2. Cảm Nghiệm Sống Lời Chúa

CẢM NGHIỆM SỐNG NGẮN GỌN - MƠ NGUYỄN

CẢM NGHIỆM SỐNG LC - TGM NGÔ QUANG KIỆT

  •  TGM NGÔ QUANG KIỆT
     

    Ngày 30/12 - THỨ SÁU – Tuần Bát Nhật Giáng Sinh (Lc 2, 36-40)

     

    LỜI CHÚA: Lc 2, 36-40

    Khi ấy, có bà tiên tri Anna, con ông Phanuel, thuộc chi họ Asê, đã cao niên. Mãn thời trinh nữ, bà đã sống với chồng được bảy năm. Rồi thủ tiết cho đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời khỏi đền thờ, đêm ngày ăn chay cầu nguyện phụng sự Chúa. Chính giờ ấy, bà cũng đến, bà liền chúc tụng Chúa, và nói về trẻ Giêsu cho tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Israel.

    Khi hai ông bà hoàn tất mọi điều theo luật Chúa, thì trở lại xứ Galilêa, về thành mình là Nadarét. Và con trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người

    Suy Niệm: Lớn lên trong Chúa

    (TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

    Sức mạnh của thế gian thật khủng khiếp. Nó hấp dẫn. Nó thúc đẩy. Nó chiếm đoạt. Nó thống trị. Nó giống như con thú dữ vồ lấy, cắn xé, ngấu nghiến và tàn phá con người. Nó là sức mạnh tàn phá. Nhưng ai chạy đuổi theo nó cuối cùng chỉ thấy hư vô. Như thánh Gio-an dậy: “Mọi sự trong thế gian như dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt và thói cậy mình có của, tất cả những cái đó không phát xuất từ Chúa Cha, nhưng phát xuất từ thế gian; mà thế gian đang qua đi, cùng với dục vọng của nó”.

    Trái lại sức mạnh của Thiên Chúa thật nhẹ nhàng. Khởi đầu rất mong manh. Như trẻ thơ sơ sinh. Rất yếu ớt. Rất bé nhỏ. Nhưng cứ lớn mãi. Như Chúa Giê-su “ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa”.

    Tiên tri An-na làm chứng về điều đó. Sau 7 năm sống đời hôn nhân ngoài đời, bà càng nhận rõ sự phù du của thế gian. Bà gắn bó với Chúa và với đền thờ suốt cuộc đời. Chuyên chăm hãm mình, ăn chay, cầu nguyện. Từ bỏ cả những gì cần thiết ở đời như việc ăn uống, vui chơi, giải trí. Bà siêu thoát trần gian. Vì bà tìm được niềm vui trong Chúa. Thân xác bà nhỏ bé đi. Nhưng tâm hồn bà lớn mạnh. Bà được mặc khải cho biết khi Chúa Cứu Thế xuất hiện. Vì thế khi Chúa Giê-su được dâng vào đển thờ, lập tức bà nhận ra. “Bà tiến lại gần, cảm tạ Thiên Chúa”. Cảm nghiệm về Chúa quá rõ ràng và phong phú, nên bà, một phụ nữ nghèo nàn tầm thường, có thể “nói về Hài Nhi cho hết thảy những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc giê-ru-sa-lem”.

    Chúa Giê-su chính là mẫu hình lý tưởng của con người. Chúa phát triển mọi mặt. Về thân xác khoẻ mạnh. Để có thể làm việc đêm ngày không ngừng nghỉ. Để có thể chịu cực hình thâu đêm. Sáng vẫn còn vác thánh giá đi lên Núi Sọ. Về trí tuệ thông minh. Kẻ thù nhiều lần gài bẫy. Nhưng không bắt bẻ được điều gì. Trái lại mọi người say mê lời giảng dạy của Chúa. Và Chúa hỏi những câu không ai trả lời được. Đặc biệt về đức hạnh. Không ai chê trách được điều gì. Kẻ thù rình rập đêm ngày. Đến nỗi tuốt một bông lúa họ cũng biết. Vậy mà không tìm được tội nào để kết án Chúa. Chỉ trong Thiên Chúa con người mới có thể phát triển quân bình mọi mặt đến mức thập toàn như thế.

