CẢM NGHIỆM SỐNG LC - CN28TN-C

 

  •  
    JeromeOct 6 at 3:37 AM
     
     

    SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY

    CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN NĂM C (13/10/2019)

    LÒNG BIẾT ƠN VÀ LỜI TẠ ƠN

    [ 2 V 5,14-17; 2 Tm 2,8-13; LC 17,11-19]

     

    I. DẪN VÀO LỜI CHÚA

    Trong các nền văn hóa, dù Đông hay Tây Phương, dù văn minh hay mọi rợ, thì lòng biết ơn và lời cám ơn là nét đẹp văn hóa vô cùng quan trọng. Biết ơn và cám ơn không chỉ ở lãnh vực và cấp độ cá nhân, mà cả ở lãnh vực và cấp độ quốc gia. Lễ Tế Đàn Nam Giao của các vua triều Nguyễn là nét đẹp của văn hóa Việt Nam: Ngày đầu năm nhà vua dâng lễ vật và lời tạ ơn lên Trời Đất, thay cho bá quan văn võ và thần dân. Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) cuối tháng 11 mỗi năm là nét đẹp của văn hóa Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Lễ này đã có từ thời những người Anh đến lập nghiệp trên mảnh đất mênh mông và trù phú này.

    Với các Ki-tô hữu, dù thuộc dân tộc và nền văn hóa nào, thì lòng biết ơn và lời cám ơn còn mang một chiều kích tôn giáo và tâm linh, vừa nhân bản vừa linh thiêng sâu sắc. Thánh Lễ Mi-sa được gọi là Lễ Tạ Ơn. Vì chưng, có ơn nào cao trọng cho bằng Ơn Cứu Độ mà Chúa Giê-su Ki-tô, Thiên Chúa làm nguời, đã đem đến cho nhân loại bằng cuộc Thưong Khó và cái chết thập giá của Người?

      CAC BẠN CẦN học bài học của tướng Na-a-man (bài đọc 1), của Thánh Phao-lô (bài đọc 2), và của người bệnh phong Sa-ma-ri được chữa lành (bài Phúc Âm), mà sống và thể hiện lòng biết ơn của chúng ta đối với Thiên Chúa và Chúa Giê-su Ki-tô. Vì thế cho nên mỗi khi chúng ta cầu nguyện cùng Thiên Chúa, thì tâm tình và lời “tạ ơn” phải là tâm tình và lời nói trước nhất của chúng ta.          

    II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

    2.1 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 1 (2 V 5,14-17) : "Na-a-man trở lại gặp người của Thiên Chúa và ông tuyên xưng Chúa" Trong những ngày ấy, Na-a-man, quan lãnh binh của vua xứ Sy-ri-a, xuống tắm bảy lần ở sông Gio-đan như lời tiên tri, người của Thiên Chúa dạy, da thịt ông lại trở nên tốt như da thịt của đứa trẻ, và ông được sạch.

    Sau đó, ông và đoàn tuỳ tùng trở lại gặp người của Thiên Chúa. Đến nơi, ông đứng trước mặt người của Thiên Chúa và nói: "Thật tôi biết không có Thiên Chúa nào khác trên hoàn vũ, ngoài một Thiên Chúa ở Is-ra-el. Vì thế, tôi xin ông nhận lấy phần phúc của tôi tớ ông".

    Tiên tri trả lời rằng: "Có Chúa hằng sống, tôi đang đứng trước mặt Người: Thật tôi không dám nhận đâu". Na-a-man cố nài ép, nhưng tiên tri không nghe. Na-a-man nói thêm rằng: "Tuỳ ý ông, nhưng tôi xin ông ban phép cho tôi, là đầy tớ của ông, được chở một ít đất vừa sức hai con la chở được, vì từ nay ngoài Chúa, tôi tớ của ông sẽ chẳng dâng của lễ toàn thiêu hoặc hy lễ cho thần minh nào khác".

     

    2.2 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 2 (2 Tm 2,8-13) : "Nếu chúng ta kiên tâm chịu đựng, chúng ta sẽ cùng thống trị với Đức Ki-tô" Con thân mến, con hãy nhớ rằng Chúa Giê-su Ki-tô bởi dòng dõi Đa-vít, đã từ cõi chết sống lại, theo như Tin Mừng cha rao giảng. Vì Tin Mừng đó mà cha phải đau khổ đến phải chịu xiềng xích như một kẻ gian ác, nhưng lời của Thiên Chúa đâu có bị xiềng xích! Vì thế, cha cam chịu mọi sự vì những kẻ được tuyển chọn, để họ được hưởng ơn cứu độ cùng với vinh quang trên trời trong Đức Giê-su Ki-tô.

