CẢM NGHIỆM SỐNG LC- THỨ HAI CN27TN-C
- Details
- Category: 2. Cảm Nghiệm Sống Lời Chúa
-
TĨNH CAOOct 6 at 5:53 PM
Thứ Hai CN27TN-C
CẢM NGHIỆM SỐNG Lời Chúa
Bài Ðọc I: (Năm I) Gn 1, 1 - 2, 1. 11
"Ông Giona chỗi dậy lánh xa mặt Chúa".
Khởi đầu sách Tiên tri Giona.
Có lời phán cùng Giona, con trai ông Amathi, rằng: "Ngươi hãy chỗi dậy đi sang Ninivê, một thành rộng lớn, và giảng tại đó, vì tội ác của nó thấu đến Ta".
Giona liền chỗi dậy để trốn sang Tharsê lánh xa mặt Chúa; ông đi xuống Gioppê, gặp tàu đi sang Tharsê, ông liền mua vé, xuống tàu đi với hành khách sang Tharsê, lánh xa mặt Chúa.
Nhưng Chúa khiến trận cuồng phong thổi trên biển và cơn bão táp dữ dội nổi lên, khiến tàu lâm nguy sắp chìm. Các thuỷ thủ lo sợ, hành khách cầu khẩn cùng thần minh của mình. Người ta vứt đồ vật trên tàu xuống biển cho nhẹ bớt, lúc đó ông Giona xuống lòng tàu nằm ngủ mê mệt. Thuyền trưởng đến gần ông và hỏi rằng: "Sao ông ngủ mê mệt như vậy? Hãy chỗi dậy cầu khẩn cùng Thiên Chúa của ông, may ra Thiên Chúa đoái đến chúng ta và chúng ta khỏi chết".
Ai nấy đều bảo đồng bạn mình rằng: "Các anh hãy lại đây, chúng ta bắt thăm coi biết tại sao chúng ta gặp phải tai hoạ này". Rồi họ bắt thăm, thì trúng phải ông Giona. Họ bảo ông rằng: "Xin ông cho chúng tôi biết vì cớ nào chúng ta gặp phải tai hoạ này: Ông làm nghề gì? Ở nơi nào? Ði đâu? Hoặc thuộc dân nào?" Ông trả lời họ rằng: "Tôi là người Do-thái, tôi kính sợ Thiên Chúa là Chúa Trời, Ðấng tạo thành biển khơi và lục địa".
Họ khiếp sợ quá sức và hỏi ông rằng: "Sao ông hành động thế này? (Vì theo lời ông thố lộ, các hành khách biết ông trốn lánh mặt Chúa). Họ liền hỏi ông rằng: "Chúng tôi phải đối xử với ông làm sao đây, để biển yên lặng? vì biển càng động mạnh thêm". Ông bảo họ rằng: "Các ông hãy bắt tôi vứt xuống biển, thì biển sẽ yên lặng, vì tôi biết tại tôi mà các ông gặp phải trận bão lớn lao này".
Các thuỷ thủ cố chèo thuyền vào đất liền, nhưng không sao được, vì biển càng động dữ dội hơn. Họ kêu cầu cùng Chúa rằng: "Lạy Chúa, chúng tôi xin Chúa vì mạng sống người này cho chúng tôi khỏi chết. Xin chớ đổ máu vô tội trên chúng tôi, vì, lạy Chúa, Chúa hành động theo như Chúa muốn". Rồi họ bắt vứt ông Giona xuống biển, và biển liền hết nổi sóng. Mọi người rất kính sợ Chúa, họ tế lễ dâng lên Chúa và làm lời khấn hứa.
Chúa chuẩn bị sẵn một con cá lớn để nuốt ông Giona, và ông Giona ở trong bụng cá ba ngày ba đêm. Sau đó, Chúa truyền lệnh cho cá nhả ông Giona vào bờ.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Gn 2, 2. 3. 4. 5. 8
Ðáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, từ vực sâu thẳm, Chúa đã cứu sống mạng con (c. 7c).
Xướng: 1) Nằm trong bụng cá, ông Giona thưa cùng Chúa là Thiên Chúa của mình rằng: - Ðáp.
2) Trong cảnh gian truân, con đã kêu cầu tới Chúa, và Ngài đã nhậm lời con; tự lòng vực sâu âm phủ, con đã kêu lên, và Ngài đã nghe rõ tiếng con. - Ðáp.
3) Ngài đã ném con xuống vực sâu, trong lòng biển, các dòng nước đã lôi cuốn thân con, bao sóng cả ba đào đều lướt chảy trên mình con. - Ðáp.
