CẢM NGHIỆM SỐNG LC - THỨ SÁU CN26TN-A

 

  •  
    Tinh Cao
     
     
     

    Thứ Sáu CN25TN-A

     

    THAM DỰ TIỆC Lời Chúa

     

    Bài Ðọc I: (Năm II) Gv 3, 1-11

    "Vạn vật dưới bầu trời đều trải qua thời gian của chúng".

    Trích sách Giảng Viên.

    Mọi sự đều có thì giờ của chúng. Vạn vật dưới bầu trời đều trải qua thời gian của chúng. Có thời gian sinh, thì cũng có thời gian chết. Có thời gian trồng xuống, thì cũng có thời gian nhổ lên cái đã trồng. Có thời gian giết chết, thì cũng có thời gian chữa lành. Có thời gian phá huỷ, thì cũng có thời gian xây dựng. Có thời gian khóc lóc, thì cũng có thời gian cười vui. Có thời gian than van, thì cũng có thời gian nhảy múa. Có thời gian rải đá, thì có thời gian thu lượm lại. Có thời gian gần gũi, thì cũng có thời gian xa cách. Có thời gian thâu hoạch, thì cũng có thời gian tiêu tán đi. Có thời gian gìn giữ, thì cũng có thời gian loại bỏ. Có thời gian xé rách, thì cũng có thời gian vá lại. Có thời gian thinh lặng, thì cũng có thời gian nói năng. Có thời gian yêu thương, thì cũng có thời gian giận ghét. Có thời gian chinh chiến, thì cũng có thời gian hoà bình.

    Con người còn được gì do công lao vất vả của mình? Tôi suy nghĩ về sự khổ cực mà Thiên Chúa đã để cho con cái loài người phải chịu đựng.

    Chúa tác tạo vạn vật trong thời gian Chúa muốn, và trao phó thế gian cho loài người tranh giành, nhưng con người không hiểu được việc Thiên Chúa đã làm từ đầu đến cuối.

    Ðó là lời Chúa.

     

    Ðáp Ca: Tv 143, 1a và 2abc. 3-4

    Ðáp: Ôi Ðá Tảng của con, chúc tụng Chúa! (c. 1a)

    Xướng: 1) Ôi Ðá Tảng của con, chúc tụng Chúa! Chúa là Tình Thương và là chiến lũy, là Ðấng phù trợ và giải phóng con. Chúa là khiên thuẫn, là chỗ con nương náu. - Ðáp.

    2) Lạy Chúa, nhân loại là chi mà Chúa chăm nom, con người là chi mà Chúa thương nghĩ tới? Con người ta như hơi gió thoảng, đời người ta như bóng thoáng qua. - Ðáp.

     

    Alleluia: Tv 94, 8ab

    Alleluia, alleluia! - Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng. - Alleluia.

     

    Phúc Âm: Lc 9, 18-22

    "Thầy là Ðấng Kitô của Thiên Chúa. Con Người phải chịu nhiều đau khổ".

    Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

    Việc xảy ra là khi Chúa Giêsu cầu nguyện riêng một nơi, và có các môn đệ ở với Người, thì Người hỏi các ông rằng: "Những đám dân chúng bảo Thầy là ai?" Các ông thưa rằng: "Người thì bảo là Gioan Tẩy giả, kẻ khác lại cho là Êlia, còn người khác thì cho là một trong các tiên tri thời xưa, đã sống lại". Người lại hỏi các ông rằng: "Phần các con, các con bảo Thầy là ai?" Simon Phêrô thưa rằng: "Thầy là Ðấng Kitô của Thiên Chúa". Và Người ngăn cấm các ông không được nói điều đó với ai mà rằng: "Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại".

    Ðó là lời Chúa.

