16. Sống Tình Thức

SỐNG TỈNH THỨC - CẨN THẬN DÙNG TIỀN BẤT CHÍNH

  •  
    Chi Tran -LEYEN

     
     
     


     
    CẨN THẬN, KẺO DÙNG ĐỒNG TIỀN BẤT CHÍNH !
     
    Nàng có ngoại diện khá bắt mắt, từ vùng quê nghèo phương Bắc vào Đô thành phương Nam lập nghiệp.
    Chẳng bao lâu, giàu sụ !
    Trong một xã hội đảo điên vì gian dối, đạo đức không ngừng gia tăng suy đồi- lương tâm không bằng lương tháng, việc nàng ‘đùng một cái’ thành đại gia chắc chắn đồng tiền kiếm được phải có vấn đề.
    Nói toạc ra: Tiền có được nhờ đi qua ngả… bất chính.
    Biết nàng vốn có thời làm Giáo lý viên xứ Đạo thôn nghèo, anh nhắc khéo nhưng rất chân tình:
    - Cẩn thận, kẻo lời lãi thế gian - dù được cả thế gian để rồi mất phần Linh hồn thì chẳng được ích gì?
    Nàng tỏ vẻ khó chịu vị câu trích dẫn Lời Chúa Giêsu có vẻ… dạy đời (đấy là do nàng nghĩ)
    - Hứ, tôi bỏ một tỉ, hai tỉ xin cha dâng trăm Lễ, ngàn Lễ chẳng nhé không lên Thiên đàng được (!)
    Nghe câu nói ‘ngạo nghễ’ của nàng từ miệng anh kể, tôi thực sự phát bực vì người ta nghĩ có thể ‘hối lộ’ được cả Chúa.
    Tôi biết nàng, đôi lần nói chuyện với nàng, thời viết báo, nên tôi nói với anh, khi gặp nàng nhớ nhắn lời tôi:
    - Chỉ với câu nói ‘xúc phạm’ đó, dấu hiệu cho thấy nàng đang ‘đu dây’ trên vực thẳm hoả ngục. Thời gian vàng ngọc Chúa cho sống, dấu chỉ rõ Chúa cho thấy mà không nhận ra, không sám hối- đổi mới cuộc sống…. thì hãy mang bạc tỉ ấy xuống… hú hí vơi lũ quỷ.
    Dụ ngôn người phú hộ dại khờ, nói như lời Chúa Giêsu là đồ ngốc- đồ ngu bởi chỉ lo thu tích của cải và làm giàu cho bản thân mà quên mất đời sau, làm tôi nhớ đến câu chuyên kể trên.
    Câu chuyện cứ tưởng lấy tiền bạc có thể hoả lấp tội lỗi thay vì ăn năn sám hối, đổi mới cuộc sống; hay dụ ngôn người phú hộ dại khờ của Chúa Giêsu dường như đang rất thời sự với xã hội hiện đang, biết đâu có cả bóng dáng chúng ta trong đó. Quả thật, nếu không cảnh giác, như người phú hộ dại khờ kia, ta cũng đang dùng tiền- đang sở hữu- đang tích trữ của cải bất chính mà không biết, hay cố tình không biết.
    Vậy làm sao tôi biết tiền bất chính- đồng tiền tội lỗi ?
    1. Xét về nguồn gốc đồng tiền: Điều này quá rõ, đó là những đồng tiền ta có được do phạm tội mà có.
    Đấy là khi ta vì đồng tiền mà làm những điều bất chính, lừa gạt- làm ăn gian dối, trái lương tâm, bất chấp đạo đức, bất kể tình nghĩa anh em, kể cả trà đạp lên sự hiếu thảo vốn là điểm son của văn hoá dân tộc ...
    Dùng đồng tiền tội lỗi mà không chịu ăn năn sám hối để làm từ thiện, công đức- nguy hiểm hơn cứ tưởng mình đạo đức, coi chừng lại thêm xúc phạm đến Bác ái, thêm tội kiêu ngạo, khinh người.
    2. Xét về cách xử dụng: Cũng có khi tiền bạc ta tìm là chính đáng do công sức mình làm ra, song sử dụng lại biến thành bất chính.
    Đấy là khi ta dùng đồng tiền vào những chuyên bất chính: cờ bạc, hút chích, trai gái, hưởng thụ quá đáng….
    Đấy là khi ta vì tiếc tiền không biết chia sẻ bác ái, không biết chia sẻ trách nhiệm xây dựng Giáo hội, góp phần làm thăng tiến xã hội…