    Xin cho con siêu thoát thế gian. Tìm về bên Chúa. Để con được lớn lên trong Chúa.
    Kính chuyển:
    Hồng
     

CẢM NGHIỆM SỐNG LC - CAC THÁNH ANH HÀI

  •  
    Chi Tran - LEYEN

     
     
     
     


    CÁC THÁNH ANH HÀO TỬ ĐẠO
    Lm. Anthony Trung Thành
    Các Thánh Anh Hài là những trẻ em từ 2 tuổi trở xuống, sống ở vùng Bêlem và các vùng phụ cận, cùng thời với Chúa Giêsu sinh ra. “Các Ngài đã chết vì Chúa Kitô mà không biết. Cha mẹ các Ngài than khóc các Ngài đã chết vì đạo: Chúa Kitô đã làm cho các Ngài tuy chưa biết nói mà cũng trở thành những chứng nhân anh dũng của Người” (X. Bài đọc II, Kinh sách ngày 28/12).
    Khi nghe các nhà chiêm tinh hỏi: “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người. Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao. Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu. Họ trả lời: Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời” (Mt 2, 2-6). Biết được Bê-lem là nơi vua mới sinh ra. Hêrôđê bí mật gặp các nhà chiêm tinh và sai họ đi và dặn họ khi tìm được Hài Nhi thì về báo lại để vua cũng đến bái thờ Người(x. Mt 2, 1-8). Vua nói như vậy không phải thực lòng để đến bái thờ Hài Nhi, nhưng để biết nơi thật sự Hài Nhi sinh ra để tìm cách thủ tiêu Người. Sau khi các nhà chiêm tinh ra đi và gặp Chúa Giêsu, họ không trở lại gặp nhà vua nữa, nhưng tìm lối khác trở về quê hương. Hêrôđê cho rằng mình bị lừa, ông tức giận ra lệnh giết hết tất cả các con trẻ ở Bêlem và các vùng phụ cận từ hai tuổi trở xuống tính từ ngày Chúa Giêsu sinh ra. Đó là tội ác của vua Hêrôđê và là nguyên nhân cái chết của các thánh Anh Hài Tử Đạo.
    Ngày hôm nay, vẫn có những Hêrôđê của thời đại, thậm chí còn ác độc hơn cả Hêrôđê ngày xưa:
    Đó là tội ác phá thai mà thủ phạm chính là những người cha người mẹ, những người cộng tác, các bác sĩ y tá…Tại Việt Nam có khoảng 300 ngàn ca nạo phá thai mỗi năm.
    Đó là những cá nhân và tổ chức khai thác sức lao động và tình dục của các trẻ em. Số liệu của Ban chỉ đạo Phòng chống tội phạm cho thấy, tại Việt Nam, trong giai đoạn 2011-2015, các địa phương đã phát hiện gần 2.000 vụ buôn bán người với hơn 3.800 nạn nhân. Trong đó, trên 85% số nạn nhân là phụ nữ và trẻ em.
    Đó là nạn bạo hành trẻ em trong các gia đình. Theo con số thông kê của Bộ Lao động – Thương binh xã hội, đến nay cả nước có 25 triệu trẻ em, chiếm 29% tổng dân số, trong đó có hơn 1,4 triệu em có hoàn cảnh đặc biệt, hơn 1,2 triệu em bị khuyết tật… Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay là tình trạng ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột trẻ em ở mức báo động. Năm 2009 có 3000 vụ, đến năm 2011 đã tăng lên tới 7000 vụ. Đó là con số được phát hiện, còn con số thực có thể lớn hơn nhiều. Có nhiều hình thức bạo hành: Bạo hành về thể xác, bạo hành về tình dục, bạo hành về tinh thần.
    Trước tình trạng trên của xã hội, để bảo vệ các trẻ em, xã hội cần có những người như Thánh Giuse và Mẹ Maria. Các Ngài là những người trực tiếp bảo vệ Hài Nhi Giêsu khỏi bàn tay độc ác của Hêrôđê. Xã hội cần có nhiều trung tâm chăm sóc những người mẹ cơ nhỡ. Cần nhiều tổ chức biết bênh vực và bảo vệ các trẻ em. Đặc biệt, cần có nhiều người cha người mẹ có trách nhiệm với con cái, tôn trọng sự sống Chúa ban. Thư chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2013 nhắc nhở các gia đình phải có trách nhiệm tôn trọng sự sống như sau: “Gia đình là cộng đoàn phục vụ sự sống, được khơi nguồn từ chính Thiên Chúa Hằng Sống. Vợ chồng Kitô hữu yêu thương nhau bằng một tình yêu mở ra với sự sống, tôn trọng sự sống ngay từ lúc thụ thai, cộng tác với Thiên Chúa Tạo Hóa qua việc sinh con có trách nhiệm, giáo dục con cái nên người tốt và nên con cái Chúa. Gia đình phải là ngôi trường đầu tiên dạy các đức tính nhân bản và đức tin, là thành trì bảo vệ sự sống thể lý cũng như tinh thần của con cái trước sự tấn công của cái ác và cái xấu trong cuộc sống. Vì thế, các bậc cha mẹ phải ý thức trách nhiệm của mình là những nhà giáo dục đầu tiên và không thể thay thế, bằng chính gương sáng của mình”(Số 6).