     

     

    image.png

    Suy Niệm / CẢ M Nghiệm SỐNG LỜI CHÚA

     

    Căn Tính Thần Linh nơi Nhân Vật Lịch Sử Giêsu Nazarét


    Bài Phúc Âm của Thánh ký Luca hôm nay, Thứ Sáu Tuần XXV Thường Niên, trùng với bài Phúc Âm của Thánh ký Marco của Chúa Nhật XXV đầu tuần vừa rồi, cũng như trùng với bài Phúc Âm của Thánh ký Mathêu cho Thứ Năm Tuần XVIII Thường Niên. 
     
    Cả 3 bài Phúc Âm đều thuật lại sự kiện dân chúng nói chung và các môn đệ nói riêng cảm nhận về căn tính của Chúa Giêsu: "Phần các con, các con bảo Thày là ai?". Ở Phúc Âm của Thánh ký Marco thì câu trả lời của vị đại diện tông đồ đoàn bấy giờ là Thánh Phêrô đã thưa ngắn nhất: "Thày là Đức Kitô" (8:29), và ở Phúc Âm của Thánh ký Mathêu câu trả lời của ngài lại dài nhất: "Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (16:16), còn ở bài Phúc Âm của Thánh ký Luca hôm nay câu trả lời của ngài vừa phải, hòa hợp giữa 2 câu trả lời ngắn dài trên đây: "Thầy là Ðấng Kitô của Thiên Chúa".
     
    Câu trả lời tuyên xưng đức tin của Thánh Phêrô được 3 Phúc Âm trong bộ Phúc Âm Nhất lãm thuật lại hơi khác nhau về văn tự, nhưng nội dung vẫn như nhau. Ở chỗ "Thày là Đức Kitô" (Phúc Âm Thánh Marco), cho dù "Đức Kitô" ấy "của Thiên Chúa" (Phúc Âm Thánh Luca) hay là "Con Thiên Chúa hằng sống" (Phúc Âm Thánh Mathêu). Bởi vì, tự bản chất "Đức Kitô" phải là Con Thiên Chúa, là Đấng Thiên Sai Cứu Thế, bằng không, không phải là "Đức Kitô". 
     
    Tuy nhiên, theo mạc khải thần linh, "Đức Kitô" này, "Đức Kitô" được chung dân chúng cảm nhận như là một vị đại tiên tri, như Gioan Tẩy Giả hay như Elia, cũng như được riêng các tông đồ tuyên xưng đúng như căn tính của Người, đúng như sự thật nơi nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét này, lại có một dung nhan lưỡng diện, chẳng những có mặt phải mà còn có cả mặt trái nữa.
     
    Vậy nếu mặt phải của dung nhan lưỡng diện này của "Đức Kitô" là gì, nếu không phải là "Con Thiên Chúa hằng sống" (Phúc Âm Thánh Mathêu), thì mặt trái của dung nhan Người là gì, nếu không phải là Đấng Vượt Qua, như cả 3 Phúc Âm Nhất lãm này cho thấy, hay trong bài Phúc Âm của Thánh ký Luca hôm nay thuật lại: "Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại". 
     
    Chính mặt trái nơi dung nhân của "Đức Kitô" này đã khiến cho chung dân Do Thái, đặc biệt là thành phần thày dạy lề luật của họ là luật sĩ và biệt phái, nhất là Hội Đồng Đầu Mục Do Thái lãnh đạo trong dân, thậm chí bao gồm cả thành phần môn đệ thân tín nhất của "Đức Kitô" là các tông đồ, tất cả đều vấp phạm vì Người, tức không nhận ra Người, đến độ phản nộp Người, chối bỏ Người, lên án Người, thách đố nhạo báng Người xuống khỏi thập giá để họ tin Người quả thực là Đấng Thiên Sai (xem Mathêu 27:39-42; Marco 15:29-32; Luca 23:35).
     