    Ông phú hộ giàu có trong dụ ngôn, bị Chúa gọi là ngốc, là ngu không phải vì anh ta có nhiều của cải, nhưng tại vì lão ta không biết sử dụng của cải để lập công phúc đời sau, nên khi chết, anh ta đến trước tòa phán xét với hai bàn tay trắng.
    Nếu dùng của cải vật chất một cách ích kỷ cho riêng mình, tham lam qúa độ kiếm tiền quên cả Chúa, coi tiền quan trọng hơn cả Chúa, hơn cả anh em đồng loại… Kết quả: không có gì bảo đảm cho sự sống đời đời !
    Dụ ngôn người đại phú gia và người hành khất Lagiarô cho ta nhìn rõ thêm vấn đề.
    Tên Đại phú gia khi chết rơi tõm xuống hoả ngục không phải ông ta nhiều tiền mà ở chỗ ông ta vô cảm – không có lòng bác ái với đồng loại. Trong khi yến tiệc linh đình, đồ ăn thừa mứa, chó ăn không hết, thế mà để đồng loại chết đói ngay trước mắt mình (x. Lc 16, 19-31).
    Có tiền, nhiều tiền mà ta vô cảm trước bất hạnh của anh chị em cũng là cách rõ thấy ta đang hưởng thụ, tích trữ của cải bất chính dù của cải ấy do chính công sức mình kiếm ra.
    3. Nhìn ở góc độ khác, dể biết của cải bất chính hay không bất chính, xét theo bậc thang giá trị Thiên Chúa thiết định: Thiên Chúa- Con người- tạo vật.
    Theo bậc thanh này, Con Người dưới quyền Chúa và trên các tạo vật khác, tức con người được Chúa dựng nên giống Hình ảnh Chúa trong tư cách là con cái Chúa- làm chủ vũ trụ vật chất. Ta làm đảo lộn trật tự này, đặt của cải trên Chúa, con người làm chủ biến thành nô lệ vật chất thì rõ thấy ta đang dùng- đang sở hữu của cải bất chính, sử dụng sai ý Chúa.
    Nói rõ hơn, của cải vật chất, sự giầu sang do Chúa ban cho đều tốt đẹp. Vật chất là điều tốt, song chỉ là điều tốt tương đối và phụ thuộc, nhưng không bao giờ được coi là điều tốt nhất; chúng chỉ là phương tiện, chứ không phải mục đích.
    Cái dễ thường sai lầm của ta là xem điều tốt tương đối và phụ thuộc ấy thành cái tốt nhất, thậm chí như chìa khoá vạn năng giải quyết được mọi vấn đề, kể cả vấn đề Linh hồn (như cô nàng trong câu truyện kể trên); rồi ngộ nhận cái phương tiện thành mục đích.
    Vì sai lầm- ngộ nhận ấy, ta biến của cải vật chất vốn được Chúa dựng nên đều tốt đẹp thành của cải bất chính, thành tà vật- ngẫu tượng.
    Nguyên do bởi đâu ta có những sai lệch nguy hiểm ấy?
    Chúa Giêsu chẩn bệnh rất chính xác: Bởi lòng tham Và Người cảnh giác ta về lòng tham lam ấy: Các ngươi hãy coi chừng giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu (c.15).
    Chạm đến ngưỡng tham lam là bước vào con đường cao tốc không có điểm dừng, bắt đầu cơn đói khát ăn hoài không no (lạ cái càng ăn càng đói). Đấy là sự đồi bại của ước muốn, thèm khát mãnh liệt và hầu như điên dại (Ep 4,19).
    Theo Thánh Phaolô “căn nguyên mọi sự xấu là lòng yêu tiền của”, và ngài coi Tham lam là một ngẫu tượng (x.1Tm 6,10; Cl 3,5)[1]
    Đúng thật, kinh nghiệm cho thấy rõ. Vì gian tham làm ta lu mờ lương tri, kiếm tiền bất chấp đạo đức; không còn sáng suốt để sử dụng đồng tiền cho chính đánh.
    Và theo Chúa Giêsu, tham lam theo kiểu người giàu có trong dụ ngôn còn làm cho người ta trở nên ngu ngốc nữa (c.20).
    Vậy có cách nào để hoá giải của cải bất chính nên ngay chính? Dùng những cái tương đối- tạm thời để đạt được điều trọn hảo, có thể nói là tuyệt đối như Nước Trời ?