    Câu chuyện sau đây đáng cho mỗi người chúng ta, nhất là các bà mẹ suy nghĩ: Cách đây 59 năm, Đức cha Zbigevs Stankevis, Tổng Giám mục Riga đã suýt thành người thiên cổ nếu như mẹ của ngài nghe theo lời khuyên của mọi người rằng bà nên phá thai.
    “Lúc đó, bà ấy đã 40 tuổi và một bác sĩ đã đề nghị bà phá thai. Vị bác sĩ nói với mẹ tôi rằng: ‘bà già rồi và việc có thêm một đứa con lúc này không phải là một quyết định khôn ngoan,’” Đức Tổng Giám mục giáo phận Riga nước Latvia kể lại.
    Mẹ của ngài đã quyết định sinh em bé. Sau này, bé trai đó đã trở thành Tổng Giám mục của giáo phận Riga.
    Hàng trăm phụ nữ ở Latvia đang phải đối mặt với tình trạng khó xử như mẹ của ngài cách đây hàng thập kỷ. Năm 2002, chính phủ thông qua đạo luật ủng hộ phá thai. Để phản đối, ngài đã viết một bài có tựa đề “Tại sao tôi may mắn?”
    “Tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của tôi vì người ta đã đề nghị giết chết tôi ngay trong dạ của mẹ tôi. Nhưng mẹ tôi đã khước từ đề nghị đó và vì thế tôi sống. Tôi có thể sống để hoàn thành ơn gọi và sứ mệnh của tôi trong thế giới này. Và nếu tôi bị giết chết ngay trong dạ mẹ hôm nay sẽ có một giám mục khác ở Riga.” Đức cha Zbigevs Stankevis nói.
    Mặc dù việc mang thai có nhiều khó khăn nhưng Đức Tổng Giám mục nhấn mạnh rằng vẫn có những lựa chọn khác thay vì phá thai vì những người mẹ có thể giải quyết được những khó khăn ấy.
    (Chuyển ngữ: Chỉnh Trần, S.J. Romereports.com)
    Lạy Chúa, chúng con cám tạ Chúa đã ban cho chúng con sự sống. Có lẽ không ai trong chúng con muốn chấm dứt cuộc sống của mình. Thế mà, có rất nhiều người lại muốn kết thúc sự sống của những kẻ khác, đó là các trẻ em vô tội. Nhờ lời chuyển cầu của các thánh Anh Hài tử đạo, xin cho mỗi người chúng con biết tôn trọng sự sống của mình và biết bảo vệ sự sống của người khác. Amen
    Suy niệm
    GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
    Mừng lễ các thánh anh hài, những em bé đã chết vì sự ghen tương của Hêrôđê với một “vị Vua” mới mà ông được biết là vừa được sinh hạ trong thành Belem. Hêrôđê sợ rằng ngài vàng của mình sẽ bị vị Vua mới sinh thâu tóm, và vì không biết chính xác vị Vua mới sinh ấy là ai, nên ông đã ra lệnh để cho thuộc hạt tàn sát tất cả các trẻ nhỏ trong vùng tính từ 2 tuổi đổ xuống. Và thế là các trẻ thơ vô tội đã chết vì lòng ghen tương và đam mê quyền lực của Hêrôđê. Và các trẻ ấy đã được gọi là thánh Anh Hài, những trẻ thơ đã chết thay cho Chúa Giêsu năm xưa.
    Mừng kính các thánh Anh Hài, những trẻ thơ vô tội đã chết vì Chúa, Giáo Hội muốn mời gọi chúng ta cần biết trân trọng quà tặng sự sống mà Thiên Chúa ban cho con người. Hãy đừng vì tính ích kỷ và lòng ghen tương mà tước đi mạng sống của người khác, nhất là của những trẻ thơ vô tội.
    Theo báo cáo của Bộ Y tế, tại Việt Nam, mỗi năm cả nước có khoảng 250.000-300.000 ca phá thai được báo cáo chính thức. Trong đó, tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp Việt Nam vào danh sách một trong năm nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới và là nước có tỷ lệ phá thai cao nhất Châu Á (Báo Pháp luật ngày 29/6/2017). Báo cáo này cho chúng ta thấy một con số rất lớn “các anh hài” thời nay đã chết vì tính ích kỷ của con người, nhất là của chính cha mẹ chúng.
    Phá thai không chỉ là một tội trọng phá vỡ tương quan tình yêu của chúng ta với Thiên Chúa, người phạm tội phá thai còn mặc một hình phạt do Giáo Hội ấn định đó là mắc vạ tuyệt thông tiền kết. Nghĩa là những ai thực thi việc phá thai có kết quả thì mắc vạ này. Người mắc vạ tuyệt thông không được tham dự cuộc cử hành hiến tế Thánh Thể và mọi nghi thức phụng vụ với tư cách thừa tác viện và không được cửa hành các bí tích hay á bí tích và lãnh nhận các bí tích (GL đ. 1331). Do đó, người phạm tội phá thai không chỉ cần lãnh nhận bí tích Giao Hoà, nhưng còn phải xin ơn xoá vạ do tội mình đã phạm.
    Lạy Chúa, ngày xưa các thánh Anh Hài đã chết chỉ vì sự ghen tương độc ác, nhưng hôm nay biết bao trẻ thơ vô tội lại chết vì sự ích kỷ của chúng con. Xin Chúa ban ơn hoán cải và trợ giúp để chúng con biết mở lòng ra trân trọng đón nhận và yêu quí quà tặng sự sống mà Chúa bạn cho chúng con. Amen.