4) Bấy giờ con tự nhủ: Con đã bị loại xa khỏi thiên nhan Chúa, nhưng con sẽ còn được xem thấy thánh điện Ngài. - Ðáp.
5) Khi mà trong người con, linh hồn tuyệt vọng, bấy giờ con đã nhớ (tới) Chúa. Lời cầu nguyện của con đã thấu đến tai Ngài, trong nơi thánh điện của Ngài. - Ðáp.
Alleluia: 1 Sm 3, 9; Ga 6, 69
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 10, 25-37
"Ai là anh em của tôi?"
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, có một người thông luật đúng dậy hỏi thử Chúa Giêsu rằng: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?" Người nói với ông: "Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?" Ông trả lời: "Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình". Chúa Giêsu nói: "Ông trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống". Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Nhưng ai là anh em của tôi?"
Chúa Giêsu nói tiếp: "Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa của mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho ông chủ quán mà bảo rằng: "Ông hãy săn sóc người ấy, và ngoài ra còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về tôi sẽ trả lại ông".
"Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?" Người thông luật trả lời: "Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy". Và Chúa Giêsu bảo ông: "Ông cũng hãy đi và làm như vậy".
Ðó là lời Chúa.
SỐNG VÀ CHIA SẺ Lời Chúa
Phụng Vụ Lời Chúa cho Thứ Hai Tuần XXVII Thường Niên hôm nay liên quan đến sự sống đời đời là những gì bất khả phân ly với tính chất đại đồng của tình yêu thương nhau.
Thật vậy, vấn đề được đặt ra trong bài Phúc Âm hôm nay từ "một người thông luật đứng dạy hỏi Chúa Giêsu rằng: 'Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?'", đã được Người trực tiếp khẳng định "Ông trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống", ở chỗ, đúng như câu trả lời của chính nhân vật ấy: "Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình".
Nghĩa là muốn được sống đời đời thì phải mến Chúa hết mình và yêu người như chính bản thân mình. "Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng: 'Nhưng ai là anh em của tôi?'". Tại sao "người đó muốn bào chữa mình" bằng câu hỏi tiếp theo "ai là anh em của tôi?" Phải chăng vì nhân vật này khó có thể yêu thương bất cứ ai, cùng lắm chỉ yêu thương những ai là ruột thịt của mình, những ai mình thích và những ai thích mình, về phe mình, tức là còn đầy khuynh hướng kỳ thị, còn đầy những thành kiến trong đầu, còn đầy ác cảm với tha nhân v.v.?
Có thể là thế. Bởi vậy, Chúa Giêsu đã phải sử dụng một dụ ngôn để cho nhân vật ấy biết "ai là anh em của tôi?", nhờ đó mà noi gương bắt chước: "đi và làm như vậy", sau khi nhân vật này đã nhận xét rất đúng theo câu hỏi Chúa Giêsu đặt ra để kết thúc dụ ngôn của Người: "'Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?' Người thông luật trả lời: 'Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy'".
Vậy "Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy" là ai và "người ấy" là người nào? Nếu không phải "người ấy" là "Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết".
Và "Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy" là ai - theo nhân vật thông luật trả lời thì không phải là "một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua", mà là "một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa của mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho ông chủ quán mà bảo rằng: 'Ông hãy săn sóc người ấy, và ngoài ra còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về tôi sẽ trả lại ông'".
Vấn nạn của nhân vật thông luật "ai là anh em của tôi", theo dụ ngôn của bài Phúc Âm hôm nay, không được Chúa Giêsu trả lời đó chính là nạn nhân bị rơi vào tay bọn cướp, mà vấn đề hoàn toàn ngược hẳn lại "ai là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp".
Có nghĩa là, theo kinh nghiệm sống đạo và giao tiếp, bao lâu chúng ta còn đặt vấn đề "ai là anh em của tôi?" là chúng ta còn khuynh hướng kỳ thị, còn kẻ thù, thậm chí là chính những người ruột thịt của chúng ta, bởi chúng ta còn muốn chọn lựa anh em theo ý nghĩ, ý thích và ý muốn tự nhiên thiên lệch đầy vị kỷ của mình, và vì thế chúng ta vẫn còn gặp rất nhiều kẻ thù, rất nhiều đối phương, bất kể người ấy là ai, là thân nhân, ân nhân, thân hữu của mình một thời v.v.