    Chúa Giêsu trả lời: Biết làm giàu trước mặt Chúa (c.21b).
    “Làm giàu trước mặt Chúa”, tức biết chia sẻ với người nghèo khó, góp phần xây dựng Giáo hội, vào những công việc ích lợi cho thăng tiến phẩm giá con người… Đấy là lúc ta sống đúng phẩm vị làm người, làm con Thiên Chúa:
    - Làm chủ vật chất chứ không phải làm nô lệ nó.
    Đâu đó ta vẫn nghe câu nói đáng để suy nghĩ:
    - Tiền bạc của cải là tên đầy tớ tốt song lại là ông chủ ác độc.
    Hai bài đọc Thánh thư cũng giúp ta nhận chân giá trị vật chất, nhờ đó biết dùng tiền chính đáng.
    Sách Giảng viên- tác giả vốn bậc khôn ngoan cổ đại coi trần thế ‘mọi sự đều phù vân’. “Ý nghĩa ‘phù vân’ ở đây không mang màu sắc luân lý. Phù vân có nghĩa cái gì đó dễ biến tan, dễ bay hơi, chóng tàn”; nói cách khác trần thế phù vân bởi mọi thứ trong thế giới vật chất này chỉ tạm bợ, nay được mai mất, tất cả rồi đến điểm chết.
    Câu Giảng viên nói: ‘Suốt ngày của họ đầy sự đau khổ gian truân, và ban đêm lại không được yên lòng, thế thì chẳng phải là phù vân sao?’, đáng để ta ‘xét mình’ mỗi khi kết thúc ngày sống.
    Thánh Phaolo trong thư Coloxe khuyên ta cụ thể hơn: không được tìm kiếm những gì gì hư nát, chóng tàn mà phải tìm kiếm những gì trường tồn trên nước trời. Thánh nhân nói: “Vậy còn sống trên địa cầu, anh em hãy kiềm chế các chi thể anh em, là sự gian dâm, ô uế, dục tình, đam mê xấu xa và hà tiện, tức là sự thờ phượng thần tượng”.[2]
    Nói ‘rài lời’ một tý…
    Làm giàu trước mặt Chúa, tích lũy kho tàng Nước Trời, tiền bạc vật chất chỉ là một trong những phương tiện, không phải tất cả. Điều này có nghĩa, không có tiền, ta vẫn có nhiều cách khác- và ai cũng có thể làm giàu trước mặt Chúa được: Cầu nguyện, hy sinh, ăn chay hãm mình, hoạt động Tông đồ Giáo dân…
    Như vậy làm giàu trước mặt Chúa không phải là những tài sản ta có, ta vơ vét sở hữu nhưng chính là những cái ta cho đi, sẵn sàng chia sẻ để góp phần xây dựng tình hiệp thông và bác ái, giúp nối kết người cho và người nhận trong lời cảm tạ Thiên Chúa (2Cr 9,11).
    Và như thế, ta có thêm kinh nghiệm sâu sắc “cho đi thì có phúc hơn là nhận lấy” (Cv 20,35).
    Như vậy, Làm giàu trước mặt Chúa mới là giàu đích thực. Vì sự giàu có đích thực nên ta có thể tìm đạt được hạnh phúc không chỉ đời này mà đảm bảo cho cả đời sau.
    Cha ông ta có cảm nghiệm sống động: nghèo tiền nghèo bạc chả lo, nghèo tình nghèo nghĩa mới cho là nghèo.
    Người ta nói: đồng tiền liền khúc ruột. Chính khi ta biết hy sinh- kể cả cắt khúc liền ruột để giàu trước mặt Chúa, mới đáng gọi là khôn ngoan, mới được coi dùng tiền chính đáng.
    Chúa Giêsu tuyên cáo người phú hộ: "Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai ?”
    Lạy Chúa Giêsu, xin đừng để chúng con rơi vào cảnh khốn nạn như người phú hộ trong dụ ngôn chỉ vì tham tham, keo kiệt và ích kỷ trước của cải phù vân. Amen.
    ĐLM. Đaminh Hương Quất
    -------------------
    [1] Điển ngữ Thần học Thánh Kinh, của Phân khoa Thần học - Giáo Hoàng Học Viện Thánh PIO X, Đà lạt, tái bản lần II, 1974; mục từ Giàu, Tham (lòng), Công Chính.
    [2] Lm. Phaolo Nguyễn Văn Đông,
     