    I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ
    Các Giáo Hội phương Đông và phương Tây mừng kính Các Thánh Anh Hài trong những ngày tiếp theo lễ Giáng Sinh. Lễ này đã được chứng thực lần đầu tiên bởi thánh Phêrô Kim Ngôn ở phương Tây vào nửa đầu thế kỷ V, sau đó bởi lịch Carthagô và sách Tử Đạo của thánh Hiêrônimô.
    Tường thuật về cuộc thảm sát các thánh Anh Hài theo lệnh vua Hêrôđê Cả được viết trong Tin Mừng Mátthêu (2, 16-18). Theo sách Tin Mừng này, vua Hêrôđê Cả vì muốn khử trừ Chúa Giêsu mà Ba Vua đã loan báo là vị “Vua dân Do Thái”, nên đã nổi cơn cuồng nộ và sai lính đi giết tất cả trẻ dưới hai tuổi ở Bethlehem và trong khắp vùng (2, 16).
    Thánh Mátthêu trình bày cuộc sát hại này như là để ứng nghiệm một sấm ngôn của ngôn sứ Giêrêmia: Tại Rama nổi lên tiếng kêu la than khóc: đó là tiếng của bà Rachel than khóc các con mình và không để ai an ủi, vì con bà không còn nữa (2, 18).
    Cuộc tử đạo của các thánh Anh Hài là một chủ đề quen thuộc của khoa tranh ảnh thánh Kitô giáo: trên cửa và cung hợp xướng Nhà Thờ Đức Bà (Paris); các tấm thảm về Cuộc Đời Đức Mẹ ở Beaune (Bờ Biển Vàng); các phù điêu của Giotto (Padua), của Tintoret (Venise), của Rubens (Munich), Poussin (Paris, Petit Palais) . . .
    II. Thông điệp và tính thời sự
    Khi ca mừng các hài nhi bị Hêrôđê sát hại như là những anh hùng tử đạo, phụng vụ giúp chúng ta thấu hiểu bản chất của chứng tá tột đỉnh này. Cũng giống như phép Rửa, chứng tá này trước hết là một ơn ban không của Thiên Chúa cho những trẻ sơ sinh.
    Lời Nguyện của ngày, các thánh Anh Hài đã loan báo vinh quang Chúa “chỉ bằng cái chết của các em”. Lời tung hô của Tin Mừng cũng nhấn mạnh cùng một khía cạnh của mầu nhiệm này: “Chúa là Đấng các thánh anh hài tử đạo làm chứng.” và Điệp ca 2 của Kinh Sáng thêm: “Các em làm chứng cho Thiên Chúa bằng cái chết của mình, các em ca khen Thiên Chúa dù chưa biết nói thành lời.” Như thế, khi làm sáng tỏ bản chất cuộc sát hại các thánh Anh Hài, phụng vụ tạo ý nghĩa cho vô số các cuộc tử đạo còn đang tiếp diễn trên thế giới qua dòng lịch sử.
    Thiên Chúa có đáp lời cho cuộc tử đạo của các hài nhi không ? Thánh thi Giờ Kinh Sách hát lên: “Tại sao Người mãi lặng thinh, / ôi Thiên Chúa bí ẩn, / Khi các hài nhi ngã gục dưới lưỡi gươm ? (đoạn 1). Chính trong cái chết của các ngài, các thánh anh hài tử đạo của Bêthlehem đã được cứu thoát bởi Đấng vừa sinh ra, Đấng mà một ngày kia sẽ trao hiến “cả thân mình cho đao phủ” (đoạn 2) và ban ơn tha thứ “cho cánh tay vấy máu” (đoạn 3). Các thánh Anh Hài chỉ là những “hoa quả đầu mùa dâng lên cho Thiên Chúa và Chiên Con” (điệp ca Giờ Kinh Sách và ca hiệp lễ). Cho dù “không thể tuyên xưng danh Con Thiên Chúa, các ngài đã được vinh quang nhờ ơn sủng cuộc sinh ra của Người” (Lời Nguyện sau hiệp lễ). Thiên Chúa là nguồn cứu độ cả cho những ai không có khả năng nhận biết Người (xem Lời Nguyện trên lễ vật).
    Thánh Quodvultdeus, giám mục Carthagô († 453), đã kêu lên: “Hỡi Hêrôđê, ông sát hại những thân xác yếu đuối này vì nỗi sợ đã giết chết quả tim ông … Những hài nhi bé nhỏ này chết vì Chúa Kitô mà không biết, và những trẻ thơ còn chưa biết nói, thì Chúa Kitô đã biến các em thành những chứng nhân của Người… Đây Đấng Giải phóng đã thực hiện sự giải phóng, và Đấng Cứu Độ đã mang đến ơn cứu độ.”Vì thế, việc tử đạo cũng giống như phép Rửa, trước hết là hoa quả của ân sủng, nghĩa là một tặng phẩm ban không mà Thiên Chúa dành cho những hài nhi chưa có khả năng hiểu biết, nhưng là đối tượng của tình yêu và ơn cứu độ của Người. Thế nên vị thánh giám mục Carthagô đã bình luận: “Cao cả thay quà tặng của ân sủng! Các ngài được ơn cứu độ chỉ là nhờ ân sủng Thiên Chúa ban không, vì thế các hài nhi bị giết vì Đức Kitô đi theo Con Chiên rất tinh tuyền; các ngài không ngừng ca hát: Vinh danh Người, lạy Chúa !”(Giờ Kinh Sách và điệp ca của kinh Benedictus)
    Không có mô tả ảnh.
     
