CẢM NGHIỆM SỐNG LC. -ĐIA CHỈ LÒNG THƯƠNG XÓT

Địa chỉ thực thi Lòng Thương Xót

Người thông luật hỏi Chúa Giê-su “Làm thế nào để được sống đời đời”. Chúa bảo hãy sống như Lề Luật dạy. Và ông ta lại hỏi: ‘Ai là người anh em tôi, là người thân cận tôi, là đối tượng để ông thực thi lề luật yêu thương, là địa chỉ ông phải gửi trao lòng thương xót’. 

Chúa Giê-su kể câu chuyện “Người Samaritano nhân hậu”, dạy cho người thông luật và cũng là dạy cho chúng ta rằng: anh em của ta, người thân cận của ta là tất cả mọi người. Hãy yêu thương và tận tình giúp đỡ mọi người, không phân biệt ruột thịt hay người dưng nước lã, không phân biệt dân tộc, màu da, tôn giáo, giai cấp, trình độ, sang hèn, và cũng không cần biết họ là ai, từ đâu đến, không cần biết tiểu sử, nhân thân, quá khứ hay tương lai của họ… chỉ cần biết họ là con người đã được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh Người và cùng mang thân phận con người như mỗi chúng ta. 

Câu chuyện Tin Mừng cho biết: khi thấy người bị nạn, “Người Samaritano nhân hậu” ‘động lòng thương, tiến lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho chủ quán mà bảo rằng: ‘Ông hãy săn sóc người ấy và ngoài ra, còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về, tôi sẽ trả lại ông’.

Người thông luật đã hiểu ra, và xác nhận người Samaritano kia là chuẩn mực sống Lề Luật yêu thương của Thiên Chúa. Và Chúa Giê-su nói: “Ông cũng hãy đi và làm như vậy”.

Chúa cũng đang bảo mỗi chúng ta: “Hãy đi và làm như vậy”.

Hãy nhìn thấy sự việc, nhìn thấy người khác bằng con mắt của trái tim để có thể nhận ra ngay điều trái tim mình mách bảo. Hãy đặt mình vào trong hoàn cảnh tình huống của người, để thấu cảm và biết xót thương. Và hãy thực thi ngay điều tốt lành nhất cho người. Hãy nghĩ đến cái lợi cho người và đừng nghĩ đến cái lợi cho ta, nếu không nói là ta hãy bằng lòng chịu thiệt thòi vì yêu người. Ai cũng có hồi bi thương hoạn nạn. Hãy biết chạnh lòng xót thương và thi thố tình thương cho người. Đừng dửng dưng, đừng chần chừ, đừng cầu an. Và nhất là không những đừng làm chuyện bi đát của người thành bi đát thêm, mà còn phải cứu người khỏi cảnh tình bi đát, mới đích thực là người thực hành lề luật yêu thương của Chúa và đáng được Nước Trời.

Câu chuyện Tin Mừng và Lời Chúa dạy nhắc chúng ta rà soát lại cách sống lề luật yêu thương của chúng ta trong xã hội hôm nay.

Rất đáng vui mừng vì các Ki-tô hữu Công Giáo hôm nay đã nhờ Lời Chúa mà thoát ra khỏi cái vỏ ốc ích kỷ, dửng dưng, tham lam, vô cảm, và có nhiều người đã thực sự sống đức yêu thương chan hòa trong gia đình, trong xứ đạo, ngoài xã hội.

Ước gì, người công giáo việt nam nhận ra và dứt khoát không để lây nhiễm loại bệnh vô cảm đang tràn lan trong đất nước mà những con người vô thần, duy vật dẫn cả dân tộc này đi ngược với Tin Mừng, với ơn cứu rỗi.

Chuyện hôi của, hôi bia, hôi vịt, hôi trái cây của người gặp nạn, gần như chỉ có tại Việt Nam. Có phải những người hôi của ấy là đói khổ thiếu thốn lắm đâu. Có lẽ nào họ nghèo túng đến mức không mua nổi lon bia, con vịt hay quả bưởi? Vậy thì có phải bởi lòng tham, cái tính duy vật của mình bành trướng đến mức che mờ cái lương tri, đánh mất cái tình người, và nhất là biến mình trở nên vô cảm cách trơ trẽn, dị thường. Làm người ai làm vậy? Làm vậy có phải là làm người?

Đây là lời cảnh báo sự vô cảm của người Việt Nam đã đến hồi báo động. Đạo đức xã hội xuống cấp, hay xã hội duy vật này làm cho đạo đức của con người xuống cấp? Kìa, người ta cứ theo nhau tôn thờ vật chất, vì cho rằng có vật chất là có tất cả. Lớn có lòng tham lớn, nhỏ có lòng tham nhỏ. Còn quơ quào của chung làm của riêng được hồi nào thì cứ quơ cứ quào. Có đủ mọi thứ vật chất bạc tiền, chức tước mà bất kể mất niềm tin nhau, bất kể chuyện đánh mất cả tình người, như thế là hạnh phúc chăng? Sống chết mặc bay như thế mà gọi là bình an hạnh phúc được sao? Vậy mà, cái ý tưởng duy vật ấy nó thẩm thấu vào lòng con người thời nay đến mức đáng sợ!