    Đây cha nói thật: Nếu chúng ta cùng chết với Người, thì chúng ta cùng sống với Người. Nếu chúng ta kiên tâm chịu đựng, chúng ta sẽ cùng thống trị với Người. Nếu chúng ta chối bỏ Người, thì Người cũng sẽ chối bỏ chúng ta. Nếu chúng ta không tin Người, Người vẫn trung thành, vì Người không thể chối bỏ chính mình Người.

     

    2.3 Lắng nghe Lời Chúa trong bài Tin Mừng (Lc 17,11-19: "Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này" Khi Chúa Giê-su đi lên Giê-ru-sa-lem, Người đi qua biên giới Sa-ma-ri-a và Ga-li-lê-a. Khi Người vào một làng kia, thì gặp mười người phong cùi đang đứng ở đàng xa, họ cất tiếng thưa rằng: "Lạy Thầy Giê-su, xin thương xót chúng tôi". Thấy họ, Người bảo họ rằng: "Các ngươi hãy đi trình diện với các tư tế". Trong lúc họ đi đường, họ được lành sạch. Một người trong bọn họ thấy mình được lành sạch, liền quay trở lại, lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa, rồi đến sấp mình dưới chân Chúa Giê-su và tạ ơn Người, mà người ấy lại là người xứ Sa-ma-ri-a.

    Nhưng Chúa Giê-su phán rằng: "Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này". Rồi Người bảo kẻ ấy rằng: "Ngươi hãy đứng dậy mà về: vì lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi".

     

    III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

    3.1 Chân dung Thiên Chúa trong 3 bài Thánh Kinh    

    3.1.1 Bài đọc 1 (2 V 5,14-17) là câu truyện ông Na-a-man, một vị tướng chỉ huy quân đội của vua A-ram (Xy-ri), được chữa lành khỏi bệnh phong nhờ tắm sông Gio-đan bẩy lần theo lời khuyên của ngôn sứ Ê-li-sa. Để tỏ lòng biết ơn, ông Na-a-man đã trở lại gặp vị ngôn sứ, long trọng tuyên bố rằng “trên khắp mặt đất, không đâu có Thiên Chúa, ngoại trừ ở Ít-ra-en”. Ông Na-a-man còn xin tặng quà cho ông Ê-li-sa. Vì vị ngôn sứ nhất định không nhận, nên ông xin được lấy một ít đất mang về quê hương để luôn nhớ đến ơn chữa lành của Thiên Chúa Ít-ra-en.   

    Nhờ đoạn của Sách Các Vua (5,14-17) này, chúng ta khám phá ra Thiên Chúa là Đấng đã dùng nước sông Gio-đan mà chữa lành ông Na-a-man khỏi bệnh phong. Bệnh phong là bệnh ngoài da nhưng có căn nguyên, gốc rễ từ bên trong thân thể con người. Bệnh phong là một bệnh gớm ghiếc trước mắt mọi người, nhất là ở thời xưa. Thiên Chúa chữa lành tướng Na-a-man khỏi bệnh phong là giải thoát ông chẳng những khỏi bệnh mà còn khỏi mặc cảm và xấu hổ với mọi người.

     

    3.1.2 Bài đọc 2 (2 Tm 2,8-13) là những lời giảng dậy hay đúng hơn là lời tâm sự hay chia sẻ thân tình của Thánh Phao-lô với người cộng sự thân yêu là ông Ti-mô-thê. Tuy chỉ là đôi lời ngắn ngủi nhưng lại mang một nội dung sâu sắc và cốt yếu của Ki-tô giáo: Chúa Giê-su đã sống lại từ cõi chêt. Người gắn bó và liên kết chặt chẽ với những ai tin vào Người, đến độ vẫn trung tín với ta ngay cả khi ta không trung tín với Người. Vì khám phá ra Chúa Giê-su là Đấng như thế nên Thánh Phao-lô sẵn sàng,  “chịu khổ” và “phải mang cả xiềng xích như một tên gian phi” vì Tin Mừng của Chúa Giê-su.

    Trong đoạn thư thứ hai gửi ông Ti-mô-thê (2,8-13) chúng ta thấy Chúa Giê-su, - Thiên Chúa làm người - là Đấng thật tuyệt vời như Thánh Phao-lô đã quảng diễn trong câu này: “Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người. Nếu ta chối bỏ Người, Người cũng sẽ chối bỏ ta. Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình.”

     

    3.1.3 Bài Tin Mừng (Lc 17,11-19) là câu truyện Chúa Giê-su chữa lành 10 người bị bệnh phong mà chỉ có một người trở lại cám ơn Chúa. Câu truyện xẩy ra trong vùng biên giới giữa Sa-ma-ri và Ga-li-lê. Ga-li-lê là đất dân nội (có đạo); còn Sa-ma-ri là đất dân ngoại (không có đạo, đối với con mắt của người Do-thái thời Chúa Giê-su). 9 người có đạo được ơn chữa lành đều đi luôn. Chỉ có 1 người ngoại đạo được ơn chữa lành là biết quay trở lại để cám ơn Chúa Giê-su là người đã chữa lành anh. Chữa lành hiểu theo hai nghĩa: khỏi bệnh phần xác, được hội nhập cộng đồng.          