     
     

    Log in or sign up to view

    See posts, photos and more on Facebook.

     
     
     
    1010
     
    1 lượt chia sẻ
     
    Chia sẻ
     
     
     

CẢM NGHIỆM SỐNG LC - LM TẠ DUY TUYỀN - CN GIÁNG SINH

  •  LM TẠ DUY TUYỀN
     

    Suy Niệm Lời Chúa, Chúa Nhật Giáng Sinh 25/12/2022

    Mỗi dịp Giáng sinh về ta lại được nghe những bài hát thánh ca giáng sinh với những cung nhạc du dương đầy cảm xúc về một ước mơ hòa bình cho nhân thế. Nhưng hình như cứ hết mùa Noel này tới mùa Noel khác con người vẫn khao khát chờ mong hòa bình, và vẫn thổn thức với tiếng nguyện cầu ai oán thưa lên với Đấng cứu tinh sao chậm mưa xuống ơn an bình cho nhân thế như lời bài hát “Bài Thánh Ca Buồn” cứ dồn dập vang lên:

    “Lời nguyện cầu Chúa có nghe không, sao bây giờ mình hoài xa vắng”. Chúa có nghe không? Sao cuộc đời vẫn còn đó những chia ly ngăn cách vì chiến tranh, vì hận thù, và hôm nay vẫn còn đó những bạn trẻ bỏ quê hương, bản quán đến với phương trời xa lạ để kiếm ăn, và bòn nhặt từng đồng gửi về quê hương?