Một linh mục Việt Nam kể chuyện: tuần trước, Cha được gọi đi xức dầu bệnh nhân lúc 8 giờ sáng. Cha đi chiếc xe máy. Đến đoạn gần vào khu chợ, một con chó rượt đuổi con chuột cống ngang qua đường, rất gấp. Ngài không thắng kịp nên tông thẳng vào con chó. Ông chủ của con chó đang ngồi uống trà trước hiên, vội lao ra ôm con chó và nói: “Vàng ơi, có sao không con”, rồi quay sang người bị nạn mà mắng xối xả: “Thằng già mắc dịch, chạy xe mà không có con mắt”. Cụ bà bán bún riêu cua bước ra ôm đỡ ông cha dậy. Anh xe ôm lao tới dắt xe cha vào lề. Má phải của cha trầy trụa. Vai phải có vết máu. Và cái ống quần bị rách ở gối phải. Cha có vẻ đau đớn lắm, nhưng đã gượng dậy, cảm ơn mọi người, và tiếp tục đi xức dầu bệnh nhân. Xong việc xức dầu, cha chạy thẳng về nhà xứ. Mấy người đang làm công tác ở nhà thờ nhìn thấy cha mặt mũi máu me, hốt hoảng. Họ xúm lại, rửa vết thương cho cha, băng bó. Có người nghe tin cha bị nạn gọi điện hỏi thăm ‘cha có sao không’. Cha trả lời: “Tông con chó rượt con chuột, mà may quá, con chuột thoát chết, con chó không sao, mình trầy trụa tí tí, không đáng kể”. Kể từ thánh lễ tối hôm ấy người ta thấy cha cà thọt bước lên cung thánh và tay phải của cha không dang ra xa được.

…..

Có người nhận xét:

Tai nạn giao thông ở Việt Nam không biết đã đạt đến kỷ lục thế giới chưa, nhưng chỉ biết ngày nào cũng có, từ thương tích nhẹ đến nặng và đến tử vong. Con số người chết vì tai nạn giao thông có vẻ nhiều hơn con số người chết trong thời kỳ chiến tranh.

Bệnh ung thư ở Việt Nam không biết đã đạt đến kỷ lục thế giới chưa, nhưng chỉ biết là bệnh viện ung bướu nào cũng quá tải đến nổi một giường hai ba bệnh nhân, nằm luôn cả dưới sàn, cả lối đi, cả hiên ngoài khi nóng bức, lúc gió mưa lạnh lẽo …

Có phải vì tai nạn vẫn xảy ra thường ngày và con người ta quen mắt, quen thấy đến nổi vô cảm chăng? Có phải vì chỉ trong một tuần mà ở giáo xứ kia có đến ba người ung thư về với Chúa, làm cho con người ta chẳng lấy làm điều đáng bận tâm nữa chăng?

Thiết nghĩ rằng, tất cả không ngoài thánh ý của Thiên Chúa. Chúa đang nhắc nhớ mỗi chúng ta qua những biến cố trong đời mình và trong đời của tha nhân. Người nghèo khó, bệnh tật, đau khổ có cơ hội để nên thánh. Các Ki-tô hữu Việt Nam lại có cơ hội thực thi lòng thương xót, thực thi lề luật yêu thương để được sống đời đời trong Nước của Thiên Chúa. Hãy hân hoan thực thi lòng thương xót như ý Chúa muốn trong Tin Mừng hôm nay. Đừng từ chối, đừng chần chừ, đừng vô cảm, đừng ích kỷ cũng đừng nguyền rủa những mảnh đời bi đát của anh chị em mình:

“Thằng đó nó say rượu cả đời, rồi giờ thì ung thư gan nằm há mồm chờ sung rụng. Mắc mớ gì cha xứ, hội đồng, gia trưởng vận động mọi người giúp nó?” 

“Con mẹ đó xài quá hao chồng, hao trai. Gần 50 tuổi đời mà chưa nên nết. Tới lúc sida nằm một chỗ, chẳng thấy ông nào, thằng nào đến với nó. Vậy mà, Bà Mẹ Công Giáo lại đi quyên góp giúp cho nó. Thiệt là vô lý!”

“Cha xứ và hội đồng quyên góp được ít tiền làm quà tết cho mấy cụ già neo đơn. Mỗi phần quả nho nhỏ là mắm muối, dầu đường, bột ngọt, lon sữa, gói trà và một trăm ngàn đồng. Thế mà, mùng một tết, có người lái xe con lên thưa cha: “tại sao ông bà già của tui hổng có quà?”

…..

Nếu việc ‘làm cho tình cảnh bi đát trở nên bi đát hơn’, việc ‘nguyền rủa anh em mình, ném đá chị em mình’ hoặc ‘ghen ăn tức ở, hơn thua, tính toán’, là việc của những người vô cảm trong xã hội duy vật này, thì chúng ta, các Ki-tô hữu công giáo phải lội ngược dòng đời ấy, bằng không, chính chúng ta tự đánh mất mình giữa thế gian và cũng chẳng làm chứng được gì cho đạo thánh Chúa.

Hãy sống công chính giữa những bất chính. Hãy sống yêu thương quảng đại sẻ chia giữa những tham lam ích kỷ vô cảm. Mọi người là anh em, là thân cận, là đồng bào, là địa chỉ của trái tim, của tình yêu, là địa chỉ gửi trao lòng xót thương, và cũng là địa chỉ chúng ta tìm được bình an thực, hạnh phúc thực, địa chỉ của Sự Sống Đời Đời.

Hãy cầu nguyện cho mọi người, nhất là những người đau khổ, để họ kết hiệp với khổ đau của Chúa Giê-su mà nên thánh.

Hãy bước xuống, chạm xuống nỗi đau, và hãy tận tình giúp đỡ tất cả những ai đang cần lòng thương xót.

Lạy Chúa xin cho chúng con mặc lấy trái tim thương xót của Chúa, mà xót thương mọi người như Chúa đã xót thương. Amen.

 

PM. Cao Huy Hoàng, 11-7-2019