SỐNG TỈNH THỨC - KHỔ TỪ THÂN MÀ RA

  •  
    Hung Nguyen -GIANG DUC NGUYEN - DOAN VU
     

    Gốc của đau khổ là từ thân mà ra?

    Truyện cổ Phật giáo (Diệu Hạnh Giao Trinh)

     

    Một hôm, tại chỗ đức Phật đang giáo hóa, có bốn vị Tỳ-kheo sơ phát tâm mới xuất gia tu hành, nhân lúc nhàn hạ ngồi nói chuyện dưới một gốc cây lớn, cùng nhau bàn cãi nghiên cứu xem cái gì là đau khổ, hoạn nạn lớn nhất của con người

    Một trong bốn vị phát biểu ý kiến:

    – Theo tôi, cái khổ to lớn nhất, ghê gớm nhất của con người không gì bằng sự đam mê sắc dục. Thí dụ nếu không đoạn trừ được tâm dâm dục thì không cách nào vào đạo!

    Một người khác nói lên cảm tưởng của mình:

    – Cái khổ lớn nhất là cái khổ thiếu ăn! Một khi gặp cơn đói khát, con người không làm được gì cả!

    Lại có người nói:

     

    – Theo tôi, lòng sân hận mới là cái hoạn nạn đáng sợ nhất của con người! “Nhất niệm sân tâm khởi, bát vạn chướng môn khai” (một niệm tâm sân nổi lên là tám vạn cánh cửa chướng ngại mở ra) kia mà! Sân hận cũng là nguyên nhân khiến người ta phải chịu vô lượng tội phạt!

    Người cuối cùng nói:

    – Theo tôi sợ hãi mới là cái khổ lớn nhất của con người! Sống trong sợ hãi giây phút nào là giây phút đó không có chút an ổn!

    Bốn người hăng say bàn cãi, thì cũng vừa đúng lúc ấy đức Phật đi ngang. Vì họ chưa tìm ra một kết luận thỏa đáng nào cho cuộc thảo luận của họ, đức Phật mới hỏi họ đang thảo luận về vấn đề gì. Bốn người lần lượt trình bày ý kiến của mình xong, Ngài mới ôn tồn dạy rằng:

    – Là người tu hành mà có thể cùng nhau tụ họp để kiểm thảo cái nhìn của mình đối với vấn đề tu học, thật là một điều rất đáng mừng. Nhưng nghe lý luận các ông vừa mới thứ tự trình bày đó, tuy ai nói cũng có lý nhưng cái lý ấy chưa được rốt ráo. Nay ta nói cho các ông nghe rằng, cái khổ não hoạn nạn lớn nhất của con người là có cái thân ngũ uẩn giả hợp này. Thân là căn bản cho tất cả mọi ưu khổ tạo thành. Vì vậy chúng ta hay gọi thân là “khổ khí”. Đói khát, lạnh nóng, phiền não, sợ hãi, những tai họa do sắc dục gây ra, tất cả là do thân thể cảm thọ. Lao tâm cực trí, lo sợ trăm mối, và chúng sinh tàn hại lẫn nhau, cho đến sự trầm luân trong sáu nẻo, không ngừng lăn lộn trong sinh tử, cũng đều do có thân mà ra cả. Muốn thoát ra khỏi cái khổ của thế gian này, thì phải tìm cầu sự tịch diệt tức là sự thoát khổ chân chính. Nhiếp phục được tâm tham dục, dập tắt được ngọn lửa sân hận, đối với ngoại cảnh hư huyễn thì dùng thái độ không mong cầu, thì cứ thế lần lần, cảnh tịch diệt sẽ tự nhiên hiện ra trước mắt.

    Bốn vị tỳ-kheo nghe đức Phật khai thị dạy bảo xong, phát tâm tàm quý, tinh tiến dũng mãnh gia công tu hành, và chứng được thánh quả rất mau chóng.

    --------------------------------------

SỐNG TỈNH THỨC - GIỮ MÌNH KHÔNG PHẠM TỘI

  •  
    Chi Tran - LEYEN

     
     
     


    ĐƯỜNG VỀ NHÀ CHA
    LÀM SAO GIỮ MÌNH KHÔNG PHẠM TỘI.
     