    Nhờ đoạn Phúc âm Lc 17,11-19 này chúng ta khám phá ra Thiên Chúa và Chúa Giê-su, Thiên Chúa làm người, là Đấng ban ơn cho hết mọi người: cho người ở trong cũng như kẻ ở ngoài (tức cho người giáo cũng như kẻ lương), cho người biết ơn cũng như người quên ơn, cho người lành cũng như kẻ dữ, cho kẻ trung tín cũng như kẻ bất trung…. 

    3.2 Sứ điệp của Lời Chúa       

    Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay gồm hai khía cạnh, một ở phía Thiên Chúa, một ở phía chúng ta:

    * Phía Thiên Chúa: Thiên Chúa và Chúa Giê-su, Thiên Chúa làm người, là Đấng ban ơn cho hết mọi người: cho người ở trong cũng như kẻ ở ngoài, (tức cho người giáo cũng như kẻ lương), cho người biết ơn cũng như người quên ơn, cho người lành cũng như kẻ dữ, cho kẻ trung tín cũng như kẻ bất trung….

    * Phía chúng ta:  Thiên Chúa làm ơn không phải để được đền ơn. Nhưng người chịu ơn phải biết thể hiện lòng biết ơn. Cách tốt nhất và đầy đủ nhất để thể hiện lòng biết ơn là nhìn nhận Thiên Chúa là Chúa duy nhất (như tướng Na-a-man), Chúa Giê-su la Chúa (như người phong Sa-ma-ri) và dấn thân loan báo Tin Mừng Cứu Độ của Thiên Chúa (như Thánh Phao-lô).

    IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI

    4.1 Sống với Thiên Chúa Đấng đã ban muôn vàn ơn cho nhân loại, trong đó có mỗi người chúng ta. Ơn lớn lao nhất là Ơn cứu độ.

    4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa 

    Suy nghĩ một chút, tôi thấy để thực thi sứ điệp của Lời Chúa hôm nay, tôi phải làm 2 việc sau đây:

    Nhìn nhận Thiên Chúa là Chúa duy nhất, Chúa Giê-su là Chúa, của toàn thể nhân loại và của riêng tôi; là Đấng ban ơn cho hết mọi người; là Đấng đã ban cho tôi tất cả (sự hiện hữu, xác, hồn. sức khỏe, khả năng, của cải, thời gian, cơ hội, hoàn cảnh sống và phục vụ).

    Thể hiện lòng biết ơn đối với Thiên Chúa bằng tâm tình biết ơn và lời ca tạ ơn; bằng cống hiến cho công cuộc loan báo Tin Mừng và phục vụ tha nhân theo phương châm là chính lời của Chúa Giê-su “Được nhưng không, hãy cho đi nhưng không!”

    V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH

    5.1 «Tướng Na-a-man bước vào, đứng trước mặt ông Ê-li-sa và nói: «Nay tôi biết rằng: trên khắp mặt đất, không đâu có Thiên Chúa, ngoại trừ ở Ít-ra-en.»  Cùng với Đức Mẹ Mân Côi, chúng ta cùng dâng lời cầu xin Chúa cho các dân, các nước sớm nhận ra Thiên Chúa là Đấng Tạo Dựng và Cứu Độ mà tôn thờ một mình Người mà thôi.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    5.2 «Đây là lời đáng tin cậy: Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người.» Cùng với Đức Mẹ Mân Côi, chúng ta cùng dâng lời cầu xin Chúa cho Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế và cho hết mọi Ki-tô hữu để mọi thành phần Dân Chúa sống gắn bó mật thiết với Chúa Giê-su Ki-tô là  Cứu Chúa của nhân loại.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    5.3 «Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu?  Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?»  Cùng với Đức Mẹ Mân Côi, chúng ta cùng dâng lời cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta, để mọi giáo dân lớn bé già trẻ biết thể hiện lòng biết ơn đối với Thiên Chúa là Đấng ban mọi ơn lành.

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    5.4 «Nếu ta chối bỏ Người, Người cũng sẽ chối bỏ ta.» Cùng với Đức Mẹ Mân Côi, chúng ta cùng dâng lời cầu xin Chúa cho những người đã lãnh nhận Bí Tích Phép Rửa mà nay sao lãng với đời sống Đạo, để họ ý thức về sự thiệt thòi và nguy hiểm đang được dành cho họ.  

    Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

     

    Sàigòn ngày 06 tháng 10 năm 2019

    Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.         

     

    -----------------------------------