Ngược lại, nếu chúng ta coi mình là anh em của mọi người thì sẽ chẳng bao giờ còn kẻ thù, còn đối phương, còn tranh giành, còn ghen ghét, còn đố kỵ v.v. Chúng ta sẽ như Chúa Kitô đến không phải để được phục vụ mà là phục vụ (xem Mathêu 20:28), sống hòa đồng với mọi người, tiến đến với mọi người, bất kỳ ai, nhất là những con người thấp hèn bé mọn bần cùng khốn khổ trong xã hội, hơn là chờ mọi người đến với mình, hơn là quen thân gắn bó với thành phần giầu sang quyền quí thế lực v.v.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên
Ngày 7 tháng 10
Lễ Ðức Mẹ Mân Côi
Lễ Kính
Bài Ðọc I: St 3, 9-15. 20
"Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa miêu duệ mi và miêu duệ người phụ nữ".
Trích sách Sáng Thế.
Thiên Chúa đã gọi Ađam và phán bảo ông rằng: "Ngươi đang ở đâu?" Ông đã thưa: "Con đã nghe thấy tiếng Ngài trong vườn địa đàng, nhưng con sợ hãi, vì con trần truồng và con đang ẩn núp".
Chúa phán bảo ông rằng: "Ai đã chỉ cho ngươi biết rằng ngươi trần truồng, há chẳng phải tại ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi không được ăn ư?" Ađam thưa lại:"Người phụ nữ Chúa đã cho làm bạn với con, chính nàng đã cho con trái cây và con đã ăn". Và Thiên Chúa phán bảo người phụ nữ rằng: "Tại sao ngươi đã làm điều đó?" Người phụ nữ thưa:"Con rắn đã lừa dối con và con đã ăn".
Thiên Chúa phán bảo con rắn rằng: "Bởi vì mi đã làm điều đó, mi sẽ vô phúc ở giữa mọi sinh vật và mọi muông thú địa cầu; mi sẽ bò đi bằng bụng, và mi sẽ ăn bùn đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì sẽ rình cắn gót chân người".
Và Ađam đã gọi tên vợ mình là Evà: vì lẽ bà là mẹ của chúng sinh.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: 1 Sm 2, 1. 4-5. 6-7. 8
Ðáp: Tâm hồn tôi nhảy mừng trong Chúa, Ðấng Cứu độ tôi (c. 1a).
Xướng: 1) Tâm hồn tôi nhảy mừng trong Chúa, và sức mạnh tôi được gia tăng trong Thiên Chúa tôi; miệng tôi mở rộng ra trước quân thù, vì tôi reo mừng việc Chúa cứu độ tôi. - Ðáp.
2) Chiếc cung những người chiến sĩ đã bị bẻ gãy, và người yếu đuối được mạnh khoẻ thêm. Những kẻ no nê phải làm thuê độ nhật, và những người đói khát khỏi phải làm thuê; người son sẻ thì sinh năm đẻ bảy, còn kẻ đông con nay phải héo tàn. - Ðáp.
3) Chúa làm cho chết và Chúa làm cho sống, Chúa đày xuống Âm phủ và Chúa dẫn ra. Chúa làm cho nghèo và làm cho giàu có, Chúa hạ xuống thấp và Chúa nâng lên cao. - Ðáp.
4) Từ nơi cát bụi, Chúa nâng người yếu đuối; từ chỗ phân nhơ, Chúa nhắc kẻ khó nghèo, để cho họ ngồi chung với các vương giả, và cho họ dự phần ngôi báu vinh quang. - Ðáp.
Bài Ðọc II: Rm 5, 12. 17-19
"Nơi nào tội lỗi đầy tràn, thì Người ban ơn thánh dư dật".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, cũng như do một người mà tội lỗi đã nhập vào thế gian, và do tội lỗi mà có sự chết, và thế là sự chết đã truyền đến mọi người, vì lẽ rằng mọi người đã phạm tội. Vì nếu bởi tội của một người mà sự chết đã thống trị do một người đó, thì những người lãnh được ân sủng và ơn huệ dồi dào bởi đức công chính, càng được thống trị hơn nữa trong sự sống do một người là Ðức Giêsu Kitô. Do đó, tội của một người truyền đến mọi người đưa tới án phạt như thế nào, thì đức công chính của một người truyền sang mọi người đưa tới bậc công chính ban sự sống cũng như thế. Vì như bởi tội không vâng lời của một người mà muôn người trở thành những tội nhân thế nào, thì do đức vâng lời của một người mà muôn người trở thành kẻ công chính cũng như thế.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Lc 1, 28
Alleluia, alleluia! - Kính chào Maria đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ; Trinh Nữ được chúc phúc giữa các người phụ nữ. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 1, 26-38
"Này Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một Con trai".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Thiên Thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: "Kính chào Trinh Nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ". Nghe lời đó, Trinh Nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: "Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này Trinh Nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận.
Nhưng Maria thưa với thiên thần: "Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?"
Thiên thần thưa: "Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Ðấng trinh nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được".