    I. Đừng chơi với lửa.
    Xác thịt ta, kẻ thù nguy-hiểm hơn cả, chúng ta chống trả bằng cách nào?
    Trước tiên, bằng lời cầu-nguyện mà chúng ta đã nói ở các đoạn trên. Thứ đến, bằng cách tránh các dịp tội, mà chúng ta thử bàn đến hôm nay. Thánh Bernadinô Sienna nói: “Những lời khuyên dạy quan trọng nhất của Chúa và cũng là nền móng đạo thánh Chúa, đó là những lời khuyên dạy bỏ các dịp tội.”
    Lần kia, một tên quỷ bị trục-xuất ra khỏi một người bị quỷ ám, đã thú nhận rằng, tất cả các bài giảng mà nó gớm ghét nhất là những bài nói về việc từ bỏ các dịp tội. Ma quỷ reo cười thích thú đối với những tội-nhân chỉ thề-hứa, chỉ quyết-tâm mà không bỏ các dịp hiểm nghèo phạm tội.
    Các dịp tội, cách riêng các dịp tội về xác thịt, như tấm bảng che phủ lên mặt, làm cho ta không còn nhìn thấy chẳng những các quyết-tâm, mà cả ánh sáng đã thâu nhận được, cũng như các chân-lý đời đời. Tóm lại, chúng làm cho ta quên hết tất cả tối-tăm bao phủ.
    Nguyên-cớ sa ngã xưa kia của tổ-tông chúng ta cũng vì không tránh dịp tội. Bà Evà biết rõ khi nói với con rắn: “Thiên-Chúa cấm chúng tôi không được ăn những quả ấy, và cũng đừng sờ đến chúng.” (Khởi-nguyên 3 : 3)
    Nhưng nói xong, đáng lẽ bỏ đi ngay (đào vi thượng sách), bà nấn ná ở lại đối-thoại với con rắn, nhìn quả cấm, rồi văn vê trong tay và sau cùng nghe theo lời rắn độc ăn quả cấm và đưa cho ông Adong cùng ăn: “Ai liều mình vào dịp hiểm-nghèo sẽ chết trong hiểm-nghèo.” (Ecclus 3 :27)
    Thánh Phê-rô ghi nhận rằng ma quỷ “gầm thét kiếm mồi để ăn thịt”.
    Thánh Xy-pri-a-nô tự hỏi ma quỷ làm gì để vào lại một linh hồn mà nó vừa ra khỏi? Nó vừa đi vừa tìm kiếm cơ-hội: “Nó nhìn ngắm cẩn thận xem chỗ nào sơ hở nhất để vào theo lối đó.”
    Nếu người nào khinh thường lui tới những nơi có các dịp hiểm nghèo, địch-thù sẽ nắm lấy cơ-hội thuận lợi nhất để giết chết họ.
    Hơn nữa, Ap-bô Ghe-Ric (Abbot Guerric) quan sát nhận thấy rằng Lazarô sống lại tay chân còn buộc dây. Nếu không cởi dây, ông ta sẽ chết, và ông không thể sống trói buộc như thế. Ngài có ý nói những ai ra khỏi đống bùn dơ tội-lỗi, nhưng vẫn buộc chặt vào dịp tội, sẽ chết theo dịp tội đó. Những ai muốn được cứu-rỗi, chẳng những phải bỏ tội, mà phải bỏ luôn cả các dịp tội, như bạn xấu, nơi đàng-điếm tội-lỗi v.v…
    II. Mưu chước ma quỷ.
    Có thể bạn nói, tôi đã thay đổi cuộc sống; Tôi không còn ý-tưởng xấu nào với người đó, và tôi đâu còn bị cám dỗ nữa.
    Xin trả lời bạn: Ở Phi-châu có một loại gấu hay đuổi bắt loại khỉ để ăn thịt. Một khi thấy gấu tới, loại khỉ đó thoát thân bằng cách trèo lên những cây cao chót vót. Hỏng mất mồi, gấu làm sao đây? Nó nằm xoài dưới gốc cây, giả vờ chết. Tưởng gấu chết thật, loài khỉ nghĩ rằng còn gì nguy-hiểm nữa đâu, nên lò-mò tuột xuống. Liếc nhìn thấy loài khỉ đang từ từ tuột xuống ngang tầm tay, gấu ta đột nhiên nhảy dậy, vồ lấy khỉ và cấu xé ăn thịt.