    Thật vậy, làm sao dân Do Thái nói chung và các tông đồ môn đệ của Người nói riêng có thể nhận ra Người và chấp nhận Người được, nếu qua lời tiên báo về cuộc vượt qua của Người lần thứ nhất này trở thành hiện thực, khi mà một "Đức Kitô" khôn ngoan giảng dạy và quyền năng chữa lành ấy lại có một dung nhan thật trái khuấy, hoàn toàn bị biến dạng trông vô cùng ghê rợn, đến độ Người không còn dung nhan hình hài gì nữa (xem Isaia 52:14), thậm chí Người còn trở nên như sâu bọ đất không còn là người (xem Thánh Vịnh 22:7), một sự thật quá ư là phũ phàng và vô cùng bất xứng với danh phận vô cùng uy nghi cao cả và thiện hảo của một Đấng Thiên Sai, "Con Thiên Chúa hằng sống".
     
    Trong đời sống tu đức cũng thế, theo bản tính và khuynh hướng tự nhiên, không ai trong loài người nói chung và Kitô hữu nói riêng lại yêu thích đau khổ thử thách, trái lại, còn tìm cách xa lánh và tiêu diệt nó bao nhiêu có thể. Bởi thế, ai cũng sung sướng khi được may lành và chúc phúc trong cuộc sống, cũng như nơi mọi việc mình làm, nhất là khi được ơn an ủi lúc mới bước chân vào đường trọn lành hay khi mới tĩnh tâm xong v.v. Thế nhưng khi đụng độ với đau khổ, tức khi giáp mặt với một "Đức Kitô" khổ nạn và tử giá đầy thương tích vô cùng khủng khiếp và ghê rợn, mới biết được cường độ đức tin của chúng ta mạnh mẽ tới đâu, mức độ đức cậy của chúng ta vững chắc tới chừng nào, và nhiệt độ đức mến của chúng ta sốt nóng tới độ nào!

    Tuy nhiên, sở dĩ dân chúng nói chung và môn đệ thân tín của Chúa Kitô nói riêng chưa thể chấp nhận được phũ phàng ấy: "Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại", đến độ Người đã phải "ngăn cấm các ông không được nói điều đó với ai", điều được tông đồ Phêrô vừa tuyên xưng: "Thầy là Ðấng Kitô của Thiên Chúa", là vì chưa tới lúc hay tới độ họ hiểu được, cho tới khi sự thật vô cùng huyện nhiệm này được hiện thực, nhất là khi họ nhận được Thần Chân Lý là Đấng "dẫn họ vào tất cả sự thật" (Gioan 16:13).

    Đó là lý do Sách Giảng Viên trong Bài Đọc 1 hôm nay mới chí lý cảm nhận rằng: "Mọi sự đều có thì giờ của chúng. Vạn vật dưới bầu trời đều trải qua thời gian của chúng...  Có thời gian khóc lóc, thì cũng có thời gian cười vui. Có thời gian than van, thì cũng có thời gian nhảy múa... Có thời gian thinh lặng, thì cũng có thời gian nói năng... con người không hiểu được việc Thiên Chúa đã làm từ đầu đến cuối".

    Bởi thế, đối với Thiên Chúa, con người hãy tin tưởng cậy trông vào Đấng Quan Phòng thần linh, không bao giờ bỏ họ, nhưng luôn chăm lo cho họ, vào thời điểm của Ngài và bằng phương thế khôn ngoan của Ngài, đúng như cảm nhận của các câu Thánh Vịnh 143 ở Bài Đáp Ca hôm nay:

     

    1) Ôi Ðá Tảng của con, chúc tụng Chúa! Chúa là Tình Thương và là chiến lũy, là Ðấng phù trợ và giải phóng con. Chúa là khiên thuẫn, là chỗ con nương náu.

    2) Lạy Chúa, nhân loại là chi mà Chúa chăm nom, con người là chi mà Chúa thương nghĩ tới? Con người ta như hơi gió thoảng, đời người ta như bóng thoáng qua.

     

     Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên

     

     

      

     

     

    --