thiện sức khỏe của chính họ thông qua quản lý cân nặng, tạo lập thói quen lành mạnh để phòng ngừa bệnh tật.
     
    Tiểu Thiên biên dịch
     
     

     

    --

SỐNG TỈNH THỨC - MA QUỶ VUA DỐI TRÁ

  •  
    Chi Tran -LEYEN
     



     
    SATAN VUA DỐI TRÁ
     
    Chúa Giêsu đã cảnh báo chúng ta, Ngài nói với chúng ta Satan là Vua Dối trá tiêu biểu nhất. Nói dối là mối nguy hiểm tối hậu cuối cùng của thiêng liêng, đạo đức và tâm lý.
    Nhìn vào thế giới của chúng ta ngày nay, điều làm cho tôi lo sợ và lo lắng hơn cả mối đe dọa Covid, hơn cả bất bình đẳng ngày càng tăng giữa người giàu và người nghèo, hơn cả nguy hiểm biến đổi khí hậu, và thậm chí hơn cả sự căm ghét cay đắng hiện đang chia rẽ chúng ta, đó là việc chúng ta mất đi không còn cảm giác nào về sự thật, sự từ chối thẳng thừng của chúng ta đối với bất kỳ sự thật nào mà chúng ta cho là không thuận lợi, cũng như câu cửa miệng của chúng ta về “tin tức giả”, “sự thật dối lừa” và các âm mưu ảo tưởng. Mạng xã hội, với tất cả những gì tốt đẹp nó mang lại, lại tạo ra cơ sở để cho ai cũng có thể nói lên sự thật của riêng mình và sau đó làm xói mòn các sự thật kết nối chúng ta và neo giữ sức khỏe tinh thần chúng ta. Hiện nay chúng ta sống trong một thế giới mà hai cộng hai thường không còn là bốn nữa. Điều này tác động trên sức khỏe tinh thần chúng ta và đã tạo ra một số chuyện điên rồ trong xã hội. Các sự thật neo giữ cuộc sống chung của chúng ta không còn được neo giữ.
    Rõ ràng đây là điều xấu, và Chúa Giêsu đã cảnh báo chúng ta, Ngài nói với chúng ta Satan là Vua Dối trá tiêu biểu nhất. Nói dối là mối nguy hiểm tối hậu cuối cùng của thiêng liêng, đạo đức và tâm lý. Nó có gốc rễ trong điều Chúa Giêsu gọi là “tội chống Đức Chúa Thánh Thần là tội không thể tha thứ”. Tội này là tội gì và vì sao nó không thể tha thứ?
    Đây là bối cảnh Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta về tội này: Ngài vừa trừ quỷ. Các nhà lãnh đạo tôn giáo thời đó tin như tín điều rằng: chỉ ai đến từ Chúa mới có thể đuổi quỷ. Chúa Giêsu vừa trừ quỷ, nhưng lòng hận thù của họ đối với Ngài làm cho họ xem đây là sự thật khó nuốt trôi. Vì thế để phủ nhận thực tế, họ chọn cách phủ nhận những gì họ biết là đúng. Họ chọn nói dối, khẳng định (dù họ đã biết rõ) Chúa Giêsu đuổi quỷ nhờ quyền lực của Ben-dê-bút. Mới đầu Chúa Giêsu cố gắng vạch ra lập trường phi lô-gích của họ, nhưng họ vẫn ngoan cố. Sau đó Chúa đưa ra lời cảnh báo tội không thể tha thứ là tội chạm đến Chúa Thánh Thần. Lúc đó Ngài không buộc tội họ phạm tội này, nhưng cảnh báo nếu họ đi theo con đường này, nếu họ không sửa đổi thì sẽ dẫn họ đến tội đó. Về bản chất, Ngài đang nói điều này: nếu chúng ta nói dối đủ lâu, cuối cùng chúng ta sẽ tin vào điều đó và điều này làm lương tâm chúng ta bị xói mòn đến mức chúng ta bắt đầu coi sự thật là giả dối và giả dối là sự thật. Tội sau đó trở thành không thể tha thứ vì chúng ta không còn muốn được tha thứ và cũng sẽ không sẵn sàng để nhận tha thứ. Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ nhưng chúng ta không sẵn sàng chấp nhận tha thứ vì chúng ta thấy tội là điều tốt và điều tốt lại thành tội. Thế thì chúng ta muốn được tha thứ để làm gì?
    Có thể chúng ta sẽ rơi vào trạng thái này, một trạng thái trong đó chúng ta cho rằng các ơn của Chúa Thánh Thần (bác ái, vui vẻ, hòa bình, nhẫn nại, tốt lành, kiên trì, trung thành, dịu dàng, khiết tịnh) là giả dối, là chống lại sự sống, là sói đội lốt cừu. Và bước đầu để đi đến tình trạng này là nói dối, không chịu thừa nhận sự thật. Các bước tiếp theo cũng là nói dối, có nghĩa là tiếp tục từ chối chấp nhận sự thật để rồi tin lời nói dối của chính mình và chúng ta xem chúng là sự thật và sự thật là dối trá. Nói thẳng, đó là những gì tạo ra địa ngục.
    Địa ngục không phải là nơi con người đau buồn, ăn năn và cầu xin Chúa cho thêm cơ hội để sửa đổi mọi thứ cho đúng đắn. Địa ngục cũng không bao giờ là điều bất ngờ tà ác chực chờ người lương thiện. Nếu có ai trong địa ngục, thì là họ ở đó với lòng kiêu ngạo, than phiền những người ở trên thiên đàng, xem thiên đàng là địa ngục, bóng tối là ánh sáng, giả dối là chân lý, xấu xa là tốt, hận thù là tình yêu, thiện cảm là yếu đuối, kiêu ngạo là sức mạnh, sáng suốt là điên rồ, và Chúa là ma quỷ.
    Một trong các bài học trọng tâm trong Tin Mừng là: nói dối là nguy hiểm, là tội nguy hiểm nhất trong các tội. Và điều này không chỉ diễn ra trong mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa và Chúa Thánh Thần. Khi nói dối, chúng ta không những chỉ có tác động nhanh và lỏng lẻo với Chúa, chúng ta còn tác động nhanh và lỏng lẻo với chính sức khỏe tinh thần của chúng ta. Sức khỏe tinh thần của chúng ta tùy thuộc vào điều mà thần học cổ điển gọi là “hiệp nhất” của Chúa. Điều này có nghĩa Chúa là nhất quán. Không có mâu thuẫn nào bên trong Thiên Chúa và do đó, thực tế cũng có thể được cho là nhất quán. Sức khỏe tinh thần của chúng ta tùy thuộc vào niềm tin này. Chẳng hạn nếu một ngày mà hai cộng hai không còn là bốn, thì các nền tảng sức khỏe tinh thần của chúng ta sẽ không còn trụ được nữa; chúng ta thực sự sẽ không có gì để neo giữ bản thân nữa. Sức khỏe tinh thần của chúng ta và sức khỏe tinh thần của xã hội tùy thuộc vào sự thật, khi chúng ta thừa nhận sự thật, khi chúng ta nói sự thật, và dựa trên hai cộng hai mãi mãi vẫn là bốn.
    Martin Luther đã nói: hãy phạm tội thật táo bạo! Ông muốn nói rất nhiều về điều này, nhưng chắc chắn điều ông muốn nói là mối nguy hiểm tối hậu đối với tinh thần và đạo đức của chúng ta là che đậy yếu điểm của mình bằng cách nói dối, vì Satan là Vua của Dối trá!
    Ronald Rolheiser,
    Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch