CẢM NGHIỆM SỐNG - DẤU THÁNH GIÁ-& SƯ KẾT NỐI

 

  •  
    nguyenthi leyen
     
    Fri, May 28 at 10:06 PM
     
     
     
     
     
     
    Ảnh cùng dòng


    DẤU THÁNH GIÁ VÀ SỰ KẾT NỐI

     

    Dấu thánh giá cho thấy được mối tương liên giữa Ba Ngôi Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa vì yêu thương đã quan tâm, đã liên đới đến con người và mong muốn chia sẻ tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa cho con người. 

     

    Trong ngày lễ Chúa Ba Ngôi hôm nay, tôi xin chia sẻ với anh chị em một đề tài rất đỗi quen thuộc, đó là ý nghĩa của dấu thánh giá trong cuộc sống đức tin của mỗi người chúng ta. Chắc chắn rằng ngay cả một em rất nhỏ cũng có thể đã biết làm dấu thánh giá là như thế nào: nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần.

     

    Có thể nói, làm dấu thánh giá là một trong những bài học giáo lý đầu đời mà cha mẹ đã dạy cho chúng ta, và thực sự đây là một bài học quá tuyệt vời. Chúng ta thử ngẫm xem hiện tại mình thường làm dấu thánh giá khi nào: có thể trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy; có thể trước và sau mỗi bữa ăn; hay trước và sau mỗi lần cử hành phụng vụ…Chúng ta có còn bận tâm để ý đến việc dấu thánh giá nữa chăng! Trong bài viết này, tôi xin chia sẻ với anh chị em về ý nghĩa của dấu thánh giá như một sự nối kết….

     

    Dấu Thánh Giá: con người mong nối kết với Thiên Chúa

    Khi làm dấu thánh giá, mỗi người trong chúng ta thường hiểu ý nghĩa của cử chỉ này: đó là để phó thác nơi Thiên Chúa, để tạ ơn, để xin lỗi, hay để xin ơn trợ giúp từ Thiên Chúa. Những ý nghĩa này rất đúng đắn, nhưng tôi chỉ xin thêm vào một ý nghĩa của việc làm dấu thánh giá: đó là để diễn tả tâm tình của chúng ta và mong ước được nối kết với Ba Ngôi Thiên Chúa: “Lạy Chúa! Con đây!”

     

    Trước hết, chúng ta làm dấu thánh giá như một cử chỉ tuyên xưng lòng tin của chúng ta nơi Thiên Chúa. Qua cử chỉ này, chúng ta cũng xin Thiên Chúa đến trong cuộc đời mình. Sự thực, khi chúng ta làm dấu thánh giá, chúng ta ghi lại những dấu thánh mà chúng ta đã lãnh nhận trong ngày được rửa tội: “Tôi rửa con nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần.” Đây là dấu thánh đã ghi dấu vĩnh viễn trong tâm hồn – chúng ta là con cái Thiên Chúa. Dấu thánh giá thực sự nhắc nhớ chúng ta về căn tính Kitô hữu của mình – chúng ta thuộc về Cha trên trời. Như vậy, khi chúng ta làm dấu thánh giá, chúng ta mở rộng tâm hồn để Chúa đến trong cuộc đời mình trong một tương quan thân thiết.

     

    Ngày nay, chúng ta không còn xa lạ với việc kết bạn và chia sẻ những hình ảnh hay suy nghĩ của mình cho bạn bè trên các trang mạng xã hội. Tương tự, khi chúng ta làm dấu thánh giá, chúng ta một cách nào đó chấp nhận lời ‘yêu cầu kết bạn’ của Thiên Chúa, để Ngài có thể trở nên như một người được nối kết với chúng ta. Như ‘một người bạn’, Thiên Chúa có thể ‘tham dự’ vào cuộc đời của chúng ta nhiều hơn – khi ta chia sẻ cho Ngài những ao ước của mình, rồi những kế hoạch, những khi thất bại, cùng như những niềm vui hạnh phúc trong cuộc đời.

     

    Như vậy, chúng ta ý thức được sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời mỗi khi chúng ta làm dấu thánh giá. Khi chúng ta làm dấu thánh giá, chúng ta đặt bàn tay lên trán, lên ngực, và vai của mình. Tương tự, sau khi nghe công bố Tin Mừng, chúng ta ghi dấu thánh giá lên trán, lên môi miệng và lên ngực chúng ta. Qua những cử chỉ này, chúng ta muốn thưa lên Chúa rằng: tâm trí, con tim, lời nói và hành động của con đều thuộc về Chúa. Điều này có nghĩa chúng ta mong muốn toàn bộ cuộc sống của mình đều thuộc về Chúa – luôn muốn nói lời ‘xin vâng’ với Chúa. Khi hiểu về ý nghĩa của việc làm dấu thánh giá, chúng ta thấy rằng dấu thánh giá quả là một lời cầu nguyện sống động của con người dâng lên Thiên Chúa trong mối tương quan thân tình.

     

    Dấu Thánh Giá: tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa dành cho con người

    Làm dấu thánh là vừa là hành động tuyên xưng đức tin, vừa là lời mời của chúng ta để Thiên Chúa tham dự vào cuộc đời của chúng ta nhiều hơn. Tuy vậy, tôi nói với anh chị em một sự thật đó là, chính Thiên Chúa mới là Đấng đã liên hệ đến cuộc đời của chúng ta trước, khi Ngài ghi khắc dấu thánh trong tâm hồn ta lúc tạo dựng nên con người: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh của mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ.” (St 1,27).

     

    Cũng vậy, con người mang trong mình dấu ấn của Thiên Chúa ngay từ giây phút được phôi thai trong lòng mẹ. Khi đọc những câu chuyện trong Cựu Ước, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa với dân của Người qua biết bao thăng trầm của cuộc sống. Đặc biệt, Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi con người cho dù con người có cứng đầu bất tuân đến đâu đi nữa. Thiên Chúa vẫn tiếp tục sai những ngôn sứ đến với dân và nói lời Thiên Chúa cho họ. Chúng ta có thể có cảm giác rằng Thiên Chúa dường như vẫn còn xa cách với con người, khi chỉ nói với họ qua trung gian các vị ngôn sứ. Thế thì chúng ta nghĩ thế nào khi Thiên Chúa sai chính Con của mình đến thế gian – trở nên một người như chúng ta, và ở với chúng ta? Như vậy, dấu thánh giá nhắc nhớ chúng ta về kế hoạch cứu độ con người của Ba Ngôi Thiên Chúa: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14).

     

    Lạ lùng thay, Thiên Chúa không chỉ đặt những dấu thánh nơi con người, nhưng chính Thiên Chúa đã để cho con người ghi dấu ấn của con người nơi Ngôi Hai Thiên Chúa qua hình ảnh của Hài Nhi Giêsu – nhỏ bé, cần sự chăm sóc dưỡng nuôi từ cha mẹ. Thiên Chúa không chỉ muốn ghé thăm con người trong một thời gian rồi thôi, nhưng Ngài đã muốn đến ở với con người mãi mãi. Thiên Chúa đã thực hiện lời hứa cứu độ không chỉ bằng việc sai Ngôi Lời đến ở với chúng ta, nhưng còn để cứu chúng ta mãi mãi qua cuộc khổ nạn và phục sinh của Ngài. Đức Giêsu Kitô đã mang lại cho chúng ta niềm hy vọng được kết hiệp nên một với Ba Ngôi Thiên Chúa trong nước trời.

     

    Như vậy, không phải chúng ta, mà chính Ba Ngôi Thiên Chúa trước hết là Đấng đã mở lối cho chúng ta được liên kết và được ở với Ngài. Do vậy, mầu nhiệm cứu chuộc của Ba Ngôi Thiên Chúa mang lại ý nghĩa cho cuộc đời chúng ta. Chúng ta phải luôn ghi nhớ ơn huệ lớn lao này mỗi khi chúng ta làm dấu thánh giá. Điều này cũng nhắc nhớ chúng ta rằng cùng đích của chúng ta chẳng phải ở trên thế gian này, nhưng được ở với Ba Ngôi Thiên Chúa trong nước trời. Nếu chúng ta muốn biết Thiên Chúa ao ước muốn ‘kết nối’, muốn ‘ở với’ con người ra sao, chúng ta hãy nhìn lên thánh giá để có thể hiểu hơn về mong ước này.

     

    Dấu thánh giá cho thấy được mối tương liên giữa Ba Ngôi Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa vì yêu thương đã quan tâm, đã liên đới đến con người và mong muốn chia sẻ tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa cho con người. Con người vì vậy cũng thể hiện lòng tin tưởng phó thác của mình nơi Ba Ngôi Thiên Chúa qua cử chỉ của làm dấu thánh giá. Vì vậy, làm dấu thánh giá sự thực là hành vi của đức tin, và là một lời cầu nguyện sống động của chúng ta dâng lên Thiên Chúa.

     

    Thật tuyệt vời khi mỗi người trong chúng ta luôn ý thức được ân huệ cứu chuộc của Ba Ngôi Thiên Chúa mỗi khi chúng ta làm dấu thánh giá. Cũng thật tuyệt vời khi mỗi người trong chúng ta có thể diễn tả đức tin của mình nơi Ba Ngôi Thiên Chúa qua việc làm dấu thánh giá. Tuyệt vời hơn nữa, nếu chúng ta có thể ‘làm dấu thánh giá bằng chính cuộc đời của mình’ – để cho những dấu thánh tình yêu ấy được lan tỏa trong đời sống phục vụ của chúng ta, đặc biệt cho những anh chị em đang rất cần đến tình yêu và sự sẻ chia của chúng ta….

     

    Sáng danh đức Chúa Cha và đức Chúa Con và đức Chúa Thánh Thần, như đã có trước vô cùng, và bây giờ và hằng có, và đời đời chẳng cùng. Amen!

     

    Giuse Hoàng Thanh Phong, S.J.(dongten.net)