    Bạn ạ, ma quỷ cũng vậy, nó giả vờ để yên không cám-dỗ, cứ để bạn lui tới như không có chuyện gì nguy-hiểm cả. Nhưng nó chờ một cơ-hội nào thuận tiện nhất, cám-dỗ bạn và bạn lại sa vào cạm-bẫy của nó. Biết bao linh hồn đã đọc kinh, cầu-nguyện, rước Thánh-Thể và người đời kể như các vị Thánh, thế nhưng những linh hồn này đã xem thường các dịp hiểm-nghèo tội-lỗi, nên đã thành con mồi cho ma quỷ!
    III. Xác thịt yếu đuối.
    Sách kể chuyện một bà thánh thiện đã lớn tuổi, tình nguyện làm một công-tác đạo đức, là chôn xác các vị tử-đạo. Một lần kia, bà tình cờ tìm thấy một vị chưa chết, nên đem về nhà bà săn sóc, vị này bình phục. Sau đó việc gì đã xẩy đến? Trong một cơ-hội thuận tiện nhất, hai người có thể kể như hai vị thánh, đã mất ơn Chúa, sau đó mất luôn cả đức tin.
    Tiên tri Isaia đã kêu lên: Hãy hô to, mọi xác phàm đều là cỏ.” (I-sai-a 40 : 6)
    Suy tư câu đó,Thánh Cờ-ry-sô-tôm nêu lên: Để lửa giữa rơm, rơm không cháy sao ? “Để một ngọn nến thắp sáng giữa đống cỏ khô, ai dám đoan chắc đống cỏ không cháy!”
    Thánh Xi-pơ-ri-a-nô cũng không nói khác hơn: “Để lửa bao bọc tứ bề mà không cháy được ư?”.
    Cùng một ý-tưởng đó, vua Salômon nói: “Người ta có thể bước trên than hồng mà chân không bị phỏng ư?” (Cách-ngôn 6 : 28)
    Cũng vậy, ai liều mình sống trong dịp tội, lại không vấp ngã sao?
    Chúng ta hãy: “Chạy trốn tội-lỗi như trốn rắn độc.” (Ecclus 21 :2)
    Theo Gu-an-phờ-rit: “Không phải đừng đụng đến rắn, mà đừng đến gần.”
    IV. Dứt khoát bỏ ngay dịp tội.
    Nhưng bạn lại nói rằng nhà đó, bạn hữu đó có lợi cho tôi. Nếu “nhà người bạn gái đó là đường đi âm- phủ.” (Cách-ngôn 7 : 27)
    Bạn không kịp lánh xa để được cứu-rỗi ư? Chúa phán: “Nếu mắt phải con nên dịp tội cho con, thì hãy khoét và ném nó đi.” (Mat-thêu 5 : 29)
    Chúa có ý bảo không gì khác hơn là phải lánh xa dịp tội.
    Thánh Phan-xi-cô At-xi-di nói rằng ma quỷ cám-dỗ những người lành khác hơn các kẻ dữ. Trước tiên nó dùng sợi tóc, rồi dùng sợi chỉ, sau nữa dùng dây nhỏ, sau cùng dây thừng trói buộc các người lành. Thánh nhân có ý nói rằng nó xúi dục các kẻ lành trước tiên phạm những lỗi lầm nhỏ. Một khi đã chiều theo ý nó, nó sẽ cám-dỗ ngày càng vi phạm những điều lỗi lớn hơn và sau cùng là tội trọng. Cách riêng là những thói xấu về xác-thịt, chúng ta phải dứt khoát tránh ngay những dịp gần và những dịp xa.
    V. Các phương -dược thần -diệu.
    Để giữ mình khỏi phạm tội, chẳng những phải quyết tâm, phải tránh xa các dịp tội, mà còn phải năng xưng-tội và lãnh các phép Bí-Tích. Nhà năng quét dọn không bị dơ. Năng xưng-tội chẳng những sạch tội, mà còn được thêm sức mạnh chống trả chước cám-dỗ.
    Phép Mình-Thánh tăng cường sự sống thiêng-liêng: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì được sống đời đời, và Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày tận thế.” (Gio-an 6,54).
    Ai năng rước Mình và Máu Chúa sẽ được hứa ban sự sống đời đời. Công-đồng Tờ-ri-đen-ti-nô (Trent) gọi phép Mình-Thánh là “Thuốc chữa khỏi những lỗi phạm hằng ngày, và giữ mình khỏi tội trọng.”
    Phương-thế thần-diệu khác để giữ mình sạch tội là đọc và suy-gẫm sách thiêng-liêng: “Hãy năng nhớ đến các sự sau, thì bạn sẽ không bao giờ phạm tội.” (Ecclus 7 : 40)
    Những ai ghi nhớ luôn trong trí những chân-lý đời đời về sự chết, sự phán-xét và cảnh đời đời sẽ không sa ngã phạm tội. Nhờ các giờ suy-gẫm, Chúa soi sáng chúng ta: “Họ đến với Người và được chiếu soi.” (Thánh Vịnh 33 : 6)
    Ngài nói với chúng ta và làm cho chúng ta hiểu được những gì nên làm mà những gì nên tránh. Hơn nữa, sự suy-gẫm là lò đốt nóng tình yêu Chúa: “Trong giờ suy-gẫm, lửa đốt cháy trong tôi.” (Thánh Vịnh 39 - 4)
    Để giữ gìn ơn Thánh, điều cần thiết là phải năng cầu-nguyện, vì ai không cầu-nguyện sẽ hư mất đời đời.
    Điều cần thiết để giữ gìn ơn Thánh là sắp đặt đời sống theo một chương-trình thánh-thiện. Sáng sớm, vừa thức dậy, người Kitô-hữu cảm-tạ Chúa, yêu mến Chúa, dâng lên Chúa những quyết-tâm, xin Chúa giúp để giữ mình sạch tội trong ngày. Sau đó, dâng Thánh-Lễ. Trong ngày nên có những giờ thiêng-liêng, viếng Mình-Thánh v.v..
    Tối đến, nên lần chuỗi, tĩnh tâm. Quan trọng hơn cả là xin Chúa đức Nhẫn-nại, nên nhớ kêu Danh Thánh Chúa và Đức Mẹ những lúc bị cám-dỗ.
    Nếu thi hành các điều ghi trên, bạn hy vọng chắc chắn sẽ được rỗi, bằng không bạn phải hư mất đời đời.
    LỜI NGUYỆN CẬY TRÔNG.
    Lạy Đấng Cứu-Chuộc con, con cám ơn Chúa cho ánh sáng chiếu dõi trên con, để con hiểu biết và cứu linh-hồn con khỏi chết đời đời. Con thề hứa sẽ kiên-nhẫn dùng ánh sáng Chúa cho. Con biết rằng Chúa muốn cứu con, và con lại rất ước ao được cứu-rỗi.
    Lạy Chúa, con không dại dột chống lại lòng thương yêu của Chúa nữa. Nhờ tình yêu vô biên của Chúa, nên Chúa đã chịu đựng con cho đến ngày nay. Chúa mời gọi con gởi gấm tình yêu của con vào Chúa và con không còn ước mong gì hơn.
    Lạy Đấng tốt lành vô biên, con yêu Chúa. Vì công-nghiệp của Chúa Cứu-Thế, con không bao giờ dám quay lưng lại với Chúa nữa. Con thà chết chẳng thà phạm tội.
    Lạy Mẹ Maria, Mẹ là kho tàng ơn Thánh Chúa, xin Mẹ cứu giúp con Vì công-nghiệp của Chúa Cứu-Thế, nhờ lời Mẹ bầu-cử, con hy-vọng sẽ được phần rỗi đời đời. R
    Tác giả: Thánh An-Phong-Xô Li-go-ri
    (Phêrô Bùi-Đắc-Hữu, dịch)
     