     Rồi nhìn ra thế giới với chiến tranh bom đạn vẫn xé tan màn đêm”

    Đạn xé không trung đêm đừng đêm vẫn nghe

    Từng lớp trai đi cho ngày mai vẫn đi

    Đêm nay Người xuống đời

    Xin đem nguồn vui tới

    Những đôi môi lạnh đã lâu không cười.

    Và chính trong hoang tàn chết chóc ấy, ta thấy chạnh lòng thương cho những mái đầu xanh vô tội:

    Lạy Chúa con còn lứa tuổi học sinh

    Vì cha là lính con thiết tha xin

    An vui cho người đầu tuyến

    Trẻ thơ yên tâm sách đèn

    Để mẹ hiền con hết ưu phiền.

    Đêm Noel ta còn nghe đâu đó tiếng nguyện cầu của người ngoại đạo. Dầu không cùng tôn giáo, nhưng cùng niềm tin có Một Đấng ở trên cao:

    Lạy Chúa con là người ngoại đạo

    Nhưng con tin có Chúa ở trên trời

    Trong lòng con giữa màu hoa trắng

    Cứu rỗi linh hồn con Chúa ơi!

    Vâng, thưa anh chị em, lời nguyện cầu của nhân loại vang lên dường như không có một lời nào mà Thiên Chúa không nhìn đến. Bởi vì Ngài đã từng nói “một sợi tóc trên đầu con rơi xuống, Ta cũng đều biết”. Ngài sẵn sáng cúi xuống cứu vớt những ai kêu cầu Ngài. 

    Tuy bình an của Chúa đã ban xuống cho nhân thế, nhưng bình an chỉ đến cho những người thiện tâm như lời thiên sứ đã loan tin: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm’. Muốn có bình an thì tâm mình phải thuộc về Chúa. Tâm con người cần được tháo cởi khỏi những giận hờn, ghen ghét, bất hòa, lừa lọc dối gian . .. . Khi tâm ngay lành thì bình an của Chúa sẽ ngự trị trọn vẹn trong tâm hồn chúng ta.  Tâm bất chính thì dù có bao mùa noel qua đi thì lòng người vẫn ngổn ngang lo lắng trăm chiều.

    Đồng thời, những lời cầu xin của chúng ta có thực sự là xuất phát từ niềm tin mãnh liệt về một Đấng Emanuel đang ở cùng chúng ta hay không? Nếu đủ lòng tin thì điều ta xin sẽ trở thành hiện thực như lời Chúa đã nói: “Thầy bảo thật anh em: nếu có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này rời khỏi đây, qua bên kia! Nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được”

    Lòng tin mà Đức Giêsu đòi nơi các môn đệ là chính thái độ phó thác hoàn toàn, thái độ cho phép chính Thiên Chúa biểu lộ quyền năng của Người.

    Tiếc thay nhiều người hôm nay vẫn chưa đủ tin vào Thiên Chúa đang ở cùng chúng ta. Trong biết bao lời cầu nguyện họ vẫn xin Chúa ở cùng người này đang đi xa, Chúa ở cùng gia đình này đang vất vất, Chúa ở cùng con khi con đang khó khăn .  . .

    Và hình như đại đa số chúng ta cũng chưa đủ xác tín điều này, nên tôi và quý vị đã rất nhiều lần cầu nguyện với Chúa rằng: “Chúa ơi, xin Chúa ở cùng con …”

    Và mỗi lần như thế Chúa lại buồn và nói con đã quên mất lời Ta đã nói “Và này, Ta sẽ  ở cùng các ngươi mọi ngày cho đến tận thế”  (Mt 28,20). Vì Ta là Đấng Emanuel nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

    Xin cho con đủ đức tin vào sự hiện diện của Chúa luôn ở cùng chúng con để niềm vui và bình an trong đêm giáng sinh và mọi ngày trong đời con luôn vui tươi hạnh phúc vì có Đấng Emanuel ở cùng chúng con. Amen

    Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

    Kính chuyển:
    Hồng