Maria liền thưa: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền". Và thiên thần cáo biệt trinh nữ.
Ðó là lời Chúa.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: "Kinh mân côi là kinh nguyện tôi yêu thích"
Trong Huấn Từ Truyền Tin đầu tiên mở màn cho giáo triều của mình, Chúa Nhật 29/10/1978, tức là sau Chúa Nhật 22/10/1978 là thời điểm Lễ Đăng Quang Giáo Hoàng của mình, vị tân Giáo Hoàng Thánh Mẫu với khẩu hiệu giáo hoàng “totus tuus” chưa từng có trong lịch sử Giáo Hội, đã bày tỏ lòng biệt tôn Thánh Mẫu của mình bằng những lời lẽ kết thúc Tháng Mân Côi của Mẹ, những lời lẽ như dạo khúc cho thấy trước những gì ngài sẽ chính thức bày tỏ trong Tông Thư “Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria”, một văn kiện được ngài ban hành vào chính dịp kỷ niệm đúng 24 năm được bầu làm giáo hoàng của mình, ngày 16/10/2002, để mở màn cho Năm Mân Côi là năm kéo dài cho tới ngày 19/10/2003, một Năm Thánh Mẫu dọn đường cho Năm Thánh Thể ngay sau đó, kéo dài từ ngày 17/10/2004 cho đến ngày 23/10/2005 cuối tháng này. Sau đây là nguyên văn những lời dạo khúc về Kinh Mân Côi của vị giáo hoàng totus tuus này:
… Tôi muốn anh chị em hãy chú tâm đến kinh mân côi. Thật vậy, Tháng 10 là tháng được giành riêng cho kinh mân côi trong khắp cả Giáo Hội.
Kinh mân côi là kinh nguyện tôi yêu thích. Một kinh nguyện tuyệt vời! Tuyệt vời ở tính cách giản dị của nó mà lại sâu xa của nó. Nơi kinh nguyện này chúng ta lập lại nhiều lần những lời mà Trinh Nữ Maria đã nghe được từ vị Tổng Lãnh Thiên Thần, cũng như từ bà Isave chị họ của Trinh Nữ. Toàn thể Giáo Hội liên kết với những lời này. Có thể nói rằng kinh mân côi, ở một nghĩa nào đó, là lời dẫn giải nguyện cầu về chương cuối cùng của Hiến Chế Công Đồng Chung Vaticanô II Ánh Sáng Muôn Dân Lumen Gentium, một chương bàn đến việc hiện diện tuyệt vời của Mẹ Thiên Chúa nơi mầu nhiệm của Chúa Kitô và của Giáo Hội.
Thật vậy, trước bức phông có những lời “Kính Mừng Maria” linh hồn thấy hiện lên trước mắt những cảnh đời chính của Chúa Giêsu Kitô. Những cảnh đời này hợp lại thành những mầu nhiệm vui, thương và mừng, và chúng giúp chúng ta sống hiệp thông với Chúa Giêsu, có thể nói, nhờ trái tim của Mẹ Người.
Lòng của chúng ta, nơi những chục kinh mân côi này, đồng thời cũng có thể ấp ủ tất cả những sự kiện làm nên cuộc sống cá nhân, gia đình, quốc gia, Giáo Hội và nhân loại. Những vấn đề cá nhân và những vấn đề của tha nhân, đặc biệt là của những ai gần chúng ta nhất, những ai thân thiết với chúng ta nhất. Nhờ đó, nhịp điệu của cuộc đời con người rung động theo lời kinh nguyện mân côi chân thành giản dị này.
Trong ít tuần vừa rồi, tôi đã có dịp được gặp gỡ nhiều người, nhiều đại diện thuộc một số quốc gia và những môi trường khác nhau, cũng như thuộc các Giáo Hội và cộng đồng Kitô giáo khác nhau. Tôi muốn anh chị em tin tưởng rằng tôi đã không ngừng chuyển dịch những mối liên hệ này thành ngôn ngữ của kinh mân côi, để mọi người tìm thấy bản thân mình nơi tâm điểm của thứ kinh nguyện cống hiến một chiều kích trọn vẹn cho tất cả mọi sự đây.
Trong những tuần lễ cuối cùng này đây, tôi và Tòa Thánh thấy có nhiều dấu chứng tỏ thiện chí của dân chúng trên khắp thế giới. Tôi muốn chuyển dịch niềm tri ân của tôi thành những chục kinh mân côi để thể hiện niềm tri ân ấy bằng lời nguyện cầu, cũng như theo kiểu cách của con người; bằng kinh nguyện rất giản dị nhưng lại rất phong phú này.
Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo VIS