     

SỐNG TỈNH THỨC - TGM SAIGON - THỨ HAI

  •  TGM NGUYỄN NĂNG

    Thứ Hai tuần 31 Thường niên năm II - Bác ái vô vị lợi (Lc 14,12-14)

    Tin mừng: Lc 14, 12-14

    12 Rồi Đức Giêsu nói với kẻ đã mời Người rằng: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi.

    13 Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. 14 Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.”

     

    1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

    Sứ điệp: Tình yêu của Chúa bao trùm tất cả mọi người, không phân biệt một ai. Ngài mời gọi chúng ta sống như Ngài: cư xử với nhau cách quảng đại và vô vị lợi.

    Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, thế giới hôm nay đang bị đảo lộn, giá trị vật chất nhiều lúc được đặt trên giá trị tinh thần. Cuộc sống giữa con người với nhau thường dựa trên sự trao đổi song phương, hợp đồng hai chiều. Vì vậy, người ta ái ngại khi kết thân làm bạn với những người nghèo khổ, cô thân cô thế.

    Lạy Chúa, khi suy gẫm Lời Chúa hôm nay, con nhận ra mình chỉ là kẻ nghèo khó thấp hèn, nhưng suốt bao nhiêu năm tháng qua, Chúa đã ban cho con vô vàn ân huệ mà không đòi hỏi gì cả. Chúa đã ban tặng nhưng không. Phần con đã so đo tính toán hơn thiệt. Khi giúp ai việc gì, con bắt họ trả công, đền ơn đáp nghĩa. Khi ai tặng một món quà, thì con cũng nhớ một dịp nào đó để tặng lại. Thậm chí, đôi lúc cho thì ít mà muốn nhận lại thì nhiều, hoặc tệ hơn nữa, nhận vào mà không muốn cho đi. Con muốn giao du với người giàu sang quyền quý, còn người nghèo khổ, con ngại ngùng gặp gỡ, tình thương dành cho họ chỉ là những lời an ủi ngoài môi, chứ trong lòng không một chút xót thương, cảm thông.

    Lạy Chúa, con đã coi của cải vật chất trọng hơn con người. Con đã sống ích kỷ và vô tâm trước tình thương Chúa dành cho con, và xin ban cho con một quả tim của Chúa, để con sống quảng đại, biết cho đi mà không cần tính toán, biết trao ban mà không mong đền đáp. Xin giúp con biết phục vụ trong tình yêu thương. Amen.
    Kính chuyển:
    Hồng
     

SỐNG TỈNH THỨC - CHUYẾN XE CUỘC ĐỜI

  •  
    Chi Tran - LEYEN

     
     
     
     


    LẼ SỐNG – Ngày 28/10 ⚪
    CHUYẾN XE CUỘC ĐỜI
     
    Cách đây hơn một trăm năm, khi đường sắt vừa mới được phát minh, nhu cầu đi lại mỗi lúc một bành trướng, một văn sĩ nọ, trong quyển lịch sử của xe lửa và đường sắt, đã ghi ra một số chỉ dẫn cho hành khách.
    Trong một chương có tựa đề "Những lời khuyên trước khi lên đường", ông đã đưa ra vài căn dặn như sau: "Trước khi bắt đầu cuộc hành trình, hành khách nên quyết định: mình sẽ đi đâu, sẽ lên chuyến xe lửa nào và ở đâu, tại nơi nào sẽ đổi tàu...".
    Trong một đoạn khác, ông nhắc nhủ hành khách như sau: "Khuyên quý khách mang theo hành lý càng ít bao nhiêu càng tốt... Riêng với các bà, các cô, không được phép mang quá ba hành lý và năm gói nhỏ".
    Những lời khuyên trên đây xem chừng như không có chút giá trị nào đối với hệ thống đường sắt hiện tại ở Việt Nam. Chen chúc nhau để có được một chỗ ngồi thích hợp, đã là quá lắm rồi, còn chỗ đâu để xác định số hành lý phải mang theo.
    Nhưng dù thanh thản trong một con tàu đầy tiện nghi, hay chen chúc nhau trong một wagon chật hẹp bẩn thỉu, mỗi khi bước vào xe lửa, ai trong chúng ta cũng được mời gọi để tưởng nghĩ đến chuyến đi của cuộc đời... Ðời cũng là một chuyến đi.
    Bước lên chiếc xe lửa của cuộc đời, ai trong chúng ta cũng được mời gọi để chuẩn bị cuộc hành trình bằng một số câu hỏi cơ bản: tôi sẽ đi về đâu? Tôi phải mang những gì cần thiết cho cuộc hành trình?
    Trên một số tuyến đường liên tỉnh tại Phi Luật Tân, thỉnh thoảng hành khách có thể đọc được một bảng hiệu có thể làm cho họ phải giật mình suy nghĩ: có thể đây là chuyến đi cuối cùng của bạn. Thật ra, ít có ai khi lên đường, lại có ý nghĩ ấy. Có lẽ người ta nghĩ đến công việc, nghĩ đến gia đình, nghĩ đến những thú vui đang chờ đợi hơn là phải dừng lại với ý nghĩ của một cái chết bất ngờ.
    Thái độ khôn ngoan nhất mà Chúa Giêsu thường lặp lại trong Tin Mừng của Ngài: đó là "Các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết ngày nào, giờ nào". Con người sinh ra để chết. Nói như thế không hẳn là một phát biểu bi quan về cuộc đời, mà đúng hơn là một cái nhìn trong suốt về hướng đi của cuộc đời.
    Giá như ai trong chúng ta cũng biết rằng: công việc ta đang làm trong giây phút này đây là công việc cuối cùng trong cuộc đời, thì có lẽ mọi việc đều có một ý nghĩa và một mục đích khác hẳn.
    JM.NDT